Chương 1: Khám phá Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính
coChương đầu tiên của GCED có tên "Khám phá Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính", kéo dài trong 21 tiết (bao gồm 1 tiết giới thiệu Chương trình). Chương này đóng vai trò “xây dựng nền tảng” cho HS không chỉ trong giai đoạn HỌC đầu tiên mà còn cho suốt 1 năm học môn GCED.
Đúng như tên gọi, chương này có 2 nội dung chính sau:
- 5 Lăng kính: hiểu một cách đơn giản thì Lăng kính chính là những khía cạnh, góc nhìn, hoặc cách tiếp cận khác nhau khác nhau về 1 vấn đề. Nói cách khác, "nhìn nhận" một vấn đề thông qua 1 Lăng kính đồng nghĩa với việc HS sẽ chỉ tập trung vào 1 khía cạnh cụ thể của vấn đề này.
- Chủ đề trọng tâm: là các vấn đề toàn cầu mà cả thế giới đang quan tâm. Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh tồn & phát triển của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trên thế giới theo những cách khác nhau. GCED được triển khai ở 12 khối lớp, và mỗi khối lớp sẽ được tiếp cận với một Chủ đề trọng tâm/vấn đề toàn cầu khác nhau.
Ở mỗi khối lớp, học sinh sẽ tiếp cận các Chủ đề trọng tâm (vấn đề toàn cầu) một cách toàn diện dưới 5 Lăng kính khác nhau. Cách tiếp cận như vậy là biểu hiện của phương pháp Học qua Hiện tượng, cho phép người học có được góc nhìn đa chiều, khách quan về vấn đề toàn cầu, từ đó hướng tới những cách giải quyết bền vững cho vấn đề mình đang tìm hiểu. Đồng thời, HS sẽ dần hình thành được kiến thức, hiểu biết một cách toàn diện, sâu rộng hơn về vấn đề.
Lưu ý:
|
5 Lăng kính
5 Lăng kính là gì, yêu cầu như thế nào?
Như đã nói ở trên, 5 Lăng kính chính là 5 khía cạnh, góc nhìn, hoặc cách tiếp cận khác nhau khác nhau về 1 vấn đề. Nói cách khác, "nhìn nhận" một vấn đề thông qua 1 Lăng kính đồng nghĩa với việc HS sẽ chỉ tập trung vào 1 khía cạnh cụ thể của vấn đề này. Trong GCED, 5 Lăng kính này là:
- Lăng kính 1: Tư duy Toàn cầu (Global Mindedness).
- Lăng kính 2: Tư duy Hệ thống (Systems Thinking)
- Lăng kính 3: Tư duy Phản biện (Information Criticality)
- Lăng kính 4: Đổi mới Sáng tạo (Innovation)
- Lăng kính 5: Cộng tác (Collaboration)
Dưới đây là mô tả chung về những yêu cầu dành cho HS trong mỗi Lăng kính:
Tư duy Toàn cầu
- Hiểu rằng vấn đề toàn cầu (1) là những vấn đề lớn, xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, (2) ảnh hưởng tới nhu cầu, quyền, lợi ích chung của con người, và (3) trầm trọng hóa sự bất bình đẳng vốn đã diễn ra trong xã hội
- Hiểu rằng con người trên thế giới có đặc điểm khác nhau, nên sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau từ vấn đề.
- Hiểu rằng vấn đề toàn cầu có thể ảnh hưởng tới mỗi cá nhân, gián tiếp hoặc trực tiếp.
Tư duy Hệ thống
- Hiểu rằng vấn đề toàn cầu thường rất phức tạp, có thể xảy ra/ được duy trì bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố tương tác, thúc đẩy lẫn nhau, tạo ra những vòng lặp khiến việc giải quyết không hề đơn giản.
- Xác định các nguyên nhân của vấn đề toàn cầu và cách những nguyên nhân này tương tác với nhau để duy trì vấn đề (tạo ra vòng lặp).
- Hiểu rằng giải pháp phải mang tính hệ thống, nghĩa là cân nhắc tới nhiều nguyên nhân, vòng lặp khác nhau đang duy trì vấn đề.
- Phân tích các giải pháp có sẵn: Giải pháp có mang tính hệ thống hay không? Hạn chế của nó là gì?
Tư duy Phản biện
- Tiếp xúc với các quan điểm trái chiều về vấn đề toàn cầu.
- Nhận biết, xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quan điểm/thông tin (động cơ, giả định, định kiến, v.v).
Đổi mới Sáng tạo
- Sử dụng một quy trình đơn giản để lên ý tưởng giải quyết vấn đề toàn cầu.
- Xác định/dự đoán các rủi ro/rào cản có thể gặp khi triển khai giải pháp cho vấn đề.
Cộng tác
- Hiểu rằng những nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân không thể giải quyết triệt để các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự cộng tác của các cá nhân/tổ chức/bộ máy, đến từ nhiều lĩnh vực/xuất xứ khác nhau.
- Xác định các tổ chức/mạng lưới tổ chức đang hoạt động để giải quyết vấn đề toàn cầu để học hỏi/tham gia/tìm kiếm hỗ trợ.
- Thảo luận về một số cách tổ chức/tập hợp đám đông, cộng đồng để giải quyết vấn đề toàn cầu.
Lưu ý: Việc hình thành các tư duy tương ứng với các lăng kính hay đạt được yêu cầu cần đạt dưới đây nên được coi là mục đích của quá trình học tập GCED nghiêm túc trong 12 năm học, không phải là của một vài bài học trong một khóa. Tức là, không phải cứ được học về cách phân biệt nguồn đáng tin và nguồn không đáng tin trong 1, 2 tiết nghĩa là học sinh đã có được tư duy phản biện, hay được giới thiệu quy trình thiết kế thì học sinh sẽ phải nghĩ ra được những ý tưởng chưa ai nghĩ tới bao giờ. Đây là điều không tưởng.
Trong thời lượng có hạn của GCED, chương trình chỉ có thể cho phép học sinh tiếp xúc với một vài khía cạnh hay biểu hiện của mỗi loại tư duy. Từ những trải nghiệm này, học sinh bắt đầu hình thành và hoàn thiện cách hiểu và cách áp dụng những lối tư duy đó. |
Vì sao cần 5 Lăng kính này? Vì sao phải nghiên cứu, khám phá vấn đề qua nhiều khía cạnh, lăng kính khác nhau?
Đẩu tiên, phải khẳng định rằng: 5 Lăng kính (mà GCED muốn truyền tải cho HS) là một loại công cụ để giải quyết vấn đề.
Không chỉ đóng vai trò là các khía cạnh khác nhau để học sinh có cái nhìn đa chiều về Chủ đề trọng tâm, 5 Lăng kính này còn là tấm lá chắn, là hệ miễn dịch giúp học sinh (và cả thầy cô) bảo vệ bản thân khỏi những sai lầm thường gặp khi tiếp cận và giải quyết vấn đề toàn cầu, hay rộng hơn là các vấn đề trong cuộc sống. Việc giải quyết vấn đề (dù là vấn đề lớn hay nhỏ, vấn đề địa phương hay vấn đề toàn cầu) cũng nên trải qua một số bước nhất định, và cân nhắc một số yếu tố nhất định. Đó là lý do vì sao phải "khám phả Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính", chứ không phải chỉ đơn thuần là "Khám phá Chủ đề trọng tâm".
Thử nhìn vào một ví dụ tương đối quen thuộc khi vấn đề không được xem xét một cách nghiêm túc như sau: Cứ gắn đến lúc triển khai “dự án cộng đồng”, thầy cô và học sinh thường dễ nghĩ tới những giải pháp quen thuộc nhất, dễ dàng nhất mà ai cũng có thể đề xuất: Cần làm gì đó để bảo vệ môi trường? Đi nhặt rác, phân loại rác. Cần làm gì đó để giúp đỡ người nghèo? Quyên góp tiền, quần áo.
Để ý rằng những giải pháp này bỏ qua hoàn toàn các bước tìm hiểu, cân nhắc về hiện trạng, nguyên nhân hay kinh nghiệm rút ra từ giải pháp đã được thực hiện. Những giải pháp này không sai, nhưng chắc chắn không tối ưu, và cũng không giải quyết được triệt để vấn đề cho bất kỳ ai. Chúng ta không muốn hình thành cho học sinh lối suy nghĩ “mình có ý tốt, mình làm gì đó là được rồi.” Nếu đã quyết định thiết kế và triển khai một dự án, học sinh và thầy cô cần nghiêm túc về việc tạo ra những giá trị thực sự, chứ không phải chỉ đang chạy KPI hay làm cho có.
5 Lăng kính này hướng tới việc giải quyết 5 vấn đề gì?
Những trở ngại, sai lầm thường gặp khi tìm giải pháp cho vấn đề là gì? Các lăng kính có thể giúp như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về vì sao 5 Lăng kính này lại được lựa chọn để trở thành phương tiện giúp học sinh tìm hiểu vấn đề và đưa ra giải pháp hiệu quả, hãy cùng phân tích một số trở ngại và sai lầm mà chúng ta hay mắc phải dưới đây khi giải quyết vấn đề. Lưu ý rằng ứng dụng của 5 lối tư duy (5 Lăng kính) này không chỉ gói gọn trong phạm vi môn GCED hay các vấn đề toàn cầu; thực tế, chúng hoàn toàn có thể được áp dụng cho các vấn đề trong cuộc sống.
Vấn đề 1: Không hiểu rõ về tầm ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của vấn đề
Khi một vấn đề được đưa ra, chúng ta có xu hướng mặc định rằng vấn đề tồn tại, vì nếu ai đó đã nói rằng đây là vấn đề, chắc hẳn họ đã có cơ sở tốt để khẳng định đây là vấn đề. Trên thực tế, xác định sai vấn đề hoặc đánh giá chưa chính xác mức độ quan trọng của vấn đề là một điều thường xuyên xảy ra. Vậy nên ta cần phải xây dựng được một phản xạ để tự đánh giá vấn đề và hình thành ý kiến riêng của mình về việc đây có thực sự là một vấn đề cần giải quyết hay không.
Nhất là đối với những vấn đề mà truyền thông đề cập đến rất nhiều (như đói nghèo và biến đổi khí hậu chẳng hạn), ta dễ trở nên “chai lì” với chúng và cảm giác không cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng nữa, nghĩ ra giải pháp mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc nghiêm túc nghiên cứu tình trạng của vấn đề ở nhiều địa điểm khác, với những cộng đồng khác là cơ hội để xác nhận cho chính bản thân mình liệu đây có thực sự là một vấn đề đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người và thậm chí của chính bản thân mình hay không. Với học sinh Vinschool, điều này càng quan trọng vì phần lớn các em còn nhỏ tuổi, chưa được tiếp xúc trực tiếp với các vấn đề mang tính vĩ mô, đồng thời đang được sống một cuộc sống khá bình yên, không bị ảnh hưởng hoặc không nhận thức được việc mình đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ấy. Việc cho các em thấy về hiện thực-tương lai không mấy tươi đẹp khi các vấn đề này chưa được giải quyết sẽ giúp các em quan tâm về vấn đề và nghiêm túc hơn trong việc đi tìm giải pháp.
Lăng kính “Tư duy Toàn cầu” sẽ mở ra cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng vấn đề, cho phép học sinh so sánh thực trạng của vấn đề ở nhiều nơi khác nhau, từ đó hiểu được tầm ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cũng vì đây là những vấn đề lớn, có khả năng tác động tiêu cực đến tất cả mọi người, học sinh hiểu rằng mình không phải là ngoại lệ - vấn đề này sớm hay muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến bản thân em và những người thân/ xung quanh em, vì thế em cần dành sự quan tâm xứng đáng cho vấn đề ấy.
Vấn đề 2: Không nhận thức được hoặc không công nhận tính phức tạp của vấn đề
Nghĩ về trường hợp sau: con làm vỡ một bình cắm hoa của mẹ, và mẹ mắng con nhiều hơn rất nhiều so với mọi lần con làm đổ vỡ vật gì đó khác, dù con đã từng làm vỡ vật có giá trị hơn rất nhiều. Thế thì lý do ở đây là gì? Chiếc bình đó có ý nghĩa đặc biệt gì với mẹ? Mẹ đang căng thẳng ở công ty nên tâm trạng không tốt, dễ nổi nóng và không kiểm soát được bản thân? Dạo này con thường xuyên không nghe lời mẹ, và chiếc bình là giọt nước tràn ly? Hay là một sự kết hợp của nhiều lý do trên? Một vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt cũng có thể có nhiều lớp lang, do đó việc hiểu rằng một vấn đề có thể có nhiều nguyên nhân và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề ấy một cách hiệu quả.
Đối với một vấn đề phức tạp và/hoặc đã tồn tại lâu dài (như vấn đề toàn cầu chẳng hạn), thông thường sẽ có rất nhiều nguyên nhân đang góp phần duy trì vấn đề này. Một giải pháp tốt cho những vấn đề như vậy đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng không những một loạt những nguyên nhân nổi bật mà còn cả sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau của những nguyên nhân này. Thử phân tích nhanh vấn đề nghèo đói: một số nguyên nhân thường thấy có thể là thiếu cơ hội việc làm, thiếu cơ hội học tập, hay điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Để ý rằng, thiếu cơ hội việc làm và thiếu cơ hội học tập có mối liên kết chặt chẽ với nhau: nghèo đói làm giảm khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng, hay thậm chí là không thể học tập liên tục, dẫn đến ít cơ hội việc làm tốt hơn, khiến người nghèo không thoát được khỏi mức thu nhập thấp để cải thiện cuộc sống. Một yếu tố khác ít được nhắc tới hơn khi nói về đói nghèo là sức khỏe: người nghèo thường có điều kiện sống thấp, không được chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả, dẫn đến việc dễ đau ốm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lao động và tạo ra thu nhập, không những vậy còn tốn nhiều khoản chi phí cho việc chữa bệnh, khiến nghèo lại càng nghèo. Và vòng lặp cứ thế tiếp diễn cho đến khi có một giải pháp có thể phá vỡ, hay làm gián đoạn vòng lặp ấy.
Lăng kính “Tư duy Hệ thống” tập trung vào mổ xẻ vấn đề một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra giải pháp: bằng cách cho học sinh phân tích nguyên nhân cũng như sự tương tác, duy trì lẫn nhau của các nguyên nhân, lăng kính giúp định hướng học sinh tới một giải pháp mang tính hệ thống, có thể giải quyết hay làm giảm nhẹ vấn đề một cách hiệu quả thay vì chấp nhận bất kỳ giải pháp nào.
Vấn đề 3: Tiếp nhận thông tin (về vấn đề) mà không có chọn lọc
Để giải quyết vấn đề hiệu quả, chúng ta cần có đủ những thông tin, dữ kiện đáng tin cậy và khách quan. Mặc dù vậy, ngày nay việc phát tán quá dễ dàng khiến cho thông tin tràn ngập mọi nơi; ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận với đủ mọi loại thông tin chỉ sau một vài giây tìm kiếm. Đây là con dao hai lưỡi - con người có thể nâng cao hiểu biết của mình nhanh chóng, dễ dàng hơn, nhưng đồng thời nếu không cẩn thận sẽ dễ rơi vào mê cung thông tin và đặt niềm tin sai chỗ vào những “sự thật” sai lệch, chưa được kiểm chứng, hoặc thậm chí dùng để điều hướng dư luận. Đánh giá được độ chính xác của thông tin, biết được ai là người tạo ra/lan truyền thông tin đó cũng như mục đích/động cơ của họ sẽ giúp chúng ta đưa ra được những quyết định, quan điểm đúng đắn nhất.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện ngụy tạo “bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ mắc COVID cứu sản phụ sinh đôi” vào năm 2021. Đánh trúng vào tâm lý hoang mang, đau thương của người dân giữa thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, câu chuyện được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và gây chấn động mạng xã hội. Rất nhiều người đã để cảm xúc lấn át, không xác thực chi tiết của câu chuyện kỹ càng mà ngay lập tức tin tưởng, lan truyền, thậm chí gửi tiền ủng hộ cho nhóm thiện nguyện “Nhóm 82” - được cho là tổ chức “bác sĩ Khoa” tham gia để giúp đỡ bệnh nhân COVID-19. Tất cả đều ngã ngửa khi câu chuyện của bác sĩ Khoa hoàn toàn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, được nhào nặn ra với mục đích kêu gọi từ thiện. Tạm thời chưa nói đến việc nhóm đó có thực sự sử dụng tiền quyên góp vào việc hỗ trợ những người cần được giúp đỡ hay không, nhưng sự thật là rất nhiều người đã mù quáng tin vào những thông tin trôi nổi, không được kiểm chứng để hành động.
Lăng kính “Tư duy phản biện” nhắc nhở về sự tồn tại của thông tin, quan điểm sai lệch, thiếu khách quan, đồng thời xây dựng cho học sinh một “hệ miễn dịch” trước lượng thông tin khổng lồ về vấn đề mà học sinh có thể tiếp cận được, tạo cơ hội tốt nhất để học sinh có thể đưa ra được quyết định hợp lý dựa trên nền tảng đầy đủ thông tin đáng tin cậy.
Vấn đề 4a: Hiểu nhầm rằng giải pháp cho vấn đề là phải sáng tạo, và phải là một giải pháp chưa ai nghĩ tới, chưa ai từng làm
Sáng tạo không nhất thiết có nghĩa là tạo ra các khái niệm và ý tưởng nguyên bản từ con số không; thực chất loại sáng tạo này hiếm khi xảy ra. Trên thực tế, sáng tạo có thể đơn giản là cải tiến, thay đổi một (vài) ý tưởng có sẵn để tạo ra một ý tưởng hay sản phẩm khác. Thầy cô đã bao giờ nghe về sản phẩm tên là Slanket (hiểu nôm na là Chăn có Ống tay) chưa? Nếu chưa, thì nó trông như thế này:
Chăn và ống tay thì chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai, nhưng ai đó đã nhận ra nhu cầu (hay vấn đề cần giải quyết) của người tiêu dùng về việc vừa muốn đắp chăn cho ấm, lại vừa muốn cánh tay có thể thoải mái di chuyển nhằm thực hiện các việc khác, như là làm việc trên laptop, uống nước, hoặc ăn vặt. Nhu cầu, hay vấn đề này đã dẫn đến sự kết hợp giữa chăn và ống tay, mà cha đẻ của sản phẩm này không hề phải phát minh ra tấm chăn hay ống tay trước để ghép lại thành sản phẩm của mình.
Ở môn GCED nói riêng, học sinh phải đưa ra những câu hỏi, giải pháp của riêng mình, và chúng ta nên “thả lỏng” mong đợi một chút: các con không cần phải nghĩ ra cái gì đó hoàn toàn mới hay thực sự khác biệt. Ngược lại, học sinh nên được khuyến khích xây dựng ý tưởng của mình dựa trên những gì mà người khác đã làm rồi: cái gì hiệu quả thì mình học hỏi, cái gì không hiệu quả thì xem xét để không đi vào vết xe đổ. Giống như vĩ nhân thế giới Isaac Newton từng nói: “Nếu tôi có thể nhìn xa hơn, đó là bởi vì tôi được đứng trên vai của những người khổng lồ” — việc công nhận và cân nhắc về thành quả hay thất bại của những người đi trước sẽ giúp học sinh tiến nhanh hơn tới mục tiêu của mình nhờ tránh được lãng phí thời gian, công sức cố sáng chế ra thứ mà thực chất đã được người khác hoàn thiện.
Lăng kính Tư duy Hệ thống tạo điều kiện để học sinh khám phá, tiếp cận với những giải pháp đã được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau trong nỗ lực giải quyết vấn đề. Những giải pháp có sẵn này sẽ đóng vai trò nền tảng trong quá trình học sinh xây dựng và phát triển giải pháp của bản thân mình trong lăng kính “Đổi mới sáng tạo.”
Vấn đề 4b: Hiểu nhầm rằng giải pháp cho vấn đề là phải sáng tạo, và do đó không cần bám theo khuôn khổ nào
Nhắc đến sáng tạo, người ta thường dễ mường tượng ra một môi trường làm việc phóng khoáng, bỏ qua mọi rào cản. Đây là một hiểu lầm khá phổ biến - kể cả những công việc mang tính nghệ thuật rất cao như hội họa, người họa sĩ cũng không bao giờ có được sự tự do tuyệt đối: họ cần đi qua các bước với thứ tự nhất định (ví dụ phải có ý tưởng trước, sau đó lên kế hoạch cho bố cục, cuối cùng mới là thực hiện chi tiết), đồng thời phải điều chỉnh tác phẩm của mình theo những giới hạn nhất định (chẳng hạn như tính chất của chất liệu đang được sử dụng hay kích thước của sản phẩm). Nếu không có trình tự công việc cụ thể và làm ngơ những giới hạn, quá trình sáng tạo sẽ dễ trở nên hỗn loạn, có khi chẳng dẫn đến được một sản phẩm nào cả.
Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta cố gắng tìm ra một giải pháp cho vấn đề. Không phải cứ nhìn đủ lâu vào vấn đề và để trí tưởng tượng thả sức bay bổng, “bắt” lấy bất kỳ giải pháp nào xuất hiện trong đầu thì sẽ cho ra đời giải pháp tốt nhất. Để giải pháp được đưa ra là tối ưu, một số công việc thiết yếu sẽ cần được thực hiện trước như: (a) xác định vấn đề, (b) nghiên cứu và phân tích nhu cầu, thực trạng, nguyên nhân, (c) nghĩ về nhiều phương án/ý tưởng khác nhau cho giải pháp, và (d) cân nhắc về những giới hạn, rủi ro tiềm ẩn khi đang hình thành giải pháp. Với một danh sách những việc cần làm như vậy, chúng ta sẽ không bỏ sót các yếu tố quyết định sự thành bại của một giải pháp, đồng thời tối đa hóa lợi ích, tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực đến từ giải pháp mà mình lựa chọn.
Lăng kính “Đổi mới sáng tạo” giới thiệu cho học sinh một quy trình thiết kế giải pháp với đầu công việc cần làm thiết yếu, đóng vai trò là một khung sườn dẫn dắt học sinh đi từ nghiên cứu, phân tích vấn đề, đến phát triển, tinh chỉnh ý tưởng để đến được giải pháp tối ưu nhất.
Vấn đề 5: Giải quyết vấn đề mà không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ
Để giải quyết các vấn đề lớn, mỗi cá nhân làm gì đó là không đủ. Chúng ta cần có sự hợp lực, góp sức để thực hiện những giải pháp mang tính toàn diện hơn, xử lý một cách hệ thống những nguyên nhân/yếu tố khác nhau và tính chất duy trì lẫn nhau của những nguyên nhân, yếu tố tác động này. Vấn đề và nguyên nhân lớn (ví dụ như thiếu nước sạch ở nhiều nơi trên thế giới vì không đủ cơ sở hạ tầng) không thể được giải quyết hiệu quả, triệt để bởi những hành động nhỏ lẻ (đóng vòi nước khi không sử dụng). Đương nhiên, hành động của cộng đồng bắt buộc phải xuất phát từ ý thức, hành động nhỏ của mỗi cá nhân, nhưng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức, tập hợp những hành động của cá nhân để tạo thành một nỗ lực tập trung, có sức ảnh hưởng lớn.
Đối với những vấn đề có quy mô nhỏ hơn, trí tuệ tập thể, hay đơn giản hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ phần lớn thời gian vẫn có khả năng đem lại kết quả tốt hơn so với việc tự nghĩ ra và tự triển khai giải pháp một mình. Quan trọng là phải biết tận dụng số đông một cách hợp lý, đúng lúc.
Lăng kính “Cộng tác” giúp học sinh nhận thức được rằng cộng tác đúng người, đúng cách sẽ giúp mọi người đạt được mục tiêu chung, tối đa hóa giá trị thực tế của giải pháp. Đặc biệt là đối với vấn đề lớn cần sự hợp lực, tổ chức bài bản của nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau, càng chẳng có lý do gì mà học sinh phải đơn độc tự giải quyết các vấn đề được coi là vấn đề của toàn nhân loại cả.
Những phân tích trên đây cho thấy ứng dụng rộng rãi của của 5 lăng kính GCED (hay 5 lối tư duy) vào giải quyết vấn đề, dù đó là vấn đề thường ngày trong cuộc sống hay mang tính toàn cầu, vĩ mô. Tuy rằng đây không phải những lối tư duy quan trọng duy nhất, có thể coi 5 Lăng kính là bộ công cụ cơ bản để học sinh hình thành kiến thức, hiểu biết một cách tương đối toàn diện về một vấn đề bất kỳ, từ đó có được quan điểm khách quan về vấn đề và suy nghĩ nghiêm túc, hiệu quả về giải pháp cho vấn đề ấy.
5 Lăng kính xuất hiện trong GCED như thế nào? Cần lưu ý những gì khi giới thiệu về 5 Lăng kính?
Chương 1 có 21 tiết, và trừ đi 1 tiết giới thiệu Chương trình thì 20 tiết còn lại sẽ chia đều ra đề khám phá Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính trên. Ở tất cả các khối lớp, mỗi Lăng kính đều sẽ kéo dài 4 tiết, và trong 4 tiết này HS sẽ tiếp cận Chủ đề trọng tâm theo một khía cạnh, góc nhìn khác nhau.
Yêu cầu cụ thể của các bài liên quan tới 5 Lăng kính đã có trong PM Mapping; bên trên chỉ là những yêu cầu chung nhất, mang tính tổng quan nhất của Chương trình GCED. Chẳng hạn, khi nhìn vào danh sách này, thầy cô sẽ nắm được là Lăng kính 2 sẽ luôn tập trung vào việc tìm hiểu các nguyên nhân dẫn tới, và duy trì vấn đề. Những nội dung này có thể đã được đề cập đâu đó ở Lăng kính 1 (bởi chính thầy cô, hoặc HS), tuy nhiên 4 tiết của Lăng kính 2 sẽ là nơi mà HS được đào sâu hơn về các nguyên nhân này. Đào sâu kỹ tới mức nào thì PM Mapping đã nêu rõ trong mục tiêu chương và mục tiêu bài học.
5 Lăng kính sẽ được dạy một cách chính thức nhất, rõ ràng nhất trong Chương 1. Tuy vậy, những năng lực cốt lõi của các lăng kính sẽ được luyện tập, củng cố ở nhiều cơ hội khác nhau xuyên suốt năm học, dù đó là khi học sinh đang thực hiện bài Truy vấn Cá nhân, khi chuẩn bị và triển khai Dự án Hành động, hay kể cả khi suy ngẫm về quá trình học tập. Chẳng hạn, khi HS nghiên cứu về 1 khía cạnh cụ thể của vấn đề "bất bình đẳng xã hội", chắc chắn HS phải tìm hiểu, và phải đề cập tới những nguyên nhân dẫn tới, và duy trì bất bình đẳng xã hội. Ở ví dụ này, HS cần chủ động dùng Lăng kính 2: Tư duy Hệ thống vào việc tim hiểu thông tin cho bài Truy vấn Cá nhân của mình.
Tuy nhiên, thầy cô không nhất thiết phải giới thiệu khái niệm 5 Lăng kính cho HS, nếu như HS không có khả năng hiểu 5 Lăng kính là gì, và để làm gì. Nói cách khác, thầy cô chỉ nên cân nhắc tới việc giới thiệu 5 Lăng kính này cho HS nếu HS có đủ khả năng nhận thức, và hiểu ý nghĩa của 5 Lăng kính này.
VD: Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống nhằm giúp HS nhìn nhận rõ tính phức tạp của vấn đề, không đơn giản hóa một cách bừa bãi (đã được đề cập rõ hơn ở trên). Tuy nhiên, nếu như thầy cô cho rằng HS chưa thể nhận thức được việc này, thầy cô chỉ cần giới thiệu cho HS (khi dạy tới Lăng kính 2) rằng HS sẽ được khám phá về những nguyên nhân khác nhau dẫn tới, và duy trì vấn đề. Như vậy là đủ.
Do đó, PCT khuyên rằng thầy cô không nên nhắc tới khái niệm 5 Lăng kính cho tới bậc Trung học, và cũng không cần đào sâu quá nhiều về ý nghĩa của mỗi Lăng kính nếu như HS chưa có đủ khả năng nhận thức.
