Chương 4: Triển khai Dự án Hành động

Từ GCED

Chương 4: Lập kế hoạch & Chuẩn bị, HS đã đạt được một số yêu cầu quan trọng trước khi triển khai Dự án Hành động. Những yêu cầu đó bao gồm:

  • Điều tra về vấn đề muốn giải quyết, và đối tượng/cộng đồng muốn phục vụ
  • Tìm hiểu về các giải pháp có sẵn
  • Rà soát, hoàn thiện & làm rõ các ý tưởng đang có, từ đó chốt giải pháp cuối cùng của nhóm
  • Xác định nguồn lực cần thiết để triển khai Dự án
  • Lập KHHĐ cho việc triển khai Dự án


Trong Chương 5: Triển khai Dự án, các nhóm sẽ bắt đầu hiện thực hóa những gì mình đã học, đã chuẩn bị, thông qua việc bắt tay vào thực hiện Dự án Hành động. Mong đợi của chương này là HS có thể mang lại giá trị có ý nghĩa cho cộng đồng, đồng thời rút ra được bài học cho cả nhóm và bản thân trong quá trình phục vụ.

Chương 5 là chương cuối cùng trong giai đoạn Làm. Tới Chương 6, HS sẽ tiến hành suy ngẫm về những gì mình đã học & làm, bắt đầu giai đoạn Học cuối cùng của GCED


Các nhiệm vụ chính mà HS cần thực hiện trong Chương 6 là:

  • Triển khai Dự án dựa trên KHHĐ
  • Thu thập dữ liệu & bằng chứng theo yêu cầu (bao gồm những thay đổi của Dự án so với kế hoạch - nếu có)

Hướng dẫn triển khai Dự án Hành động (dựa trên kế hoạch hành động)

Chương 4, HS đã có một bản kế hoạch hành động, trong đó nêu rõ nhóm mình sẽ triển khai Dự án Hành động như thế nào, bao gồm những bước nào, và cần đạt những mục tiêu gì cho những bước đó. Để bảo đảm Dự án này diễn ra một cách suôn sẻ, các em sẽ cần bám sát những chi tiết đã nêu trong kế hoạch, cũng như có khả năng lưu lại bằng chứng về việc này (sẽ giải thích ký hơn ở mục Thu thập dữ liệu & bằng chứng).

Dưới đây là một số yếu tố mà thầy cô nên theo dõi, để đảm bảo HS đang làm việc theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Các yếu tố cần theo dõi Câu hỏi định hướng mà thầy cô cần trả lời (hoặc yêu cầu HS trả lời)
Triển khai các bước
  • HS có triển khai giải pháp theo đúng các bước mà nhóm đã thống nhất/được GV hướng dẫn không?
  • (Từ K4 trở lên) HS có khả năng tự theo dõi tiến độ triển khai của nhóm mình không? Cả nhóm nắm được bước nào (hoặc thành viên nào) đang gặp khó khăn không?
  • Trong lúc triển khai, có mục tiêu của bước nào mà HS thấy quá khó, không thể đạt được hoàn toàn không? Nếu việc này xảy ra, Dự án của HS sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
  • HS có tìm kiếm được các nguồn lực cần thiết (mà nhóm đang thiếu) kịp thời không? Nếu chưa, việc này có thể ảnh hưởng như thế nào?
Phân công công việc & sự đóng góp của mỗi cá nhân
  • Từng thành viên trong nhóm đã triển khai Dự án theo đúng phân công & yêu cầu chưa?
  • Các thành viên có đóng góp tích cực vào Dự án không? Có thành viên nào không thực hiện/không thực hiện tốt công việc của mình không?
Thu thập dữ liệu
  • HS đã thu thập dữ liệu/bằng chứng như đã lên kế hoạch chưa?
  • Nếu dự án của HS có nhiều bước triển khai (kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định), HS đã xác định các mốc cần thu thập dữ liệu để kiểm chứng chưa?

VD: Nếu HS viết một chuỗi bài tuyên truyền về bình đẳng giới, có thể các em sẽ cần biết phản hồi của cộng đồng sau bài viết 1, 2, 3, v.v. để xác định được tác động/ảnh hưởng của những bài viết này

Xử lý các vấn đề/sự cố/thay đổi
  • HS có gặp vấn đề/sự cố nào trong quá trình triển khai mà HS không lường trước được không? Nếu có, HS đã xử lý như thế nào? Có xử lý kịp thời/hiệu quả không?
  • HS có phải thay đổi bước nào (hoặc, mục tiêu nào) so với kế hoạch ban đầu không? Vì sao?

