Chương 2: Xây dựng & Trình bày Truy vấn cá nhân

Từ GCED

Kết thúc Chương 1, HS đã có nền tảng kiến thức nhất định về Chủ đề trọng tâm/vấn đề toàn cầu của khối lớp hiện tại, và đã sẵn sàng tìm hiểu thêm về những khía cạnh khác mà Chương trình chưa đề cập tới, hoặc chưa đề cập đủ sâu. Tới Chương 2, HS sẽ có cơ hội đào sâu hơn vào những khía cạnh mà bản thân thấy thú vị và muốn nghiên cứu thêm qua một bài nghiên cứu ngắn có tên "Truy vấn Cá nhân". Đây cũng là cơ hội để HS:

  • Bổ sung kiến thức về Chủ đề trọng tâm: thông qua việc tự tìm hiểu, và tự khám phá về một vấn đề/chủ đề nào đó mà mình quan tâm, và như vậy sẽ có hiểu biết sâu hơn về các vấn đề toàn cầu (thay vì chỉ nghe kiến thức được giảng trên lớp).
  • Kiểm chứng những gì đã được học trong Chương 1: Có thể HS sẽ được tiếp cận với những thông tin mà HS chưa tin hẳn, chưa hiểu rõ, hoặc chưa có ý kiến rõ ràng. Qua việc tự tìm hiểu, HS sẽ làm sáng tỏ được những thông tin này.
  • Hỗ trợ quá trình thực hiện Dự án Hành động sau này (từ Chương 3 trở đi): Học sinh thực hiện Dự án Hành động cũng là để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó của một đối tượng/cộng đồng. Để làm vậy, HS nên có nền tảng kiến thức từ trước, và nên có sẵn một số vấn đề/chủ đề nào đó mà mình đặc biệt quan tâm.


Chương 2 của GCED có tên "Xây dựng & Trình bày Truy vấn Cá nhân", kéo dài trong 15 tiết. Đúng như tên gọi, HS sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ chính sau:

  • Xây dựng Truy vấn Cá nhân (7 tiết đầu): HS sẽ được hướng dẫn qua các bước quan trọng của việc viết một bài Truy vấn Cá nhân. Truy vấn Cá nhân của mỗi HS sẽ bao gồm những thông tin mà HS tìm ra & tổng hợp được, nhằm trả lời những câu hỏi/thắc mắc mà HS có sau quá trình tìm hiểu về Chủ đề trọng tâm (ở Chương 1)
  • Trình bày Truy vấn Cá nhân (mốc đánh giá tính điểm đầu tiên của GCED, diễn ra trong 6 tiết sau): HS sẽ thuyết trình ngắn gọn về Truy vấn Cá nhân trước một nhóm khán giả, hoặc sẽ trả lời câu hỏi phỏng vấn của GV về những gì mình đã tìm hiểu. Trong mốc đánh giá này (tên đầy đủ là Bài trình bày Truy vấn Cá nhân), HS không chỉ nói về câu trả lời cho câu hỏi truy vấn của mình mà còn cần có khả năng tường thuật về quá trình thực hiện nghiên cứu, cũng như chia sẻ về những suy ngẫm rút ra trong và sau khi hoàn thành việc tìm hiểu. Đây là một trong hai mốc đánh giá tổng thể trong năm học của GCED. Bài trình bày Truy vấn cá nhân là một sản phẩm tính điểm với số điểm tối đa là 100, chiếm 50% tỷ trọng trọng điểm xếp hạng ĐẠT/KHÔNG ĐẠT cuối năm của mỗi HS.


Lưu ý: Cần lưu ý rằng tài liệu này (và trang WikiGCED nói chung) được viết cho đối tượng người đọc là GV, không phải HS (thầy cô sẽ thấy có nhiều đoạn nói rằng GV nên làm thế này, nên làm thế kia). Nếu thầy cô muốn dùng tài liệu này để giới thiệu cho HS, vui lòng copy những nội dung liên quan, thay đổi từ ngữ, và gửi link 1 tài liệu riêng cho HS

Hướng dẫn xây dựng Truy vấn Cá nhân cho HS

Đối với Bài Truy vấn Cá nhân, HS sẽ bắt đầu bằng việc đặt một (hoặc nhiều) câu hỏi về một vấn đề/khía cạnh cụ thể, liên quan tới một đối tượng/cộng đồng nhất định. Sau đó, HS sẽ thu thập thông tin để trả lời câu hỏi đã đặt ra, và cuối cùng là viết câu trả lời hoàn chỉnh dưới dạng một đoạn văn bản/bảng thông tin. Những công việc này tương ứng với các bước xây dựng Truy vấn Cá nhân như sau:

Bước 1 - Đặt câu hỏi mà HS muốn tìm hiểu: Đây là bước vô cùng quan trọng, bởi cả quá trình truy vấn sẽ được xây dựng trên một nền tảng "lung lay" nếu câu hỏi truy vấn không đạt yêu cầu.

Bước 2 - Thu thập & phân tích thông tin: Vì HS không thể tự trả lời câu hỏi bằng những gì mình đã biết, HS phải tìm thêm thông tin ở bên ngoài. Việc tìm thông tin từ các nguồn đa dạng cũng giúp HS có được cái nhìn khách quan, đầy đủ về vấn đề mình muốn tìm hiểu.

Bước 3 - Viết câu trả lời hoàn chỉnh dưới dạng một đoạn văn/bảng thông tin: HS không thể chỉ đi tìm thông tin, sau đó đưa ra câu trả lời là "có/không" hoặc 1 câu trả lời chỉ bao gồm duy nhất 1 thông tin được. Dù câu trả lời là gì đi nữa, HS vẫn phải trình bày, sắp xếp các bằng chứng/dữ liệu đã thu thập được để chứng minh tính hợp lý của câu trả lời này. Việc trình bày, sắp xếp thông tin sao cho dễ hiểu, rõ ràng vừa giúp HS thuyết phục người đọc, vừa giúp chính bản thân mình đưa ra được câu trả lời hợp lý.

Lưu ý về việc lưu trữ thông tin của GV: Trong 1 lớp, sẽ có rất nhiều phiên bản Truy vấn Cá nhân khác nhau, mỗi Truy vấn lại có câu hỏi, cách tìm thông tin, và câu trả lời khác nhau. Do đó, GV nên chủ động tổng hợp 1 file excel/Google sheet để lưu lại những thông tin sau cho tất cả HS:
  • Câu hỏi Truy vấn Cá nhân
  • Danh sách những nguồn thông tin mà HS sẽ tham khảo/tìm kiếm
  • Câu trả lời cho Truy vấn Cá nhân*


*Đối với những HS lớp 1 chưa có khả năng viết tốt, và phải vẽ/dán giấy để làm Truy vấn Cá nhân, GV sẽ tóm tắt lại nội dung câu trả lời của HS qua các sản phẩm vẽ/dán giấy này

Bước 1: Đặt câu hỏi cho Truy vấn Cá nhân

Không phải câu hỏi nào cũng phù hợp để sử dụng cho Truy vấn Cá nhân của môn GCED. Để Truy vấn Cá nhân thực sự có ý nghĩa và HS có thể rèn luyện, áp dụng được những kiến thức, kỹ năng mong đợi trong môn học, Truy vấn Cá nhân cần đạt được hai điều kiện, bao gồm (1) liên quan đến một khía cạnh cụ thể của Chủ đề trọng tâm mà HS tò mò, muốn tìm hiểu thêm, và (2) gắn với một đối tượng/cộng đồng cụ thể. Đây là hai yêu cầu tối quan trọng đối với một Truy vấn Cá nhân mà giáo viên cần phải đảm bảo rằng HS sẽ tuân thủ.