12 Chủ đề trọng tâm
GCED sẽ đề cập tới những Chủ đề trọng tâm/vấn đề toàn cầu nào?
Các Chủ đề trọng tâm trong GCED được xây dựng từ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Thông qua việc học và nghiên cứu các Chủ đề trọng tâm, học sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc với những vấn đề dài hạn được cả thế giới quan tâm, từ đó áp dụng những kiến thức học được để giúp đỡ cho cộng đồng của mình.
GCED sử dụng mô hình các vấn đề toàn cầu của World Bank (Ngân hàng Thế giới) để phân loại các Chủ đề trọng tâm. Việc phân loại nhằm mục đích hệ thống hóa các Chủ đề trọng tâm, đồng thời thể hiện được tính chu trình giữa các chủ đề.
Theo mô hình này, có thể phân chia các Chủ đề trọng tâm thành 4 nhóm chủ đề chính sau:
- Con người;
- Hành tinh;
- Công bằng xã hội;
- Lao động & Tiêu thụ.
Cả 4 nhóm chủ đề sẽ được dạy xen kẽ với nhau để học sinh ở mỗi khối lớp được tiếp xúc với càng nhiều nhóm chủ đề càng tốt. Các Chủ đề trọng tâm trong cùng một nhóm chủ đề sẽ được sắp xếp theo thứ tự khối được học, độ phức tạp & yêu cầu kiến thức đã học tăng dần.
Khối | Nhóm chủ đề 1
Con người |
Nhóm chủ đề 2
Hành tinh |
Nhóm chủ đề 3
Công bằng xã hội |
Nhóm chủ đề 4
Lao động & Tiêu thụ |
---|---|---|---|---|
1 | Sự đa dạng | |||
2 | Nước sạch | |||
3 | Sức khỏe & chăm sóc sức khỏe | |||
4 | Động & thực vật trên Trái Đất | |||
5 | Quy tắc xã hội | |||
6 | Giảm nghèo | |||
7 | Biến đổi khí hậu | |||
8 | Bất bình đẳng xã hội | |||
9 | Sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững | |||
10 | Phổ cập giáo dục | |||
11 | Năng lượng bền vững | |||
12 | Chất lượng cuộc sống |
Nên tiếp cận các Chủ đề trọng tâm/vấn đề toàn cầu như thế nào?
Như đã nói ở trên. HS sẽ tiếp cận Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính. Qua mỗi Lăng kính. HS sẽ tìm hiểu về những thông tin mang tính cơ bản nhất của Chủ đề này (VD: thực trạng. nguyên nhân. giải pháp. v.v.)
Tới đây, một câu hỏi lớn mà thầy cô sẽ đặt ra. Vậy, tôi nên dạy thông tin gì cho HS? Chẳng hạn, nếu như phải dạy về nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu, thì tôi nên dạy những nguyên nhân nào?
Câu hỏi này hoàn toàn hợp lý. vì không phải thầy cô nào cũng đã tìm hiểu nhiều về các vấn đề toàn cầu nói chung, hay các vấn đề toàn cầu được đề cập ở GCED. Và, vấn đề nào thì cũng phức tạp, do đó một người không thể biết hết những thông tin xoay quanh vấn đề được.
Để giúp thầy cô tiếp cận các Chủ đề trọng tâm của GCED hiệu quả hơn, xin mời thầy cô đọc tài liệu đào tạo về 12 Chủ đề trọng tâm. Dưới đây là một số lưu ý trước khi đọc:
- Đây là những nội dung mang tính tổng quát nhất, hướng tới đối tượng người đọc là những người chưa bao giờ tìm hiểu, hoặc chưa có nhiều hiểu biết về các Chủ đề trọng tâm/vấn đề toàn cầu. Do đó, có thể coi những nội dung dưới đây là 1 cuốn sách "nhập môn" ngắn để giúp thầy cô tiếp cận Chủ đề dễ dàng hơn.
- Như đã nói, những nội dung này được viết cho đối tượng người đọc là thầy cô, với mục đích giúp thầy cô hiệu rõ hơn về vấn đề. Do đó, không phải nội dung nào cũng phù hợp để giới thiệu trực tiếp cho HS. Nếu thầy cô đọc tài liệu và đã hiệu vấn đề rồi, nên chọn cách tiếp cận phù hợp để giới thiệu lại cho HS. Những nội dung mà thầy cô có thể giới thiệu trực tiếp cho HS đã được liệt kê trong mục "Tài nguyên" ở mỗi bài học trong Chương 1.
- Tất nhiên, vì đây là sách "nhập môn", chắc chắn là PCT không thể đề cập tới mọi khía cạnh về Chủ đề trọng tâm được. Thầy cô vẫn được khuyến khích để tự tìm hiểu thêm, sau khi đã đọc xong tài liệu này.
- Nội dung của mỗi khối thường đi kèm với link bài viết gốc (mà PCT đã tham khảo để viết), và thầy cô có thể đọc thêm những bài viết này để bổ sung kiến thức nếu có thời gian.
K1: Sự đa dạng
Sự đa dạng: Chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta cũng giống nhau
Khi quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng khắp trên thế giới, khái niệm “sự đa dạng” ngày càng hiện diện trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Sự đa dạng, hiểu một cách đơn giản, là sự khác biệt giữa con người với nhau. Sự khác biệt này có thể thể hiện ở các khía cạnh như chủng tộc, giới tính, giai cấp, tôn giáo, văn hóa, quốc tịch, quê quán, ngôn ngữ, trải nghiệm sống hay thậm chí những lựa chọn mang tính cá nhân như lối sống, thói quen, chuẩn mực đạo đức. Mặc dù có thể đem lại những khó khăn nhất định khi con người cố gắng chung sống với nhau, sự đa dạng giúp chúng ta mở mang tri thức, quan điểm về thế giới, đồng thời nuôi nấng lòng khoan dung, trắc ẩn đối với người khác. 1. Sự đa dạng biểu hiện như thế nào? Sự đa dạng là luôn tồn tại và hiện diện ở khắp mọi nơi, dù bạn có để ý hay không. Thử nghĩ về trải nghiệm của chính bản thân mình: trong một ngày, bạn gặp những ai? Những người này có cùng quê với bạn? Có tin vào tôn giáo mà bạn tin? Họ có giọng địa phương hay sử dụng một loại ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt? Gia cảnh của họ ra sao? Họ có sinh ra và lớn lên trong môi trường giống bạn? Quan điểm chính trị của họ đối lập hay đồng thuận với bạn? Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu một số sự đa dạng quanh thế giới, bao gồm đa dạng sắc tộc, đa dạng ẩm thực, đa dạng văn hóa, và đa dạng tôn giáo. Lưu ý rằng sẽ có nhiều thông tin về đa dạng sắc tộc được cung cấp trực tiếp trong văn bản này, trong khi các loại đa dạng khác thì thường chỉ bao gồm một vài câu giới thiệu kèm đường dẫn đến nguồn đọc thêm. Điều đó không có nghĩa rằng đa dạng sắc tộc là sự đa dạng quan trọng nhất, hay là khía cạnh duy nhất nên được dạy trong chủ đề này. Lý do đơn thuần là đa dạng sắc tộc khó tìm nguồn bằng tiếng Việt để các thầy cô tiếp cận hơn so với các loại đa dạng còn lại, vậy nên một số nguồn đã được dịch và đưa thông tin vào văn bản này. Đa dạng sắc tộc
Đa dạng văn hóa[3] Đa dạng trong lễ hội, tập tục, trang phục, nghi lễ, âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, v.v. đều là biểu hiện của sự đa dạng văn hóa. Sự đa dạng văn hóa không chỉ tồn tại giữa các châu lục hay quốc gia khác nhau - nó còn xuất hiện giữa các tỉnh thành trong một nước, hay giữa các dân tộc trong cùng một vùng lãnh thổ. Đa dạng ẩm thực[4] Sự đa dạng về ẩm thực thể hiện ở sự khác biệt trong nguyên liệu, hương liệu, cách trình bày, và cách chế biến. Ví dụ, ẩm thực châu Á thường có tỷ lệ rau củ trong món ăn cao hơn ẩm thực châu Âu, hay Thái Lan và Hàn Quốc sử dụng ớt trong các món ăn đặc trưng nhiều hơn rất nhiều so với các nước khác. Đa dạng ẩm thực có liên quan mật thiết đến đa dạng văn hóa. Đa dạng tôn giáo Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, và tổ chức. Tôn giáo rất đa dạng: ước tính hiện tại có hơn 4.000 tôn giáo, nhóm tín ngưỡng và giáo phái tồn tại trên khắp thế giới. Tôn giáo phổ biến nhất là Thiên chúa giáo (chiếm 31.5% dân số thế giới), tiếp theo là Đạo hồi với 23.2%. [5]. Có thể đọc thêm về đa dạng tôn giáo tại Việt Nam[6] và trên thế giới.[7]
Với bản năng con người, chúng ta thường có xu hướng tin tưởng và dễ hòa đồng với những người giống chúng ta. Ngược lại, với những người cho thấy sự khác biệt tương đối lớn, con người có thể trở nên đề phòng và sinh ra những phản ứng phòng vệ. Có thể kể đến một số vấn đề như:
Có vẻ như sự khác biệt mang lại rất nhiều những vấn đề khác nhau. Nhưng liệu có phải sự khác biệt sẽ luôn chỉ đem lại thử thách khi con người cố gắng chung sống với nhau hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Sự khác biệt, hay sự đa dạng trong suy nghĩ, trải nghiệm, kiến thức, quan điểm đã được chứng minh là đem lại lợi ích cho cộng đồng nơi mà sự đa dạng tồn tại, được công nhận và trân trọng. 3. Sự đa dạng có thể giúp ích như thế nào? Trước tiên hết, sự đa dạng thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi người đều nhìn thế giới theo một cách khác nhau, và có những kiến thức, quan điểm, góc nhìn khác nhau. Chính vì sự khác biệt này, chúng ta luôn có thể học được điều gì đó mới. Nếu tất cả mọi người trên thế giới này đều giống hệt nhau, sẽ chẳng ai học được gì mới cả. Nhưng bởi vì chuyện đó chắc chắn không xảy ra, ai cũng có thể học được điều gì đó bằng cách lắng nghe những người có kinh nghiệm, quan điểm, xuất thân khác mình. Và khi biết được một điều gì đó mới, sáng tạo và đổi mới có thể được khơi dậy. Đặc biệt là trong quá trình giải quyết vấn đề. Khi được tập hợp lại để cùng nhau giải quyết một vấn đề, mỗi người thường sẽ mang đến những thông tin, ý kiến, quan điểm khác nhau, từ đó có thể nâng cao hiểu biết về vấn đề và chất lượng của giải pháp. Thứ hai, sự đa dạng tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân. Sự đa dạng có thể thúc đẩy chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tiếp xúc với và chấp nhận những con người, những văn hóa khác. Điều này giúp chúng ta trở nên cởi mở hơn với những kiến thức mới, những quan điểm mới, từ đó dễ dàng mở rộng tầm hiểu biết của bản thân. Không những thế, sự đa dạng có thể giúp phá vỡ những định kiến trước đây. Ví dụ như một định kiến thường gặp là phụ nữ không thể (và không nên) nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng, tuy nhiên, ngày càng có nhiều những bóng hồng đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp[8], hay thậm chí là đứng đầu một đất nước[9]. Sự đa dạng này sẽ giúp giảm thiểu những định kiến về việc phụ nữ có thể và không thể làm gì, thiết lập một trật tự bình thường mới của xã hội nơi phụ nữ không bị kìm kẹp bởi những tư tưởng phi lý. Cuối cùng, mỗi người có vai trò riêng trong cộng đồng và xã hội, và sự khác biệt giữa chúng ta cho phép chúng ta hoàn thành những vai trò đó một cách tốt nhất có thể. Tùy vào đặc điểm của một cá nhân (hướng nội/ hướng ngoại, lý trí/ cảm xúc, quan sát/ trực giác, v.v.), mỗi người sẽ phù hợp với một công việc mà ở đó người ấy sẽ được phát triển hết khả năng của mình và có thể cống hiến nhiều nhất. (xem thêm về 16 loại tính cách và gợi ý về lựa chọn nghề nghiệp cho từng loại tính cách[10]) Điều này sẽ giúp xã hội vận hành một cách trơn tru, hiệu quả. Hãy nhìn vào một ví dụ tương đồng với một xã hội thu nhỏ - làm việc nhóm: những thành viên tự tin trước đám đông, hướng ngoại thường sẽ nhận nhiệm vụ trình bày, dẫn dắt; trong khi những thành viên trầm hơn sẽ nhận công việc “phía sau”, như ghi chép, nghiên cứu, hoặc đưa ra ý tưởng. Thành viên có kỹ năng xã hội nổi trội sẽ chịu trách nhiệm điều phối thảo luận, đảm bảo tất cả mọi người đều có cơ hội chia sẻ ý tưởng và đóng góp vào công việc chung của nhóm. Thật khó tưởng tượng một nhóm sẽ hoạt động ra sao nếu ai cũng chỉ muốn làm hoặc chỉ có khả năng thuyết trình. Điều quan trọng là chúng ta biết cách nhìn nhận sự khác biệt như thế mạnh và tận dụng thế mạnh ấy để đạt được mục tiêu chung. Cũng giống như nhiều hiện tượng khác trong cuộc sống, sự đa dạng hay sự khác biệt có thể gây ra những vấn đề cho con người, nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc thúc đẩy con người tồn tại và phát triển.
Câu trả lời khá đơn giản: sự tôn trọng. Tôn trọng không có nghĩa là không để ý đến sự khác biệt của mọi người, hoặc chỉ đơn thuần là miễn cưỡng chấp nhận. Thay vào đó, tôn trọng bao gồm nhận ra sự khác biệt, hiểu tầm quan trọng của những khác biệt ấy, và phản hồi với tinh thần cầu thị, lịch sự, và quan tâm chân thành[11]. Tôn trọng cũng có nghĩa là không chỉ tập trung vào những điểm khác nhau giữa bản thân và người khác; tôn trọng còn là tôn vinh những điều độc đáo mà mỗi cá nhân mang lại, và tận dụng tất cả những điểm chung của chúng ta. Tôn trọng sự khác biệt không chỉ dừng lại ở tôn trọng sự khác biệt của người khác - nó còn bao gồm cả sự chấp nhận đối với chính sự khác biệt của bản thân mình. Nếu không thể cảm thấy thoải mái với chính sự khác biệt của mình và chỉ muốn giống những người còn lại trong nhóm, trong cộng đồng, sẽ rất khó để người đó có khả năng tôn trọng sự khác biệt của người khác một cách chân thành. Nhưng mặt khác, không phải cứ khác biệt là sẽ xứng đáng được tôn trọng, được công nhận. Có những sự khác biệt là vô nghĩa, thậm chí phi lý và cần được loại bỏ. Nhẹ nhàng thì có vi phạm luật giao thông, ăn mặc không phù hợp địa điểm (chẳng hạn đi làm nhưng mặc quần đùi áo ba lỗ), hay đi học muộn. Nặng nề hơn là những tập tục bị coi là phi đạo đức, vi phạm nhân quyền và cần được loại bỏ, như là tảo hôn, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, chế độ đa thê, hiến tế người, v.v. Những hủ tục, nghi lễ này không nên được giữ gìn và quảng bá chỉ vì nó đóng góp vào sự đa dạng văn hóa.
Phát triển kiến thức của bản thân về các nền văn hóa, tôn giáo, giới tính, chủng tộc, dân tộc khác nhau và các đặc điểm hoặc biểu hiện văn hóa không giống với bản thân sẽ giúp chúng ta trở nên toàn diện hơn, đồng thời góp phần cải thiện thế giới mà chúng ta đang sống, biến thế giới trở thành một nơi cởi mở, hòa hợp, và yên bình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tự trau dồi kiến thức cho bản thân và nỗ lực hơn để tiếp xúc với những người khác mình[12]. Một số hành động cụ thể bao gồm:
Dù hoạt động được lựa chọn là gì đi chăng nữa, điều quan trọng là việc trau dồi sự thấu hiểu về một người mới hay một nhóm người mới nên có chủ đích. “Có chủ đích” nghĩa là tìm hiểu về những người khác với một thái độ cầu thị, cởi mở; so sánh những điều mới lạ với những gì mình đã biết trước đây, và tìm hiểu vì sao sự khác biệt đó lại tồn tại, vì sao nó lại quan trọng — chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể học cách tôn trọng sự khác biệt, trân trọng sự đa dạng một cách chân thành.
Nguồn tham khảo
|
K2: Nước sạch
“Khát” nước sạch: Khi quyền cơ bản của con người không được đáp ứng
Trong khi đó ở, California và các bang bờ Tây nước Mỹ đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong hơn 1.200 năm. Tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng đến nỗi chính quyền bắt buộc các công ty nước cắt giảm lượng nước cung cấp từ 15 -20%, đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước của người dân cũng như doanh nghiệp[2]. Trên thực tế, vấn đề này không chỉ xảy ra ở hai khu vực này, mà còn xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Không quan trọng là nước phát triển hay đang phát triển, nơi nào cũng có thể xảy ra vấn đề về nước sạch. Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Vậy thì vì sao lại thiếu nước sạch?
97% lượng nước trên Trái Đất là nước mặn. Trong 3% nước ngọt còn lại, chưa đến 1% là con người có thể tiếp cận và khai thác được, trong hình thái là nước bề mặt (sông, hồ) hoặc nước ngầm. 1% nghe có vẻ ít, nhưng thực ra là có đủ nước ngọt trên thế giới cho tất cả mọi người. Trên lý thuyết, Trái Đất không hề thiếu nước ngọt để con người sử dụng - trái lại, chúng ta có đủ nước trên hành tinh này để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới hiện tại (hơn 7 tỷ người), thậm chí là vẫn đủ khi dân số chạm mốc 9 tỷ hoặc hơn. Vậy, vấn đề ở đây là gì? Con người không chỉ cần nước ngọt, mà còn cần nước ngọt SẠCH. Khi nói về nước sạch, ta thường nghĩ về “nước uống được”, tuy nhiên nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình cũng cần phải là nước sạch, ví dụ như nước để thực hiện các hoạt động thường ngày như chuẩn bị thức ăn, tắm rửa, đánh răng, rửa bát, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, tưới cây, bơi lội.[3] Nếu khó tưởng tượng về nhu cầu nước sạch của con người, hãy thử xem video sau được thực hiện bởi World Vision: Bạn có thể sống chung với nước bẩn không?[4] Dưới đây là một vài con số biết nói về vấn đề thiếu nước sạch trên thế giới:
Vậy, lý do gì khiến cho việc thiếu nước sạch trở nên nghiêm trọng tới vậy? Điều gì khiến cho người dân ở Sóc Sơn và California rơi vào tình cảnh thiếu nước sạch, dù hai nơi này cách xa nhau tới hàng chục nghìn km?
Câu trả lời không chỉ đơn giản là: “Thiếu nước sạch vì không có đủ nước”, hay “thiếu nước sạch vì không có ý thức bảo vệ nguồn nước sạch”. Nếu người dân ở khu vực A có ý thức bảo vệ nước sạch hơn khu vực B, không có nghĩa rằng khu vực A sẽ có nhiều nước sạch hơn để sử dụng. Vấn đề phức tạp hơn vậy nhiều. Đầu tiên, phải kể đến việc thiếu nước sạch do các tác nhân từ tự nhiên. Những nơi này hoặc có nguồn nước ngọt rất hạn chế (VD: các khu vực khô hạn, ít mưa như Trung Á, Tây Á, và Bắc Phi), hoặc thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai, dịch bệnh, v.v. Đó là còn chưa kể tới việc biến đổi khí hậu (vốn do con người chủ yếu gây ra) cũng đang mang lại những tác động tiêu cực tới điều kiện tự nhiên của các khu vực chịu ảnh hưởng.[10] Đáng chú ý hơn cả là việc thiếu nước sạch do các tác nhân từ con người. Thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ để lấy nước từ các nguồn có sẵn (sông hồ, tầng ngậm nước, v.v.) khiến cho nhiều khu vực không có nước sạch để sinh sống hàng ngày. Chưa kể tới việc nguồn nước sạch đang ngày càng bị ô nhiễm do biến đổi khí hậu & các vấn đề khác về môi trường (mà chính con người gây nên). Trong số các hoạt động gây ô nhiễm môi trường này, đáng kể nhất là các ngành công nghiệp & công nghiệp hiện đại. Lượng nước sạch có trên Trái Đất đang được ưu tiên sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp (69%) và công nghiệp (19%); chỉ có 12% nguồn nước sạch là được dùng để phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Dùng nhiều nước đồng nghĩa với việc có nhiều nước thải, và lượng nước thải của các ngành nông nghiệp & công nghiệp đã và đang là một vấn đề gây nhức nhối với bất cứ quốc gia nào. Ở Việt Nam, mặc dù có mạng lưới sông ngòi dày đặc, tài nguyên nước phong phú, nước ta vẫn bị xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước theo đánh giá của Hội tài nguyên nước thế giới. Lý do là vì quá trình sản xuất, phát triển kinh tế xã hội đã để lại nhiều hậu quả lên môi trường nước, gây ô nhiễm và cạn kiệt dần những nguồn nước sẵn có. Việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên rừng, gây xói mòn đất cũng làm cho tình trạng thiếu nước sạch đang có xu thế gia tăng.[11] Vì vấn đề thiếu nước sạch vẫn đang xảy ra, và càng ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể suy ra rằng những tác nhân gây nên vấn đề vẫn đang tồn tại. Vậy, con người đã làm gì để từng bước xử lý những tác nhân gây ra vấn đề này?
Đối với việc thiếu nước sạch do các tác nhân như điều kiện khí hậu hay đặc điểm đặc trưng của một vùng, rất khó để có được một giải pháp trực tiếp, triệt để (chẳng hạn, làm sao để thay đổi khí hậu khô cằn sang thành khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiều mưa; hay điều chỉnh mạng lưới sông ngòi của một địa phương). Do đó, hiện tại con người chỉ có thể tìm cách hạn chế các ảnh hưởng đến từ tự nhiên, hay xử lý vấn đề cạn kiệt nguồn nước một cách gián tiếp, ví dụ như trồng cây gây rừng (để tránh xói mòn đất, từ đó giữ được nước ngầm), hay giảm lượng khí thải nhà kính (để làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhờ vậy mà sẽ hạn chế được các đợt hạn hán bất thường). Tuy vậy, vì đây đều là các giải pháp gián tiếp cho vấn đề thiếu nước sạch, sẽ khá khó để nhìn thấy được hiệu quả rõ rệt trong thời gian ngắn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên trồng cây, trồng rừng, hay chú ý đến lượng khí thải đang được tạo ra — đây vẫn là những hành động đáng được thực hiện để con người có thể phát triển một cách bền vững — nhưng chắc chắn giải quyết khủng hoảng nước sạch cần nhiều hơn thế. Nhìn một cách tổng thể, đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của mỗi quốc gia cũng như các tổ chức liên chính phủ để kiểm soát khủng hoảng nước sạch. Gần như quốc gia nào cũng có những bộ luật cụ thể ngăn cấm việc gây ra ô nhiễm môi trường nước và có chế tài xử phạt rõ ràng. Ở một số nơi khi lượng nước dự trữ đã giảm xuống đến mức kỷ lục (như các nước châu Âu hoặc Úc), các luật hạn chế sử dụng nước cho các hoạt động không thiết yếu được thiết lập. Hay như Liên hợp Quốc thành lập riêng một tổ chức mang tên UN-Water để đối phó với những thách thức liên quan đến thiếu hụt nước sạch thông qua ba hình thức chính: tư vấn chính sách, giám sát và báo cáo, và truyền cảm hứng hành động. Mặc dù vậy, cũng giống như những giải pháp gián tiếp để khắc phục các khó khăn về mặt tự nhiên đã đề cập phía trên, những gì mà các bộ máy, hệ thống chính quyền có thể làm, dù có nhiều thuận lợi về việc buộc một số lượng lớn người phải tuân theo, thường khó thấy được kết quả tích cực ngay lập tức. Vậy thì những giải pháp nào sẽ mang lại lợi ích tức thì hơn? Xây dựng các hệ thống khử mặn cho vùng nước lợ/ nước nhiễm mặn (như những gì World Vision làm ở Afghanistan[12] hay Oxfam thực hiện ở Somalia và Yemen[13]), đào giếng khoan, xây đập cát (qua Dự án Nước - The Water Project tại các cộng đồng ở châu Phi cận Sahara[14]), v.v. — là những ví dụ tiêu biểu cho loại giải pháp này. Những hành động cụ thể, trực tiếp này sẽ mang lại giá trị thực sự, ngay lập tức cho những con người đang cần giúp đỡ nhất. Mặc dù vậy, các giải pháp này, dù phục vụ được một nhu cầu thiết thực, vẫn chỉ là những hành động không có sức ảnh hưởng rộng, chỉ có thể mang lại lợi ích cho một số cộng đồng nhất định. Vấn đề thiếu nước sạch cũng vì thế mà chưa thể biến mất hoàn toàn nếu chỉ áp dụng những giải pháp dạng này. Các giải pháp hướng đến mục đích nâng cao nhận thức có vẻ sẽ khắc phục được điểm yếu về phạm vi tiếp cận, và có lẽ chính vì thế mà loại hoạt động này được sử dụng thường xuyên. Có thể kể đến như chiến dịch #EveryDropCounts của Colgate[15] (khuyến khích người dùng tắt vòi nước khi đang đánh răng), hay cuộc thi làm phim ngắn về tình hình thiếu nước sạch ở Việt Nam “Tôi yêu nước sạch”[16] do Comfort phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức. Các giải pháp này thường có thể nhanh chóng tiếp cận hàng trăm, hàng ngàn người cùng lúc, nhưng tiếc rằng chúng cũng không hoàn hảo: rất khó để đo đạc được ảnh hưởng (impact) thực sự của những hành động kêu gọi này. Không những vậy, nếu để ý kỹ, sẽ thấy rằng những chiến dịch nâng cao nhận thức thường nhắm đến người tiêu dùng với mục đích khiến họ cảm thấy tội lỗi, từ đó thay đổi hành vi của bản thân. Tuy nhiên, cách này tập trung quá nhiều vào trách nhiệm của cá nhân trong việc giải quyết vấn đề nước sạch vốn dĩ rất phức tạp. Một cá nhân tiết kiệm một vài lít nước mỗi ngày về mặt lý thuyết là tốt, nhưng cũng không thể mang lượng nước tiết kiệm được đó sang những vùng đang thiếu nước được. Ngoài ra, toàn bộ người dân trên thế giới chỉ đang dùng 12% số lượng nước sạch đang có để phục vụ mục đích sinh hoạt, thì tiết kiệm như vậy liệu có giải quyết được vấn đề thiếu nước sạch một cách triệt để không? Chắc chắn tiết kiệm nước sạch là điều nên làm, nhưng thói quen tiêu dùng của cá nhân không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến khủng hoảng nước toàn cầu, vậy nên không nên chỉ tập trung vào việc buộc cá nhân phải thay đổi mà quên đi trách nhiệm của các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, và cả bộ máy chính quyền của các quốc gia và thế giới. Có thể thấy rất nhiều ý tưởng đã đưa ra và thực hiện để giải quyết khủng hoảng nước sạch, nhưng không một loại giải pháp nào được coi là giải pháp toàn diện, chỉ tập trung dồn toàn bộ nguồn lực vào đó thì tức khắc các vấn đề về nước sẽ được giải quyết hoàn toàn. Vậy thì đâu là lối đi cho chúng ta trong vấn đề này?