Hướng dẫn thu thập dữ liệu & bằng chứng

Việc thu thập dữ liệu & bằng chứng là một bước cực kỳ quan trọng mà HS phải thực hiện trong Chương 5. GCED sử dụng việc phục vụ để "phục vụ" việc học, do đó việc thu thập này sẽ giúp cung cấp "tài nguyên" để HS có thể học một cách hiệu quả. Bản thân mỗi HS, cũng như cả nhóm đều phải thu thập những loại dữ liệu, bằng chứng khác nhau, cụ thể như sau:

Thu thập dữ liệu & bằng chứng của cá nhân

Từ Chương 4, mỗi HS đã phải xác định được một khía cạnh trong Truy vấn cá nhân mà em muốn học hỏi, hoặc muốn kiểm chứng thông qua việc hành động. Do đó, HS sẽ cần thu thập dữ liệu trong Chương 5 để trả lời những câu hỏi/thắc mắc này của bản thân.

Dưới đây là ví dụ về một số câu hỏi/thắc mắc như vậy:

Câu hỏi của Truy vấn Cá nhân Câu trả lời Ý tưởng của Dự án Hành động Những điều HS muốn học hỏi/kiểm chứng (tức liên kết giữa Truy vấn và Dự án)
Xã hội Việt Nam hiện đại (từ 1980 cho tới nay) có tồn tại bất bình đẳng giới tính không?

Nếu có, các nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hiện tượng này là gì?

Có tồn tại sự bất bình đẳng. Nguyên nhân là:
  • Lý do A
  • Lý do B
  • Lý do C
Giảm thiểu sự phân biệt giới tính tại các gia đình ở quận Hai Bà Trưng (khu vực sống của đa số HS trong nhóm)
  • Nguyên nhân của việc phân biệt giới tính trong gia đình Việt Nam nói chung, và ở khu em sống nói riêng là gì?
  • Nên nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong gia đình như thế nào?
  • Lý do A (dẫn tới sự bất bình đẳng) có còn tiếp diễn ở thời điểm hiện tại không? Nếu không, vì sao?

Để trả lời những câu hỏi này, các em có thể cân nhắc một số cách như sau:

  • Tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, hoặc GV: Phù hợp với những HS nhỏ tuổi (lớp 1 - 5), khi mà các em chưa có đủ khả năng/điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin phức tạp.
  • Tham khảo ý kiến, hoặc quan sát cộng đồng mình phục vụ: Cách này phù hợp với những hình thức phục vụ cộng đồng trực tiếp, HS có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhiều người trong cộng đồng mình phục vụ.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nếu Dự án của HS có liên kết với chuyên gia/tổ chức bên ngoài (liên quan tới đề tài Dự án của HS), các em có thể hỏi trực tiếp ý kiến của chuyên gia để trả lời những câu hỏi/thắc mắc của mình. HS nên tự chủ động liên hệ với những đối tượng này, và nên gửi tất cả câu hỏi/thắc mắc một thể.
  • Tự tìm hiểu, nghiên cứu từ các nguồn đáng tin cậy: Phù hợp với những HS đã có khả năng tiếp cận/sử dụng Internet, các loại tài liệu nâng cao, v.v. Cách này cũng phù hợp với những hình thức phục vụ cộng đồng từ xa, HS không cần tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng mình phục vụ.

Khuyến khích sử dụng nhiều hơn một cách để câu trả lời của HS được khách quan & đa chiều. Các em có thể nói chuyện trực tiếp, liên hệ qua email, đọc tài liệu, làm khảo sát, v.v. để thu thập thông tin, tùy theo độ tuổi/khả năng của mình.

Thu thập dữ liệu & bằng chứng của cả nhóm

Mục đích của việc thu thập dữ liệu & bằng chứng của cả nhóm là để:

  • Tự theo dõi quá trình triển khai Dự án (sự đóng góp của mỗi cá nhân, các thuận lợi/khó khăn), từ đó rút ra được bài học cho cả nhóm.
  • Đánh giá mức độ hiệu quả của Dự án (dựa trên các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch ở Chương 4), và tác động thực tế của Dự án tới đối tượng/cộng đồng được phục vụ.