Do đó, thường là HS sẽ không đặt câu hỏi ngay từ đầu, mà sẽ được GV tạo điều kiện để lần lượt đi qua các bước nhỏ sau:

Các bước nhỏ của việc xác định vấn đề & đặt câu hỏi Hướng dẫn/lưu ý
Xác định ít nhất 1 vấn đề cụ thể liên quan tới Chủ đề trọng tâm mà HS quan tâm Bước này sẽ giúp HS thu hẹp phạm vi tìm hiểu, từ đó xác định trọng tâm của câu hỏi truy vấn hiệu quả hơn. Một số lưu ý như sau:
  • Ngoại trừ K1, GV ở tất cả những khối lớp còn lại cần làm rõ cho HS rằng "vấn đề" phải là một vấn đề thật sự (tức, một hiện tượng, một thứ gì đó đang ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con người). Nếu HS chỉ dừng lại ở việc xác định được hiện tượng (VD: Sản xuất đồ nhựa), cần yêu cầu HS xác định xem hiện tượng này có dẫn tới vấn đề nào không (VD: Số lượng đồ nhựa được sản xuất quá nhiều, dẫn tới những tác hại tới môi trường sống & sức khỏe của con người)

Để phân biệt giữa "hiện tượng" và "vấn đề", cách dễ nhất là đặt câu hỏi "Thứ mình đang nhắc tới ở đây có đang ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con người không?" Nếu câu trả lời là không (VD: Luật giao thông), GV nên hướng dẫn HS:

  • xác định 1 khía cạnh cụ thể của hiện tượng này: có thể là vấn đề, hoặc nguyên nhân dẫn tới vấn đề. VD: Nhiều người ở Hà Nội hay vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông
  • xác định xem vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ai không (chưa cần xác định quá cụ thể người chịu ảnh hưởng là ai). VD: Nhiều người ở Hà Nội hay vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, và có thể đe dọa tới tính mạng những người khác trên đường. Tới bước này, HS đã xác định được một vấn đề rõ ràng, cụ thể
  • Vấn đề mà HS quan tâm phải liên quan đến Chủ đề trọng tâm của khối lớp đang học. Tức là, những vấn đề này phải chứa những từ khóa thuộc Chủ đề trọng tâm hoặc liên quan mật thiết đến Chủ đề trọng tâm. Nếu thầy cô nghi ngờ 1 vấn đề mà HS chọn không liên quan tới Chủ đề trọng tâm, thầy cô nên hỏi lại HS
  • GV cần phải cân bằng giữa mối quan tâm của HS và những yêu cầu đặc thù của GCED. Ví dụ, nếu HS muốn tìm hiểu về vấn đề "phân loại rác đang thiếu hiệu quả như thế nào trong trường Vinschool, GV cần định hướng lại cho HS để chọn một vấn đề khác (vì vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến chủ đề trọng tâm Nghèo của K6). Ngược lại, không nên ép HS chọn một vấn đề mà GV biết chắc chắn là đúng yêu cầu của GCED nhưng HS không hề có một chút hứng thú nào. Điều này sẽ làm mất đi động lực nội tại (intrinsic motivation) của học sinh để thực hiện nghiên cứu.
  • Vấn đề mà HS xác định nên, không nên dừng lại ở những vấn đề chung chung (VD: Bất bình đẳng, nội dung bẩn trên mạng xã hội), mà phải nêu rõ vấn đề cụ thể mà HS quan tâm là gì (VD: bất bình đẳng giới tính, tiêu thụ các nội dung bẩn trên mạng xã hội khiền nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng về nhận thức)
  • Tuy nhiên, cũng không nên quá cụ thể tới mức không thể tìm được thông tin (VD: tiêu thụ các nội dung cổ súy cá độ online trên Instagram khiến nhiều bạn trẻ trở nên nghiện cờ bac, mất kiểm soát hành vi). Những vấn đề như thế này không sai, tuy nhiên thường không khả thi để HS có thể tìm hiểu kỹ chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi.

VD: "Quy tắc xã hội" có thể có những vấn đề liên quan sau:

  • Vấn đề về việc không có quy tắc xã hội (trong một số trường hợp nhất định), dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc sống của mọi người. VD: "Ở khu vực hồ X không có biển báo, và cũng không có quy định cấm xả rác, và do đó nhiều người dân vẫn đang xả rác bừa bãi ra hồ"
  • Vấn đề về việc có quy tắc xã hội nào đó rồi, tuy nhiên quy tắc xã hội này chưa được thực thi/chấp hành nghiêm túc. VD: HS trong lớp 5A5 không tuân thủ nội quy lớp học, hay nói chuyện riêng trong lớp
  • Vấn đề về việc có quy tắc xã hội nào đó rồi, tuy nhiên quy tắc xã hội này không còn đúng đắn, phù hợp. VD: Ở nhiều khu vực miền núi vẫn tồn tại tư tưởng "trọng nam khinh nữ", khiến cho trẻ em gái không được đi học.
Xác định 1 đối tượng/cộng đồng đang mà HS muốn tìm hiểu thêm Yêu cầu về "con người" luôn là đặc trưng của GCED nhằm rèn luyện cho HS hiểu rằng "phải biết những thứ mình làm sẽ có ý nghĩa với ai, sẽ giúp được ai". Tìm hiểu thông tin một cách đơn thuần để thỏa mãn trí tò mò của HS hoàn toàn không xấu, tuy nhiên GCED là một trong số ít những cơ hội mà HS được "làm" một cách bài bản, do vậy nên tận dụng triệt để cơ hội này. Ngoài ra, đến khi làm dự án Hành động, HS cũng cần phải phục vụ một đối tượng/cộng đồng cụ thể, do đó việc xác định được đối tượng/cộng đồng cho Truy vấn Cá nhân có thể coi như một lần làm quen và luyện tập.

Tương tự với việc xác định vấn đề, đối tượng/cộng đồng này nên càng cụ thể càng tốt, miễn sao HS có thể tìm được thông tin về đối tượng này (tham khảo thông tin từ các nguồn trên mạng, hoặc phỏng vấn/quan sát trực tiếp). Trong trường hợp HS nghĩ rằng mình khó tìm được thông tin về 1 đối tượng/cộng đồng rất cụ thể (VD: Tổ dân phố số 2 ở phường A, quận X, thành phố Hà Nội), có thể chấp nhận việc cho HS tìm hiểu về những đối tượng rộng hơn (VD: người dân quận X, hoặc người dân thành phố Hà Nội)

Đặt câu hỏi về vấn đề và cộng đồng đã chọn Sau khi đã xác định được (1) ít nhất một khía cạnh cụ thể của Chủ đề trọng tâm mà HS tò mò, muốn tìm hiểu thêm, và (2) ít nhất một đối tượng/cộng đồng cụ thể, HS sẽ đặt câu hỏi cho Truy vấn Cá nhân của mình.

Dưới đây là 1 ví dụ cụ thể ở K9:

  • Vấn đề: Số lượng đồ nhựa được sản xuất quá nhiều, dẫn tới những tác hại tới môi trường sống & sức khỏe của con người
  • Đối tượng/cộng đồng mà HS quan tâm: Trung Quốc, nước đang sản xuất nhiều đồ nhựa nhất thế giới
  • Câu hỏi có thể đặt ra: Việc sản xuất đồ nhựa số lượng lớn ảnh hưởng thế nào tới con người & môi trường ở Trung Quốc?


Một số gợi ý về các dạng câu hỏi mà HS có thể đặt (GV đọc để nắm, không cần thiết phải nói cho HS là chỉ có từng này dạng câu hỏi):

  • Thực trạng: Có thể hỏi về việc vấn đề ĐANG xảy ra như thế nào, ở đâu, ảnh hưởng hiện tại tới mọi người là gì.
  • Nguyên nhân: Có thể hỏi về những yếu tố gây ra & duy tri vấn đề
  • Hệ quả: Có thể hỏi về việc vấn đề SẼ tiếp tục xảy ra như thế nào, nếu như không giải quyết thì có thể gây ra những hậu quả gì
  • Giải pháp: Có thể hỏi về những giải pháp khả thi cho vấn đề, hay những giải pháp đã được triển khai
  • So sánh/bình luận với những vấn đề khác: Có thể đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa vấn đề A với vấn đề B, hay sự giống nhau/khác biệt giữa những khía cạnh cụ thể của các vấn đề khác nhau nhất để bắt đầu nghiên cứu, và giải thích lý do chọn câu hỏi này
  • v.v.
Rà soát & chốt câu hỏi Tùy vào khối lớp mà HS có thể chỉ cần đặt 1 câu hỏi duy nhất ngay từ đầu, hoặc đặt một số câu hỏi và chọn ra câu hỏi phù hợp nhất. Tuy nhiên, dù câu hỏi là gì đi nữa thì GV cũng nên đảm bảo rằng:
  • Câu hỏi HS có thể trả lời được, và HS có thể tìm kiếm thông tin để trả lời: Nếu như câu hỏi hay, tuy nhiên HS không có khả năng trả lời thì cũng vô ích. Trong trường hợp này, nên yêu cầu HS điều chỉnh lại phạm vi câu hỏi (có thể chọn vấn đề cụ thể hơn/khái quát hơn, hoặc điều chỉnh lại đối tượng/cộng đồng liên quan). Để biết HS có thể trả lời được hay không thì:
    • Nếu HS có năng lực nghiên cứu tốt: Thầy cô nên yêu cầu HS tìm nhanh một vài thông tin có thể dùng để trả lời câu hỏi, sau đó HS sẽ dùng những thông tin này để chứng minh cho thầy cô là có thể trả lời được câu hỏi này
    • Nếu HS chưa có năng lực nghiên cứu tốt, hoặc còn nhỏ tuổi (thường là ở Bậc Tiểu học): Thầy cô nên chủ động tìm kiếm thông tin khi HS có ý tưởng về câu hỏi, và nhận xét cho HS về việc liệu HS có thể trả lời được câu hỏi hay không.
  • Câu hỏi phải liên quan đến Chủ đề trọng tâm của khối lớp đang học. Tức là, những câu hỏi này phải chứa những từ khóa thuộc Chủ đề trọng tâm hoặc liên quan mật thiết đến Chủ đề trọng tâm.
  • Nên tránh các câu hỏi có thể trả lời được luôn mà không cần thực hiện nghiên cứu/tìm hiểu thông tin, hoặc chỉ trả lời có/không là xong.
  • Với HS K1: Nếu HS không ghi được câu hỏi xuống, thầy cô nên chủ động ghi lại cho HS.