Một cách ngắn gọn, không có một giải pháp đơn lẻ, kỳ diệu nào có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu hụt nước sạch trên toàn thế giới. Một vấn đề phức tạp đương nhiên đòi hỏi một giải pháp phức tạp, bao gồm một loạt các hành động lớn nhỏ đánh vào các yếu tố khác nhau đang duy trì vấn đề, và cần sự góp sức của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Với tư cách là một người tiêu dùng, thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ nguồn nước và không làm vấn đề trầm trọng hơn là rất quan trọng, như là tiết kiệm nước trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đổi sang các loại thức ăn không cần dùng nhiều nước để sản xuất, lan tỏa kiến thức tới người khác về vì sao nên tiết kiệm nước và cách thức để làm được điều này, đóng góp tiền của hoặc sức lực vào các dự án phục vụ cộng đồng cho các nơi thiếu nước sạch, v.v. Ngoài ra, không kém phần quan trọng là việc xác định trách nhiệm chính xác cho doanh nghiệp, các ngành công, nông nghiệp đối với vấn đề, để họ không có cơ hội đổ lỗi cho cá nhân và khiến những ảnh hưởng tiêu cực từ các đối tượng này bị quên lãng, từ đó tiếp tục các hoạt động gây hại của mình. Đồng thời, với tư cách là một công dân, chúng ta cần hiểu quyền của bản thân mình trong việc tiếp cận nước sạch - Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống hạ tầng để cung cấp đủ nước sạch cho người dân, đồng thời có những chính sách, quy định rõ ràng về bảo vệ nguồn nước trước sự khai thác quá mức và/hoặc khỏi sự ô nhiễm. Những giải pháp trên đây phải được thực hiện đồng thời và nghiêm túc thì mới có cơ hội thực sự để giải quyết vấn đề khủng hoảng nước đang diễn ra ngày một trầm trọng hiện nay. Nguồn tham khảo
|
K3: Sức khỏe & chăm sóc sức khỏe
Sức khỏe & chăm sóc sức khỏe: Quyền của mọi người
Ý kiến của bạn là gì? Hãy cùng tìm hiểu sau đây.
1. Sức khỏe và hệ thống y tế Sức khỏe, theo định nghĩa của WHO, là “trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, và xã hội, không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật.” Sức khỏe là tài nguyên để sống một cuộc đời tốt đẹp. Để ý rằng khía cạnh “tinh thần” của sức khỏe đã được công nhận trong định nghĩa này. Một trạng thái tinh thần khỏe mạnh sẽ giúp cá nhân biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối quan hệ mật thiết với nhau: các vấn đề về sức khỏe thể chất sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ hình thành các vấn đề về sức khỏe tinh thần và ngược lại.[1] Dù chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, bệnh tật vẫn luôn luôn tồn tại và tình hình có xu hướng xấu đi. Trong vài thập kỷ trở lại đây, trên thế giới, số ca được chẩn đoán ung thư khi người bệnh dưới 50 tuổi ngày càng tăng cao, và sự gia tăng này khó có thể được gây ra bởi tăng cường sàng lọc.[2] Ở Việt Nam, cứ 100.000 người thì có 159 người bị chẩn đoán mắc ung thư và 106 người tử vong do ung thư.[3] Tuổi thọ của người Việt ở mức cao (trên 73 tuổi), nhưng số năm mạnh khỏe chỉ dừng lại ở 64.
Một cách khái quát, sức khỏe của một người được quyết định bởi một số yếu tố như di truyền, hành vi/thói quen của cá nhân, môi trường sống và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Những người có sức khỏe kém thường là những thành phần yếu thế trong xã hội, không có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời. Đây là yếu tố lớn nhất trong việc gây ra những bất bình đẳng về sức khỏe. Dưới đây là một vài những con số cho thấy thực trạng đáng buồn về thiếu khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam:
Vậy nên, dù đa dạng về đặc điểm, nhưng quốc gia nào cũng có hệ thống y tế và có những khoản đầu tư nhất định vào hệ thống này. Đây là nỗ lực mang tính toàn diện để đảm bảo sức khỏe của người dân được cải thiện và đạt đến tiềm năng. Một hệ thống y tế tốt là hệ thống có thể cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng tới tất cả mọi người dân vào thời gian và địa điểm người dân cần với mức giá có thể chi trả được. Chúng ta vẫn luôn nghe về hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí tại những nước phát triển xa xôi, có nghĩa là những người dân ở các quốc gia đó không cần phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào để chữa trị khi không may mắc bệnh. “Miễn phí” nghe thì thật lý tưởng, nhưng nếu thực sự miễn phí, thì liệu có phải các y tá, bác sĩ trong các hệ thống này đang làm việc không công? Máy móc, trang thiết bị y tế tự dưng mà có? Đương nhiên, với một ngành nghề đặc biệt yêu cầu nhiều đầu tư về mặt tài chính như chăm sóc sức khỏe con người thì “miễn phí” thuần túy là điều không thể xảy ra. Điểm mấu chốt của vấn đề là hệ thống chăm sóc sức khỏe được chi trả bằng hình thức nào.
Có năm hình thức tài trợ chính cho các hệ thống y tế, bao gồm: thuế; bảo hiểm y tế quốc gia; bảo hiểm sức khỏe tư nhân; bệnh nhân tự chi trả; và các quỹ từ thiện. Hầu hết các hệ thống y tế của các quốc gia đều là sự kết hợp của cả năm hình thức trên. Các hệ thống y tế “miễn phí” như đã đề cập ở trên thường được tài trợ bởi thuế và bảo hiểm y tế quốc gia bắt buộc, có nghĩa là thực chất là người dân đã “trả trước” cho quá trình điều trị của mình rồi nên khi họ thực sự bị bệnh, họ không cần phải trả thêm tiền để được chữa trị. Các hệ thống y tế điển hình áp dụng mô hình này là Phần Lan, Canana, và Anh. Bên cạnh đó, tồn tại các hệ thống y tế dựa nhiều vào khả năng chi trả của bệnh nhân và bảo hiểm sức khỏe tư nhân (như Mỹ và Thụy Điển). Ở những nước như vậy, bệnh nhân sẽ trả tiền theo dịch vụ họ sử dụng (hay “dùng gì trả nấy”), hoặc có toàn quyền lựa chọn việc mua một bảo hiểm sức khỏe tư nhân phù hợp với nhu cầu của mình để phòng trừ trường hợp đau ốm. Nếu được lựa chọn, thầy/cô sẽ chọn loại nào? “Miễn phí” nghe có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng liệu có phải là lựa chọn tốt hơn hay không? Hãy cùng phân tích điểm mạnh và điểm yếu của mỗi loại dưới đây:
Mỗi loại hình hệ thống y tế ở trên đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, từ đó mà mỗi cá nhân, tùy vào xuất thân, trải nghiệm sống, và điều kiện kinh tế, có thể cảm thấy thích một hệ thống y tế nào đó hơn. Tuy nhiên, một bộ phận con người trên thế giới hoàn toàn không có sự lựa chọn nào cả: nơi họ sống không tồn tại bảo hiểm y tế quốc gia, và họ cũng không có đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay mua những hình thức bảo hiểm tư nhân khác. Việc này cần phải được nhìn nhận là một bất công không đáng có trong xã hội. Quyền được chăm sóc sức khỏe đã được công nhận là quyền cơ bản của con người, không phải một sự may mắn mà chỉ có một số người mới có cơ hội được hưởng. Khả năng tiếp cận với cách dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng không bao giờ nên phụ thuộc vào nơi một người được sinh ra, số tiền họ có hoặc chủng tộc, giới tính, tuổi tác của họ.
Chúng ta sẽ lần lượt đi qua các yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe con người đã đề cập đến ở trên, bao gồm di truyền, hành vi, môi trường sống, và khả năng tiếp cận. Di truyền Đối với di truyền - một khía cạnh tưởng chừng như khó can thiệp - thực chất giờ đây đã có rất nhiều phương pháp tầm soát để xác định các nguy cơ bệnh tật cao, từ đó điều chỉnh lối sống hoặc can thiệp sớm. Ví dụ như xét nghiệm di truyền tiền hôn nhân có thể tìm ra được bệnh lý di truyền của hai vợ chồng, sau đó lựa chọn phôi tốt và chấm dứt bệnh lý ở các đời sau. Ngoài ra, tất cả các thai phụ đều được khuyến khích thực hiện sàng lọc trước sinh để tránh nguy cơ trẻ sinh ra mắc các bất thường về nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh như: hội chứng Down, hội chứng Patau, Turner, v.v.[9] Việc sàng lọc và xác định nguy cơ sớm sẽ giúp làm cải thiện sức khỏe cho con cháu chúng ta sau này. Hành vi/thói quen Hành vi có lẽ là việc mà một cá nhân nhiều quyền kiểm soát nhất và có thể thay đổi được nhiều nhất để hướng đến một sức khỏe tốt hơn. Ăn uống đủ chất, đa dạng hóa các loại thức ăn, hay vận động thường xuyên, không sử dụng rượu bia, thuốc lá quá độ, ngủ đủ giấc, v.v đều là những thói quen có thể xây dựng và tăng cường sức khỏe một cách nhanh chóng, rõ rệt.[10] Không chỉ là về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng cần được bảo vệ thông qua việc trang bị những kỹ năng để ứng phó với căng thẳng và các thử thách trong cuộc sống (có thể đọc thêm về hướng dẫn ứng phó với nghịch cảnh của WHO[11]) Khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe Đây có lẽ là yếu tố phức tạp nhất. Để tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, có thể thấy giải pháp cần mang tính hệ thống hơn, xử lý được các yếu tố nhỏ hơn như cải thiện thu nhập, giáo dục, vị trí địa lý, hay chính sách. Đặc biệt, giải pháp đó không thể chỉ đơn thuần là “cá nhân phải cố gắng hơn” là được mà cần hỗ trợ từ những tổ chức có tiếng nói và nhiều nguồn lực thì mới có thể giải quyết một cách triệt để. Nỗ lực nổi bật nhất và mang tính toàn cầu nhất là sự thúc đẩy để triển khai chương trình Bảo hiểm Y tế Toàn dân (Universal Health Coverage - UHC) khởi xướng bởi WHO, với mục tiêu đến năm 2030 tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ áp dụng chương trình này. Bảo hiểm Y tế Toàn dân đảm bảo rằng mọi người được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết mà không gặp khó khăn về tài chính. Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng, giá cả phải chăng là nền tảng của UHC. Sức khỏe tinh thần cũng là một yếu tố quan trọng của loại bảo hiểm này, vì nó rất quan trọng với khả năng của con người để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng đương nhiên UHC có những ưu nhược điểm riêng và có thể không phù hợp với tất cả các quốc gia. Một ví dụ điển hình nhất là Mỹ - đất nước vô cùng phát triển nhưng không có bất kỳ chương trình bảo hiểm y tế quốc gia toàn dân nào. Một lý do lớn cho sự phản đối UHC ở Mỹ xuất phát từ việc UHC sẽ yêu cầu những người khỏe mạnh phải trả tiền chăm sóc sức khỏe cho những người mang bệnh, và điều này đi ngược lại các giá trị của người dân Mỹ về lựa chọn và trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, UHC đại diện cho sự can thiệp không cần thiết của chính phủ vào cuộc sống của công dân Mỹ, hệ thống y tế, ngành bảo hiểm y tế, và quyền của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn loại bảo hiểm y tế phù hợp cho nhân viên của mình. UHC cũng có thể không phù hợp với những nước quá nghèo, không có đủ ngân sách để triển khai và duy trì bảo hiểm y tế toàn dân được: cơ sở hạ tầng và nhân lực y tế thiếu thốn, số người bệnh tật nhiều, kinh tế không phát triển. Nguồn kinh phí của UHC phần lớn phụ thuộc vào việc người dân mua bảo hiểm y tế bắt buộc và/hoặc đóng thuế, nhưng với một quốc gia nghèo, người dân còn không có đủ ăn thì làm sao có thể mong chờ họ đóng góp những khoản tiền như vậy vào hệ thống y tế. Kể cả khi có các nước khác, các tổ chức khác hỗ trợ tài chính ban đầu để áp dụng UHC, việc duy trì hình thức này sẽ rất khó khăn nếu như đất nước không có cơ hội phát triển về mặt kinh tế xã hội. Mỗi quốc gia sẽ có những đặc điểm và thách thức riêng ảnh hưởng đến khả năng triển khai UHC, nhưng tới thời điểm hiện đây, đây có vẻ là giải pháp hợp lý và khả thi nhất để cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn thế giới.
Nguồn tham khảo
|
K4: Động & thực vật trên Trái Đất
Bảo vệ động, thực vật: Hòa hợp để phát triển
Trong cuộc sống hiện đại, con người đã làm chủ được nguồn cung lương thực thông qua trồng trọt và chăn nuôi. Hàng chục loại thịt, cá có thể dễ dàng tìm thấy trong các chợ hoặc siêu thị, vậy nhưng con người vẫn tìm đến những loại động vật quý hiếm như một cách thể hiện đẳng cấp và sự giàu sang. Các món ăn như vi cá mập, bàn tay gấu, yến sào, thịt chân voi, v.v. vẫn được săn lùng và trả giá trên trời. Và có cầu thì ắt có cung - việc săn bắt động vật hoang dã đã trở thành một vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn là rất nhiều nơi khác trên thế giới. Có nhiều loài thú quý hiếm đã bị săn bắt đến mức tuyệt chủng chỉ để thỏa mãn những nhu cầu không chính đáng của con người. Không chỉ động vật quý hiếm mới là nạn nhân duy nhất của con ngườì. Để phát triển kinh tế, xã hội, con người đang khai thác tài nguyên rừng một cách thái quá, dẫn đến việc diện tích rừng đang sụt giảm với tốc độ đáng báo động. Con người đôi khi không nhận thức được rằng bản thân mình là một phần của một hệ sinh thái, có nghĩa cuộc sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào các loài động, thực vật xung quanh chúng ta, và chính việc làm tổn hại đến các loài khác đang trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.
Hệ sinh thái là một quần thể bao gồm một môi trường cụ thể và các sinh vật sống trong đó. Luôn luôn có một số lượng lớn các loài khác nhau trong cùng một hệ sinh thái, và có rất nhiều các hệ sinh thái khác nhau trên Trái Đất. Trong tự nhiên, mọi vật đều liên kết với nhau. Các sinh vật tương tác với nhau và với môi trường của chúng theo những cách khác nhau để duy trì dòng thức ăn, năng lượng, cũng như chu trình dinh dưỡng. Hệ sinh thái bao gồm cả sinh vật sống và các yếu tố phi sinh học (ví dụ như nhiệt độ, ánh sáng, nước).
Ví dụ vừa rồi cho thấy dù động thực vật không thực sự nằm trong mối quan tâm hàng ngày của người dân đô thị, trên thực tế, không khí ta thở, nước ta uống, thực phẩm ta ăn hàng ngày đều phụ thuộc vào những loài khác, theo cách này hay cách khác. Một ví dụ vô cùng rõ ràng là không có thực vật thì sẽ không có oxy, và không có ong thụ phấn thì sẽ không có quả hoặc hạt. Hay ít rõ ràng hơn: các rạn san hô và đầm lầy ngập mặn cung cấp cho con người sống dọc bờ biển sự bảo vệ quý giá khỏi lốc xoáy và sóng thần, và cây cối có thể hấp thụ ô nhiễm không khí trong các khu vực đô thị. Một số khác lại khá kỳ lạ: rùa nhiệt đới và khỉ nhện nghe thì có vẻ không liên quan lắm đến việc duy trì khí hậu ổn định. Nhưng những rặng cây thân gỗ cứng, mọc dày đặc có hiệu quả nhất trong việc loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển thì lại phụ thuộc vào những loài động vật ăn trái cây này để phát tán hạt của cây. Khi nghiên cứu các hệ sinh thái, các nhà khoa học đều tìm thấy vô số những tương tác như vậy - tất cả đều được mài giũa qua hàng triệu năm tiến hóa. Nếu không bị làm tổn hại, điều này sẽ tạo ra một hệ thống lành mạnh, cân bằng tinh vi, góp phần tạo nên một hành tinh bền vững.
3. Nhiều loài động, thực vật đang biến mất: Như thế nào và vì sao? Tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay được cho là cao hơn khoảng 1000 lần so với trước khi con người thống trị hành tinh, thậm chí có thể nhanh hơn so với tổn thất sau khi một thiên thạch khổng lồ quét sạch loài khủng long 65 triệu năm về trước.[2] Theo một số nhà khoa học, sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong lịch sử Trái Đất đã bắt đầu.[3]Con người cùng với sự gia tăng dân số và các hoạt động kinh tế - xã hội chính là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của sự đa dạng trong các hệ sinh thái. Các khu vực hoang đã bị san bằng để lấy đất cho nông nghiệp, nhà ở, và các khu công nghiệp. Việc chặt phá rừng thường là bước đầu, chính vì vậy mà tỷ lệ bề mặt trái đất được bao phủ bởi rừng vẫn đang sụt giảm nghiêm trọng: từ 10.6 tỷ hecta 10,000 năm trước, giờ đây chúng ta chỉ còn xấp xỉ một nửa (4.1 tỷ hecta) — hay nói một cách dễ hiểu, chúng ta đang mất rừng với tốc độ khoảng 12.000m2 mỗi phút, tương đương với diện tích của 27 sân bóng đá.Săn trộm và săn bắt động vật một cách bừa bãi cũng là một tác nhân quan trọng khác. Hơn 300 loài động vật có vú, từ tinh tinh, hà mã, đến dơi, đang bị săn bắt đến mức tuyệt chủng. Không chỉ động vật trên cạn (nơi con người sinh sống chủ yếu) mới đang gặp nguy hiểm, các loài sinh vật sống dưới nước cũng bị đe dọa. Việc khai thác thủy hải sản tràn lan cũng khiến số lượng những loài sinh vật này sụt giảm đáng kể. Hiện giờ hơn một nửa đại dương trên Trái Đất đã trở thành những địa điểm khai thác thủy hải sản công nghiệp.[5]
4. Con người VS. Thiên nhiên Chắc chắn rằng để tiếp tục phát triển, con người sẽ phải tiếp tục tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là điều khó có thể tránh được. Tuy nhiên, nếu nhân danh “phát triển” để tàn phá, vắt kiệt tài nguyên trên Trái Đất, con người có thể còn chẳng có cơ hội để tồn tại chứ không nói gì đến phát triển. Con người cũng nằm trong một hệ sinh thái và bị tác động bởi bất kỳ thay đổi nào trong hệ sinh thái đó. Một ví dụ điển hình là việc mất rừng. Dù mất rừng có thể xảy ra do các hiện tượng tự nhiên, 80% tình trạng mất rừng là do nông nghiệp, chăn thả gia súc diện rộng và khai thác gỗ để lấy nguyên liệu. Mất rừng khiến cho một lượng lớn khí nhà kính được thải vào khí quyển[7], từ đó làm cho chất lượng không khí chúng ta hít thở hàng ngày tệ hơn.Không những vậy, mất rừng cũng gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, trở thành nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt nghiêm trọng hơn[8], ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của con người. Ngoài ra, mất rừng buộc động vật phải di cư (vì chúng mất nơi ở), và điều này làm gia tăng đáng kể cơ hội tiếp xúc giữa con người với động vật hoang dã, từ đó dẫn đến sự lây lan của các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tóm lại việc phát triển mà hoàn toàn không để tâm đến những tác động tiêu cực lên môi trường xung quanh là lợi bất cập hại: nó có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho con người, nhưng sẽ để lại những hậu quả về lâu về dài cho bản thân cũng như thế hệ con cháu thừa hưởng Trái Đất này lại từ chúng ta.
Để bảo vệ động & thực vật một cách hiệu quả, rất nhiều giải pháp với quy mô khác nhau đã được thực hiện hoặc được đề xướng, ủng hộ. Ở mức độ vĩ mô Đối với cấp quốc gia, rất nhiều chính phủ các nước đã có những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ động, thực vật. Một số biện pháp có thể kể đến như thành lập các khu vực bảo tồn, vườn quốc gia để bảo vệ môi trường sống tự nhiên, kiểm soát việc buôn bán các sản phẩm từ động vật, và áp dụng lệnh cấm một số hoạt động săn bắn (xem thêm về các hành động cụ thể của một số nước như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Canada[9]). Các tổ chức phi chính phủ hay phi lợi nhuận như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund - WWF), Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International), Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Wildlife Conservation Society), và Liên Hợp Quốc (United Nations) cũng đang hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn động vật và môi trường sống trên nhiều mặt trận khác nhau, ví dụ như:
Dù những nỗ lực vĩ mô này đem lại kết quả tốt và rất đáng ghi nhận, trách nhiệm của cá nhân là không thể chối bỏ trong công cuộc bảo tồn động, thực vật trên Trái Đất vì suy cho cùng, nhu cầu của cá nhân là khởi nguồn của vấn đề. Vậy mỗi người chúng ta có thể làm gì?
Có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức hướng đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng, ví dụ như không tiêu thụ các sản phẩm làm từ động vật có nguy cơ tuyệt chủng, hay chỉ tiêu thụ những sản phẩm mà chúng ta thực sự cần và thân thiện với môi trường. Tái chế, tái sử dụng là một cách khác được tuyên truyền thường xuyên. Một ví dụ điển hình là sở thu Minnesota khuyến khích mọi người tái chế điện thoại di động để giảm nhu cầu về khoáng chất coltan, một chất thường được khai thác từ môi trường sống của khỉ đột vùng đất thấp.[11] Ngoài ra, nhiều cá nhân đã quyên góp tiền của cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, hoặc thậm chí là nhận nuôi tượng trưng một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng (ví dụ WWF - Symbolic Species Adoptions[12]). Nếu muốn đóng góp một cách trực tiếp hơn, cá nhân cũng có thể tham gia các hoạt động như tình nguyện trong các sở thú, làm sạch bãi biển, trồng rừng, hay giải cứu động vật hoang dã. Các cơ hội như vậy thường rất nhiều và dễ dàng tìm thấy.[13] Một cách khác để đóng góp vào bảo vệ động, thực vật là chỉ tham gia vào các cơ hội du lịch sinh thái được quản lý đúng luật, đúng đạo đức để ngăn ngừa sự xáo trộn không cần thiết cho cuộc sống của chúng. Các khu bảo tồn được điều hành tốt sẽ giúp các hệ sinh thái phát triển khỏe mạnh, từ đó cải thiện sức khỏe của con người.[14]
Nguồn tham khảo
|
K5: Quy tắc xã hội
Quy tắc xã hội: Nền tảng của một xã hội ổn định
Vậy cụ thể quy tắc xã hội là gì? Quy tắc xã hội có ý nghĩa thế nào đối với con người? Có phải cứ là quy tắc đã được công nhận thì luôn đúng? Hãy cùng tìm hiểu sau đây.
Quy tắc xã hội là những tiêu chuẩn về hành vi mà cá nhân với tư cách là thành viên của một cộng đồng phải tuân theo. Quy tắc xã hội có thể được phân chia sơ lược thành 2 loại: “thành văn” và “bất thành văn”.
Các quy tắc không thành văn có khả năng tác động đến hành vi của con người không kém gì các quy tắc đã được hệ thống hóa thành luật lệ, nội quy. Thậm chí các chuẩn mực “ngầm” này đôi khi còn gây sức ép lớn hơn lên lựa chọn hành vi của một cá nhân. Hai loại quy tắc này tồn tại và hoạt động song song, từ đó duy trì tính trật tự và hòa hợp của xã hội.
Những quy tắc thành văn hoặc bất thành văn cũng có thể tác động qua lại lẫn nhau. Luật pháp, quy định có thể được hình thành dựa trên những gì vốn đã được coi là đúng, đã được thực hiện trong một cộng đồng. Ví dụ, trước năm 2018, ở Saudi Arabia, phụ nữ không được phép lái xe - nếu lái xe họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền và bắt giữ. Luật lệ ấy bắt nguồn từ chuẩn mực tôn giáo của nước này về việc phụ nữ cần luôn luôn có đàn ông đi cùng khi ra ngoài, và nếu như vậy thì phụ nữ cũng không cần phải lái xe vì lúc nào cũng có một người đàn ông đưa họ đi rồi.[2] Ảnh hưởng từ chuẩn mực bất thành văn lên luật pháp, quy định cụ thể thường rất mạnh vì phần lớn các quy tắc “cứng” phản ánh giá trị, niềm tin, và lề thói của một xã hội. Đôi khi luật pháp cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi các chuẩn mực xã hội bằng cách biến một số hành vi trở nên bắt buộc, từ đó dần dần thay đổi nhận thức về tính đúng đắn của một số cách cư xử nhất định. Việt Nam đã từng có luật bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng giờ đây dù không còn luật nữa, nhiều người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang nơi đông người hoặc khi có biểu hiện bệnh hô hấp dễ lây truyền. Tất nhiên, luật pháp, quy định hiếm khi thay đổi được chuẩn mực nếu không có sự tác động đồng thời từ giáo dục nhận thức, tuyên truyền, áp lực xã hội (bạn bè, người thân, người xung quanh), và các hình thức thuyết phục khác.[3]
Quy tắc xã hội được tạo ra nhằm mục đích giúp cá nhân lựa chọn hành vi phù hợp, từ đó thiết lập sự ổn định, hài hòa trong bối cảnh, môi trường tương ứng. Khi quy tắc xã hội không được tôn trọng và thực hiện đúng, những vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh. Dưới đây là một số lý do vì sao xã hội loài người bắt buộc phải có quy tắc:
Con người có thể tạo ra những quy tắc xã hội để phù hợp với bối cảnh, văn hóa của một địa điểm, một cộng đồng nhất định. Đó có nghĩa là đối với cùng một vấn đề nhưng hai quốc gia, hai nền văn hóa lại có thể có thái độ hoặc cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Ví dụ về mặt luật pháp, độ tuổi tối thiểu được sử dụng bia rượu là Việt Nam là 18, tuy nhiên ở Nhật Bản độ tuổi này là 20. Một ví dụ khác là phần lớn các nước trên thế giới đều quy định xe lưu thông bên phải, vẫn có khoảng 76 nước áp dụng lái xe bên trái.[5] Hay về mặt những quy tắc “ngầm” hơn một chút: ở phần lớn các nước châu Á, khi bước vào nhà, khách sẽ được mong đợi để bỏ dép ở ngoài, trong khi các gia đình ở Mỹ hoàn toàn chấp nhận chuyện mang giày trong nhà. Sự khác biệt trong cách tiếp cận/ thái độ này chỉ đơn thuần là sự đa dạng trong chuẩn mực và lối suy nghĩ, không có đúng - sai và cũng không gây ra vấn đề gì lớn đến sự ổn định của xã hội nói chung.
Quy tắc được tạo ra bởi con người, mà con người thì không bao giờ hoàn hảo, vậy nên quy tắc không có tính tuyệt đối. Trước tiên hết, đã có rất nhiều trường hợp quy tắc xã hội thay đổi theo thời gian: một quy tắc trong quá khứ được coi là phù hợp nhưng lại không được chấp nhận ở thời điểm hiện tại, hoặc ngược lại. Sự “tiến hóa” của các quy tắc xã hội thường đến từ các khám phá khoa học, công nghệ mới được phát triển, và hiểu biết của chúng ta về chính con người cũng như thế giới xung quanh. Chẳng hạn như phụ nữ từng bị cấm tham gia các việc lớn trong gia đình, nhưng ngày nay quy tắc đó không còn phổ biến nữa, thậm chí việc phụ nữ làm chủ gia đình không phải là chuyện hiếm. Hoặc như Trung Quốc từng coi việc sinh nhiều con là điều không tốt (vậy nên áp dụng chính sách một con để kiểm soát dân số), nhưng những năm gần lại đây chính phủ nước này đã phải phải bãi bỏ luật ấy, thay vào đó là khuyến khích, vận động người dân sinh thêm con do đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Tuy nhiên cũng có những quy tắc xã hội chỉ đơn thuần là sai trái, không phụ thuộc vào thời điểm nào nó được áp dụng và cần được loại bỏ. Có thể kể đến như tảo hôn, chế độ đa thê, và trọng nam khinh nữ. Những quy tắc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng tiếp cận cơ hội của một số nhóm người yếu thế. Chỉ khi chúng được loại bỏ, xã hội mới có thể trở nên công bằng và văn minh hơn. Tương tự, có những quy tắc không hướng đến sự công bằng chung, mà chỉ đem lại lợi ích cho một số nhóm nhất định. Đơn cử là luật lệ trước đây về việc con gái không được đi học. Thời xưa, xã hội theo chế độ phụ hệ, nghĩa là đàn ông sẽ có quyền lực hơn cả. Nếu phụ nữ cũng được đi học, nghĩa là họ sẽ có tri thức, sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, đồng nghĩa với việc họ không cần phải phụ thuộc vào đàn ông nữa. Do đó, không cho đi học cũng là một cách để xã hội xưa kìm hãm khả năng của phụ nữ, để từ đó củng cố quyền lực của nam giới trong gia đình cũng như trong xã hội. Một ví dụ khác là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” - thể hiện sự áp đặt mà phụ huynh có thể áp dụng trên con trẻ. Đồng ý rằng cha mẹ thường có nhiều hiểu biết, trải nghiệm hơn, biết được cái gì là tốt, nhưng việc tước đi quyền quyết định của con cái cho chính những khía cạnh trong cuộc đời của họ là một việc khó có thể chấp nhận được. Điển hình là hôn nhân - hôn nhân sắp đặt từng là hành động để củng cố quyền lực, của cải, địa vị, thay vì xuất phát từ tình yêu của đôi trai gái, tức có nghĩa cuộc hôn nhân này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho gia đình, dòng họ, còn quyền lợi chính đáng của đôi trẻ (được kết hôn với người mình yêu) sẽ không bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Một số quy tắc khác thì đặc biệt hơn, nằm ở một vùng xám mà khó có thể ấn định đúng - sai: về cơ bản quy tắc được đặt ra là hợp lý, nhưng trong một vài trường hợp nó sẽ gây ra một số vấn đề nhất định. Tham khảo câu chuyện “Bắt trói kẻ trộm bị khởi tố” dưới đây:Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm hành vi giữ người trái phép, và luật này hoàn toàn có lý để tránh những trường hợp người không có thẩm quyền vi phạm quyền tự do của người khác (ví dụ như vụ án nhóm thanh niên đòi nợ thuê đã khống chế, bắt giữ con nợ, đánh đập để ép vợ con nạn nhân viết giấy nợ tiền[7]). Tuy nhiên, trong câu chuyện vừa rồi, anh Trình ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nam: không bắt giữ kẻ trộm thì sợ trộm chạy mất, bắt giữ thì vi phạm pháp luật. Lựa chọn của anh Trình (trói, giữ K. trong khoảng thời gian chờ liên lạc được với người có thẩm quyền) đã khiến anh bị khởi tố và xét xử. Có thể thấy mặc dù luật cấm giữ người trái phép có chức năng bảo vệ quyền lợi của con người nói chung, vẫn tồn tại những tình huống ngoại lệ đặc biệt mà nếu chỉ áp dụng một cách cứng nhắc luật này, ai đó sẽ chịu thiệt thòi.
Những ví dụ vừa rồi là minh chứng rõ nét cho việc quy tắc không phải lúc nào cũng đúng, từ các quy tắc thay đổi theo thời gian, những quy tắc sai trái, thiếu công bằng cần được loại bỏ, đến các quy tắc nằm trong “vùng xám” đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận khi muốn áp dụng. Nhìn chung con người luôn cần quy tắc xã hội để duy trì sự ổn định và phát triển, nhưng trong một số trường hợp nhỏ lẻ, khi một quy tắc được áp dụng, cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng những yếu tố xung quanh để đảm bảo quy tắc thực sự là vì lợi ích chung của con người.
Bước đầu tiên là phải loại bỏ được suy nghĩ quy tắc là không thể thay đổi được. Giống như việc cá nhân có thể nghĩ mình quá bé nhỏ để có thể ảnh hưởng đến hệ thống lập pháp của nước nhà, việc biên soạn nội quy, quy định trong các tổ chức, hay khó hơn là thay đổi các chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức mà đã được duy trì qua rất nhiều thế hệ. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng những điều này hoàn toàn có thể, dù cho nó chưa bao giờ là dễ dàng: từ chuyện người da đen phải biểu tình, phải đấu tranh rất nhiều năm để có quyền bình đẳng với người da trắng, đến người lao động phải đứng lên đòi hỏi quyền lợi để chỉ làm việc 8 tiếng một ngày, hay phụ nữ đang ngày càng chứng tỏ vị trí của mình trong xã hội, phụ nữ làm trụ cột gia đình cũng không còn là việc hiếm. Sự biến mất của những quy tắc xã hội không còn phù hợp sẽ là tiền đề cho những quy tắc thích hợp hơn cho con người, giúp cá nhân cảm thấy hạnh phúc, hài lòng trong xã hội mình sống, từ đó duy trì sự ổn định và trật tự. Sự thay đổi, chỉnh sửa, hay là loại bỏ những quy tắc xã hội là một công việc thử thách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên khác nhau, bao gồm chính phủ, các tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận, và cả cá nhân mỗi người. Vai trò của chính phủ Đơn vị có trách nhiệm nhiều nhất trong việc thiết lập và duy trì các quy tắc xã hội có lẽ là chính phủ. Chính phủ không những kiểm soát quá trình lập pháp và hành pháp mà còn quản lý các cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo họ không áp dụng những quy định vi phạm quyền con người hoặc pháp luật. Ví dụ, vào năm 2019, luật Lao động Việt Nam đã bổ sung quy định cấm người sử dụng lao động ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động, hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.[9] Hoặc có nhiều nhà nước thay đổi chính sách về thuế để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch.[10] Không những vậy, chính phủ còn có tiếng nói và nguồn lực rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục dân chúng, từ đó tác động trực tiếp lên suy nghĩ, niềm tin, quan điểm của người dân, kể cả trong trường hợp đó là những quy tắc bất thành văn như là tiết kiệm điện, nước hay “lá lành đùm lá rách.” Vai trò của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận Dù chính phủ là bên có nhiều quyền lực nhất trong việc thay đổi quy tắc xã hội, chính phủ thường phải dàn trải nguồn lực của mình cho rất nhiều vấn đề khác nhau, và để áp dụng những thay đổi này cần rất nhiều thời gian, thủ tục. Do đó, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận sẽ hỗ trợ quá trình này theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, thực hiện nghiên cứu và tư vấn chính sách, hoặc phát động biểu tình đòi quyền lợi. Các tổ chức này thường thu hút được sự chú ý của rất nhiều cá nhân, và những nỗ lực của họ thường mang lại nhiều kết quả tích cực nhờ vào nguồn lực dồi dào và cách thức tổ chức bài bản. Vai trò của các cá nhân Nói như vậy không có nghĩa cá nhân không thể đóng góp vào việc thay đổi các quy tắc xã hội. Về mặt luật pháp hay quy định chính thống, cá nhân có quyền đòi hỏi được tham gia góp ý, xây dựng nội quy, chính sách, pháp luật, và cá nhân nên tham gia quá trình góp ý này khi có cơ hội (ví dụ như chính phủ Việt Nam có một trang web để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật[11]). Đối với những chuẩn mực xã hội, chuẩn mực đạo đức cần phải thay đổi, bản thân cá nhân cần phải làm gương, sau đó tuyên truyền, giáo dục những người xung quanh về lý do vì sao những thay đổi đó cần phải được diễn ra. Cần nhấn mạnh rằng, đối với thay đổi quy tắc xã hội, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của mọi người chứ không phải chỉ đơn thuần là áp dụng thưởng/phạt cho một quy tắc nào đó. Ví dụ, dù đã có luật về việc cấm tiết lộ giới tính thai nhi thông qua siêu âm, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, không những thế mọi người còn coi đó chuyện bình thường, thậm chí những phòng khám từ chối cung cấp thông tin này chắc chắn sẽ không có nhiều khách lui tới. Hay nếu như việc bắt nạt học đường vẫn chỉ được coi là những trò đùa, hành vi vô hại của trẻ con, thì chắc chắn hiện tượng đó sẽ không thể biến mất dù có vẽ bao nhiêu tranh cổ động, tổ chức bao nhiêu chiến dịch, chương trình phòng chống bạo lực học đường đi chăng nữa. Để thay đổi một quy tắc xã hội, cần đến sự thay đổi nhận thức sâu sắc về tính đúng - sai của hành vi. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc làm gương, giáo dục một cách liên tục, nghiêm túc trong một thời gian dài.
|
K6: Giảm nghèo
Thoát nghèo: khi nỗ lực cá nhân là không đủ
Con người ngày càng chinh phục được những thành tựu mới trong khoa học kỹ thuật, từ đó thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính con người. Đặc biệt, trong một vài thập kỷ trở lại đây, chúng ta chứng kiến số lượng triệu phú, tỷ phú với giá trị tài sản khổng lồ gia tăng nhanh chóng. Có tỷ phú còn giàu hơn cả nhiều nước trên thế giới.[1] Nhưng trái ngược với sự giàu có, hào nhoáng đó, thế giới của chúng ta vẫn tồn tại một góc tối: vẫn có những người đang ngày đêm chật vật với từng bữa ăn, màn trời chiếu đất, không thể chăm sóc sức khỏe, không được đi học, không có nước sạch để uống. Bạn có biết rằng nếu bạn có thức ăn trong tủ lạnh, có quần áo để mặc, có một mái nhà che nắng che mưa, và có một chỗ ngủ, thì bạn đã giàu hơn 75% dân số của thế giới này? Và bạn có biết rằng nếu bạn có tiền trong tài khoản ngân hàng, có tiền trong ví, và có tiền lẻ nằm đâu đó quanh nhà, thì bạn đã nằm trong 8% những người giàu nhất trên thế giới?[2] Vì sao lại có nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói đến vậy? Điều gì đang ngăn cản họ thoát nghèo? Chúng ta, với tư cách là một xã hội, có thể làm gì để giúp nhóm người này có một cuộc sống tốt hơn?
Khái niệm “nghèo” có lẽ đã chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta. Một cách thông thường nhất, nghèo có thể được hiểu là không có đủ tiền để có được một mức sống tử tế, hoặc thiếu khả năng tiếp cận với những nguồn lực để có thể đảm bảo các nhu cầu tối thiểu, như là cơ sở chăm sóc sức khỏe, cơ sở giáo dục, hệ thống nước sạch, v.v. Nghèo có thể được chia làm hai loại: nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối
Hay một ví dụ khác về người nghèo ở vùng sâu vùng xa muốn được khám chữa bệnh, nhưng không có bệnh viện trạm xá gần nơi họ sống, nên họ phải mất thêm chi phí di chuyển hàng chục, hàng trăm cây số, thậm chí thuê trọ ở trên thành phố để có thể nhận được khám chữa như mong muốn, trong khi những người có thể sống ở trên thành phố không cần phải lo lắng về những chi phí ngoài chi phí khám chữa bệnh. Còn rất nhiều những ví dụ như thế về việc làm người nghèo thực chất đắt đỏ như thế nào, trở thành một vòng lặp không lối thoát cho những con người sống trong cảnh nghèo khó. Liên Hợp Quốc đã định nghĩa “nghèo” như sau:
Có rất nhiều thông tin/số liệu về tình trạng nghèo đói trên thế giới cũng như những hệ lụy mà nó mang lại. Dưới đây là một vài những con số quan trọng:
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2023, lần đầu tiên trong hơn 20 năm, tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu gia tăng. Nhiều người đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực có thể bị buộc phải quay lại dưới ngưỡng nghèo. Thu nhập mất, bảo trợ xã hội hạn chế và giá cả tăng cao có nghĩa là ngay cả những người trước đây được an toàn cũng có nguy cơ rơi vào nghèo đói. Thiếu việc làm và thất nghiệp do khủng hoảng cũng khiến khoảng 1,6 tỷ người lao động bị ảnh hưởng trầm trọng, với thu nhập của họ ước tính đã giảm 60% trong tháng đầu tiên của khủng hoảng. Covid-19 thực sự đã làm gián đoạn đáng kể tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đề ra bởi Liên Hợp Quốc cho năm 2030. Vừa rồi là rất nhiều thông tin đề tình trạng đói nghèo ở trên thế giới nói chung, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển hoặc của những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu cho rằng nghèo chỉ ở xảy ra ở những nước đang phát triển. Ở các nước giàu có, vẫn có một bộ phận người dân không thể tham gia vào các hoạt động xã hội, không có được những cơ hội mà một người bình thường có thể coi là hiển nhiên, hay thậm chí là không có khả năng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Những nước thu nhập cao không có nghĩa là tất cả người dân của họ đều có thể tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu một cách dễ dàng. Nghèo đói cũng không phải chỉ xuất hiện mới đây do ảnh hưởng của đại dịch hay chiến tranh Ukraine - đúng là những yếu tố này khiến tình trạng trầm trọng hơn, nhưng đã vẫn luôn tồn tại một bộ phận người dân phải chịu cảnh nghèo ở những nước được coi là giàu. Trong OCED - tổ chức mà các quốc gia thành viên phần lớn đều là các nước thu nhập cao, cứ 7 trẻ em thì có 1 trẻ đang sống với mức thu nhập cực kỳ thấp.[13] Một số trường hợp cụ thể về vấn đề nghèo diễn ra ở các nước thu nhập cao có thể được tìm thấy dưới đây: Đức[14]Nhật Bản[15] Hoa Kỳ[16] Mặc dù có thể ở những nước phát triển tỷ lệ nghèo cùng cực theo Chuẩn nghèo quốc tế là rất thấp (phần lớn dưới 2%[18]), không thể phủ nhận vẫn có rất nhiều người vẫn đang chật vật để lo cho cuộc sống của bản thân và con cái họ. Người nghèo, dù ở nước phát triển hay đang phát triển, đều đang phải chịu những thiệt thòi trong xã hội và buộc phải đưa ra lựa chọn giữa những nhu cầu thiết yếu đối với một con người. Vậy có phải nghèo đói là chuyện đương nhiên trong xã hội hay không?
4. Có phải nghèo là chuyện đương nhiên trong xã hội hay không? Nghèo đói là một tình trạng đã luôn tồn tại trong xã hội con người, dù ở những nước giàu có nhất hay kém phát triển nhất. Tuy nhiên, việc một hiện tượng đang tồn tại không có nghĩa là nó nên tồn tại. Đồng ý rằng có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc tài sản, thu nhập của những người trong xã hội lúc nào cũng có sự chênh lệch, như là tư duy, bằng cấp, thừa kế từ gia đình, sự kiên trì, cơ hội, v.v., nhưng ở một xã hội lý tưởng, chỉ nên có những người giàu và những người không giàu bằng. Những người không giàu bằng đó, dù không có khả năng chi trả cho những chuyến du lịch nước ngoài xa hoa, sở hữu bộ sưu tập siêu xe, hoặc sống trong những biệt thự, chung cư hạng sang, sẽ vẫn đủ ăn, đủ mặc, có chỗ ở đàng hoàng, được học hành, có công ăn việc làm an toàn và trả mức lương xứng đáng, đủ sống. Việc có người chết vì không có tiền để chữa bệnh, ở trong những căn nhà 2-3 m2 ẩm thấp, không có ánh sáng mặt trời, hay trẻ em không được đi học vì phải ở nhà phụ giúp gia đình không bao giờ nên được coi là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên trong xã hội.
Khi được hỏi “Vì sao người nghèo lại nghèo?”, câu trả lời đầu tiên nảy ra trong đầu của rất nhiều người sẽ là “vì người nghèo không biết cố gắng” hoặc “vì họ không biết làm giàu.” Từ khi nào, người nghèo không những khổ sở vì điều kiện sống thiếu thốn mà còn bị coi là thủ phạm cho chính sự nghèo khó của họ. Không khó để bắt gặp những bài báo mang tiêu đề như “3 lý do khiến bạn nghèo”, “6 kiểu tư duy của người làm mãi vẫn nghèo”, “Bi kịch của người nghèo không phải là thiếu tiền, mà là thiển cận.” Bằng cách nào đó, một bộ phận trong xã hội đã chấp nhận rằng, khi một người bị coi là nghèo, người đó chỉ có chính bản thân mình để oán trách. Không những thế, những tấm gương vượt nghèo luôn được mang ra như một minh chứng khác của việc những người không thể thoát nghèo là vì họ không cố gắng đủ, bởi nhìn kìa, chẳng phải có người đã làm được đó thôi? Không thể phủ nhận ý chí, nghị lực, hay tư duy của một người đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng cuộc sống của người ấy, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình nghèo, với bệnh tật đầy mình, không có nước sạch để ăn uống tắm giặt, bữa đói bữa no, ở một vùng xa xôi cách biệt với thế giới bên ngoài, không được chữa bệnh, không có khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục, việc làm, thì chẳng có ý chí, nghị lực nào sẽ giúp bạn hết bệnh hay sẽ giúp bạn có một cuộc sống đàng hoàng, no đủ được cả. Thực chất, không có thống kê, số liệu, hay nghiên cứu nào chứng minh được nghèo khó là một lựa chọn cá nhân. Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến nghèo đói mà đã được chứng minh dựa trên nghiên cứu chính quy, bài bản và được các tổ chức có tiếng trên thế giới công nhận[19]:
Đây không phải là vòng lặp hay mối liên hệ duy nhất khiến người nghèo không thể thoát nghèo một cách dễ dàng. Chính bởi sự liên kết chặt chẽ này mà việc thoát nghèo trở thành một vấn đề vô cùng phức tạp, không có một giải pháp kỳ diệu nào có thể ngay lập tức xóa nghèo triệt để. Để giải quyết được tận gốc đói nghèo, trước tiên hết chúng ta cần phá vỡ vòng lặp hay mối liên kết giữa các nguyên nhân. Điều này cần sự chung tay của chính phủ, các tổ chức, cũng như các cá nhân may mắn hơn trong xã hội.
Tất nhiên, những người nghèo nên nỗ lực, phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình, và điều này là không cần bàn cãi. Câu hỏi "làm thế nào để giảm nghèo" hướng nhiều hơn vào vai trò của xã hội, của những người đang không chịu ảnh hưởng quá nặng nề của việc nghèo. Những chiến dịch, chương trình kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đã không còn xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta. Có thể thấy rất nhiều loại hình hỗ trợ đã được áp dụng, từ quyên góp vật chất (tiền bạc, thức ăn, quần áo, đồ dùng, trang thiết bị, v.v.), xây dựng điện-đường-trường-trạm, hỗ trợ vốn cho người nghèo, đến trao học bổng, tổ chức những chương trình đào tạo, giáo dục miễn phí, v.v. Những nỗ lực này đến từ rất nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau; chính phủ có, tư nhân có. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vẫn được sử dụng mỗi năm để hướng đến giảm nghèo trên khắp thế giới. Nhưng đáng buồn thay là tình trạng nghèo đói vẫn đang tiếp diễn. Dù có nhiều cách lý giải khác nhau cho hiện trạng này, sau đây là một vài luận điểm đáng suy ngẫm[20]:
Từ những lý giải trên đây về việc vì sao nghèo đói vẫn chưa được xóa sổ hoàn toàn, cộng với những nguyên nhân của nghèo đói và sự tương tác giữa chúng đã được giải thích từ phần trước, ta có thể rút ra được một số nguyên lý chung khi cố gắng giải quyết vấn đề đói nghèo: (1) cho tiền chỉ là giải pháp tạm thời với hiệu quả tối thiểu, (2) giải pháp cần đánh vào nhiều yếu tố cùng một lúc để giảm khả năng duy trì của vòng lặp nghèo đói, và (3) chuyển hướng tập trung từ trách nhiệm cá nhân sang trách nhiệm của xã hội, của hệ thống. Nếu mỗi cá nhân muốn góp phần vào việc giảm nghèo, thì việc làm từ thiện vẫn là một cách tốt để giúp đỡ người nghèo, vì không phải ai cũng đủ khả năng để thực hiện những công việc trực tiếp liên quan, và tiền của vẫn là nguồn lực cần thiết, thậm chí chủ chốt cho bất kỳ nỗ lực giảm nghèo nào. Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng từ thiện không phải là hành động duy nhất có thể làm nếu một người thực sự quan tâm về vấn đề nghèo đói của xã hội, và từ thiện không nên chỉ được thực hiện để cá nhân thoải mái hơn vì mình đã làm gì đó rồi. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận giải pháp của vấn đề nghèo đói không thể chỉ dựa vào tình thương, sự lương thiện của những người may mắn hơn - đây là một vấn đề mang tính hệ thống, và cá nhân có thể đóng góp vào giải pháp thông qua nhiều cách khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở từ thiện.
|
K7: Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu: Thảm họa được báo trước
Vấn đề này đã xảy ra trong một thời gian dài, và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí còn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lý do có thể là vì vẫn còn nhiều người coi đó là một vấn đề xa vời và chọn không làm gì cả, hay đã và đang cố gắng đóng góp vào giải quyết, ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng kết quả chưa được như mong đợi bởi chưa tập trung đúng vào nguyên nhân gốc rễ, hoặc giải pháp chưa có sức ảnh hưởng lớn. Đây không phải là vấn đề của riêng một quốc gia, một vùng lãnh thổ, hay của một nhóm người - đây là vấn đề mà cả nhân loại phải đối mặt. Nhiệm vụ giải quyết một vấn đề có quy mô và ảnh hưởng đồ sộ như biến đổi khí hậu dễ tạo ra cảm giác nản chí, nhưng bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề phức tạp là chia nó ra thành những phần nhỏ hơn, dễ giải quyết hơn. Và không có cách nào tốt hơn để bắt đầu giải quyết một vấn đề bằng cách tìm hiểu rõ về bản chất của vấn đề ấy. Văn bản này sẽ trả lời một số câu hỏi như: Biến đổi khí hậu là gì? Đang diễn ra như thế nào? Nó bắt nguồn từ đâu? Những gì đã được thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu và hiệu quả ra sao? Với những thông tin này, mong rằng bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn về biến đổi khí hậu và thực hiện những hành động phù hợp để chung tay giải quyết vấn đề này.
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi các quy luật thời tiết đặc thù được quan sát thấy ở một vùng trong một khoảng thời gian nhất định. Những quy luật này bao gồm tất cả những yếu tố liên quan đến thời tiết, như là nhiệt độ, gió và lượng mưa. Biến đổi khí hậu trên quy mô thế giới đề cập đến những thay đổi mà toàn bộ khí hậu của hành tinh phải gánh chịu. Về lâu dài, tốc độ và phạm vi của những thay đổi liên quan đến khí hậu có thể gây ra nhiều hậu quả đối với các hệ sinh thái và các hoạt động của con người.[1] Khí hậu của Trái Đất đã thay đổi một cách tự nhiên nhiều lần trước đây, gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, thay đổi năng lượng của mặt trời, hay thay đổi quỹ đạo của Trái Đất.[2] Mặc dù vậy, hiện tượng nóng lên hiện nay đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trong 10.000 năm qua, khiến chúng ta không thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho tự nhiên. Đã có rất nhiều những bằng chứng khoa học chứng minh rằng biến đổi khí hậu gây ra bởi hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của con người. 2. Biến đổi khí hậu đang diễn ra như thế nào?Nhiệt độ tăng lên là biểu hiện có thể nhìn thấy rõ nhất của biến đổi khí hậu, và sự ấm lên này cũng gây ra nhiều hệ lụy khác. Từ năm 1880 đến năm 2012, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0.85°C. Sự thay đổi tưởng chừng rất nhỏ này có thể có ảnh hưởng rất lớn đến động, thực vật trên Trái Đất. Ví dụ, ngô, lúa mì, và các loại cây trồng chính khác đã bị giảm năng suất đáng kể ở cấp độ toàn cầu lên tới 40 triệu tấn mỗi năm từ năm 1981 đến 2002 vì sự nóng lên này. Hay sự gia tăng băng tan trên biển do hiện tượng nóng lên toàn cầu và axit hóa đại dương ở Bắc Băng Dương đang làm giảm quần thể krill (hình minh họa - một loài giáp xác nhỏ giống tôm, có thể được tìm thấy ở khắp mọi đại dương trên thế giới). Sự sự giảm số lượng loài krill gây đe dọa sự sống còn của cá voi, chim cánh cụt, và hải cẩu - những loài vốn sử dụng krill làm nguồn thức ăn chính.[3]Khi nhắc đến biến đổi khí hậu, nhiều người thường chỉ nghĩ đến việc nhiệt độ tăng lên. Nhưng sự ấm lên đó chỉ là khởi đầu. Trái Đất là một hệ thống, trong đó mọi thứ được kết nối, nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố khác như lượng mưa và gió ở một vùng, thậm chí những thay đổi trong một khu vực có thể ảnh hưởng đến tất cả những nơi khác.[4] Hậu quả của biến đổi khí hậu bao gồm hạn hán nghiêm trọng, khan hiếm nước, hỏa hoạn nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, băng tan ở 2 cực, bão thảm khốc, và suy giảm đa dạng sinh học. Từ năm 1901 đến 2012, mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng lên 19cm khi các đại dương mở rộng do băng tan. Biển băng ở Bắc Cực đã liên tục bị thu hẹp kể từ năm 1979, với trung bình 1,07 triệu km2 bị mất đi mỗi thập kỷ (nên nhớ, diện tích của Việt Nam là khoảng 300 nghìn km2). Với nồng độ hiện tại và lượng phát thải nhà kính đang diễn ra, có khả năng vào cuối thế kỷ này, mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá 1,5°C kể từ năm 1900. Những hậu quả về mặt tự nhiên này tác động trực tiếp đến sức khỏe, khả năng sản xuất lương thực, nhà ở, sự an toàn, và sinh kế của con người. Có những người dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của khí hậu, chẳng hạn như người dân ở các quốc đảo nhỏ và các nước đang phát triển. Các điều kiện như mực nước biển dâng và xâm nhập mặn đã tiến triển đến mức toàn bộ cộng đồng phải di dời, hạn hán kéo dài khiến người dân đối mặt với tình trạng đói. Trong tương lai, số lượng “người tị nạn khí hậu” dự kiến sẽ tăng lên.Không những vậy, chúng ta đang ngày càng tiến gần đến các “điểm tới hạn” của khí hậu, thậm chí đã vượt qua một số mốc nhất định. “Điểm tới hạn” (tipping point) là mốc mà khi chúng ta vượt qua, thảm họa toàn cầu sẽ được kích hoạt, và khi ấy không một nỗ lực nào có thể đảo ngược hay giảm thiểu những tác động đó nữa.[8] Hiện tại đã có 5 điểm tới hạn nguy hiểm mà con người có lẽ đã đạt đến do khiến nhiệt độ tăng thêm 1,1 độ C, bao gồm sự sụp đổ của chỏm băng Greenland (gây ra mực nước biển dâng cao), sự sụp đổ của một dòng chảy chính ở Bắc Đại Tây Dương (làm gián đoạn quy luật mưa mà hàng tỷ người phụ thuộc vào để nuôi trồng thực phẩm), và sự tan chảy đột ngột của lớp băng vĩnh cửu giàu cacbon. Nếu tăng đến 1,5 độ C, những thay đổi lớn với các khu rừng rộng lớn phía bắc và sự biến mất của hầu hết các sông băng trên núi sẽ xảy ra. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho 16 điểm tới hạn khác nhau, trong đó 6 điểm cuối cùng yêu cầu nhiệt độ toàn cầu tăng lên thêm 2 độ C để kích hoạt. Hậu quả của việc vượt qua các điểm tới hạn này có thể mất vài năm tới vài thế kỷ mới có thể nhìn thấy được, nhưng khi ấy không còn gì mà con người có thể làm để cứu bản thân mình được nữa.[9] Nếu không hành động ngay từ bây giờ, đến một thời điểm nào đó, sẽ không còn cơ hội nào để chúng ta sửa sai. Xem thêm về minh chứng của biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng tới con người khắp nơi trên thế giới tại ĐÂY.[10] 3. Ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không? Việt Nam là nước dễ chịu ảnh hưởng trước các tác động của BĐKH. Cùng với Myanmar, Philippines, và Thái Lan, Việt Nam nằm trong top 10 những nước trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm vừa qua.[11] Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán, trải dài rộng khắp các miền của đất nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.[12] Những kỷ lục mới vẫn được thiết lập mỗi năm về nhiệt độ, lượng mưa hay lũ lụt. Năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thảm họa thiên tai tại Việt Nam, với hơn 16 cơn bão, lũ lịch sử trái quy luật. Nhiệt độ, lượng mưa, mực nước sông cũng tăng lên, kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với cuộc sống con người.[13] Các thành phố lớn của Việt Nam cũng rất dễ bị ảnh hưởng về biến đổi khí hậu, dù hình thái có thể khác nhau đôi chút. Có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin về hậu quả của biến đổi khí hậu lên các thành phố này chỉ với một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các công cụ tìm kiếm. Xem thêm những hình ảnh, phân tích về tình trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam tại ĐÂY.[14]
Những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thường chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng lại đóng góp ít nhất vào sự khủng hoảng khí hậu này. Bạn có biết 1% dân số giàu nhất toàn cầu phát thải lượng khí nhà kính nhiều hơn so với 50% dân số nghèo nhất? Khi tác động của biến đổi khí hậu gia tăng, hàng triệu người sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các sự kiện thời tiết cực đoan, trong đó bao gồm các ảnh hưởng đến sức khỏe, lương thực, nước sạch và sinh kế, cũng như các rủi ro liên quan khác. Những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả từ biến đổi khí hậu có một số đặc điểm chung về vị trí địa lý, tình trạng tài chính, kinh tế xã hội, văn hóa và giới tính; và khả năng tiếp cận với các nguồn lực, dịch vụ, quyền đưa ra quyết định, và công lý[15] (đọc thêm về những người chịu tác động nặng về nhất từ khủng hoảng khí hậu tại ĐÂY[16] và ĐÂY[17]).