HS ở những lứa tuổi khác nhau sẽ có khả năng xác định vấn đề/đặt câu hỏi khác nhau, vậy nên GV cần linh hoạt trong việc quyết định mức độ can thiệp của bản thân vào quá trình hình thành câu hỏi của HS.

  • Đối với HS lớp nhỏ chưa có khả năng đặt câu hỏi thực sự tốt, GV nên chủ động hỗ trợ HS nhiều hơn trong quá trình này, bao gồm cả việc đưa ra những câu hỏi/ vấn đề gợi ý để cho HS lựa chọn, hoặc tự chỉnh sửa câu hỏi gốc của HS để phù hợp hơn với tính chất môn học
  • Đối với HS lớp lớn hơn thì GV không cần phải “cầm tay chỉ việc” hoặc tìm, gợi ý sẵn câu hỏi/ vấn đề nữa. Nếu HS có thể đặt ra được câu hỏi ngay từ đầu mà không cần đi qua lần lượt các bước xác định vấn đề và xác định đối tượng/cộng đồng, GV vẫn có thể chấp nhận được câu hỏi đó, miễn sao vấn đề và đối tượng/cộng đồng được đề cập trong câu hỏi của HS đủ tốt


Dưới đây là một ví dụ khác ở K1 về việc quy trình đặt câu hỏi sẽ diễn ra như thế nào, và GV có thể làm gì để hỗ trợ HS đặt câu hỏi

  • Đầu tiên, HS cần xác định 1 khía cạnh nào đó liên quan tới sự đa dạng (là Chủ đề trọng tâm ở K1) mà HS quan tâm. Nếu GV hỏi ngay HS là “Em quan tâm gì về sự đa dạng?” thì HS sẽ khó mà trả lời được, vì câu hỏi này trừu tượng quá. GV có thể hỏi HS những câu hỏi cụ thể, mang tính dẫn dắt hơn VD: “Ở những bài trước, em đã biết thêm điều gì mới?” (cần nhắc lại những bài học mà HS đã học được), và “Em muốn biết thêm về điều gì?”
  • Sau khi HS đã xác định được 1 khía cạnh nào đó, VD: sở thích khác nhau, HS cần xác định một đối tượng/cộng đồng nào đó muốn tìm hiểu. Tất nhiên là GV sẽ phải hỏi HS những câu hỏi cụ thể như: “Em muốn tìm hiểu về những sở thích khác nhau của ai? Của bạn bè trong lớp, của bố mẹ, người thân hay của ai?”
  • HS đã xác định được 1 khía cạnh (VD: Sở thích), và 1 đối tượng/cộng đồng nào đó muốn tìm hiểu (VD: các bạn trong lớp). Tới đây, GV có thể hướng dẫn HS đặt 1 câu hỏi cụ thể Câu hỏi này có thể rất hiển nhiên, có thể suy ra ngay từ khía cạnh và đối tượng/cộng đồng đã có (VD: Các bạn trong lớp có những sở thích gì?). Hoặc, câu hỏi có thể cụ thể hơn chút, tùy vào khả năng hướng dẫn của GV và mong muốn của HS (VD: Các bạn trong lớp thích chơi những môn thể thao nào?)

Bước 2: Thu thập & phân tích thông tin

Sau khi có được câu hỏi Truy vấn, HS sẽ bắt tay vào tìm hiểu để có được câu trả lời cho Truy vấn Cá nhân của mình. Ở bước này, HS cần làm được những việc sau:

  • Xác định trọng tâm nghiên cứu và các nguồn thông tin có thể tìm kiếm
  • Thu thập, và phân tích thông tin


Dưới đây là mong đợi chung cho việc thu thập & phân tích thông tin của HS:

K1-3 K4-6 K7-9 K10-12
Thu thập thông tin GV cần gợi ý cho HS phải tìm kiếm thông tin ở đâu, và HS có thể chọn 1 nguồn thông tin phù hợp. Nguồn thông tin mà HS có thể tham khảo thường rất đơn giản (từ chính GV, từ PHHS, hay các sách/báo/trang web đơn giản mà HS có thể đọc được)

Với K1: Vì HS có thể sẽ không tự lưu lại được thông tin (nếu đó là chữ viết), GV có thể sẽ phải tự lưu lại những thông tin này trong hồ sơ riêng của thầy cô.

GV có thể gợi ý cho HS một số nguồn thông tin có thể tham khảo, và HS sẽ cân nhắc, hoặc đề xuất một số nguồn thông tin khác. Những nguồn thông tin mà HS có thể tham khảo thường rất đơn giản (từ chính GV, từ PHHS, hay các sách/báo/trang web đơn giản mà HS có thể đọc được)

Dù HS có chọn nguồn thông tin nào đi nữa, GV cũng cần nắm được danh sách này.

HS sẽ tự quyết định mình cần tìm kiếm thông tin ở đâu. Những nguồn thông tin mà HS có thể tham khảo sẽ đa dạng hơn, tuy nhiên không bao gồm quá nhiều thông tin phức tạp, hoặc mang tính học thuật quá cao.

Dù HS có chọn nguồn thông tin nào đi nữa, GV cũng cần nắm được danh sách này.

HS sẽ tự quyết định mình cần tìm kiếm thông tin ở đâu. Những nguồn thông tin mà HS có thể tham khảo sẽ đa dạng hơn, tuy nhiên không bao gồm quá nhiều thông tin phức tạp, hoặc mang tính học thuật quá cao.

Dù HS có chọn nguồn thông tin nào đi nữa, GV cũng cần nắm được danh sách này.

Phân tích thông tin HS không phân tích thông tin, chỉ nhắc lại những gì HS tìm hiểu được. Chấp nhận được việc HS liệt kê không đầy đủ so với thông tin của nguồn gốc HS không phân tích thông tin, chỉ liệt kê những gì HS tìm hiểu được. Những thông tin mà HS liệt kê cần thống nhất với thông tin của nguồn gốc (tức, HS không bịa, hoặc nói thiếu thông tin quan trọng). HS không chỉ liệt kê thông tin, mà cần đưa ra một số ý kiến cá nhân/bình luận về những thông tin gốc. Những thông tin mà HS liệt kê, hoặc quan điểm của HS cần thống nhất với thông tin của nguồn gốc (tức, HS không bịa, hoặc nói thiếu thông tin quan trọng). HS sẽ phân tích thông tin dựa trên một số tiêu chí mà HS tự quyết định (VD: có đủ tin cậy không, có quan điểm nào mơ hồ, không rõ ràng không, v.v.), và sẽ đưa ra đánh giá về những thông tin này. Những thông tin mà HS liệt kê, hoặc quan điểm của HS cần thống nhất với thông tin của nguồn gốc (tức, HS không bịa, hoặc nói thiếu thông tin quan trọng).


Một số lưu ý khác cho GV khi hướng dẫn, theo dõi quá trình thu thập thông tin của HS:

  • (Từ K2 trở lên) Nếu HS đặt câu hỏi về giải pháp cho vấn đề (VD: Làm thế nào để giúp các bạn lớp 5A1 có ý thức học tập tốt hơn?"), việc tìm hiểu về nguyên nhân dẫn tới & duy trì vấn đề là điều bắt buộc. Lý do là vì HS sẽ cần biết những thông tin này để hướng tới việc giúp đỡ, tìm ra giải pháp cho đối tượng/cộng đồng. Đây chính là mục đích lớn của việc tìm hiểu về vấn đề & đối tượng/cộng đồng, và HS không thể nhảy ngay vào giải pháp cho vấn đề nếu như chưa biết nguyên nhân dẫn tới & duy tri vấn đề là gì.
  • Việc thực hiện tìm kiếm thông tin và sắp xếp thông tin thành câu trả lời hoàn chỉnh có thể được thực hiện tại nhà nếu không có đủ thời gian.
  • GV cần cung cấp ít hơn hoặc nhiều hơn sự hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu tùy vào lứa tuổi của HS. Những hỗ trợ này có thể là gợi ý các điểm trọng tâm cần nghiên cứu, nguồn đáng tin cậy, v.v., tùy theo nhu cầu của HS.
  • Khi tìm kiếm, thu thập thông tin, thầy cô nên hướng HS đến việc xem lại và sử dụng các kiến thức đã được học trong 5 Lăng kính để trả lời câu hỏi nếu có thể.

Bước 3: Viết bài Truy vấn Cá nhân

Ở bước này, HS sẽ tổng hợp, phân tích, sắp xếp kết quả nghiên cứu thành một bài viết hoàn chỉnh, dưới dạng một đoạn văn/bảng thông tin đơn giản. Truy vấn Cá nhân cần có 5 nội dung bắt buộc sau:

  1. Giới thiệu vấn đề & đối tượng/cộng đồng cần tìm hiểu
  2. Câu hỏi nghiên cứu
  3. Cách tìm kiếm thông tin để trả lời câu hỏi (bao gồm nguồn thông tin & phương pháp tìm kiếm thông tin này)
  4. Các thông tin đã tìm được, và kết luận của HS dựa trên những thông tin này (đây chính là câu trả lời cho câu hỏi Truy vấn Cá nhân)
  5. Bài học rút ra (cho bản thân HS hoặc cho người khác) về vấn đề đã tìm hiểu, và đề xuất hành động cho HK2


Trừ K1, GV cần yêu cầu HS viết/đánh máy Truy vấn Cá nhân ra một tờ giấy/file Word. Không chấp nhận gửi slides Powerpoint (slides chỉ dùng để hỗ trợ cho việc thuyết trình sau này). Truy vấn Cá nhân của HS ở mỗi khối lớp nên trông như sau:

K1 K2-3 K4-6 K7-9 K10-12
HS lớp 1 chưa có khả năng viết tốt ở thời điểm hiện tại, và thầy cô cũng không nên bắt HS viết ra thông tin nào đó.
  • Nếu HS không viết được, tuy nhiên có thể nói được câu trả lời, thầy cô nên viết lại câu trả lời này cho HS (viết vào cùng chỗ với câu hỏi ban đầu)
  • Nếu HS không viết được, tuy nhiên có thể vẽ/dán giấy thay cho việc viết câu trả lời, GV nên bảo đảm sản phẩm này của HS đã đi kèm với câu hỏi Truy vấn ban đầu
HS sẽ điền sẵn template mà GV đưa ra, bao gồm 5 nội dung bắt buộc ở trên. GV cần hướng dẫn HS điền, và bảo đảm HS có thể điền được đủ thông tin. HS sẽ điền sẵn template mà GV đưa ra, bao gồm 5 nội dung bắt buộc ở trên. GV cần hướng dẫn HS điền, và bảo đảm HS có thể điền được đủ thông tin. Có 2 lựa chọn, GV tự quyết định tùy theo lứa tuổi/đặc điểm của HS:
  • HS sẽ điền sẵn template mà GV đưa ra, bao gồm 5 nội dung bắt buộc ở trên. GV cần hướng dẫn HS điền, và bảo đảm HS có thể điền được đủ thông tin.
  • GV sẽ cung cấp 5 nội dung bắt buộc ở trên, và yêu cầu HS viết một bài văn đơn giản (độ dài tùy chọn) sao cho đủ 5 nội dung bắt buộc ở trên, và có đủ mở bài, thân bài, kết bài như 1 bài văn nghị luận


Dù chọn cách nào đi nữa, GV cũng cần lưu ý HS không chỉ copy/paste những thông tin đã tìm kiếm được, mà phải đưa ra quan điểm/bình luận/phân tích của bản thân đối với những thông tin này.

GV sẽ cung cấp 5 nội dung bắt buộc ở trên, và yêu cầu HS viết một bài văn đơn giản (độ dài tùy chọn) sao cho đủ 5 nội dung bắt buộc ở trên, và có đủ mở bài, thân bài, kết bài như 1 bài văn nghị luận

GV cần lưu ý HS không chỉ copy/paste những thông tin đã tìm kiếm được, mà phải đưa ra quan điểm/bình luận/phân tích của bản thân đối với những thông tin này.

Lưu ý:

  • Nếu có HS xong Truy vấn Cá nhân sớm, và nếu còn thời gian, thầy cô nên chữa Truy vấn Cá nhân trước lớp.
  • Sẽ có HS chưa hoàn thành Truy vấn Cá nhân trong Bài 2.3 (Bài cuối cùng cho việc xây dựng Truy vấn Cá nhân), và như vây là hoàn toàn bình thường. Với số ít HS này, thầy cô có thể dành thời gian ở Bài 2.4 để hướng dẫn HS hoàn thiện nốt, và giúp những HS đã xong Truy vấn Cá nhân chuẩn bị cho Bài trình bày.
  • Trước đó, GV đã chủ động tổng hợp 1 file excel/Google sheet để lưu lại những thông tin về Truy vấn Cá nhân của tất cả HS. Tới thời điểm này, nên bảo đảm thầy cô (hoặc chính HS) đã nhập đủ những thông tin này (ngoại trừ một số HS chưa hoàn thành Truy vấn Cá nhân). Những thông tin này sẽ được sử dụng ở đầu Chương 3, và bao gồm:
    • Câu hỏi Truy vấn Cá nhân
    • Danh sách những nguồn thông tin mà HS đã tham khảo/tìm kiếm
    • Câu trả lời cho Truy vấn Cá nhân

Một số việc cần thực hiện trước khi tổ chức Bài trình bày Truy vấn Cá nhân

"Bài trình bày Truy vấn Cá nhân" (BTBTVCN) là mốc đánh giá tổng thể đầu tiên của GCED trong năm học, chiếm 50% tổng số điểm của GCED (mốc đánh giá thứ hai, "Bài suy ngẫm Cuối năm" chiếm 50% còn lại"). Đúng như tên gọi, đây là một bài trình bày/bài thuyết trình của mỗi cá nhân HS về Truy vấn Cá nhân, bài nghiên cứu ngắn mà HS đã thực hiện trong suốt Chương 2. Câu trả lời hay, kết quả nghiên cứu tốt sẽ không có ý nghĩa gì nếu không được chia sẻ với người khác, do đó HS sẽ thực hiện BTBTVCN trước một nhóm khán giả, và HS sẽ nhận được phản hồi từ nhóm khán giả này.

Truy vấn Cá nhân khác gì Bài trình bày Truy vấn Cá nhân?

Hiểu đơn giản nhất, Truy vấn Cá nhân là bài viết của HS, thường là dưới dạng một bài viết tay/một file word (HS có thể điền vào template, hoặc viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh). Bài trình bày Truy vấn Cá nhân là một mốc đánh giá, trong đó HS sẽ trình bày tóm tắt Truy vấn Cá nhân của mình. HS có thể làm slides để chuẩn bị cho Bài trình bày, tuy nhiên slides đó sẽ KHÔNG tính là Truy vấn Cá nhân


Vì Bài trình bày Truy vấn Cá nhân là mốc đánh giá của GCED, GV bắt buộc phải đánh giá HS thông qua việc HS đã trình bày được gì, và trả lời được câu hỏi của khán giả như thế nào. Những gì HS đã viết ra được (chính là Truy vấn Cá nhân) sẽ KHÔNG được sử dụng như một phần bằng chứng để đánh giá HS.

Một số việc cần thực hiện trước khi tổ chức Bài trình bày Truy vấn Cá nhân

Tới thời điểm này, ngoại trừ một số trường hợp nhất định trong lớp, hầu hết HS đã hoàn thành Truy vấn Cá nhân. Để chuẩn bị cho việc thực hiện BTBTVCN, GV/HS sẽ cần thực hiện những công việc sau trong Bài 2.4 (Chuẩn bị cho Bài trình bày Truy vấn Cá nhân):

1. Hoàn thiện nốt Truy vấn Cá nhân

Như đã nói ở trên, có thể có một số HS sẽ chưa hoàn thành xong Truy vấn Cá nhân của mình. Do đó, thầy cô có thể dành thời gian để tiếp tục hướng dẫn, và cho phép những HS này hoàn thiện Truy vấn Cá nhân trong giờ (và sau giờ học). Tuy nhiên, việc này không nên kéo dài quá lâu, và những HS này phải xong Truy vấn Cá nhân trong vòng 2 tiết chuẩn bị trên lớp.

Trong lúc những HS này hoàn thiện nốt Truy vấn Cá nhân, thầy cô vẫn nên giới thiệu những công việc khác cần làm để chuẩn bị cho Bài trình bày Truy vấn Cá nhân.