Khí nhà kính (greenhouse gases) đã được chứng minh là tác nhân trực tiếp gây ra sự nóng lên cho Trái Đất. Thực chất, khí nhà kính không xấu hoàn toàn - nếu không có khí nhà kính, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất sẽ là khoảng -18 độ C (thay vì mức trung bình hiện tại là 15 độ C), một nhiệt độ khó để duy trì sự sống. Nhưng khi khí nhà kính quá nhiều, Trái Đất không thể thoát nhiệt nhanh chóng và hiệu quả như trước, từ đó khiến Trái Đất nóng lên. Các nhà khoa học cho rằng hoạt động của con người khiến khí nhà kính tăng lên vượt mức cho phép, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến biến đổi khí hậu. Các khí nhà kính chính tồn tại trong bầu khí quyển bao gồm hơi nước (H2O), cacbon đioxit (CO2), meetan (CH4), nitơ oxit (N2O), và ozon (O3). Trong đó, CO2 chiếm tỷ lệ lớn nhất (74.7%) tổng lượng khí nhà kính[18], được biết đến là tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng thải ra nhiều khí CO2 qua việc đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, và than đá để cung cấp năng lượng cho nhà ở, nhà máy, máy bay, ô tô. Dưới đây là biểu đồ mô tả sự thay đổi về lượng CO2 trên Trái Đất qua thời gian:
Năm 2016, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Thỏa thuận Paris để cam kết hạn chế nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ, hoặc tối đa là 2 (một trong những “điểm tới hạn”), trước năm 2100, và từ đó các quốc gia đặt mục tiêu cho riêng mình về lượng khí CO2 mà họ sẽ thải ra. Nhưng ba năm sau thỏa thuận, mức CO2 toàn cầu vẫn tăng lên, thậm chí còn cao hơn mức trung bình của mười năm qua. Sự gia tăng về phát thải CO2 nói riêng hay khí nhà kính nói chung có thể được kết nối với thực trạng dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng (tăng gấp 3 lần trong 70 năm qua). Với nhiều người hơn, nhu cầu về năng lượng, nơi ở, thức ăn, đồ dùng, phương tiện, thiết bị, v.v. cũng vì thế mà tăng lên, và tất cả những hoạt động để đáp ứng những nhu cầu này đều tạo ra rất nhiều khí nhà kính hơn. Dưới đây là một số nguồn phát thải khí nhà kính chính:
Trước một vấn đề nghiêm trọng với phạm vi ảnh hưởng lớn như vậy, con người phản ứng với nó theo nhiều cách khác nhau. Đa số mọi người đều đã có những đóng góp nhất định vào việc giải quyết biến đổi khí hậu: từ tổ chức các cuộc nghiên cứu, khảo sát để tăng bằng chứng cho biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; quyên góp, ủng hộ khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra; đến các chiến dịch thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn uống, mua sắm, sử dụng năng lượng sạch; cam kết từ các quốc gia để giảm thiểu khí nhà kính hay những chính sách bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường được áp dụng với chế tài xử phạt rõ ràng, v.v. Tất cả những nỗ lực này đều có những hiệu quả nhất định, và nếu muốn thay đổi tương lai về biến đổi khí hậu, những hành động này cần được tiếp tục thực hiện một cách song song, với tần suất và cường độ cao hơn nữa trước khi quá muộn. Tuy nhiên, vẫn có những người chọn cách phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu. Nhóm này tổ chức những hoạt động truyền bá thông tin sai lệch và có khả năng cản trở sự phát triển của các chính sách về môi trường, khí hậu. Ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong số những nhóm đi đầu trong việc phủ nhận biến đổi khí hậu, đồng thời tài trợ nhiều tổ chức, chiến dịch để quảng bá niềm tin này. Đã có bằng chứng cho thấy Exxon - một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới - đã biết về tình trạng biến đổi khí hậu từ năm 1981, trước cả khi vấn đề này thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng 27 năm tiếp sau đó vẫn bỏ ra hàng triệu đô để tài trợ cho các hoạt động phủ nhận biến đổi khí hậu[24] (một ví dụ điển hình là các chiến dịch phủ nhận biến đổi khí hậu của Exxon[25])
Tuy nhiên, việc nhiều người công khai phủ nhận biến đổi khí hậu không phải là thủ phạm chính khiến cho chống lại biến đổi khí hậu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một trong những cách tiếp cận sai lầm trong việc giải quyết vấn đề này là việc tập trung quá mức vào trách nhiệm của các cá nhân đơn lẻ mà bỏ qua vai trò của các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp đang vì lợi nhuận mà bất chấp những nguy cơ làm tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy rằng truyền thông thường tập trung vào những hành động nhỏ lẻ mà cá nhân, hay cụ thể hơn là người tiêu dùng cần phải làm, ví dụ như giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng rau giảm thịt trong bữa ăn, không sử dụng năng lượng không bền vững, đổi túi nilon thành túi vải khi đi chợ, hay giảm mua sắm, v.v. Chắc chắn rằng những hành động nhỏ có thể tạo ra ý nghĩa lớn, và việc cá nhân đóng góp vào quá trình chống lại biến đổi khí hậu là rất cần thiết, nhưng có hai vấn đề lớn với cách tiếp cận này:
Tóm lại, mỗi nguyên nhân, mỗi yếu tố đóng góp vào vấn đề đều cần được chú ý, và mỗi cấu phần có thể cần một chiến lược khác nhau. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng với sự cam kết của toàn xã hội, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Đối với mỗi người, như đã giải thích, chúng ta vẫn có thể thực hiện những hành động cá nhân ý nghĩa để đóng góp vào việc đẩy lùi hoặc ít nhất là giảm nhẹ biến đổi khí hậu, chẳng hạn như ủng hộ các quỹ chống biến đổi khí hậu, đổi sang các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng, tái chế, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật ít hơn, v.v. Nhưng đồng thời, cá nhân cũng không được quên đi những yếu tố khác đang duy trì vấn đề, như là các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất, hay những chính phủ chưa mạnh tay với các biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu. Với tư cách là người dân, người tiêu dùng - là cốt lõi của một đất nước, cũng như là người quyết định sự sống còn của những ngành công nghiệp - chúng ta cần phải buộc doanh nghiệp và chính phủ chịu trách nhiệm để từ đó những chính sách hay cách làm việc giảm bớt gánh nặng lên môi trường có thể được thực hiện. Trong sản xuất và phân phối sản phẩm, một vài hành động mà doanh nghiệp có thể làm là cải thiện các dây chuyển để giảm tiêu thụ/ tiêu hao năng lượng, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, hay sản xuất vừa đủ với nhu cầu thực sự của khách hàng. Đối với các chính phủ, có thể áp dụng các quy định giới hạn khí thải, chất thải ra môi trường với điều khoản phạt nặng những hành vi vi phạm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung như các phương tiện giao thông công cộng, hay chuyển đổi sang năng lượng ít phụ thuộc vào nhiên liệu khí đốt; bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, tránh khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung, v.v. Tất cả những điều này có thể xảy ra nếu người dân tạo áp lực đủ lớn lên doanh nghiệp và chính phủ thông qua các hành động tập thể. Cá nhân nắm trong tay nhiều quyền lực hơn chúng ta nghĩ, và quyền lực đó cần phải được sử dụng để bảo vệ cho chính cuộc sống mọi người.
Nguồn tham khảo
|
K8: Bất bình đẳng xã hội
Bất bình đẳng: Những người bị bỏ lại phía sau
Khi nhìn bức ảnh này, bạn có suy nghĩ gì? Bức ảnh được chụp ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, nêu bật lên sự tương phản giữa cuộc sống của những con người nơi đây. Một bên là những tòa nhà chọc trời, hiện đại, sang trọng; bên còn lại là những căn nhà tạm lụp xụp, cũ kỹ, báo hiệu một điều kiện sống không hề lý tưởng. Câu nói “thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo” có lẽ đã miêu tả hoàn hảo bức tranh này nói riêng và thực trạng bất bình đẳng nói chung, khi chúng ta đang sống trong một xã hội nơi có những tỷ phú có giá trị tài sản lớn đến mức còn cao hơn cả GDP của một số quốc gia, hoặc đủ tiền để nuôi sống vài thế hệ con cháu tiếp theo của bản thân, nhưng đồng thời cũng có những người khác đang không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống, đang lo lắng về bữa ăn tiếp theo sẽ đến từ đâu, hay liệu con cái của họ có được tiếp tục đi học để có cơ hội cải thiện cuộc sống hay không. Đáng buồn rằng Ấn Độ không phải là đất nước duy nhất nơi khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng đang trở thành một vấn đề nhức nhối - thực chất chúng ta có thể nhìn thấy điều đó ở bất kỳ đâu. Với chỉ một cú nhấp chuột tìm kiếm về những khu ổ chuột nổi tiếng trên thế giới, ta có thể dễ dàng thấy sự xuất hiện của chúng ở hàng loạt địa danh thường gắn với sự hào nhoáng, phát triển. Có thể kể đến như khu ổ chuột Guryong ở Seoul (Hàn Quốc), “thành phố nghĩa trang” ở Manila (Philippines), khu ổ chuột Rocinha ở Rio De Janeiro (Brazil), v.v. Chính tại Việt Nam, những khu nhà xập xệ, thiếu vệ sinh, không đạt mọi tiêu chuẩn về điều kiện sống cho con người vẫn là nhà của hàng nghìn người dân, điển hình là các khu dọc kênh Đôi, kênh Tẻ ở thành phố Hồ Chí Minh[1] hay khu “siêu ổ chuột” dưới chân cầu Long Biên ở trung tâm thủ đô Hà Nội.[2]Biểu hiện của bất bình đẳng thường thể hiện rõ nhất ở khía cạnh kinh tế, tuy nhiên có rất nhiều loại bất bình đẳng khác được tạo ra bởi con người đã và đang được duy trì, đẩy những người yếu thế ngày một xa về phía sau. Tỉ phú Bill Gates đã từng nói “cuộc sống không công bằng, hãy làm quen với điều đó,” nhưng liệu chúng ta có nên quen (hay nói cách khác là chấp nhận) có những con người đang sống trong cảnh cùng cực, vì sự khác biệt mà bị phân biệt đối xử, bị tước quyền lợi chính đáng, không có cả cơ hội để đạt đến một cuộc sống tốt hơn hay không? Liệu một xã hội có thể phát triển một cách bền vững khi một bộ phận người dân không có khả năng đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của con người như thức ăn, nước sạch, nơi ở, giáo dục hay không? Hãy cùng tìm hiểu sau đây.
Hiểu theo đúng nghĩa của từ ngữ, “bất bình đẳng” ám chỉ bất kỳ sự không ngang bằng hoặc không đồng đều giữa các cá nhân với nhau. Thế nhưng đây là một định nghĩa quá rộng, vì theo cách giải thích này, vấn đề “bất bình đẳng” sẽ mất đi tính cấp thiết của nó. Ví dụ, người A khi đi công tác được ở khách sạn 5 sao, trong khi người B chỉ được ở khách sạn 4 sao - vậy có được coi là bất bình đẳng không? Hay tiếp viên hàng không lương khoảng 25 triệu/tháng, và quản lý khách sạn 20 triệu/tháng, thì liệu đây có phải là biểu hiện của bất bình đẳng? Tóm lại, bất bình đẳng, với tư cách là một vấn đề toàn cầu, cần phải có một định nghĩa cụ thể hơn, nêu bật được sự bất công không đáng có đang tồn tại giữa các cá nhân. Trong Chương trình GCED, "bất bình đẳng" nên được hiểu là sự thiếu hụt cơ hội để một người có thể sống một cuộc sống tử tế, có phẩm giá. Tuy là một khái niệm chủ quan có thể thay đổi tùy vào niềm tin của văn hóa, xã hội, hay cá nhân, “cuộc sống tử tế” thường bao gồm khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, chỗ ở, quần áo, và chăm sóc sức khỏe - những yếu tố quyết định sự sống còn của con người. Ngoài ra, nó cũng bao gồm cả khả năng tiếp cận giáo dục, cơ hội việc làm, quyền tự do thể hiện bản thân, quyền tham gia vào quá trình quyết định mà không sợ bị phân biệt đối xử hoặc ngược đãi. Cuối cùng, cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng và gắn kết với người khác cũng đóng góp vào định nghĩa của một cuộc sống tử tế. Có thể thấy những yêu cầu về một cuộc sống tử tế theo định nghĩa trên thực sự không có gì cao siêu hay xa xỉ, và đó nên được nhìn nhận là quyền lợi đương nhiên, chính đáng của tất cả mọi người, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, khuyết tật, sắc tộc, nguồn gốc, tôn giáo, địa vị kinh tế - xã hội, v.v.[4] Xã hội ngày càng phát triển; kinh tế, công nghệ đang ở đỉnh cao, chúng ta đang tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ, nhưng không phải ai trên thế giới cũng được đảm bảo sự công bằng đề đạt được một cuộc sống tử tế: hàng ngày đều có phụ nữ và trẻ em chết do các bệnh phòng ngừa được như lao, sởi, hoặc trong quá trình sinh con vì không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người già, người di cư, và người tị nạn phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ hội và bị phân biệt đối xử. Cứ năm người thì có một người cho biết đã từng bị phân biệt đối xử vì ít nhất một trong những lý do phân biệt đối xử bị luật nhân quyền quốc tế nghiêm cấm. Trong số những người khuyết tật, cứ 10 người thì có 3 người bị phân biệt đối xử, và tỷ lệ này còn cao hơn ở phụ nữ khuyết tật.[5] Một cách chung nhất, bất bình đẳng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội và kết quả đầu ra của một người. Hay nói một cách khác, bất bình đẳng biểu hiện rõ nhất ở sự bất bình đẳng cơ hội và bất bình đẳng về kết quả giữa những nhóm người khác nhau. Bất bình đẳng về cơ hội tập trung vào sự khác biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ, quyền hoặc cơ hội để một người có thể đạt được tiềm năng của mình mà không phụ thuộc vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, như là giới tính, chủng tộc, sắc tộc, hoàn cảnh của cha mẹ, hoặc nơi sinh. Trong khi đó, bất bình đẳng về kết quả đề cập đến sự khác biệt về thu nhập, sự giàu có, sức khỏe, giáo dục, hoặc các chỉ số khác về hạnh phúc giữa các cá nhân hoặc nhóm trong xã hội.
Một xã hội bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến những người nghèo, những người bị đối xử bất công mà sẽ tác động đến toàn xã hội nói chung. Dưới đây là tác động của bất bình đẳng nói chung lên nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội[6]:
Bất bình đẳng là một mối quan tâm lớn trên toàn cầu, và có nhiều loại bất bình đẳng khác nhau đang xảy ra song song. Nổi bật có thể kể đến như bất bình đẳng kinh tế, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng sắc tộc - văn hóa, bất bình đẳng tầng lớp/giai cấp, bất bình đẳng tuổi tác, v.v. Mỗi loại bất bình đẳng lại có những đặc điểm và thử thách riêng. Hãy cùng điểm qua một số loại bất bình đẳng tiêu biểu:
Bất bình đẳng kinh tế là sự chênh lệch trong phân bổ của cải, vật chất, thu nhập trong một xã hội. Hiện tượng này đã tồn tại từ những xã hội loài người đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử, và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ đất nước hay vùng lãnh thổ nào đạt được bình đẳng kinh tế hoàn toàn.[7] Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bất bình đẳng kinh tế không ai khác chính là người nghèo. Những người này thường đã phải chịu cảnh nghèo đói qua nhiều thế hệ, có thu nhập thấp, thiếu cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, hoặc ở vùng sâu vùng xa. Biểu hiện nổi cộm nhất của bất bình đẳng kinh tế là thu nhập và của cải ngày càng tập trung ở tầng lớp thượng lưu: một báo cáo của Oxfam cho thấy vào năm 2018, 26 người giàu nhất thế giới nằm giữ khối tài sản bằng tổng tài sản của một nửa dân số toàn cầu (3,8 tỷ người nghèo nhất). Trong 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, số lượng tỷ phú đã tăng gần gấp đôi và tài sản của giới siêu giàu trên thế giới đã đạt mức kỷ lục. Thu nhập của giới thượng lưu tăng nhanh đang thúc đẩy và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập.[8] Có người cho rằng bất bình đẳng kinh tế là tương đối dễ hiểu, ví dụ như số tiền mà một người kiếm được, hoặc chất lượng cuộc sống mà họ có là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và lựa chọn thông minh. Nhưng trên thực tế, tiềm năng của một người để đạt được kết quả này vẫn phụ thuộc vào những yếu tố được quyết định từ khi họ sinh ra mà hoàn toàn nằm ngoài quyền kiểm soát của cá nhân, như là giới tính, hoàn cảnh gia đình, nơi sinh, màu da, v.v. Những yếu tố này có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào cảnh nghèo đói và không thoát ra được, đồng thời giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nước sạch, giáo dục, y tế. Không những vậy, những khoảng cách trong các lĩnh vực mới hơn đang dần xuất hiện, chẳng hạn như khả năng tiếp cận công nghệ trực tuyến và di động. Những bất bình đẳng trong cơ hội như vậy dẫn đến bất bình đẳng trong kết quả/đầu ra, hay cụ thể hơn ở đây là tình trạng kinh tế của một người hay một hộ gia đình. Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên mức độ giàu có khác nhau là mọi người được trả mức lương khác nhau. Mọi người thường tin rằng khả năng bẩm sinh hay lựa chọn cá nhân có vai trò quyết định sự giàu có của một cá nhân, từ trí thông minh, quyết tâm, đến ưu tiên trong cuộc sống, hay thậm chí thói quen của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là tất cả. Còn rất nhiều yếu tố khác đã và đang duy trì bất bình đẳng thu nhập mà cá nhân không thực sự có quyền kiểm soát:
Phụ nữ thường là đối tượng bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng nhiều nhất. Cách đối xử khác biệt có thể nảy sinh từ sự khác biệt về sinh học, tâm lý học, hoặc các chuẩn mực văn hóa phổ biến trong xã hội. Bất bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở tranh cãi nhỏ nhặt như “ai nên rửa bát?”, hay “liệu có nên cho trẻ em sử dụng màu trung lập giới tính?” - bất bình đẳng giới có ảnh hưởng thực tế và trực tiếp đến cơ hội để thành công trong học tập và trong cuộc sống của trẻ em gái và phụ nữ. Dưới đây là một vài con số quan trọng về tình hình bất bình đẳng giới trên thế giới:
Những sự khác biệt về mặt sinh học dẫn đến việc xã hội đối xử với đàn ông và phụ nữ khác nhau: mỗi giới đều được gán cho những mong đợi, quy tắc, đặc điểm riêng biệt. Nhẹ thì có phụ nữ thì phải dịu dàng, thùy mị; đàn ông phải mạnh mẽ, không được để cảm xúc lấn át. Nặng thì có phụ nữ không cần phải học hành, không cần phải đi làm, chỉ cần sinh con đẻ cái chăm sóc gia đình là được; còn đàn ông thì phải đóng vai trò trụ cột gia đình về mặt tài chính, và sẽ là người có tiếng nói nhất trong những quyết định trong gia đình. Những mong đợi, quy tắc này được cha mẹ dạy cho con cái, từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào suy nghĩ của con người, trở thành một loại “truyền thống” khó có thể xóa bỏ. Chắc chắn rằng phụ nữ và đàn ông có những điểm khác biệt nhất định, và có những công việc, nhiệm vụ mà một giới sẽ làm tốt hơn giới còn lại, dẫn đến có sự thiếu tương đồng về mong đợi hay cách đối xử. Tuy nhiên, sự khác biệt này không bao giờ nên trở thành lời bào chữa cho việc một giới khổ hơn hay không có nhiều cơ hội trong cuộc sống như giới còn lại.
Chủng tộc và sắc tộc là hai khái niệm thường được sử dụng để phân chia các nhóm người. Dù có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau, một cách đơn giản nhất, “chủng tộc” phân loại con người dựa vào đặc tính di truyền (ví dụ như màu da, đặc tính khuôn mặt, kiểu tóc, v.v.) , còn sắc tộc (hoặc “dân tộc”) thì tập trung vào khía cạnh đặc tính xã hội, ví dụ như những người được coi là cùng sắc tộc thường có chung di sản văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, nghi lễ, trang phục, v.v. Một số chủng tộc, sắc tộc nhất định thường chịu thiệt thòi ngay ở cả những quốc gia có nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy sự hòa nhập của họ. Các nhóm chủng tộc, sắc tộc yếu thế vốn đã bắt đầu với ít tài sản hơn và ít các mối quan hệ xã hội hơn các nhóm khác, đồng thời thường xuyên chịu những định kiến và phân biệt đối xử, khiến họ khó tiếp cận với cơ hội để thay đổi cuộc sống. Sau đây là nghiên cứu trường hợp về bất bình đẳng chủng tộc/sắc tộc tại Hoa Kỳ và Việt Nam.
Từ mô tả và ví dụ về những loại bất bình đẳng phía trên, có thể thấy những biểu hiện này luôn có sự tương tác, kết nối với nhau, thậm chí thúc đẩy lẫn nhau, khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với những người bị đối xử bất bình đẳng. Một vài ví dụ:
#1. Bất bình đẳng là lẽ đương nhiên Bất bình đẳng thường được coi là một phần không thể tránh khỏi trong xã hội loài người, hay thậm chí có ý kiến cho rằng đây thực chất là một sự công bằng (đọc thêm về hiện tượng tâm lý “just world” hay tạm dịch là “ông trời có mắt” tại ĐÂY[22]). Thực tế không phải vậy: sự bất bình đẳng thực chất là đều là lựa chọn của con người, được duy trì thông qua các hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị được thiết kế để mang lại lợi ích cho một số nhóm nhưng lại gây lại cho một số nhóm khác. Những lựa chọn này có thể bao gồm phân biệt đối xử, loại trừ, bóc lột, và điều này có thể dẫn đến việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội, quyền lợi một cách không bình đẳng. Ví dụ, quyết định trả lương thấp hơn cho một số nhóm người lao động nhất định, hoặc những người không có đủ tiền sẽ không thể tiếp cận được giáo dục và chăm sóc sức khỏe - những lựa chọn này có thể kéo dài sự bất bình đẳng theo thời gian. Mặc dù không thể phủ nhận một số mức độ bất bình đẳng là tự nhiên và không thể tránh khỏi (ví dụ như người phụ nữ luôn phải chịu trách nhiệm mang thai và sinh con), nhưng mức độ bất bình đẳng cực đoan mà khiến một bộ phận dân số sống dưới mức tối thiểu, không đảm bảo được quyền con người, hay bị phân biệt đối xử vì những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân là điều không bao giờ nên được chấp nhận. Những thiệt thòi mà những nhóm người này phải hứng chịu không phản ánh giá trị hay khả năng vốn có của họ, mà là biểu hiện của những điều kiện bất công mà họ phải đối mặt. #2. Giải quyết bất bình đẳng là trách nhiệm cá nhân Đương nhiên, luôn có những câu chuyện, những tấm gương cho thấy người chịu thiệt thòi vẫn có khả năng đạt được thành công, ước mơ của mình. Dù có thể là những minh chứng rất hay về nỗ lực hay sự tài giỏi của một người đã giúp họ cải thiện được cuộc sống như thế nào, chúng ta không thể mong đợi tất cả những người yếu thế phải tự mình vượt khó. Một điều không thể phủ nhận rằng nếu những người chịu thiệt thòi thành công trong cuộc sống, họ đã phải cố gắng rất nhiều, thậm chí gấp rất nhiều lần so với những người đang có mức thành công ngang họ, nhưng may mắn có điểm xuất phát tốt hơn. Sự cố gắng vượt bậc đó là một điều đáng ghi nhận, nhưng không nên được coi là chuyện bình thường, người yếu thế đương nhiên phải cố gắng nhiều hơn những người không yếu thế, và nếu không cố gắng đủ, chuyện họ tiếp tục khổ là điều họ hoàn toàn xứng đáng. Vì sao chúng ta lại chấp nhận rằng có những người không cần phải cố gắng nhiều nhưng vẫn thành công vì họ có điểm xuất phát tốt hơn, nhưng lại đòi hỏi người nghèo phải nỗ lực như một hình thức “chuộc tội” như vậy? Hãy nghĩ thử mà xem, không ai trên thế giới này khi sinh ra được lựa chọn hoàn cảnh sống hay điều kiện kinh tế của cha mẹ - việc bạn sinh ra trong một gia đình có điều kiện, hay một gia đình nghèo khổ, thiếu thốn không quá khác với tỷ lệ ngẫu nhiên của xổ số. Chỉ khác là người không trúng xổ số trên thực tế thì chỉ mất một số tiền nhỏ đã dùng để mua tờ vé số đó, còn người không trúng “xổ số” cuộc đời thì sẽ có những vấn đề, trở ngại đeo đuổi họ suốt cuộc đời, cản trở việc họ có một cuộc sống tốt hơn.
Bất bình đẳng là một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội và đã được nhận định là một vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của con người. Vậy nên cũng không quá lạ khi đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết các loại bất bình đẳng khác nhau, và các nỗ lực này thường tập trung để giúp tăng cơ hội và/hoặc cải thiện kết quả đầu ra cho nhóm người yếu thế. Một số loại giải pháp đã được triển khai bao gồm:
|
K9: Sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững
Sản xuất và tiêu thụ thiếu bền vững: vấn đề lớn của xã hội hiện đại
Gần đây, đài truyền hình Việt Nam có làm một phóng sự ngắn về thói quen mua sắm quá độ của một bộ phận giới trẻ. Họ mua sắm dù không có nhu cầu, chỉ cần giá rẻ cũng có thể trở thành lý do để họ chi tiền cho một món hàng. Điện thoại thì chỉ có một, nhưng ốp thì phải có đến trăm chiếc. Hay mua một bộ quần áo đi đám cưới, và chỉ mặc một lần chụp ảnh đã trở thành “cũ”, và sẽ không bao giờ được mặc đến nữa. Mua sắm được cho rằng có thể kích thích sự gia tăng dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng tạm thời khiến chúng ta quên đi những cảm xúc tiêu cực, do đó nhiều người trẻ dùng mua sắm làm liều thuốc chữa lành cho những vấn đề trong cuộc sống.Phóng sự này đã nêu được đúng thực trạng về văn hóa tiêu dùng quá mức của người dân, khi giờ đây chúng ta chi tiền không nhất thiết là vì “cần”, mà là vì “muốn.” Phóng sự phân tích rất kỹ về trách nhiệm của người tiêu dùng khi không kiểm soát được chi tiêu của mình, đồng thời đề cập đến những hậu quả cho người tiêu dùng như hết tiền, vay nợ. Tuy nhiên, phóng sự này lại không đi sâu vào vai trò của những nền tảng bán hàng trong sự tiêu thụ quá mức, hay vì sao những nhà sản xuất lại đang tạo ra nhiều sản phẩm thừa thãi, vô dụng đến như vậy. Các sự kiện ngày đôi, siêu giảm giá, flash sale, v.v. liên tục được đưa ra với mục đích tạo cảm giác cấp bách, khan hiếm bằng cách làm nổi bật các ưu đãi trong thời gian giới hạn. Các nền tảng mạng xã hội cũng không ngừng đưa ra những quảng cáo, đánh giá của người nổi tiếng, tất cả đều kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm. Với một thế lực liên tục thúc giục con người mua sắm như vậy, khó lòng có thể nói về vấn đề tiêu thụ quá mức. Thực chất, tiêu thụ quá mức luôn đi kèm với sản xuất dư thừa, vì một thứ không thể tồn tại nếu thiếu thứ kia. Doanh nghiệp đang sản xuất vượt quá nhu cầu thực sự, thiết yếu của người tiêu dùng, đồng thời “ép” người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ. Đây là thực chất là một hiện tượng ở quy mô thế giới chỉ không chỉ là một trường hợp đơn lẻ tại Việt Nam. Xã hội của chúng ta giờ đây đang có một vấn đề lớn với sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức. Tác động tiêu cực của nó không gói gọn ở bộ phận người trẻ, càng không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, mà nó còn có những tác động vô cùng tiêu cực lên cuộc sống của con người và môi trường xung quanh nói chung.