2. Suy ngẫm về quá trình thực hiện Truy vấn Cá nhân

Trong suốt quá trình thực hiện Truy vấn Cá nhân, HS chỉ đơn thuần tìm thông tin để trả lời cho câu hỏi của mình, và thường chưa có thời gian nhìn lại mình đã làm tốt những gì, đã gặp khó khăn gì, hoặc kết quả nghiên cứu của mình có ý nghĩa như thế nào trong các tình huống khác trong cuộc sống, v.v. Do đó, HS sẽ cần suy ngẫm về một số yếu tố sau, và sẽ nói về những yếu tố này trong Bài trình bày Truy vấn Cá nhân:

  • Suy ngẫm về những điểm làm tốt & chưa tốt: HS sẽ nói về việc mình đã làm tốt điều gì, cần cải thiện điều gì, và đã gặp khó khăn như thế nào trong quá trình thực hiện Truy vấn Cá nhân
  • Suy ngẫm về mối liên kết: HS sẽ giải thích những gì mình đã tìm hiểu được trong Truy vấn Cá nhân có liên quan như thế nào tới những bối cảnh cụ thể khác trong cuộc sống
  • Suy ngẫm về ý tưởng mới: HS sẽ đề xuất ý tưởng hành động của mình trong HK2, dựa trên những gì mình đã tìm hiểu được trong Truy vấn Cá nhân

Yêu cầu cụ thể về chiều sâu của suy ngẫm đã được nêu rõ trong MTB, và trong rubric Bài trình bày Truy vấn Cá nhân.

3. Hoàn thiện danh sách tất cả Truy vấn Cá nhân trong lớp

Tới thời điểm này, GV thường sẽ có sẵn một danh sách (có thể là một trang web, hoặc đơn giản hơn là 1 đường link Google Sheet) lưu lại những thông tin cơ bản nhất về Truy vấn Cá nhân của mỗi HS như sau:

  • Câu hỏi Truy vấn Cá nhân
  • Danh sách những nguồn thông tin mà HS đã tham khảo/tìm kiếm
  • Câu trả lời cho Truy vấn Cá nhân

Với những HS đã hoàn thành Truy vấn Cá nhân, GV nên yêu cầu HS chụp lại hình bài viết, hoặc gửi lại file đánh máy để GV tổng hợp vào danh sách của mình. Hoặc, GV có thể chia sẻ danh sách này cho HS, và yêu cầu HS tự nhập Truy vấn Cá nhân của mình vào đây.

Mục đích của danh sách này là để mỗi HS trong lớp đều biết bạn mình đã tò mò về điều gì, đã nghiên cứu như thế nào, và đã rút ra được kết luận gì. Danh sách này sẽ hữu ích nhất ở Chương 3, khi HS tạo nhóm với nhau để cùng giải quyết mốt vấn đề cho 1 đối tượng/cộng đồng mà HS trong nhóm đều quan tâm. HS sẽ sử dụng danh sách này để biết (hoặc nhớ lại) Truy vấn Cá nhân của những bạn khác mà không cần hỏi lại từng người một.

Lưu ý: Danh sách này sẽ KHÔNG dùng để tính điểm cho BTBTVCN của HS. Kể cả khi thầy cô biết HS đã viết được gì, thầy cô vẫn sẽ chỉ đánh giá HS dựa trên những gì HS thuyết trình được, và trả lời được trong BTBTVCN.

4. Xác định cách trình bày & các phương tiện hỗ trợ

Có 2 cách thực hiện Bài trình bày Truy vấn Cá nhân, và GV đã phải xác định sẽ chọn cách nào, với HS nào từ trước khi thực hiện mốc đánh giá này. 2 cách này là:

  • Tổ chức trên lớp. Đây là cách mặc định, áp dụng cho phần lớn HS trong lớp.
  • Quay video, và gửi link video BTBTVCN cho GV. Cách này có thể sẽ cần sự trợ giúp của PHHS (nếu HS không tự quay video được), và chỉ nên áp dụng cho 1 số trường hợp như:
    • HS nhỏ tuổi (K1, K2) thường rụt rè, và không có khả năng nói tốt trước đám đông
    • GV không thể phân bố thời gian thực hiện BTBTVCN cho tất cả HS trên lớp, vì GV thấy rằng như vậy không đủ thời gian
    • Một số HS xong Truy vấn Cá nhân quá muộn, và GV cho rằng tới lúc HS này xong thì không kịp thuyết trình trên lớp.
    • Các trường hợp khác mà GV cảm thấy không thể trình bày được trên lớp

Cần lưu ý rằng yêu cầu bắt buộc của GCED là phải tổ chức BTBTVCN trên lớp cho phần lớn HS. Việc quay video chỉ nên áp dụng cho số lượng nhỏ HS trong lớp, trong những trường hợp đã nêu ở trên.

Lưu ý đối với những HS quay video cho Bài trình bày Truy vấn Cá nhân:

Để nhắc lại, thì việc yêu cầu HS quay video chỉ nên áp dụng cho 1 số lượng HS hạn chế trong lớp (không phải tất cả lớp). Đối với những trường hợp này, GV cần lưu ý một số điều sau:

  • Phải bảo đảm là HS có thể quay video được, và gửi được cho GV đúng thời hạn (trong vòng 7 tiết trên lớp). Nếu HS không tự quay được, GV cần chủ động liên hệ với PHHS để được hỗ trợ
  • Với những HS nhỏ tuổi, GV có thể sẽ phải gửi danh sách câu hỏi cụ thể cho PHHS, và nhờ PHHS quay HS trả lời những câu hỏi này (thay vì để HS tự trả lời)
  • Nên dặn HS rằng video phải có âm lượng đủ to, và quay rõ những gì HS muốn trình chiếu cho mọi người xem (poster, slides nếu có) để hạn chế việc phải gửi lại video
  • GV nên dặn HS gửi sớm, để GV và những HS khác có thể xem, và đặt câu hỏi cho những video này. Ở mức tối thiểu, GV phải xem, và phải đặt câu hỏi cho HS sau khi xem xong.
  • GV nên tổng hợp lại link video của những HS đã quay, và chia sẻ với cả lớp để cả lớp cùng xem & đặt câu hỏi (nếu có thời gian). Nếu không đủ thời gian để những HS khác xem, GV phải tóm tắt qua cho cả lớp về việc những HS này đã trình bày về nội dung gì. Đây là yêu cầu quan trọng để chuẩn bị cho Chương 3, HS cần biết trước bạn mình đang quan tâm về vấn đề gì để có thể tạo nhóm hiệu quả hơn

5. Luyện tập thuyết trình (nếu có đủ thời gian)

HS có thể làm nhóm nhỏ hoặc bắt cặp để luyện tập trình bày và đưa feedback, tùy theo sắp xếp của GV. GV cũng có thể hướng dẫn HS luyện tập ở bên ngoài lớp học, lý tưởng là cùng với những HS khác. Lý do là để HS có cơ hội hoàn thiện BTBTVCN dựa trên nhận xét, phản hồi của bạn, cũng như rút kinh nghiệm từ BTBTVCN của bạn.

Hướng dẫn tạo nhóm

47.jpg

Ý nghĩa của việc tạo nhóm

Trong Lăng kính “Cộng tác,” HS đã được học rằng để giải quyết một vấn đề xã hội, hành động tập thể được tổ chức một cách bài bản sẽ mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với hành động đơn lẻ của từng cá nhân. Ở giai đoạn Khám phá Chủ đề trọng tâm và Truy vấn Cá nhân, HS đã được cung cấp kiến thức và tìm hiểu độc lập những mối quan tâm riêng liên quan đến chủ đề này, và bây giờ ở cấu phần Hành động, chương trình yêu cầu HS hợp tác với người khác để thực hiện một dự án giúp ích cho cộng đồng. Đây là cơ hội để HS áp dụng những gì đã học một cách có ý nghĩa, cũng như chia sẻ, cập nhật kiến thức khi được trao đổi với những HS khác. Ngoài ra, sức mạnh tập thể chắc chắn sẽ mang đến cho Dự án Hành động khả năng thành công cao hơn.

Yêu cầu của một nhóm bất kỳ

Một nhóm hiệu quả sẽ đạt được những yêu cầu sau:

  • Mỗi nhóm bắt buộc phải có ít nhất 2 thành viên, số lượng tối đa tùy thuộc vào GV.
  • Truy vấn Cá nhân của mỗi thành viên có những mặt tương đồng và/hoặc bổ trợ lẫn nhau, và từ đó có thể hình thành một đề tài chung cho dự án Hành động.
  • Dự án đó có thể giúp được một cộng đồng hay một nhóm người, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của cộng đồng đó.
  • Các thành viên nhóm có thể cộng tác tốt với nhau (dựa trên năng lực và tính cách).
Lưu ý :
Khi HS vào nhóm với nhau, có thể xảy ra trường hợp HS muốn đổi Truy vấn Cá nhân của mình (vì HS thấy chủ đề/khía cạnh trong Truy vấn Cá nhân của các bạn trong nhóm hay hơn, hoặc vì HS thấy có chủ đề/khía cạnh khác mà mình tò mò, v.v.). KHÔNG CẦN làm như vậy, thầy cô vẫn cho HS giữ nội dung Truy vấn Cá nhân của mình (vì HS đã mất vài tuần để làm, không cần thiết phải làm lại từ đầu)