1. Chúng ta đang sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức như thế nào? Sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức là hai khái niệm có liên quan mật thiết với nhau, mô tả tình trạng cung - cầu của hàng hóa và dịch vụ vượt quá mức tối ưu cho môi trường và xã hội. Dưới đây là một số biểu hiện tiêu biểu về sản xuất dư thừa và tiêu dùng quá mức: Thực phẩm Quá trình sản xuất - tiêu thụ thực phẩm đang vô cùng thiếu cân bằng. Nông dân trên toàn thế giới đang sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 1,5 lần dân số toàn cầu[2], vậy nhưng khoảng một phần ba trong số đó sẽ biến thành rác thải mà không bao giờ được sử dụng: 14% lương thực được sản xuất ra bị thất thoát giữa thu hoạch và bán lẻ, trong khi ước tính 17% tổng sản lượng lương thực toàn cầu bị lãng phí trong các hộ gia đình (11%), dịch vụ phục vụ ăn uống (5%), hay trong bán lẻ (2%). Lượng thực phẩm thất thoát hoặc lãng phí này tương đương với khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm, có thể đủ để nuôi sống 2 tỷ người - gấp đôi số người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới.[3] Vấn đề về phân phối thức ăn cũng ảnh hưởng ở chiều ngược lại. Có rất nhiều người có tiếp cận với lượng thực phẩm quá lớn, từ đó không kiểm soát tốt lượng thức ăn nạp vào. Khoảng 2,6 tỷ người (38% dân số Trái Đất) đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.[4]
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng không chỉ có thời trang nhanh là “thủ phạm” duy nhất của vấn đề sản xuất và tiêu thụ quá mức trong ngành may mặc: kể cả các thương hiệu cao cấp cũng đang tăng cường sản xuất để cạnh tranh với thời trang nhanh bằng cách tăng số lượng bộ sưu tập cho ra mắt mỗi năm từ hai lên thành tám (có khi hơn).[8]
Ngành công nghiệp điện tử không ngừng tạo ra các sản phẩm mới và cải tiến, chẳng hạn như điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng, TV, máy chơi game, v.v. Những sản phẩm này thường có vòng đời ngắn hơn và nhanh lỗi thời hơn so với các hàng hóa khác vì chúng nhanh chóng bị thay thế bởi các mẫu mới hơn với các tính năng, hiệu suất tốt hơn. Các công ty công nghệ như Apple, Samsung, Google nổi tiếng với việc cho ra mắt sản phẩm mới một cách thường xuyên, khiến người tiêu dùng cảm thấy họ cần nâng cấp thiết bị liên tục, từ đó tạo ra rất nhiều rác thải điện tử. Khoảng 53,6 triệu tấn chất thải điện tử đã được tạo ra vào năm 2019.[9] Trong khi đó, để tạo ra sản phẩm mới, ngành công nghiệp này vẫn đang ngày ngày khai thác kim loại hiếm, sử dụng năng lượng và nước sạch, tạo ra khí thải nhà kính và các chất độc hại, đồng thời bóc lột người lao động ở các nước đang phát triển.
Du lịch cũng góp phần vào vấn đề sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức theo nhiều cách. Du lịch có thể gây áp lực quá tải đối với các nguồn tài nguyên quan trọng của địa phương, chẳng hạn như nước, năng lượng, và động vật hoang dã. Ví dụ, ngành du lịch có xu hướng sử dụng nhiều nước hơn mức được phân bổ hợp lý để sử dụng cho bể bơi, cảnh quan, và mục đích sử dụng cá nhân cho khách du lịch. Đây có thể là vấn đề đối với những điểm đến dễ bị thiếu nước. Du lịch cũng sử dụng một lượng năng lượng đáng kể để sưởi ấm, chiếu sáng, và vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ, đường biển, hoặc đường hàng không - điều này có thể làm quá tải cơ sở hạ tầng năng lượng của địa phương và tạo ra lượng khí thải carbon lớn cho vùng đó. Hơn nữa, khách du lịch có thể vô tình thúc đẩy việc khai thác tài nguyên động thực vật thiếu trách nhiệm. Nhu cầu sử dụng hải sản hoặc sản vật của một địa phương có thể dẫn đến đánh bắt quá mức một số loài, và việc mua quà lưu niệm có thể khuyến khích việc bán các sản phẩm từ động vật hoang dã đang bị đe dọa.[10][11]
Nội dung số Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi nội dung trực tuyến được sản xuất nhiều hơn mức con người có thể tiêu thụ, và chúng ta đang tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết. Tính riêng Youtube, trong năm 2022, cứ mỗi phút thì có khoảng 500 giờ video được tải lên, tương đương với tổng thời lượng một năm là khoảng 30,000 năm cho riêng video trên nền tảng này.[12] Các loại thuật toán nhận diện sở thích, mối quan tâm của người dùng cũng thường xuyên được sử dụng để đề xuất các nội dung tiếp theo, khuyến khích người dùng tiếp tục tiêu thụ những nội dung này và thậm chí gây nghiện. Không những chỉ là các nội dung giải trí, tin tức và sự kiện xảy ra ở khắp nơi trên thế giới cũng được cập nhật đến người dùng hàng giờ, hàng phút thông qua nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng tổng hợp tin tức. Một khảo sát ở Mỹ cho thấy cứ 10 người trưởng thành ở Mỹ thì có một người cập nhật tin tức mỗi giờ một lần, và 20% người dân Mỹ cho biết họ liên tục theo dõi trang chủ của các tài khoản mạng xã hội của họ - điều này thường khiến họ dễ dàng bắt gặp những tiêu đề tin tức mới nhất, dù họ có thích hay không.[13] Nỗi sợ bỏ lỡ một thông tin sốt dẻo, một xu hướng mà ai cũng biết, kèm theo việc truyền thông tạo ra quá nhiều nội dung đang ngày càng làm cho vấn đề về sản xuất và tiêu thụ quá mức nội dung số trầm trọng hơn.Những số liệu và thông tin trên đây mô tả những xu hướng chung của cả thế giới về vấn đề sản xuất và tiêu thụ quá mức chứ không phải của riêng một quốc gia nào. Tuy nhiên, không có nhiều nước bàn luận hay nghiên cứu sâu về vấn đề này, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào những xu hướng chung của thế giới để nhận diện liệu Việt Nam có đang gặp tình trạng sản xuất và dư thừa quá mức hay không.
Tiêu thụ quá mức tạo ra sản xuất dư thừa. Khi mọi người tiêu dùng nhiều hơn mức cần thiết, họ sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với hàng hóa và dịch vụ. Điều này có thể khuyến khích các công ty sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu này và tăng lợi nhuận của họ. Với sức mua lớn, các nhà sản xuất sẽ cạnh tranh thu hút khách hàng bằng cách giảm giá và/hoặc cải thiện chất lượng, từ đó tiếp tục kích thích tiêu thụ. Có thể thấy sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát cho cả khối sản xuất và người tiêu dùng. Một lý do khác thường được sử dụng làm “lá chắn” bào chữa cho việc sản xuất và tiêu thụ nhiều là cần thiết cho con người là “tăng trưởng kinh tế”. Rất nhiều người tin rằng cứ sản xuất và tiêu dùng càng nhiều thì càng đang đóng góp vào nền kinh tế, và khi nền kinh tế đi lên, cuộc sống của tất cả mọi người trong nền kinh tế đó cũng sẽ đi lên. Tuy nhiên, lập luận này bỏ qua các tác động tiêu cực của sản xuất và tiêu dùng quá mức đối với môi trường cũng như xã hội.
Một số hệ quả của sản xuất và tiêu dùng quá mức bao gồm:
Sản xuất và tiêu dùng quá mức cần thiết là một vấn đề phức tạp, không thể quy kết trách nhiệm hoàn toàn cho một nhóm hay cá nhân nào. Thay vào đó, đây là một vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến nhiều bên khác nhau, bao gồm người tiêu dùng, doanh nghiệp, và chính phủ. Mỗi nhóm đều góp phần tạo ra và duy trì vấn đề, vậy nên cũng không khó hiểu khi yêu cầu cả ba nhóm này tham gia giải quyết vấn đề. Người tiêu dùng: chủ nghĩa tiêu dùng và mong muốn sở hữu vật chất của con người đã dẫn đến một vòng lặp sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức. Người tiêu dùng mua nhiều hơn mức họ cần, dẫn đến xả/phát thải tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dù vậy, cũng cần phải hiểu rằng hành vi của người tiêu dùng bị thúc đẩy bởi quảng cáo và các chiêu trò tiếp thị, khiến mọi người tin rằng họ càng sở hữu nhiều thì họ càng hạnh phúc. Ngoài ra, có một bộ phận người tiêu dùng không thực sự có đủ năng lực tài chính để đưa ra những lựa chọn tiêu dùng tốt hơn cho môi trường, như là mua các thiết bị, phương tiện tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, hay mua một đồ dùng chất lượng cao, có thể sử dụng lâu dài nhưng đắt đỏ (thay vì dùng hàng rẻ, kém chất lượng và liên tục phải thay mới). Do đó, khi nói về vai trò của người tiêu dùng, chúng ta nên hiểu rằng quyết định tiêu dùng của con người đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Đồng ý rằng bản thân người tiêu dùng có thể học cách để kiểm soát bản thân tốt hơn, nhưng cũng nên cẩn trọng với những chiến dịch, những giải pháp chỉ tập trung đổ trách nhiệm cho người tiêu dùng mà hoàn toàn không nhắc đến vai trò của bên sản xuất cũng như của chính phủ. Doanh nghiệp: một trong những động lực chính của sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức là việc theo đuổi lợi nhuận. Các công ty không ngừng tìm cách tăng lợi nhuận, dẫn đến việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết mà bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người. Một số doanh nghiệp thì xảo quyệt hơn - họ “tẩy xanh” (greenwashing) sản phẩm của mình, khiến cho người tiêu dùng có ấn tượng rằng các sản phẩm ấy là thân thiện với môi trường, đánh vào nhu cầu muốn đóng góp vào công cuộc bảo vệ trái đất nói chung, trong khi đó thực chất dành hầu hết nguồn lực cho việc quảng cáo xanh hơn là thực hiện các hoạt động thực tế giúp giảm thiểu tác động tới môi trường. Một mặt doanh nghiệp thường xuyên đổ lỗi cho người tiêu dùng về thói quen mua sắm của họ, mặt khác doanh nghiệp luôn kích cầu, thúc đẩy mọi người tiếp tục mua sắm thông qua quảng cáo, tiếp thị, truyền thông. Các kênh này liên tục nói với người tiêu dùng rằng họ đang không đủ tốt (tóc không đủ suôn, da mặt không đủ sáng, cơ thể không đủ gầy, lối sống không đủ năng động, v.v.) và đưa ra sản phẩm cần bán như một giải pháp, từ đó tạo ra nhu cầu mà không thực sự xuất phát từ bản thân của người tiêu dùng. Đây là một trong những yếu tố lớn nhất duy trì vòng lặp sản xuất dư thừa - tiêu thụ quá mức. Chính phủ các nước cũng đóng một vai trò trong sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức. Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế có thể sẽ ưu tiên sản xuất hơn tính bền vững. Một số chính phủ có thể không quản lý chặt chẽ hoặc đánh thuế nặng tay các tác động tiêu cực có thể đến từ sản xuất và tiêu dùng, chẳng hạn như ô nhiễm, phát thải khí nhà kính, hoặc xả thải. Một số khác lại khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng, hướng tới kích cầu, gia tăng sản xuất, trao đổi mua bán. Đương nhiên, không thể phủ nhận rằng nhiều bộ máy đứng đầu các quốc gia đã và đang có những nỗ lực để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tuy nhiên họ đã làm được như kỳ vọng hay tiềm năng cho phép của họ hay chưa thì lại là một câu chuyện khác. —---- Sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức là một vấn đề đa khía cạnh với nhiều tác nhân khác nhau đang duy trì vòng lặp sản xuất và tiêu thụ quá mức. Vì không phải được gây ra bởi một cá nhân hay tổ chức nhất định, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sự chung tay của cả xã hội, đặc biệt là ba nhóm người tiêu dùng - nhà sản xuất/doanh nghiệp - chính phủ.
Đã đến lúc chúng ta cần phải cân nhắc lại sự ám ảnh của con người đối với sự tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần chuyển sự tập trung từ tăng trưởng kinh tế sang sự bền vững. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới mà đề cao sự khỏe mạnh của Trái Đất, của con người hiện tại, và cả của các thế hệ tương lai. Tài nguyên cần phải được bảo tồn và sử dụng một cách thông minh, đồng thời chất, khí thải phải được giảm thiểu đến mức tối đa. Điều này có nghĩa là chúng ta cần hướng tới sản xuất và tiêu thụ bền vững - nghĩa là hàng hóa và dịch vụ cần được tạo ra và sử dụng một cách hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực lên con người và môi trường.[17] Kết quả lý tưởng của mô hình này là chúng ta vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu của hiện tại, nhưng đồng thời cũng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Hiện nay, có ba loại giải pháp chính cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ quá mức mà đã và đang được thực hiện, bao gồm giải pháp về chính sách, giải pháp từ phía “cung”, và giải pháp từ phía “cầu”:
Với tư cách là người tiêu dùng (hay một phần của phía “cầu”), chúng ta có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ quá mức thông qua nhiều cách khác nhau:
|
K10: Tiếp cận giáo dục
Tiếp cận giáo dục: vừa là cơ hội, vừa là đầu ra của con người
Giáo dục thường được ca ngợi là công cụ cân bằng tuyệt vời, mang đến cho cá nhân cơ hội vượt qua các rào cản, phá vỡ vòng lặp đói nghèo và phát huy hết tiềm năng của họ. Tuy nhiên, thực tế là khả năng tiếp cận giáo dục chưa bao giờ là bình đẳng. Giữa các nước trên thế giới và ngay cả trong từng quốc gia, luôn có sự chênh lệch đáng kể về cơ hội giáo dục bắt nguồn từ các yếu tố như điều kiện kinh tế, giới tính, sức khỏe, vị trí địa lý, v.v. Việc tiếp cận giáo dục không bình đẳng này có thể kéo dài sự bất bình đẳng xã hội hiện có và cản trở sự tiến bộ của cá nhân và xã hội nói chung. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các khía cạnh khác nhau của thực trạng thiếu khả năng tiếp cận giáo dục, hậu quả của nó cũng như các giải pháp tiềm năng để thu hẹp khoảng cách này. Bằng cách làm sáng tỏ vấn đề quan trọng này, con người nói chung có thể phấn đấu để đạt được một hệ thống giáo dục công bằng và toàn diện hơn, trao quyền cho các cá nhân, không phân biệt nguồn gốc, giới tính, điều kiện kinh tế, để họ có thể phát triển và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội. 1. Vì sao giáo dục lại quan trọng? Trước tiên hết chúng ta cần nói về tầm quan trọng của giáo dục. Hiếm có ai trên đời này công khai phủ nhận giá trị của giáo dục, nhưng khi nghe về những trường hợp trẻ em không được đến trường hay người lớn không biết chữ, chúng ta thường cảm thấy những thương cảm nhất định, nhưng đôi khi không nghĩ quá sâu về việc nếu thiếu đi giáo dục thì chất lượng cuộc sống của một người có thể giảm đi đến chừng nào, thậm chí sự phát triển của một xã hội có thể bị ảnh hưởng tiêu cực ra sao. Cần nhấn mạnh rằng, giáo dục được coi là tấm vé để cá nhân đạt tới một cuộc sống tốt hơn, đồng thời cũng là trụ cột của bất kỳ xã hội nào. Giáo dục cung cấp kiến thức, kỹ năng, và giá trị cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của mỗi người, từ đó tăng khả năng có được công việc tốt hơn và tăng sự tự chủ trong cuộc sống.[1] Chỉ cần thêm một năm đi học sẽ tăng thu nhập của một người lên tới 10% và cung cấp cho họ đa dạng cơ hội việc làm hơn. Giáo dục đặc biệt quan trọng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn vì đây có thể là bàn đạp giúp họ vượt qua những rào cản về nghèo đói, bất bình đẳng, phân biệt đối xử và bạo lực mà họ phải đối mặt để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giáo dục có thể mang lại cho họ cơ hội bình đẳng để tiếp cận làm việc tốt hơn, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội, từ đó trao quyền cho họ tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến bản thân và cộng đồng của họ. Được tiếp cận với giáo dục là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe toàn cầu và giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe của họ. Bằng cách giúp nâng cao nhận thức và xóa bỏ định kiến, kỳ thị, giáo dục giúp chống lại các bệnh có thể ngăn ngừa được như HIV và sốt rét. Không những vậy, những người lớn có học thức thường có ít con hơn, khỏe mạnh hơn, và truyền lại được những thói quen lành mạnh cho con cái. Phụ nữ có học thức cũng được trang bị tốt hơn để kiểm soát số lượng con của mình. Ví dụ, ở Mali, những phụ nữ không đi học có trung bình khoảng bảy đứa con, còn phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn cũng có nhiều khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe hơn trong thời kỳ mang thai, dẫn đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh được cải thiện. Hơn nữa, một đứa trẻ được sinh ra bởi một bà mẹ biết đọc có khả năng sống sót qua 5 tuổi cao hơn tới 50%.[2] Giáo dục không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của một cá nhân mà còn có vai trò đặc biệt lớn quyết định sự phát triển của xã hội. Ngoài việc đào tạo các cá nhân để đạt được tiềm năng cao nhất của mình, từ đó tạo ra sự đổi mới và tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau, giáo dục còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng văn minh và công bằng. Nó giúp tạo ra những công dân có nhận thức về đạo đức, trách nhiệm và tôn trọng đa dạng. Giáo dục giúp chúng ta hiểu và đánh giá cao giá trị của sự đoàn kết, sự công bằng và quyền lợi của mọi thành viên trong xã hội. Hay nói cách khác, giáo dục chính là công cụ để chống lại bất bình đẳng, phân biệt, và kỳ thị, tạo điều kiện cho mọi người được phát triển và thể hiện tài năng của mình, góp phần xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của con người trong tương lai. Với vai trò quan trọng như vậy đối với mỗi cá nhân và cả toàn xã hội, giáo dục đã được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người nói chung và trẻ em nói riêng. Để phát triển một đất nước với công dân có học thức, hầu hết các quốc gia đều có các chương trình phổ cập giáo dục để mọi người trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định. Phổ cập giáo dục cũng nên được hiểu là khi mọi người đều có cơ hội bình đẳng trong giáo dục, không phân biệt tầng lớp xã hội, chủng tộc, giới tính, dân tộc, hay tình trạng khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Đây là chìa khóa đặc biệt quan trọng để giúp những nhóm người chịu thiệt thòi có cơ hội thoát nghèo và hòa nhập vào xã hội một cách toàn diện nhất.[3]
Trên khắp thế giới có khoảng 258 triệu (tương đương 17%) trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều ở các nước đang phát triển: 31% ở châu Phi cận Sahara và 21% ở Trung Á, so với 3% ở châu u và Bắc Mỹ. Không chỉ là chênh lệch về khả năng tiếp cận, thành tích học tập cũng có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ví dụ, các học sinh 15 tuổi ở Brazil, với tiến bộ học tập hiện tại, sẽ mất 75 năm để bắt kịp với điểm trung bình môn Toán và hơn 260 năm đối với môn Đọc hiểu của học sinh ở các quốc gia giàu có hơn. Trong phạm vi quốc gia, kết quả học tập—đo lường thông qua các bài kiểm tra chuẩn hóa—của trẻ em phải sống trong cảnh nghèo đói thường luôn thấp hơn. Ví dụ, ở Mexico, 80% trẻ em Mễ da đỏ (nhóm người có tỷ lệ lớn ở dưới mức nghèo cùng cực) học hết tiểu học nhưng không đạt được trình độ cơ bản về Đọc hiểu và Toán, điểm số cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của học sinh tiểu học.[4]
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, và một đứa trẻ có thể chịu ảnh hưởng từ sự cộng dồn của nhiều yếu tố khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến như giao thông ở các vùng này thường xa xôi, hiểm trở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm; trường học nhiều nơi vẫn là phòng tạm, thiếu thốn cơ sở vật chất, các phòng chức năng, hay các thiết bị công nghệ cơ bản. Vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy học cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm cơ hội đi học ở nhóm trẻ này, vì tiếng mẹ đẻ còn chưa thông thạo đã phải học tiếng phổ thông nên gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, khó khăn về kinh tế cộng thêm tư tưởng cổ hủ, trọng nam khinh nữ vẫn đang ngăn cản trẻ em, nhất là trẻ em gái, được đến trường.
Không có một giải pháp duy nhất tối ưu nào cho vấn đề tiếp cận giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên, bởi những ngữ cảnh và thử thách khác nhau sẽ đòi hỏi các giải pháp khác nhau. Những giải pháp này cần được áp dụng đồng thời thì mới có thể giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tiếp cận giáo dục. Dưới đây là một số giải pháp thường được đề xuất hoặc triển khai bởi nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới:
Những tổ chức này thường không hoạt động đơn lẻ - mặc dù có những chương trình, sáng kiến riêng, các tổ chức này vẫn hợp tác với nhau trong nhiều nỗ lực khác nhau. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm:
Tầm quan trọng của giáo dục là không thể chối cãi, do đó mọi người đều có thể đồng ý rằng trẻ em cần được đảm bảo quyền được đi học. Tuy nhiên, vì nguồn lực có hạn, chưa có nhiều quốc gia có thể phổ cập giáo dục toàn dân tới các bậc học cao hơn, ví dụ là bậc Đại học. Ở bậc học này, học sinh thường phải làm một bài đánh giá và kết quả để quyết định đỗ/trượt dựa trên điểm chuẩn của trường, hoặc học sinh sẽ được xét tuyển thông qua các kết quả học tập, rèn luyện và các hoạt động ngoại khóa đã tham gia trước đó. Học sinh về cơ bản phải “đấu” với nhau để giành suất vào ngôi trường mà mình mong muốn. Cũng bởi sự xuất hiện của một “cuộc chiến” như vậy, nhiều quốc gia đã đặt ra những chính sách nâng đỡ/ ưu đãi (affirmative action) dành cho những người thuộc nhóm được coi là yếu thế trong xã hội, với mục đích tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, nơi mà điểm xuất phát của mỗi thí sinh gần nhau nhất có thể. Như đã đề cập đến rất nhiều ở các phần trước, những nhóm người yếu thế có ít cơ hội để tiếp cận với giáo dục hơn rất nhiều, từ đó dẫn đến kết quả học tập cũng sẽ thấp hơn. Nếu đem kết quả “thuần” này ra để so sánh với một học sinh khác có điều kiện hơn, sau đó quyết định ai là người xứng đáng hơn để được vào trường, những người vốn đã thiệt thòi sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi, tiếp tục mất đi cơ hội giáo dục, hay nói cách khác là cơ hội để thay đổi cuộc sống. Do đó, các trường đại học quanh thế giới thường áp dụng chế độ cộng điểm [với hình thức dùng điểm của một (tổ hợp các) bài thi để quyết định đỗ/trượt] hoặc dành một tỷ lệ/chỉ tiêu nhất định các suất vào trường cho một số nhóm thiểu số/ yếu thế. Có thể kể đến một vài ví dụ như Việt Nam có cộng điểm khu vực và cộng điểm cho đối tượng chính sách trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; nhiều trường đại học ở Mỹ đã từng giữ một số chỗ hoặc đặt một tỷ lệ tuyển sinh nhất định cho các nhóm chủng tộc/sắc tộc cụ thể (thường là người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha); Ấn Độ đặt ra hạn ngạch tuyển sinh đại học cho các nhóm thiệt thòi (hay nôm na là nhóm đẳng cấp thấp trong xã hội); ở Australia có những học bổng đại học dành riêng cho phụ nữ trong ngành STEM; v.v. Loại chính sách này, dù dưới hình thức nào, vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi từ khi mới xuất hiện. Mặc dù không thể phủ nhận thành công của nó trong việc thúc đẩy sự đa dạng trong môi trường học tập, đồng thời tăng cường cơ hội cho các nhóm yếu thế, nó cũng đối mặt với nhiều lời chỉ trích. Nhiều người cho rằng nó tạo ra sự phân biệt đối xử đảo ngược - nghĩa là giờ đây nhóm được cho là chiếm ưu thế sẽ bị tổn hại và mất cơ hội. Điều này có thể làm gia tăng sự thù địch và xung đột giữa các nhóm với nhau. Không những vậy, nó có nguy cơ hạ thấp hiệu suất và kết quả của trường học do không chọn thí sinh giỏi nhất, thay vào đó bị giới hạn lựa chọn theo giới tính, sắc tộc, v.v. Cuối cùng, chính sách nâng đỡ/ ưu đãi còn có khả năng phá hoại lòng tự trọng và sự tự tin của các nhóm yếu thế vì họ có thể cảm thấy rằng họ chỉ đạt được những điều này không phải nhờ năng lực của bản thân, mà chỉ đơn thuần là do họ là phụ nữ/ người dân tộc/ da màu, v.v. Bất chấp những nhược điểm, các chính sách nâng đỡ/ ưu đãi này vẫn được coi là cần thiết để giảm bất bình đẳng trong xã hội. Chắc chắn đây không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng nó là giải pháp cần thiết. Những chính sách này thừa nhận rằng bình đẳng không có nghĩa là mọi người phải được đối xử giống như nhau, mà cần đối xử với các đối tượng khác nhau dựa trên nhu cầu và hoàn cảnh của họ. Không những vậy, những chính sách này công nhận rằng có những rào cản và thành kiến mang tính hệ thống đang ngăn cản các nhóm yếu thế tiếp cận với những cơ hội cơ bản. Do đó, chính sách nâng đỡ không nên bị bãi bỏ hoặc cấm, mà cần được cải thiện, tinh chỉnh. Đây nên được coi là một loại chính sách tạm thời và cần được điều chỉnh theo ngữ cảnh.