Tuy nhiên, không phải lúc nào HS cũng có thể tự tạo nhóm, và không phải lúc nào nhóm mà HS muốn tạo cũng phù hợp. Do đó, sự can thiệp/hỗ trợ của GV khi HS tạo nhóm là một phần không thể thiếu trong quá trình này. Cụ thể như sau:

  • K1-3: Giáo viên quyết định hoàn toàn việc tạo nhóm, HS được chia nhóm theo đánh giá chủ quan của GV
  • K4-6: Giáo viên có thể gợi ý một số phương án chia nhóm, HS được lựa chọn trong số những phương án mà giáo viên đưa ra. Nếu HS có thể tự chọn được nhóm theo cách của riêng mình và đảm bảo được yêu cầu về tạo nhóm, GV nên tin tưởng và tạo điều kiện cho HS làm việc này
  • K7-12: HS được tự chọn nhóm dựa trên những yêu cầu bắt buộc của 1 nhóm. Nếu HS không thể tự hình thành được một nhóm hợp lý, GV có quyền can thiệp và hỗ trợ HS ở mức độ vừa đủ

Mặc dù vậy, dù ở khối lớp nào đi chăng nữa, quyền quyết định cuối cùng về thành viên mỗi nhóm vẫn thuộc về GV. Nguyên tắc này được đặt ra với giả định GV là người hiểu rất rõ nhu cầu, khả năng, tính cách, và nội dung Truy vấn Cá nhân của HS, cũng như có cái nhìn tổng thể bao quát hơn với tình hình cả lớp.

Hướng dẫn tạo nhóm

Nếu những nguyên tắc ở trên đóng vai trò là kim chỉ nam dẫn dắt toàn bộ quá trình chia nhóm, thì phần hướng dẫn này sẽ giúp GV tìm ra cách tốt nhất, phù hợp nhất để áp dụng chia nhóm cho lớp của mình. Hướng dẫn này chỉ mang tính gợi ý, không bắt buộc thực hiện, miễn sao thầy cô có thể tạo được những nhóm đạt được những yêu cầu đã nêu ở trên.

Để chia nhóm hiệu quả trong môn GCED, có hai bước mà thầy cô nên thực hiện:

  • Xác định được những điểm tương đồng trong Truy vấn của HS;
  • Xếp học sinh vào nhóm theo những điểm tương đồng đó.

Đây được coi là điều quan trọng nhất cần cân nhắc khi tạo nhóm, những yếu tố khác như năng lực, tính cách, khả năng cộng tác của các thành viên, v.v. chỉ nên được cân nhắc sau khi đã xác định được nhóm HS có những điểm tương đồng nào trong Truy vấn Cá nhân. Một trong những mục đích lớn của việc làm dự án là để HS có thể kiểm chứng, cập nhật kiến thức mà mình đã tìm hiểu trong Truy vấn Cá nhân, và một nhóm có những HS với nhiều điểm tương đồng về Truy vấn Cá nhân sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho việc học hỏi của các em.


Một số những điểm chung về Truy vấn Cá nhân mà GV có thể cân nhắc hoặc gợi ý cho HS là:

  • Tương đồng về cộng đồng cần được giúp đỡ: HS làm Truy vấn có nội dung khác nhau nhưng cùng phục vụ một cộng đồng nhất định, hoặc phục vụ những cộng đồng tuy khác nhau nhưng có sự giao thoa rõ ràng. Ví dụ: Phát triển ứng dụng giúp khách du lịch người nước ngoài tìm hướng dẫn viên bản địa theo giờ VÀ nghiên cứu về những khó khăn lớn nhất của khách du lịch nước ngoài khi đến VN.
  • Tương đồng về vị trí địa lý: HS làm Truy vấn có nội dung khác nhau nhưng ở cùng một địa điểm (khu đô thị, thành phố, trường, etc).Ví dụ: Tìm hiểu về hệ sinh thái dưới nước ở khu vực sông Hồng VÀ nghiên cứu về mức độ ô nhiễm của sông Hồng ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng ven sông trong 10 năm trở lại đây.
  • Tương đồng về vấn đề: HS làm những dự án nghiên cứu/giải quyết những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề/chủ đề. Ví dụ: Bất bình đẳng giới trong trường học VÀ bất bình đẳng giới ở nơi làm việc.


Đây chỉ là gợi ý, không bắt buộc thực hiện; còn rất nhiều cách tìm điểm tương đồng khác nữa mà thầy cô có thể sử dụng. Nếu Truy vấn Cá nhân của 1 nhóm HS nhất định không thể tìm được điểm tương đồng, GV có thể chia nhóm dựa vào những tiêu chí khác như:

  • Tiềm năng của nhóm HS: Tiềm năng ở đây có thể hiểu là HS có khả năng học hỏi được nhiều, và có thể giúp đỡ cộng đồng một cách hiệu quả sau Dự án Hành động, dù Truy vấn Cá nhân của các em không liên quan nhiều tới nhau. Tất nhiên, để phát hiện được những HS nào có tiềm năng như vậy, thầy cô nên để ý quan sát từ trước đó, cũng như trong quá trình các em thảo luận để tạo nhóm với nhau. Thầy cô có thể chủ động chia nhóm, hoặc gợi ý cho HS để các em biết về những bạn khác có cùng tiềm năng như mình.
  • Khả năng cộng tác của HS trong nhóm: Những HS này phù hợp với nhau về năng lực và tính cách, có khả năng làm việc cùng nhau ở mức ổn. Tuy nhiên, đây không nên là ưu tiền đầu tiên của thầy cô khi hướng dẫn HS tạo nhóm. Nếu thầy cô giới thiệu tiêu chí này trước tiên, những HS thân với nhau, hoặc ngồi gần nhau thường sẽ chọn vào cùng 1 nhóm, và như vậy có thể nhóm sẽ không đạt được hiệu quả như CT mong muốn.
  • Khả năng hướng dẫn, quản lý các nhóm của thầy cô: Việc trong lớp có bao nhiêu nhóm, và số lượng mỗi nhóm ra sao cũng là một câu hỏi mà thầy cô nên trả lời. Lấy ví dụ 1 nhóm HS có tiềm năng, nhưng lại quá đông, có thể thầy cô sẽ gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, hoặc theo sát nhóm to như thế này trong các giai đoạn sau. Hoặc ngược lại, thầy cô cũng nên cân nhắc xem nếu trong lớp có quá nhiều nhóm nhỏ, liệu thầy cô có quản lý được hết không.


Lưu ý rằng đây chỉ là những tiêu chí phụ; GV vẫn cần ưu tiên sự tương thích về Truy vấn Cá nhân của các thành viên trong nhóm.

Nên làm gì nếu trong lớp còn sót lại một số HS chưa có nhóm, và thầy cô thấy rằng những HS này không có nhiều điểm chung về Truy vấn Cá nhân?

Trong trường hợp không có cách tạo nhóm nào khác phù hợp hơn, và thầy cô thấy rằng phải để những HS "lẻ" này làm việc với nhau, thầy cô nên trả lời được câu hỏi "Những HS này có thể cùng nhau làm gì mà vẫn học hỏi được cho Truy vấn Cá nhân của mỗi em?". Nói cách khác, thầy cô vẫn tạo nhóm cho những HS này (vì đây là lựa chọn duy nhất), tuy nhiên thầy cô cần nghĩ về việc có thể hỗ trợ, định hướng cho HS như thế nào để các em có được ý tưởng hành động (trong Bài 3.4).

Dưới đây là một ví dụ mà thầy cô đang cân nhắc tạo nhóm cho 5 bạn HS trong lớp 5A5 (chủ đề: Trật tự xã hội) với 5 Truy vấn Cá nhân khác nhau như sau:

HS 1 HS 2 HS 3 HS 4 HS 5
Câu hỏi Truy vấn Cá nhân Làm thế nào để HS lớp 5A5 giảm thời gian sử dụng mạng xã hội? Làm thế nào để hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ tại khu vực X? Nguyên nhân nào khiến một số bạn trong lớp 5A5 không làm bài tập về nhà? Vì sao lại xảy ra chiến tranh Nga - Ukraine? Làm thế nào để các bạn HS trong trường bớt trọng nam khinh nữ?
Vấn đề HS quan tâm Nhiều HS chểnh mảng học tập vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều Nhiều người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông Nhiều HS không làm bài tập về nhà mà GV giao Sự xung đột giữa 2 nước mà dẫn tới chiến tranh Lối suy nghĩ, hoặc cách hành xử mang tính trọng nam khinh nữ của HS
Đối tượng/cộng đồng HS quan tâm HS lớp 5A5 Những người sinh sống & đi lại xung quanh khu vực X (gần trường HS) HS lớp 5A5 2 nước Nga và Ukraine nói chung HS trong trường nói chung
  • Đầu tiên, có thể thấy ngay HS số 4 đã tìm hiểu về những đối tượng khá "xa", khó có thể phục vụ được trong HK2. Trừ khi thầy cô cho rằng 5 HS này muốn, và có thể làm được gì đó cho người dân ở Nga hoặc Ukraine, đây không phải một đối tượng khả thi để tiếp tục theo đuổi. Vậy là với HS 4, yếu tố duy nhất có thể giữ lại là "sự xung đột mà dẫn tới chiến tranh", hoặc "sự xung đột" nói chung.
  • HS 1, 2, 3 và 5 quan tâm tới những đối tượng khá gần nhau (hoặc là HS trong lớp, hoặc là những HS trong trrường, hoặc là những người dân ở gần trường). Như vậy có thể sẽ thuận tiện cho các em khi làm dự án sau này,
  • Cả HS 1, 2, 3 và 5 đều quan tâm tới những vấn đề liên quan tới ý thức cá nhân (hoặc nói đúng hơn, việc thiếu ý thức của những cá nhân này dẫn tới vi phạm quy tắc xã hội nào đó).
  • Tới lúc này, có thể thấy rằng vấn đề của HS 4 (sự xung đột) và HS 1, 2, 3, 5 (sự thiếu ý thức của cá nhân) đã có sự liên quan nhất định. Tới lúc này, thầy cô có thể gợi ý cho HS một vấn đề nào đó có thể bao trùm cả 2 yếu tố này để 5 HS này cùng giải quyết.
  • Đối tượng/cộng đồng mà nhóm này chọn để phục vụ nhiều khả năng sẽ chính là HS trong lớp, hoặc một đối tượng/cộng đồng nào đó gần trường. Như vậy sẽ khác với đối tượng/cộng đồng mà HS 4 quan tâm, tuy nhiên em này vẫn có thể học hỏi được cho Truy vấn Cá nhân của mình (chẳng hạn, HS 4 có thể tự trả lời câu hỏi "Làm thế nào để mọi người hạn chế xung đột với nhau?") vì dự án chung có liên quan tới vấn đề mà HS 4 quan tâm (sự xung đột)

Hướng dẫn đánh giá Bài trình bày Truy vấn Cá nhân

Xem ở đây

Một số câu hỏi/vấn đề thường gặp khi triển khai Chương 2

Dưới đây là một số câu hỏi/vấn đề trong quá trình triển khai Chương 2, và câu trả lời tương ứng của PCT:

STT Câu hỏi Câu trả lời
Về việc hướng dẫn HS đặt câu hỏi Truy vấn Cá nhân
1 Câu hỏi của HS trong lớp khác nhau quá, vậy liệu có gặp khó khăn sau này trong việc xác định định hướng khi các em vào cùng 1 nhóm (trong HK2) không? Có nên "quy hoạch" sẵn câu hỏi từ bây giờ để về sau tạo nhóm cho tiện không? Việc trong lớp có nhiều câu hỏi khác nhau là hoàn toàn bình thường, và sẽ có cách để xử lý ở Chương 3. Ở thời điểm hiện tại, KHÔNG quy hoạch sẵn câu hỏi, KHÔNG cung cấp câu hỏi cho HS chỉ để tiện cho việc quản lý sau này. Thầy cô có thể gợi ý một số khía cạnh của Chủ đề trọng tâm dựa trên sự tò mò của HS, tuy nhiên không nên cung cấp thẳng câu hỏi.
2 Yêu cầu bắt buộc của việc đặt câu hỏi là "phải gắn với một vấn đề nào đó", vậy trong câu hỏi của HS có phải nêu rõ vấn đề không?

VD: Vấn đề mà HS quan tâm là "Ý thức học tập kém của các bạn HS lớp 5A1", và GV cho rằng câu hỏi của HS phải là "Làm thế nào để khắc phục vấn đề ý thức học tập kém của các ban HS lớp 5A1?"

Không nhất thiết. Sẽ có nhiều câu hỏi mà "vấn đề HS quan tâm" xuất hiện khá tự nhiên ngay bên trong câu hỏi. Tuy nhiên, sẽ có những câu hỏi không như vậy, và chưa chắc như thế đã là sai. Thầy cô nên hỏi lại HS để đảm bảo HS nhận thức rõ vấn đề mà HS quan tâm là gì.

VD: Vấn đề mà HS quan tâm là "Ý thức học tập kém của các bạn lớp 5A1", và HS đặt ra câu hỏi là "Làm thế nào để giúp các bạn lớp 5A1 có ý thức học tập tốt hơn?". Nếu gặp câu hỏi này, thầy cô nên hỏi HS xem có phải vấn đề mà HS nhận thấy là "ý thức học tập kém" không. Nếu có, câu hỏi này hoàn toàn có thể chấp nhận được

3 Yêu cầu bắt buộc của việc đặt câu hỏi là "không quá cụ thể, không quá chung", vậy như thế nào là vừa đủ? "Vừa đủ" hay không phụ thuộc vào việc HS có thể tìm được thông tin để trả lời câu hỏi mà mình đặt ra hay không. GV và HS sẽ phải quyết định với nhau như thế nào là vừa đủ, và việc này sẽ tùy theo tình huống cụ thể. Thường thì câu hỏi cụ thể sẽ tốt hơn câu hỏi chung chung, tuy nhiên nếu cụ thể quá, HS có thể sẽ không tìm được nguồn nào liên quan, hoặc sẽ gặp khó khăn trong việc hỏi ý kiến những đối tượng/cộng đồng liên quan.

VD:

Câu hỏi "Làm thế nào để giúp các bạn lớp 5A1 có ý thức học tập tốt hơn?" là một câu hỏi khá cụ thể, vì đối tượng ở đây là 20 - 30 thành viên. Chắc chắn là trên mạng sẽ không có nguồn nào nói cụ thể về 20 - 30 thành viên này, và do đó HS sẽ phải phỏng vấn/khảo sát ý kiến của tất cả thành viên trong lớp (hoặc, một lượng đủ nhiều thành viên)


Tuy nhiên, nếu phỏng vấn/khảo sát các bạn khác trong lớp 5A1, liệu HS có thể thu về câu hỏi thành thật của các bạn khác không? Liệu bạn A có chịu nói lý do vì sao lại mất trật tự trong lớp, hay lý do vì sao bạn B lại không làm bài tập về nhà không? Có thể có, có thể không, tùy vào đặc điểm của lớp. Tuy nhiên, GV cần làm rõ cho HS về những khó khăn có thể xảy ra trong việc đặt những câu hỏi cụ thể như thế này.

Nếu chọn một câu hỏi khác chung hơn, VD: "Làm thế nào để HS có ý thức học tập tốt hơn?", có thể trên mạng sẽ có rất nhiều nguồn nói về nguyên nhân gây ra vấn đề, và một số giải pháp khả thi. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa chắc áp dụng được vào bối cảnh lớp 5A1 (vì lớp 5A1 là đối tượng/cộng đồng mà HS quan tâm lúc đầu), và do đó có thể câu hỏi này sẽ không có nhiều ý nghĩa với cá nhân HS.

4 Câu hỏi của HS đã có câu trả lời sẵn rồi thì sao? Đây là việc hoàn toàn bình thường. Phần lớn câu trả lời của HS đều đã có người trả lời sẵn từ trước đó.

Mục đích của Truy vấn Cá nhân là để HS trả lời được vấn đề mà mình quan tâm, tò mò, không nhất thiết là để làm sáng tỏ một câu hỏi mà trước đó chưa từng có ai trả lời được. Do đó, việc HS trả lời được câu hỏi mà đã có người khác đặt ra, và trả lời rồi là hoàn toàn bình thường, miễn sao HS thật sự tò mò về vấn đề này, và việc trả lời câu hỏi có ý nghĩa cá nhân với bản thân HS.

Trên thực tế, khi đặt ra câu hỏi này, thầy cô thường có một lo ngại cụ thể hơn, đó là việc HS sẽ copy/paste toàn bộ nội dung mà HS tìm thấy được, và việc tìm kiếm thông tin không có nhiều ý nghĩa lắm. Để trả lời câu hỏi này thì hướng dẫn ở trên đã nêu rõ:

  • Từ K1 - K6: HS không phân tích thông tin, chỉ liệt kê những gì HS tìm hiểu được. Những thông tin mà HS liệt kê cần thống nhất với thông tin của nguồn gốc (tức, HS không bịa, hoặc nói thiếu thông tin quan trọng).
  • Từ K7 trở lên: HS không chỉ liệt kê thông tin, mà cần đưa ra một số ý kiến cá nhân/bình luận về những thông tin gốc. Những thông tin mà HS liệt kê, hoặc quan điểm của HS cần thống nhất với thông tin của nguồn gốc (tức, HS không bịa, hoặc nói thiếu thông tin quan trọng).