Trước tiên hết, cá nhân cần hiểu rằng giáo dục là quyền mà tất cả mọi người đều được hưởng, từ đó giúp những người xung quanh cũng nhận thức và chấp nhận điều này. Để đóng góp vào công cuộc cải thiện tiếp cận giáo dục một cách trực tiếp hơn, một cách đơn giản mà cá nhân có thể làm là đóng góp tiền bạc và thời gian cho những dự án có mục đích rõ ràng, uy tín, và minh bạch. Đồng thời, cần nhớ rằng không chỉ những yếu tố thuần giáo dục (trường lớp, giáo viên, sách vở, v.v.) là khía cạnh duy nhất mà các nỗ lực nên tập trung vào — cá nhân có thể mở rộng sự giúp đỡ của mình đến các vấn đề phi giáo dục nhưng cũng ảnh hưởng lớn không kém tới khả năng được đi học của trẻ em, ví dụ như khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ bữa ăn sáng/trưa cho trẻ em; thay đổi nhận thức của cha mẹ về giáo dục; hỗ trợ tiền của, việc làm cho gia đình các em; đấu tranh bài trừ lao động trẻ em; v.v.
|
K11: Năng lượng bền vững
Năng lượng bền vững: con đường duy nhất cho tương lai
“Bền vững” là khái niệm được sử dụng rất phổ biến trong thời gian gần đây. Nói một cách đơn giản nhất, tính chất “bền vững” nên được thể hiện qua việc ta có thể đáp ứng nhu cầu của con người mà không làm hại đến con người và môi trường hiện tại, đồng thời không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Với cách hiểu như vậy, năng lượng bền vững cần đạt được ít nhất hai tiêu chí: (1) được hình thành liên tục hoặc có thể coi như vô hạn, VÀ (2) không phát thải hoặc phát thải ít khí nhà kính, chất gây ô nhiễm vào không khí. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá về thực trạng sử dụng năng lượng hiện tại cũng như những lý do vì sao chúng ta nên ủng hộ chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Đồng thời, những thách thức cũng sẽ được bàn luận để ta có cái nhìn toàn diện về vấn đề, từ đó rút ra những giải pháp phù hợp nhất để biến năng lượng bền vững trở thành nguồn năng lượng chính của con người trong một tương lai không xa. 1. Phần lớn năng lượng chúng ta đang sử dụng là không bền vữngHầu hết các nguồn năng lượng mà chúng ta đang sử dụng là những nguồn không bền vững, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, và năng lượng hạt nhân. Những nguồn năng lượng này bị coi là không bền vững vì nguồn cung cấp của chúng bị giới hạn ở số lượng mà chúng ta có thể khai thác từ trái đất. Than đá, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ được hình thành qua hàng nghìn năm từ tàn tích bị chôn vùi của các loại động, thực vật biển cổ đại sống cách đây hàng triệu năm. Đó là lý do vì sao chúng ta còn gọi những nguồn năng lượng này là nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng hạt nhân được sản xuất bằng cách phân tách nguyên tử của uranium để tạo ra nhiệt và điện năng. Các nhà khoa học cho rằng uranium được tạo ra từ hàng tỷ năm trước khi các ngôi sao hình thành. Uranium được tìm thấy trên khắp vỏ trái đất, nhưng hầu hết đều rất khó hoặc rất tốn kém để khai thác và chế biến thành nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù năng lượng hạt nhân không thải khí nhà kính, từ đó tốt hơn cho con người và môi trường, nhưng nó vẫn không được coi là một loại năng lượng bền vững vì sớm muộn thì nó cũng sẽ cạn kiệt. Theo dự đoán của các nhà khoa học, trữ lượng dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào năm 2043. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với than đá và khí đốt tự nhiên - ngày chúng ta không còn những nhiên liệu hóa thạch này đang đến rất nhanh. Nhưng lý do mà con người cần phải khẩn trương tìm kiếm các nguồn năng lượng mới không chỉ vì các nguồn năng lượng này đang cạn kiệt, mà vì tác động nghiêm trọng của chúng lên hành tinh và sức khỏe của chúng ta[2]. Không phải bỗng nhiên mà các loại năng lượng hóa thạch lại chiếm tỷ lệ lớn như vậy trong thống kê sử dụng năng lượng bởi con người. Nhiên liệu hóa thạch xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống, dù chúng ta có chú ý hay không. Đầu tiên phải kể đến giao thông vận tải: sử dụng chủ yếu là xăng và dầu diesel, cho dù đó là đi học, đi làm, đi chơi, đi du lịch đường dài, chúng ta đều đang tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để vận hành xe máy, ô tô, xe buýt, máy bay, xe lửa, v.v. Tiếp theo, mọi thiết bị điện mà chúng ta sử dụng hàng ngày, như quạt, điều hòa, máy tính, sạc điện thoại, tivi, đèn, v.v đều được chạy phần lớn bởi nhiên liệu hóa thạch (ở Việt Nam thường chỉ có thủy điện được nhắc đến, nhưng thực tế nguồn này chỉ tạo ra khoảng 29% lượng điện của cả nước, trong khi nhiệt điện than và khí chiếm tới khoảng gần 70%). Thậm chí tới cả đến cả ngôi nhà chúng ta đang ở, hay cụ thể hơn là viên gạch, xi măng, sắt thép, sơn, v.v. đều trải qua quá trình sản xuất mà sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguồn năng lượng chính. Hay thực chất, nhiên liệu hóa thạch cũng “ẩn mình” trong những sản phẩm và dịch vụ mà con người sử dụng hàng ngày: từ nhựa được sử dụng trong bao bì, túi nilong, đồ gia dụng, đến sợi tổng hợp trong quần áo, khăn, thảm sử dụng các dẫn xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, chất tẩy rửa cũng có chứa các thành phần gốc dầu. Có thể thấy cuộc sống của con người đang phụ thuộc rất nhiều vào loại nhiên liệu không bền vững này.
Một số tác động tiêu cực của việc lạm dụng năng lượng không bền vững bao gồm[3]: Gây ra biến đổi khí hậu Nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu hiện nay, và hệ thống năng lượng là nguồn tạo ra khoảng hai phần ba lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Cả CO2 và các loại khí nhà kính khác đều có thể tích tụ và tỏa nhiệt. Như các chuyên gia đã chỉ ra, sự gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ trái đất tăng lên đáng kể. Ngày nay, nhiệt độ trái đất đã tăng hơn 1oC kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, nghĩa là tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch hiện tại được duy trì và dự báo rằng nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 được chứng minh là đúng, thì sẽ rất khó để kiểm soát nhiệt độ tăng lên trong mức cho phép. Sự nóng lên này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho hành tinh của chúng ta. Tràn dầu, dầu loang Trong danh sách các thảm họa môi trường do các hoạt động của con người gây ra, dầu loang/ tràn dầu là một trong những thảm họa nghiêm trọng và phổ biến nhất. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên hành tinh là khu rừng rậm Amazon. Hơn 400 cộng đồng ở Amazon thuộc Peru đã bị ảnh hưởng từ năm 2014 do sự cố tràn dầu thường xuyên, và giờ đây trong cơ thể những người dân ở đây có thể tìm thấy chì, thủy ngân, và các loại kim loại nặng khác. Tỉnh Sucumbios, một phần của Amazon thuộc Ecuador, là một trong những khu vực vì ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm dầu. Thực phẩm, nước, và không khí bị ảnh hưởng bởi nhiều sự cố tràn dầu. Khu rừng nhiệt đới có rất nhiều những ống khói khổng lồ đốt cháy khí thải từ quá trình khai thác dầu và cũng gây ô nhiễm nước mưa - nguồn nước chính của cư dân trong khu vực. Mưa axit Mưa axit là một trong những hậu quả của ô nhiễm không khí. Nó xảy ra khi khí thải gây ô nhiễm từ các nhà máy, ô tô hoặc nồi hơi sưởi ấm trung tâm tiếp xúc với độ ẩm không khí. Những khí thải này được gây ra bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và dẫn đến quá trình axit hóa đất, hồ, và biển, dẫn đến thiệt hại cho hệ thực vật và động vật trên cạn và dưới biển. Ảnh hưởng đến sức khỏe con người Thực tế là tất cả những hậu quả của việc sử dụng năng lượng không bền vững nêu trên đều có tác động đến sức khỏe con người theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu cụ thể hơn, ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra 4,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, theo một nghiên cứu của Greenpeace và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA). Chưa kể, theo ước tính của WHO, khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm xảy ra hàng năm do tiếp xúc với các hạt kim loại liên quan đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Với những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng như đã đề cập đến ở trên, đã đến lúc chúng ta cần phải cắt giảm sự phụ thuộc đối với các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu này ra khỏi cuộc sống của con người trong một sớm một chiều là điều rất khó vì như đã thấy, nguồn nhiên liệu này đã ăn sâu bám rễ vào từng ngóc ngách của đời sống hàng ngày. Do đó, chúng ta nên hướng tới việc giảm dần khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phối hợp sử dụng các loại năng lượng bền vững hơn để những thế hệ sau này vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Như đã đề cập từ đầu, năng lượng bền vững là loại năng lượng đảm bảo được nguồn cung dài hạn cho con người, đồng thời không tạo ra hoặc tạo ra tương đối ít khí, chất thải làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Một số loại năng lượng bền vững bao gồm:Trên thực tế, những loại năng lượng bền vững không phải chỉ gần đây mới xuất hiện. Trải dài xuyên suốt lịch sử loài người, sinh khối từ thực vật là nguồn năng lượng chính, được đốt cháy để lấy nhiệt và làm thức ăn cho động vật được dùng để vận chuyển và cày xới. Các nguồn năng lượng không bền vững (hay không thể tái tạo) chỉ bắt đầu trở thành nguồn năng lượng chính từ những năm 1910[1], và từ đó chứng kiến sự bùng nổ trong sản xuất và tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch.Các loại năng lượng bền vững, nhờ vào tính chất ít gây ô nhiễm, có thể giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, ung thư, các vấn đề về tim mạch và tử vong sớm. Đồng thời, chúng có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như các tác động kéo theo như hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng, suy giảm đa dạng sinh học, mất an ninh lương thực. Năng lượng bền vững cũng giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bởi chúng không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên hữu hạn hoặc gây hại cho hệ sinh thái như nhiên liệu hóa thạch[4].
Dù đã có nhiều bước tiến lớn trong công nghệ cũng như phổ biến giá trị của năng lượng bền vững với tương lai con người, không thể phủ nhận giờ đây năng lượng được tạo ra và sử dụng bởi các nguồn bền vững vẫn chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ so với nhiên liệu hóa thạch. Sau đây là một số nguyên nhân thường được nhắc đến:
Nguyên nhân liên quan đến những việc năng lượng bền vững ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực, lợi ích của một số nhóm người:
Dù một số những nguyên nhân được đề cập đến trên đây có lý riêng của nó, điều này không có nghĩa rằng năng lượng tái tạo không đáng để hướng đến, mà đúng hơn là năng lượng sạch nên được thực hiện với sự cân nhắc cẩn thận về những đánh đổi và hệ quả liên quan. Câu hỏi được đặt ra không còn là liệu chúng ta có nên chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hay không, mà là chúng ta làm điều đó như thế nào để đảm bảo tính giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến con người và môi trường.
Hơn nữa, những tác động tiềm ẩn của năng lượng tái tạo về mặt con người cũng như môi trường này thực chất không nhiều và nguy hiểm bằng nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các vấn đề về sức khỏe, v.v., và hầu hết những chi phí này đều do các nhóm dễ bị tổn thương hay yếu thế nhất gánh chịu[9]. Do đó, năng lượng tái tạo, bền vững vẫn là năng lượng của tương lai và cần nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng.
5. Một số nỗ lực nổi bật trong việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững trên thế giới Với những rào cản kể trên, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Các nhóm nỗ lực nổi bật bao gồm:
Mặc dù phần lớn trong chúng ta khó có thể quyết định điện sử dụng đến từ năng lượng tái tạo hay không tái tạo, vẫn có những việc mà mỗi cá nhân có thể làm để góp phần vào công cuộc quan trọng này:
|
K12: Chất lượng cuộc sống
Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho mọi người: Mục tiêu dài hạn của mỗi quốc gia
“Sống đàng hoàng”, “có chất lượng cuộc sống tốt”, hay “một cuộc sống tử tế” là một khát vọng nằm ở trung tâm của sự tồn tại của con người. Ước muốn này bao gồm các nhu cầu và điều kiện cơ bản cần thiết để cá nhân, cộng đồng cảm thấy an toàn, hạnh phúc, và có nhân phẩm. Mặc dù khái niệm về cuộc sống tử tế có thể khác nhau giữa các nền văn hóa, bối cảnh, hay thậm chí giữa các cá nhân với nhau, nhưng vẫn có một số mẫu số chung, hay những khía cạnh được coi là tối thiểu mà ai cũng có thể đồng ý, chẳng hạn như thức ăn, nước uống, nơi ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, v.v. Việc theo đuổi một cuộc sống có chất lượng bắt nguồn từ các nguyên tắc công bằng xã hội và nhân quyền. Nó công nhận rằng mọi người đều xứng đáng có cơ hội phát triển và phát huy hết tiềm năng của mình, bất kể xuất thân hay hoàn cảnh của họ. Cuộc sống đàng hoàng không chỉ giới hạn ở sự tồn tại đơn thuần; nó bao gồm cả những yếu tố thiết yếu giúp các cá nhân phát triển về thể chất, tinh thần, và cảm xúc. Thật không may, hàng triệu người trên thế giới vẫn bị tước đoạt những yêu cầu cơ bản để có một cuộc sống đàng hoàng. Nghèo đói, bất bình đẳng, phân biệt đối xử và các chính sách xã hội không phù hợp góp phần làm cho những thách thức này tồn tại dai dẳng. Sau đây chúng ta sẽ đi sâu vào các yếu tố quyết định một cuộc sống có chất lượng, từ đó phân tích nguyên nhân và giải pháp cho từng yếu tố để có thể hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người nói chung.
Mặc dù có nhiều định nghĩa về một cuộc sống có chất lượng, nhưng ở mức tối thiểu, một cuộc sống có chất lượng cần có được các yếu tố sau đây:
Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng đây đều là những yếu tố tối quan trọng đối với cuộc sống của một con người; không có gì là thừa thãi hay đòi hỏi quá đáng ở đây cả. Để sinh tồn, một người bắt buộc phải có đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng; được chăm sóc sức khỏe khi đau ốm, và có một nơi gọi là “nhà” để che nắng che mưa, để được nghỉ ngơi mà không lo lắng đến nguy hiểm rình rập. Tiếp đến, vì con người vốn là một loài động vật có tính xã hội cao, do đó khả năng hòa nhập vào xã hội, bình đẳng với những người khác trong xã hội không chỉ giúp chúng ta tồn tại, mà còn giúp chúng ta có một sức khỏe tinh thần tốt hơn. Cũng bởi sống cùng với rất nhiều cá thể khác trong cùng một xã hội, chúng ta cần phải cảm thấy được bảo vệ (bởi những người khác và bởi những người có quyền, như là chính phủ chẳng hạn). Khi thiếu đi một hoặc nhiều yếu tố kể trên của một cuộc sống chất lượng, con người trở nên rất dễ bị tổn thương. Những yếu tố này đều có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Một ví dụ cơ bản là sự liên kết với nhau giữa các yếu tố thu nhập - thức ăn - sức khỏe - giáo dục: Với một người có thu nhập thấp, khả năng cao là họ sẽ không đủ tiền mua thức ăn theo nhu cầu và phải sử dụng thức ăn kém chất lượng. Với nguồn dinh dưỡng nạp vào không đảm bảo, họ đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật cao, từ đó ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc để cải thiện thu nhập. Chính vì sự liên kết này, chỉ cần thiếu đi một trong những yếu tố cơ bản thôi là những yếu tố khác sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí đẩy con người ta xuống mức cùng cực vô cùng nhanh chóng. Khi một người không thể tiếp cận hoặc đủ khả năng chi trả cho các yếu tố cơ bản của một cuộc sống có chất lượng, chẳng hạn như nhà ở an toàn, thực phẩm lành mạnh, nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội, họ có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn trước môi trường bên ngoài, thậm chí là trước những người khác. Họ cũng có thể có ít khả năng đối phó hoặc phục hồi hơn khi rơi vào các tình huống khó khăn, bất khả kháng. Chẳng hạn, đối với một người vốn đã chỉ có mức thu nhập vừa đủ để trang trải các chi phí cơ bản hàng ngày, một trận ốm nặng, hay một tai nạn bất ngờ xảy ra hoàn toàn có thể làm đứt gãy nguồn thu nhập vốn đã không bền vững của họ, đẩy họ vào hoàn cảnh khó khăn khó thoát.
Vẫn có rất nhiều người trên thế giới đang không được hưởng một cuộc sống đàng hoàng, xứng đáng. Họ có thể đang thiếu thốn một hoặc nhiều yếu tố thiết yếu cho một cuộc sống đàng hoàng như đã liệt kê ở trên. Sau đây là một số con số biết nói về tình trạng nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống không được đáp ứng[1]:
3. Có phải người có chất lượng cuộc sống thấp là vì họ xứng đáng với điều đó? Không thể phủ nhận các quyết định cá nhân, như lựa chọn, nỗ lực, hành động đóng vai trò tương đối lớn trong việc hình thành chất lượng cuộc sống của một người. Chẳng vậy mà chúng ta thường xuyên tán dương những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống, hay một tỷ phú, một chủ doanh nghiệp nào đó đi lên từ bàn tay trắng, trải qua bao khó khăn, thất bại nhưng cuối cùng vẫn gây dựng được cơ ngơi đồ sộ. Đã có hẳn một khái niệm gọi là tư duy “nhân tài làm chủ xã hội” hay chế độ nhân tài (meritocracy) được phát triển và thu hút số lượng rất đông đảo người ủng hộ. Chế độ nhân tài nhấn mạnh đến việc trao cơ hội, phần thưởng và vị trí dựa trên khả năng và thành tích của một cá nhân. Trong một xã hội áp dụng chế độ trọng dụng nhân tài, các cá nhân được đánh giá và “thưởng” dựa trên thành tích của họ, thay vì các yếu tố như địa vị xã hội, gia thế, các mối quan hệ xã hội, hay sự giàu có. Người ủng hộ tư tưởng này cho rằng điều này thúc đẩy sự công bằng, vì hứa hẹn rằng bất kỳ ai, bất kể nền tảng xuất thân của họ, đều có thể đạt được thành công nhờ nỗ lực và khả năng của chính mình; những cá nhân có trình độ và tài năng nhất sẽ vươn lên vị trí nắm giữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Chế độ nhân tài vì thế mà khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ, phát triển kỹ năng, kiến thức, và tài năng của họ, dẫn đến tăng năng suất và đổi mới sáng tạo trong xã hội.
Thêm một ví dụ nữa để củng cố luận điểm này: Có hai học sinh giả định vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT: Học sinh A, đạt 21 điểm, là một học sinh thành phố, nhiệm vụ chính là đi học, được đi học thêm, học gia sư thường xuyên để ôn luyện cho kỳ thi này từ đầu năm lớp 11; học sinh B, đạt 18 điểm, là một học sinh ở miền núi, chỉ được học chính khóa trên lớp, phải vừa đi học, vừa trông em và làm việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhìn vào hai học sinh này, ai có thể khẳng định được em nào thông minh hơn/ học giỏi hơn? Em nào đã cố gắng nhiều hơn? Hay, em nào xứng đáng được vào đại học hơn? Nếu nhìn nhận vấn đề theo chế độ nhân tài, vì học sinh A có điểm cao hơn, nên dĩ nhiên em xứng đáng vào được đại học hơn, bởi chế độ này hoàn toàn không quan tâm về xuất thân, hay hoàn cảnh của một người, mà chỉ đơn thuần dựa vào “khả năng” (được đo đạc bằng điểm số trong trường hợp này). Điều này có thực sự công bằng hay không?
(đọc thêm về chế độ nhân tài trong bài viết NÀY của Vietcetera, hoặc nghe bài diễn thuyết NÀY của nhà tâm lý học Barry Schwartz về cơ hội và may mắn thực chất quan trọng trong cuộc sống như thế nào)
4. Nguyên nhân và giải pháp Chất lượng cuộc sống được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, và mỗi yếu tố lại có những nguyên nhân riêng, do đó đòi hỏi giải pháp riêng. Ví dụ, vấn đề thiếu tiếp cận với chăm sóc sức khỏe có thể gây ra bởi các nguyên nhân như thu nhập (có nhiều tiền thì sẽ dễ “mua” được những dịch vụ khám chữa bệnh cần thiết), vị trí địa lý (cơ sở y tế quá xa xôi), hay chính sách của khu vực (có bảo hiểm y tế hỗ trợ các khoản khám chữa, thuốc men hay không), do đó một số giải pháp cho vấn đề này có thể là áp dụng bảo hiểm y tế toàn dân (đặc biệt là hỗ trợ cho người nghèo và nhóm người yếu thế); xây dựng thêm các trạm xá, bệnh viện ở các tỉnh thành nhỏ; nâng mức lương tối thiểu lên mức đủ sống; v.v. Hoặc như đối với vấn đề thiếu nước sạch, nguyên nhân có thể đến từ các tác nhân tự nhiên (như các vùng có nguồn nước ngọt hạn chế, hay tác động của biến đổi khí hậu khiến hạn hán, thiên tai xảy ra thường xuyên), hoặc đến từ các tác nhân con người (thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gây ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động công, nông nghiệp). Từ những nguyên nhân này, một số giải pháp đã được áp dụng, như trồng cây gây rừng, giảm lượng khí thải nhà kính, phát triển công nghệ để xử lý nước thải/ nước lợ, hay thực hiện những bộ luật, chế tài xử lý các hành động gây hại đến nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung. (đọc thêm về nguyên nhân, giải pháp và những hành động mà mỗi cá nhân có thể làm để cải thiện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tại đây: nước sạch, chăm sóc sức khỏe, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, tiếp cận giáo dục)
|
Lưu ý về việc giảng dạy trong Chương 1
Chương 1 là giai đoạn mà HS được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới nhất trong toàn bộ quá trình học tập của GCED. Do đó, công việc của thầy cô khi giảng dạy Chương này sẽ khá tương tự so với việc giảng dạy phần lớn những môn học khác.
Tuy nhiên, tương tự không có nghĩa là thầy cô có thể dạy tốt Chương 1 nếu như không chuẩn bị kỹ lưỡng, và có định hướng rõ ràng cho việc nên làm gì cho lớp học. Để giúp thầy cô trả lời câu hỏi "Dạy Chương 1 như thế nào cho hiệu quả?", PCT GCED sẽ chia câu hỏi này ra thành những câu hỏi nhỏ hơn (mà thầy cô nên tự trả lời khi dạy bất cứ Bài nào), cũng như gợi ý từ PCT để trả lời những câu hỏi này:
STT | Câu hỏi mà thầy cô nên tự trả lời | Gợi ý từ PCT | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
1 | Tôi cần làm gì trong một Bài/tiết bất kỳ? | Hiển nhiên là thầy cô nên hướng tới việc thiết kế những hoạt động giúp HS đạt được những mục tiêu bài học (MTB) của Bài mà thầy cô đang dạy. Tới tiết cuối cùng của 1 bài bất kỳ, thầy cô nên giúp HS đạt được tất cả MTB của bài đó.
Có lẽ khi đặt câu hỏi này, thầy cô đang cảm thấy hoang mang và đang rơi vào một trong 3 trường hợp phổ biến sau:
Với cả 3 trường hợp, vui lòng trao đổi với (1) đồng nghiệp trong tổ/khối của mình, và (2) PCT GCED để được giải đáp những thắc mắc này. | ||||
2 | Trước khi dạy, tôi nên nhắc lại kiến thức/thông tin cũ cho HS như thế nào? | Các bài trong Chương 1 (hay các bài của GCED nói chung) thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau - bài sau sẽ sử dụng kết quả thảo luận từ bài trước để tiếp tục phát triển kiến thức cho HS. Ngoài ra, trong 1 bài (từ 2 tiết trở lên) thường sẽ tồn tại một mạch nội dung nào đó kéo dài xuyên suốt từ tiết đầu tiên cho tới tiết cuối cùng.
Bởi vậy, việc nhắc lại kiến thức đã học ở những bài trước/tiết trước là việc nên làm. Thầy cô nên chọn những khái niệm/thông tin trọng tâm, kéo dài xuyên suốt nhiều bài/tiết, hoặc những khái niệm/thông tin mà thầy cô biết HS của mình thường hiểu nhầm/hiểu chưa đúng, và làm rõ ngay cho HS ở đầu tiết học.
| ||||
3 | Tôi nên giới thiệu kiến thức/thông tin cho HS, hoặc đưa ra yêu cầu cho HS như thế nào? | Để biết một bài bất kỳ có kiến thức/thông tin mới hay không, thầy cô nên nhìn vào danh sách MTB và kiểm tra xem có MTB nào bắt đầu bằng động từ "hiểu" hoặc "nhận biết" hay không. Nếu có, tức là bài này kỳ vọng thầy cô sẽ là người giới thiệu cho HS những kiến thức/thông tin mới đó.
Nếu thầy cô muốn để HS tự tìm hiểu những kiến thức/thông tin mới này (bằng việc tự tìm hiểu trước ở nhà, hoặc tìm hiểu trực tiếp ở trên lớp), như vậy là đang vượt quá yêu cầu của những MTB "hiểu" hay "nhận biết". Làm vậy không sai, có điều thầy cô cần lưu ý như sau:
Trong trường hợp thầy cô phải tự giới thiệu một số kiến thức/thông tin nào đó cho HS, hoặc đưa ra yêu cầu cho HS thực hiện, thầy cô nên lưu ý như sau:
| ||||
4 | Khi dạy, tôi nên giảng nhiều hay ít? Có nên tổ chức những hoạt động mang tính tương tác cao (để HS làm việc nhóm, thảo luận nhóm, v.v.) thay cho việc giảng không? | Không có công thức lý tưởng cho việc này. Việc thầy cô giảng nhiều chưa chắc đã là sai, nếu như thầy cô giúp HS tiếp cận được với những kiến thức/thông tin mới một cách hiệu quả, dễ hiểu, và HS cho thấy sự hứng thú với những kiến thức/thông tin này. Ngược lại, việc tổ chức những hoạt động mang tính tương tác cao chưa chắc đã là hiệu quả nếu như tổ chức không hợp lý về mặt thời gian & yêu cầu, khiến cho HS không đạt được MTB một cách hiệu quả.
Nói tóm lại, tùy vào mục đích giảng dạy của thầy cô, MTB cụ thể của bài, và năng lực/khả năng tập trung của HS trong lớp mà thầy cô sẽ quyết định là giảng ít hay nhiều, và tổ chức hoạt động trong lớp ra sao. Dưới đây là một số khuyến nghị của PCT đối với các hình thức tổ chức hoạt động khác nhau trong lớp:
| ||||
5 | Tôi nên sử dụng tài liệu/ngữ liệu gì, như thế nào trong một bài/tiết bất kỳ? | Nói chung, không có giới hạn về những tài liệu/ngữ liệu mà thầy cô có thể sử dụng, miễn sao liên quan tới MTB, và dễ hiểu đối với HS. Tuy nhiên, thầy cô nên lưu ý như sau:
| ||||
6 | Tôi nên nói kỹ tới mức nào khi đề cập tới một kiến thức/thông tin nào đó? Hoặc, nên hỏi HS kỹ tới mức nào khi HS nói về một kiến thức/thông tin nào đó. | Khi dạy 1 tiếtt, nếu thầy cô phải chọn giữa 2 việc:
| ||||
7 | Tôi nên liên kết, và chuyển tiếp giữa các hoạt động như thế nào? | Thầy cô sẽ thấy rằng trong một bài bất kỳ, các MTB thường liên quan chặt chẽ tới nhau. MTB sau thường phụ thuộc vào kết quả của MTB trước, MTB trước là tiền đề cho một (hoặc nhiều) MTB phía sau. Chẳng hạn, để đạt được MTB "xác định ý tưởng giải quyết vấn đề", trước tiên thầy cô cần giúp HS đạt được MTB "xác định vấn đề muốn giải quyết".
Các hoạt động mà thầy cô triển khai trong một bài cũng tương tự, cụ thể là:
| ||||
8 | Tôi nên chốt kiến thức/thông tin cho HS như thế nào, vào lúc nào? | "Chốt kiến thức/thông tin" không chỉ diễn ra ở cuối bài, mà còn có thể diễn ra sau khi mỗi hoạt động kết thúc, sau khi HS đã trao đồi với nhau về một thông tin quan trọng nào đó, hoặc chỉ đơn thuần là thầy cô cảm thấy cần phải làm rõ, và định hướng để HS tư duy theo một cách nào đó. Rất nhiều kiến thức/thông tin cụ thể trong 1 bài của GCED sẽ do thầy cô và HS quyết định (thay vì CT yêu cầu), do đó thầy cô nên chốt kiến thức/thông tin cho HS để đảm bảo (1) tất cả HS trong lớp đều có chung hiểu biết về cùng một vấn đề, và (2) thầy cô có cơ hội phản hồi cho HS nếu những kiến thức/thông tin đang được thảo luận không đúng/không rõ ràng.