Ngoài ra, từ K4 trở lên, GV nên khuyến khích HS tìm và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, để câu trả lời của HS được đa dạng, khách quan hơn (nhất là khi câu hỏi của HS đã được người khác trả lời rồi). Nếu chỉ tìm được một nguồn thông tin thì cũng không sao, nhưng nên bảo đảm rằng nguồn đó đáng tin cậy, chính xác, và có đủ những dữ liệu/bằng chứng mà HS cần.

Về việc tìm kiếm thông tin
5 Phải làm gì nếu HS không đủ thời gian để tìm kiếm thông tin? Có 2 trường hợp thường xảy ra cho việc HS không đủ thời gian tìm kiếm thông tin:
  • Trường hợp 1: Câu hỏi của HS quá phức tạp, hoặc cách HS hình dung mình sẽ trả lời câu hỏi quá phức tạp. Dẫn tới việc trả lời câu hỏi như vậy cần rất nhiều thông tin, và cần nhiều thông tin thì chắc chắn sẽ mất thời gian hơn.
  • Trường hợp 2: Câu hỏi (và cách trả lời câu hỏi) của HS có thể đơn giản, tuy nhiên HS lại loay hoay với việc tìm thông tin ở đâu, tìm như thế nào. Có thể HS không biết cách tìm, không tự xác định được nguồn nào thì phù hợp, hoặc chỉ đơn giản là không biết "nguồn" để trả lời câu hỏi của mình có thể là gì, là ai.


Đối với trường hợp 1, GV nên thảo luận lại với HS để xác định những thông tin tối thiểu cần thu thập cho việc trả lời câu hỏi. Tất nhiên, câu trả lời cuối cùng của HS có thể sẽ không chi tiết, thuyết phục bằng việc có đủ thông tin, nhưng như vậy vẫn tốt hơn việc HS hoàn toàn không trả lời được. Đối với trường hợp 2, GV có thể gợi ý một số nguồn cụ thể để HS tìm, nếu như HS không còn quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm thông tin. Đồng thời, GV cũng nên bảo đảm HS có khả năng đọc hiểu thông tin trong các nguồn mà HS tự tìm/GV gợi ý, tránh việc HS mất quá nhiều thời gian vào một nguồn thông tin nào đó mà HS không có khả năng xử lý.

6 Nếu HS chưa trả lời được trọn vẹn câu hỏi của mình (hoặc quá thời gian rồi mà chưa tìm được đủ thông tin), HS sẽ trình bày câu trả lời như thế nào? HS vẫn sẽ đưa ra câu trả lời của mình, tuy nhiên phải chấp nhận rằng câu trả lời đó không đủ căn cứ, không có quá nhiều dữ liệu cụ thể để chứng mình tính hợp lý. Nói cách khác, trả lời thì vẫn trả lời được, tuy nhiên câu trả lời có hay không, có thuyết phục không thì lại là việc khác Tham khảo ví dụ sau:

HS K5 đặt ra câu hỏi Truy vấn Cá nhân là "Vì sao vấn đề body shaming còn tồn tại ở các bạn HS K5 trong trường?", và có chia nhỏ câu hỏi này ra thành một số câu hỏi phụ như sau:

  1. Body shaming (BS) là gì?
  2. Nguyên nhân nói chung dẫn tới BS là gì?
  3. Tình trạng BS đang diễn ra như thế nào ở K5 trong trường? Ảnh hưởng tới những ai, do ai gây ra?
  4. Vì sao BS còn tồn tại ở K5?

HS trả lời được câu hỏi phụ 1, 3 và 4, như vậy có nghĩa là:

  • HS đã hiểu BS là gì
  • HS đã biết BS đang diễn ra như thế nào, ảnh hưởng tới ai, do ai
  • HS đã biết ít nhất 1 nguyên nhân cụ thể dẫn tới BS ở K5 trong trường

Tuy nhiên, HS không trả lời được câu hỏi 2, có nghĩa là HS không biết về mặt lý thuyết, những nguyên nhân nào có thể dẫn tới BS. Và vì không biết, HS sẽ không thể kiểm chứng xem nguyên nhân A, B, C có đang xảy ra ở K5 không, mà chỉ có thể dự đoán được nguyên nhân nào đã gây ra BS (từ việc lấy ý kiến những người đang chịu ảnh hưởng của BS). Và nguyên nhân mà HS dự đoán được có thể sẽ không đầy đủ, hoặc thậm chí còn không đúng.


Do đó, mặc dù HS vẫn trả lời được phần lớn các câu hỏi phụ, và trả lời được câu hỏi lớn, đây vẫn chưa phải một câu hỏi có thể thuyết phục hoàn toàn người đọc.

Về Bài trình bày Truy vấn Cá nhân
6 Tôi đã có danh sách Truy vấn Cá nhân trong lớp (bao gồm nội dung của từng Truy vấn Cá nhân), vậy tôi có dùng danh sách này để đánh giá tính điểm cho HS không? Không. Bài trình bày Truy vấn Cá nhân chỉ tính điểm cho những nội dung mà HS thuyết trình được, và trả lời được trong 7 tiết đánh giá trên lớp. Thầy cô không tính điểm cho HS ngoài những nội dung này.

Danh sách mà thầy cô đã có sẽ giúp ích cho việc đặt câu hỏi cho HS. Trong Bài trình bày Truy vấn Cá nhân, rất có thể HS sẽ không nói hết được những thứ mình đã viết, và do đó thầy cô có thể dùng danh sách này để hỏi HS về thông tin A nếu như thầy cô nhận ra HS đã viết vê thông tin này rồi. Lưu ý rằng chỉ hỏi, tuyệt đối không mớm câu trả lời cho HS.

7 Nếu tôi biết chắc chắn rằng HS đã làm được điều gì đó (VD: tìm thông tin ở nguồn A rất đáng tin cậy), tuy nhiên không nói ra được trong Bài trình bày Truy vấn Cá nhân, vậy tôi có chấm điểm cho HS không? Không. Bài trình bày Truy vấn Cá nhân chỉ tính điểm cho những nội dung mà HS thuyết trình được, và trả lời được trong 7 tiết đánh giá trên lớp. Thầy cô không tính điểm cho HS ngoài những nội dung này.

Thầy cô có thể đặt câu hỏi nếu muốn tạo cơ hội cho HS thể hiện lại những thứ mà mình chưa nói ra được, tuy nhiên nếu HS không trả lời được nữa thì sẽ không tính điểm cho HS.

8 Trong slides/bài viết của HS có thông tin A, nhưng khi trình bày HS không nói ra thông tin A thì có tính điểm không? Thầy cô nên đặt câu hỏi cho HS sau khi thuyết trình (VD: "Vì sao em chưa nhắc tới thông tin A?" hoặc "Con đã tìm hiểu về thông tin A chưa?". Nếu HS vẫn không nhắc lại được dù đã được tạo cơ hội, thầy cô nên trừ điểm của HS.
9 HS chưa nói ra được hết thông tin khi trình bày, và khi đặt câu hỏi HS cũng không trả lời được, vậy có thể tạo cơ hội thêm cho HS không? Thầy cô có thể hỏi lại HS sau giờ học (tức, sau bài thuyết trình), nếu như cảm thấy muốn tạo cơ hội cho HS vì một số lý do nhất định. (vì hôm đó HS ốm, mệt, hoặc sơ suất nên quên, v.v.). Tuy nhiên, cần lưu ý một số việc như sau:
  • Nếu định hỏi lại HS để làm rõ thêm về những nội dung chính của Truy vấn Cá nhân (câu hỏi, vấn đề, đối tượng/cộng đồng, thông tin đã tìm hiểu, câu trả lời), cần hỏi HS ngay trong ngày. Không để sang ngày hôm sau để hỏi, vì như vậy là cho phép HS tìm hiểu thông tin từ đầu (nếu trước đó HS chưa tìm hiểu thông tin), và như vậy là không công bằng với những HS khác trong lớp.
  • Nếu định hỏi lại HS để làm rõ thêm về suy ngẫm của HS, có thể đặt câu hỏi cho HS để HS trả lời cho GV ở những buổi khác. Tuy nhiên, GV nên đưa ra deadline rõ ràng cho HS, tránh kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng tới việc nhập điểm của GV.


Việc hỏi HS sau giờ là lựa chọn của GV, và thầy cô có thể quyết định không tạo thêm cơ hội cho HS nếu như không có thời gian.

Bình luận về một số Truy vấn Cá nhân thực tế của HS

Để giúp thầy cô hình dung rõ hơn về HS đã hoàn thiện sản phẩm của mình (Truy vấn Cá nhân) như thế nào trong thực tế, PCT sẽ liệt kê một số bài Truy vấn Cá nhân của HS, và sẽ đưa ra bình luận về việc những sản phẩm này đã làm được gì/chưa làm được gì, và GV nên làm gì để giúp HS cải thiện những bài Truy vấn Cá nhân này.


Tham khảo một số Truy vấn Cá nhân thực tế của HS ở đây