Dưới đây là một số thời điểm trong lớp mà thầy cô nên chốt kiến thức:
| ||||
9 | Tôi có nên giao BTVN cho HS không? | Trong Chương 1, GCED không yêu cầu GV phải giao BTVN. Việc này chỉ nên diễn ra nếu như:
|
Một số câu hỏi/vấn đề thường gặp khi triển khai Chương 1
Dưới đây là một số câu hỏi/vấn đề trong quá trình triển khai Chương 1, và câu trả lời tương ứng của PCT:
STT | Câu hỏi | Câu trả lời |
---|---|---|
Những câu hỏi/vấn đề thường gặp chỉ trong Chương 1 | ||
1 | Sản phẩm cuối Chương 1 của HS là gì? Có thể đánh giá HS như thế nào ở cuối Chương 1? | Tới cuối Chương 1, HS sẽ không có một sản phẩm hữu hình nào (như một bài nghiên cứu, hay một dự án hành động). Những gì HS đã học trong Chương 1 về các vấn đề toàn cầu sẽ được đào sâu hơn ở những Chương sau, và sản phẩm ở những Chương đó sẽ dùng để đánh giá (một phần nào đó) những năng lực của Chương 1.
Do đó, ở cuối Chương 1 sẽ không có mốc đánh giá tổng kết nào. Tất nhiên, thầy cô vẫn có thể (và nên) thực hiện việc đánh gia quá trình cho HS, dựa trên việc đánh giá xem HS đã đạt các mục tiêu bài học hay chưa. |
2 | Một số kiến thức về Chủ đề trọng tâm X khá khó để tự tìm được nguồn trên mạng/các phương tiện khác, liệu PCT có gợi ý nguồn chính thống nào không? | Những nguồn tham khảo mà PCT tìm thấy được (liên quan tới Chương 1) đã được tải lên ở:
Ngoài đó ra, nếu thầy cô thấy có nội dung/kiến thức nào cần có tài liệu đọc thêm, tuy nhiên GCED hiện tại chưa có, vui lòng liên hệ trực tiếp với PCT GCED. Nếu có thể tìm được tài liệu phù hợp, PCT GCED sẽ bổ sung vào những kênh thông tin ở trên. |
3 | Mỗi Lăng kính đang được Chương trình gợi ý triển khai trong vòng 4 tiết. Liệu GV có được thay đổi phân bố các tiết này mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu bài học không? | Có thể, miễn sao đảm bảo rằng HS có đủ thời gian để đạt các mục tiêu bài (của những bài bị rút ngắn tiết). Tuy nhiên, nếu như không có lý do gì quá đặc biệt, PCT khuyên nên dạy đủ 4 tiết/Lăng kính. |
4 | Với năng lực của HS khối lớp nhỏ (ở bậc Tiểu học), có cần giới thiệu về khái niệm 5 Lăng kính không? Có cần yêu cầu HS nhớ tên 5 Lăng kính không? | Thầy cô không nhất thiết phải giới thiệu khái niệm 5 Lăng kính cho HS, nếu như HS không có khả năng hiểu 5 Lăng kính là gì, và để làm gì. Nói cách khác, thầy cô chỉ nên cân nhắc tới việc giới thiệu 5 Lăng kính này cho HS nếu HS có đủ khả năng nhận thức, và hiểu ý nghĩa của 5 Lăng kính này.
Do đó, PCT khuyên rằng thầy cô không nên nhắc tới khái niệm 5 Lăng kính cho tới bậc Trung học, và cũng không cần đào sâu quá nhiều về ý nghĩa của mỗi Lăng kính nếu như HS chưa có đủ khả năng nhận thức. |
5 | Trong Chương 1, liệu có cơ hội nào để HS xây dựng giải pháp cho một vấn đề nào đó (thuộc Chủ đề trọng tâm) không? | Không. Việc xác định giải pháp sẽ được thực hiện trong Chương 3, khi mà HS đã vào nhóm với nhau, và phải chọn ra một (hoặc nhiều) vấn đề để giải quyết trong Dự án Hành động.
Chương 1 có một sô Bài đề cập tới "giải pháp", tuy nhiên không phải là xây dựng giải pháp của HS. Thay vào đó, HS sẽ:
|
Những câu hỏi/vấn đề thường gặp trong tất cả giai đoạn của môn học | ||
6 | GV có thể sử dụng lại nội dung từ những giáo án GCED cũ (mà bản thân GV đã soạn từ những năm trước) để soạn giáo án mới không? | Được, nhưng cần cân nhắc:rằng:
|
7 | Đối với những Bài kéo dài nhiều tiết, nên soạn giáo án theo Bài (tức, 1 giáo án áp dụng nhiều tiết), hay theo tiết (tức, 1 giáo án cho mỗi tiết)? | Tùy vào yêu cầu/quy định ở cơ sở của thầy cô, và tùy vào bản chất của Bài thầy cô tạo giáo án. Dù chọn cách nào đi nữa, thầy cô cũng nên tự trả lời một số câu hỏi sau:
|
8 | Nên soạn giáo án thế nào với những Bài nhiều tiết, nhưng ít mục tiêu bài? (VD: Bài có 4 tiết, nhưng chỉ có 2 mục tiêu bài) | Trong Khung Chương trình GCED, có một số Bài nhiều tiết, tuy nhiên số mục tiêu bài còn ít hơn cả số tiết. Nếu như Bài đó không có gợi ý sẵn 1 mục tiêu bài nên được triển khai trong bao nhiêu tiết, như vậy có nghĩa là thầy cô được toàn quyết quyết định một mục tiêu bài nên được triển khai trong bao lâu. Và, như vậy cũng có nghĩa là một mục tiêu bài có thể được lặp đi lặp lại ở nhiều giáo án khác nhau (nếu như thầy cô soạn giáo án theo tiết) |
9 | Về việc liên kết với mục tiêu bài: Nên liên kết với bao nhiêu mục tiêu bài trong 1 giáo án thì vừa đủ? | Không có công thức nào cố định cho việc này. Một giáo án liên kết với bao nhiêu mục tiêu bài (nói cách khác, có thể đạt được bao nhiêu mục tiêu bài) phụ thuộc vào: |
10 | Với những HS giỏi, có năng lực tốt hơn thì GV có nên yêu cầu vượt quá mức mà mục tiêu bài yêu cầu không? | Có thể, nếu như thầy cô chắc chắn rằng (1) HS có thể làm được nhu vậy, và (2) việc yêu cầu thêm không tốn quá nhiều thời gian của HS, và của chính thầy cô. Và, vượt quá, nhưng vẫn phải liên quan tới mục tiêu bài gốc.
VD: Nếu MTB yêu cầu HS "Liệt kê một số ví dụ về hiện tượng A", GV có thể yêu cầu HS giỏi "mô tả chi tiết một số ví dụ về hiện tượng A". Lưu ý rằng khi soạn giáo án, thầy cô vẫn phải giữ nguyên mục tiêu bài gốc. Yêu cầu nâng cao này nên nằm ở một mục tách biệt, không nên lẫn lộn với phần "mục tiêu bài" dành cho phần lớn HS trong lớp |
11 | Nhiều mục tiêu bài của GCED thường bắt đầu bằng từ "hiểu". Hệ thống Vinschool hay dùng từ “liệt kê, kể tên, giải thích,…” vậy từ hiểu này trong môn GCED có được tính để sử dụng khi làm giáo án không, hay cần làm rõ như các môn khác? | Khi soạn giáo án, thầy cô sẽ phải chọn mục tiêu bài để liên kết. Những mục tiêu bài này không thay đổi được.
Khi viết tiêu chí thành công, thầy cô có thể làm rõ những từ "hiểu" này thành một động từ gì đó khác, miễn sao phù hợp với năng lực của HS. Lưu ý rằng trong GCED, để HS "hiểu" được một khái niệm/hiện tượng gì đó, GV thường sẽ giới thiệu khái niệm/hiện tương đó, sau đó phân tích ví dụ cho HS. Có thể GV sẽ yêu cầu HS phải ghi nhớ, hoặc tự đưa ra ví dụ của bản thân mình. |
12 | Những thông tin trong Khung Chương trình (chương, bài, tài liệu gợi ý) có thể được cung cấp trực tiếp cho HS không? | Rất nhiều thông tin trong Khung Chương trình là dành cho GV đọc để triển khai Chương trình/hiểu về nội dung trong GCED, không phải cho HS. Do đó, không phải thông tin/tài liệu/đường link nào cũng phù hợp để đưa trực tiếp vào bài học, nhất là ở các khối lớp nhỏ.
Bởi vậy, GV nên tự đánh giá xem một thông tin/tài liệu/đường link bất kỳ có phù hợp với đối tượng HS trong lớp mình đang dạy không, trước khi cung cấp trực tiếp những tài liệu/thông tin/đường link này. Cần tránh việc yêu cầu HS ghi chép/nhớ những thông tin với từ ngữ quá hàn lâm/học thuật (mà vốn dành cho người lớn), vì chắc chắn việc đó sẽ không có giá trị gì về chuyên môn. |
13 | Nên truyền thông MTB/TCTC như thế nào cho HS? | Thầy cô cần cân nhắc những yếu tố sau:
|
14 | Trong một Bài, nội dung nào là bắt buộc phải tuân theo? Nội dung nào thì không? | Bắt buộc tuân theo: Câu chữ của MTB, tức những yêu cầu tối thiểu cần đạt trong Bài. Đây là yêu cầu bắt buộc duy nhất
Không bắt buộc tuân theo (tức, thầy cô có quyền tự chủ):
|
Đang cập nhật... |
Gợi ý triển khai các bài trong Chương 1
Mục này sẽ liệt kê một số gợi ý triển khai của PCT đối với một số bài nhất định (trong PM Mapping). Những gợi ý này sẽ được sắp xếp theo các khối lớp từ K1 tới K12.
Lưu ý: Những gợi ý dưới đây được viết cho đối tượng đọc là thầy cô, không phải HS, do đó sẽ có nhiều từ ngữ/nội dung tương đối phức tạp so với lứa tuổi của HS ở khối lớp tương ứng. Do đó, thầy cô không nên đưa trực tiếp những ví dụ này cho HS, mà nên đơn giản hóa từ ngữ sao cho phù hợp với hiểu biết/khả năng nhận thức của HS
K1: Sự đa dạng
K2: Nước sạch
[GCED2-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Giải pháp cho việc thiếu nước sạch | ||||||
Bài này có 2 MTB:
Để đạt 2 MTB này, thầy cô có thể (1) nói về việc giải pháp cho các vấn đề liên quan tới nước sạch sẽ thiếu hiệu quả như thế nào nếu không giải quyết được nguyên nhân A dẫn tới vấn đề, và (2) giới thiệu những giải pháp đã giải quyết được nguyên nhân dẫn tới A, và lợi ích cụ thể của những giải pháp này. Vậy bình luận về giải pháp như thế nào? Thầy cô có thể:
Dưới đây là một số ví dụ về giải pháp để thầy cô tham khảo:
|
[GCED3-Lesson1.11] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang giải quyết các vấn đề về sức khỏe (hoặc chăm sóc sức khỏe) |
Bài này có 3 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Mục đích của việc này là để HS hiểu rằng các vấn đề toàn cầu vô cùng phức tạp và không một nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân nào có thể giải quyết triệt để các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự cộng tác của các cá nhân/tổ chức khác nhau.
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Thiếu nước sạch sau mùa lũ (GV có thể tham khảo video "Người dân vùng lũ khát nước sạch" để hiểu hơn về vấn đề thiếu nước sạch sau mùa lũ).
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Quyên góp nước uống đóng chai (GV có thể tham khảo bài viết "Hành trình đưa nước sạch tới người dân vùng ngập lũ sau bão số 3" để hiểu hơn về quá trình mang nước sạch tới người dân vùng lũ).
|
K3: Sức khỏe & chăm sóc sức khỏe
[GCED3-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Giải pháp cho các vấn đề về sức khỏe & chăm sóc sức khỏe | ||||||
Bài này có 3 MTB:
|
[GCED3-Lesson1.11] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang giải quyết các vấn đề về sức khỏe (hoặc chăm sóc sức khỏe) |
Bài này có 3 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Trẻ em nhỏ tuổi thường có sức khỏe yếu/sức đề kháng kém (GV có thể tham khảo bài viết ""Góc tư vấn: Tại sao sức đề kháng của trẻ dễ suy giảm từ tháng thứ 6?"" để hiểu thêm về vấn đề sức đề kháng kém ở trẻ Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều dịch bệnh diễn ra cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Gần đây chúng ta cũng đã chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới. Trong số những người chịu ảnh hưởng, đối tượng trẻ nhỏ là dễ mắc bệnh hơn do hệ miễn dịch của các em vẫn chưa hoàn thiện, khiến các em dễ bị tổn thương trước các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin và biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (GV có thể tham khảo bài viết "Tìm hiểu về tiêm chủng cho trẻ em" để hiểu hơn về Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia do UNICEF và WHO hỗ trợ Việt Nam tổ chức)
Cả UNICEF và WHO đều có quy mô và sức ảnh hưởng toàn cầu, với văn phòng tại nhiều quốc gia. Hai tổ chức này có chung một đối tượng quan tâm là sức khoẻ của trẻ em nên đã cộng tác với nhau xây dựng nên Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cùng với:
|
K4: Động & thực vật trên Trái Đất
[GCED4-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp bảo vệ động & thực vật | ||||
Bài này có 3 MTB:
|
[GCED4-Lesson1.11] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang bảo vệ các loài động & thực vật trên thế giới |
Bài này có 2 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Nhiều động & thực vật trên Trái Đất đang bị tuyệt chủng
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Xây dựng "Thư viện hoang dã" tại các trường học (GV có thể tham khảo video "VTV24: Wild Lirary - Thư viện hoang dã" cho HS để các em hiểu hoạt động cộng tác trong nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn động thực vật)
Để bảo vệ các loài động và thực vật trên thế giới, nhiều nỗ lực cộng tác đã được triển khai bởi các cá nhân, tổ chức và chính phủ. Một trong số những nỗ lực thường thấy là hợp tác để nâng cao nhận thức về vấn đề suy giảm động thực vật, từ đó hướng tới thay đổi hành vi và khuyến khích bảo vệ các loài động thực vật xung quanh. Chẳng hạn, tại Việt Nam, một hình thức nổi bật là việc thành lập các "Thư viện hoang dã" tại các trường học trên cả nước. Mục tiêu của các thư viện hoang dã là cung cấp cơ hội được tiếp cận với sách về thiên nhiên, môi trường, các loài động, thực vật hoang dã đến với các em học sinh. Từ đó khơi gợi sự tò mò và quan tâm tới các loài động thực vật trong trẻ.
|
K5: Quy tắc xã hội
[GCED5-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp cho các vấn đề về quy tắc xã hội | ||||
Bài này có 4 MTB:
|
[GCED5-Lesson1.11] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang giải quyết các vấn đề về quy tắc xã hội trên thế giới |
Bài này có 2 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Quyền trẻ em bị vi phạm (GV có thể xem video "Lao động trẻ em cướp đi tuổi thơ của hàng triệu em nhỏ Châu Phi" để hiểu rõ về thực trạng vấn đề này)
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Kêu gọi các doanh nghiệp/tập đoàn chấm dứt sử dụng lao động trẻ em (GV có thể đọc bài "Nestle phải ra tòa vì bóc lột lao động trẻ em" để tìm hiểu về vụ kiện nổi tiếng liên quan đến các cáo buộc bóc lột lao động trẻ em mà công ty này phải đối mặt, và đọc thêm bài "Nestle chung tay loại bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em" để thấy được những thay đổi tích cực trong cơ chế hoạt động của Nestle trong việc xóa bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em)
|
K6: Giảm nghèo
[GCED6-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp giảm nghèo | ||||||
Bài này có 4 MTB:
Giống như mọi giải pháp khác, giải pháp X mà thầy cô lấy làm ví dụ có thể sẽ không giải quyết được mọi nguyên nhân, hoặc giảm thiểu được triệt để thực trạng của vấn đề). Do đó, thầy cô nên dẫn dắt để HS hiểu rằng giải pháp vừa nêu sẽ không giải quyết được nguyên nhân B, C, v.v. ra sao, và có thể sẽ không giảm thiểu được thực trạng của vấn đề như thế nào. Làm vậy không phải để phủ nhận giải pháp X, mà để cho HS hiểu rằng để giải quyết triệt để vấn đề thì mọi người sẽ cần làm nhiều việc hơn là X.
|
[GCED6-Lesson1.11] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang góp phần vào việc giảm nghèo trên thế giới |
Bài này có 2 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Nghèo đa chiều (GV có thể đọc thêm bài viết "Thế giới trước thách thức đói nghèo" để hiểu hơn những thách thức mà nghèo gây ra cho nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới)
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GV có thể tham khảo bài báo "Chính sách giảm nghèo bền vững ở Việt Nam" để hiểu về khái niệm "giảm nghèo bền vững"; và xem video "Trái ngọt” từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững" để hiểu hơn về kết quả của "Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025" sau 3 năm thực hiện)
|
K7: Biến đổi khí hậu
[GCED7-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp chống biến đổi khí hậu | ||||
Bài này có 4 MTB:
Vậy bình luận về giải pháp như thế nào? Thầy cô có thể:
|
[GCED7-Lesson1.10] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu trên thế giới |
Bài này có 3 MTB:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Ý kiến & hành động của giới trẻ trong việc chống biến đổi khí hậu chưa được cân nhắc, và quan tâm đúng mức (GV có thể đọc bài "Why youth climate change activism must be taken seriously" để hiểu rõ hơn về việc vì sao cần "lôi kéo" người trẻ vào cuộc nhiều hơn trong việc chống biến đổi khí hậu)
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Xây dựng mạng lưới thanh niên hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (GV có thể đọc phần giới thiệu về "Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu YNet Việt Nam" để hiểu rõ hơn về việc các tổ chức lớn đang hỗ trợ giới trẻ Việt Nam trong việc hiện thực hoá các ý tưởng của người trẻ để chống lại biến đổi khí hậu)
|
K8: Bất bình đẳng xã hội
[GCED8-Lesson1.5] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng trên thế giới | ||||
Bài này có 4 MTB:
Vậy bình luận về giải pháp như thế nào? Thầy cô có thể:
|
[GCED8-Lesson1.9] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang góp phần vào việc xóa bỏ bất bình đẳng trên thế giới |
Bài này có 3 MTB:
Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Phụ nữ không có cơ hội thăng tiến trong công việc vì bị phân biệt đối xử về ngoại hình & tính cách (GV có thể đọc trang Wiki về vụ kiện "Price Waterhouse v. Hopkins", hoặc đọc bài viết khác về vụ kiện này để hiểu thêm về việc một tổ chức lớn, có nhiều tiếng nói như Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ mang tới những nguồn lực, những thế mạnh đặc biệt để giải quyết vấn đề như thế nào)
Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Kiến tạo môi trường sống thân thiện với người khuyết tật ở Việt Nam (GV có thể xem video "Thiếu hạ tầng cho người khuyết tật tại các đô thị" để hiểu tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các công trình và dịch vụ xã hội xảy ra trong cuộc sống của người khuyết tật)
|
K9: Sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững
[GCED9-Lesson1.6] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp cho vấn đề sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững trên thế giới | ||||
Bài này có 4 MTB:
Vậy bình luận về giải pháp như thế nào? Thầy cô có thể:
|
[GCED9-Lesson1.10] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang góp phần vào việc giải quyết vấn đề sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững trên thế giới |
Bài này có 3 MTB:
Tại sao các tổ chức lớn, có nhiều tiếng nói sẽ mang tới những nguồn lực, những thế mạnh đặc biệt để giải quyết các vấn đề về sản xuất & tiêu thụ thiếu bền vững mà các cá nhân/tổ chức nhỏ lẻ không có được? Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Sự lỗi thời có tính toán (Planned Obsolescence) trong sản xuất hàng hóa điện tử (GV có thể đọc bài "Sự lỗi thời có tính toán (Planned Obsolescence) là gì? Ảnh hưởng tới người tiêu dùng" để hiểu hơn về khái niệm và sự ảnh hưởng của chiến lược sự lỗi thời có tính toán)
Chiến lược này đã ảnh hưởng đến hành vi và tâm lý của người tiêu dùng một cách sâu sắc. Người tiêu dùng thường cảm thấy áp lực phải cập nhật thiết bị mới để không bị tụt hậu về công nghệ, dẫn đến việc chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm không thực sự cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân mà còn góp phần vào việc gia tăng lượng rác thải điện tử, gây áp lực lên môi trường. Đồng thời chiến lược này cũng gây ảnh hưởng ngược đến phía sản xuất. Khi sản phẩm nhanh chóng hỏng và trở nên lỗi thời cũng làm giảm độ tin cậy của người dùng vào nhà sản xuất. Điều này có thể dẫn đến sự giảm sút lòng trung thành của khách hàng và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu trong dài hạn. Tuy nhiên, sự lỗi thời có tính toán vẫn đang tồn tại vì nhiều lí do như:
Vấn đề này không chỉ diễn ra trong 1 ngành/1 quốc gia đơn lẻ mà ngày càng được bắt gặp trong nhiều lĩnh vực ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, để chấm dứt vấn đề này cần có sự cộng tác của nhiều cá nhân/tổ chức toàn cầu, đặc biệt là các tổ chức lớn, có nhiều tiếng nói, để đứng ra đại diện đòi quyền lợi cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất chất lượng. Và, cần nhiều tổ chức/cơ quan truyền thông lớn có thể giúp mọi người nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Đã có những nỗ lực cộng tác nào để giải quyết vấn đề? Những cá nhân/tổ chức tham gia vào nỗ lực đó là ai?Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Kiện Apple vì thiết kế sản phầm lỗi thời có tính toán (GV có thể tham khảo vụ kiện Apple trong bài “Lần đầu Pháp điều tra về cáo buộc doanh nghiệp “hạn chế tuổi thọ sản phẩm” để nắm được toàn cảnh vụ kiện giữa Pháp và tập đoàn Apple; và có thể đọc thêm “Apple Settles with French Authorities over €25 Million Fine" để hiểu hơn về cách các cá nhân/tổ chức lớn và nhỏ trên toàn nước Pháp đã cùng cộng tác để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào) Những năm 2017-2018, cả thế giới xôn xao về vụ kiện giữa Pháp và gã khổng lồ công nghệ Apple. Sau nhiều thử nghiệm trên các những chiếc điện thoại iphone, Hiệp hội HOP (Halte à l’Obsolescence Programmée), tạm dịch là “Ngưng việc thiết kế sản phẩm lỗi thời có tính toán” của Pháp đã thay mặt cho người tiêu dung Pháp, đệ đơn kiện tập đoàn Apple lên toà án Paris vì nghi ngờ cố tình làm giảm hiệu suất của các mẫu iPhone cũ thông qua các bản cập nhật phần mềm mà không thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng. Cuộc điều tra được dẫn đầu bởi Cơ quan Giám sát Tiêu dùng Pháp (DGCCRF) về cáo buộc Apple đã không thông báo cho người tiêu dùng rằng việc cập nhật hệ điều hành iPhone sẽ làm chậm hiệu suất của các thiết bị cũ. Hơn 2.600 người dùng iPhone đã cung cấp chứng cớ cho hiệp hội HOP trước toà. Kết quả là Apple bị phạt 25 triệu euro (27 triệu USD) ở Pháp. Sau vụ kiện của Apple, hiệp hội HOP tiếp tục kiến nghị lên Thượng Viện Pháp yêu cầu các công ty điện thoại di động phải có những thay đổi như thiết kế sản phẩm có thể thay thế pin, phải thông tin rõ ràng hơn cho khách hàng về tuổi thọ của sản phẩm … Giải pháp trên cũng được đưa ra trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 09/2017. Nghị Viện Châu Âu cũng đã đề nghị Ủy Ban Châu Âu sớm ban hành các quy định chống “việc cố ý hạn chế thời gian sử dụng của sản phẩm”. Sau Pháp, nhiều nước trên thế giới cũng đã đứng lên để kiện Apple, buộc tập đoàn này phải đền bù cho việc làm giảm hiệu suất thiết bị mà không thông báo. Các vụ kiện tại Mỹ, Ý và một số quốc gia khác tiếp tục nổ ra, tạo ra một làn sóng lớn trong việc yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm từ các công ty công nghệ. Vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến Apple mà còn làm nổi bật vấn đề về đạo đức trong kinh doanh và sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên toàn cầu. Sự chú ý từ truyền thông và công chúng đã khiến Apple phải thay đổi chính sách, cam kết cung cấp thông tin minh bạch hơn về cập nhật phần mềm và hiệu suất của sản phẩm, đồng thời xem xét các giải pháp bền vững hơn trong thiết kế sản phẩm. Vụ kiện này đã mở ra một cuộc thảo luận quan trọng về sự lỗi thời có tính toán và trách nhiệm của các công ty trong việc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Để có thể tiến tới sản xuất và tiêu thụ bền vững, thì bài học từ vụ kiện giữa Pháp và Apple là phải tổng hợp nỗ lực của nhiều cá nhân/tổ chức trong nhiều lĩnh vực, và đặc biệt là những tổ chức lớn, chẳng hạn như:
|
K10: Tiếp cận giáo dục
[GCED10-Lesson1.5] Lăng kính 2 - Tư duy Hệ thống: Phân tích các giải pháp cải thiện tình hình tiếp cận giáo dục trên thế giới | ||||
Bài này có 3 MTB:
Để đạt 3 MTB này, thầy cô có thể (1) nói về việc giải pháp cho vấn đề tiếp cận giáo dục sẽ thiếu hiệu quả như thế nào nếu không giải quyết được những nguyên nhân dẫn tới vấn đề, (2) nói về việc giải pháp cho vấn đề tiếp cận giáo dục sẽ thiếu hiệu quả sẽ thiếu hiệu quả như thế nào nếu không tác động được tới những yếu tố khác trong xã hội đang duy trì nguyên nhân gây ra vấn đề, và (3) giới thiệu những giải pháp đã giải quyết được nguyên nhân dẫn tới vấn đề, hoặc tác động được tới những yếu tố khác trong xã hội, và lợi ích cụ thể của những giải pháp này. Vậy bình luận về giải pháp như thế nào? Thầy cô có thể:
|
[GCED10-Lesson1.9] Lăng kính 5 - Cộng tác: Những cá nhân/tổ chức đang góp phần cải thiện tình hình tiếp cận giáo dục trên thế giới |
Bài này có 2 MTB:
Để đạt được các MTB này, thầy cô có thể:
Tại sao vấn đề tình hình tiếp cận giáo dục chỉ có thể được cải thiện nếu các quốc gia trên thế giới (bao gồm các tổ chức lớn và nhỏ, từng cá nhân ở mỗi quốc gia) chủ động cộng tác với nhau? Ví dụ về một vấn đề cần sự cộng tác để giải quyết: Người dân ở nhiều nơi tại Việt Nam thiếu khả năng sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh, và do đó Việt Nam sẽ bị hạn chế cơ hội hội nhập & phát triển. (GV có thể đọc bài viết “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Cần giải pháp đồng bộ” để hiểu hơn về thực trạng và thách thức của việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 ở trường, cũng như những giải pháp hệ thống được đề xuất từ thực trạng của Việt Nam)
Một lý do quan trọng khác là giáo dục không chỉ là một vấn đề riêng lẻ của từng quốc gia, mà còn có tính toàn cầu. Những thách thức như nghèo đói, thiên tai, hoặc khủng hoảng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của nhiều quốc gia. Khi các quốc gia hợp tác, họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và những giải pháp sáng tạo, từ đó tạo ra những chiến lược hiệu quả hơn để cải thiện tình hình giáo dục. Để có thể đưa tiếng Anh vào trường học thì cần phải làm một số việc như:
Chính vì thế mà để nâng cao khả năng tiếng Anh của người dân trong 1 quốc gia cần có sự cộng tác nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm các tổ chức lớn và nhỏ, từng cá nhân ở mỗi quốc gia). Đã có những nỗ lực cộng tác nào để giải quyết vấn đề? Những cá nhân/tổ chức tham gia vào nỗ lực đó là ai?Ví dụ về một nỗ lực cộng tác: Trao học bổng du học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (GV có thể tham khảo bài "Từ bản người Dao đến học bổng Châu Âu" để khám phá hành trình vượt khó đầy cảm hứng của một cô gái người Dao, qua đó thấy rõ cách mà học bổng du học đã trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho cô)
|
K11: Năng lượng bền vững
K12: Chất lượng cuộc sống