Vì mỗi nhóm HS sẽ triển khai Dự án Hành động bằng nhiều hình thức khác nhau, các em có thể thu thập dữ liệu theo những cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý, tương ứng với 4 hình thức phục vụ cộng đồng:

Hình thức phục vụ:

Trực tiếp

Hình thức phục vụ:

Gián tiếp

Hình thức phục vụ:

Tuyên truyền

Hình thức phục vụ:

Nghiên cứu*

Để tự theo dõi quá trình triển khai Dự án Cả nhóm HS cần:
  • Ghi lại vai trò & đóng góp của mỗi thành viên trong nhóm
  • Ghi lại những thuận lợi & khó khăn trong quá trình làm việc nhóm
  • Ghi lại những thay đổi/những tình huồng mà nhóm không dự tính được trong kế hoạch, cũng như cách nhóm giải quyết những thay đổi/tình huống bất ngờ đó
Để đánh giá mức độ hiệu quả/tác động thực tế của Dự án
  • Thu thập phản hồi của đối tượng được phục vụ
  • Hỏi ý kiến của chuyên gia
  • Hỏi ý kiến của người có hiểu biết hơn (PHHS, GV, v.v.)
  • Tự đánh giá
  • Thu thập phản hồi của đối tượng được phục vụ gián tiếp
  • Hỏi nhận xét của người hỗ trợ phục vụ gián tiếp (VD: người giúp gây quỹ, người giúp tổ chức sự kiện)
  • Hỏi ý kiến của chuyên gia
  • Hỏi ý kiến của người có hiểu biết hơn (PHHS, GV, v.v.)
  • Tự đánh giá
  • Thu thập phản hồi của cộng đồng được tuyên truyền
  • Quan sát sự thay đổi (về hành vi, thói quen) của cộng đồng sau khi tuyên truyền
  • Hỏi ý kiến của chuyên gia
  • Hỏi ý kiến của người có hiểu biết hơn (PHHS, GV, v.v.)
  • Tự đánh giá
  • Tham khảo các tài liệu chuyên môn liên quan tới sản phẩm nghiên cứu
  • Hỏi nhận xét chuyên môn của chuyên gia về sản phẩm nghiên cứu
  • Hỏi ý kiến của người có hiểu biết hơn (PHHS, GV, v.v.)
  • Đánh giá chéo với những HS khác
  • Tự đánh giá
*Lưu ý về hình thức phục vụ Nghiên cứu
Do đặc thù của hình thức Nghiên cứu, sản phẩm mà nhóm tạo ra (1 bài phân tích vấn đề, chứng minh nhu cầu, đề xuất giải pháp, v.v.) thường sẽ chưa được triển khai trong thực tế (do hạn chế về thời gian). Do đó, việc đánh giá mức độ hiệu quả của sản phẩm này thường chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết. Thầy cô có thể đánh giá bài viết này giống như đánh giá Truy vấn Cá nhân của HS (bằng cách trả lời một số câu hỏi như Sản phẩm này được viết/trình bày có ổn không? Kết luận đưa ra có hợp lý không? Có khách quan không? Mức độ khả thi ra sao? Có thể giúp được cộng đồng không?)

🔎 Xem thêm: Rubric Bài trình bày Truy vấn Cá nhân để biết 1 số gợi ý đánh giá bài nghiên cứu của HS

Tuy nhiên, GCED luôn khuyến khích HS "hiện thực hóa" việc học của mình để có thể giúp đỡ cộng đồng. Nếu có thời gian, HS có thể tiếp tục thực hiện 1 trong 3 hình thức phục vụ còn lại, dựa trên kết quả nghiên cứu của nhóm. Sau đó, HS hoàn toàn có thể bổ sung kết quả phục vụ cộng đồng "lần 2" như một phần của Dự án Hành động ban đầu, và tiến hành suy ngẫm trong những giai đoạn sau của GCED.

Tất nhiên, đây sẽ là một công việc nằm ngoài phạm vi của môn GCED, không bắt buộc đối với HS. Thầy cô có thể cân nhắc về việc gợi ý, giúp đỡ & hướng dẫn những nhóm tiếp tục phục vụ cộng đồng lần 2 (nếu có đủ thời gian)

Một số lưu ý khi HS sắp/đã hoàn thành Dự án Hành động

Theo phân phối Chương trình, HS sẽ có 6 tiết để triển khai Dự án của nhóm mình. Tức có nghĩa, 6 tiết này là số tiết dạy trên lớp tối đa để HS đạt được mục tiêu đã đề ra của Dự án Hành động. Vì tốc độ triển khai của mỗi nhóm sẽ là khác nhau, thầy cô nên lưu ý một số trường hợp có thể xảy ra như sau:

  • Nếu chưa hết 6 tiết mà nhóm HS đã đạt mục tiêu Dự án (tức sớm hơn phân phối Chương trình): Thầy cô có thể dành thời gian để đặt thêm câu hỏi cho những nhóm này, bảo đảm các em không "hấp tấp" khi hoàn thành sớm mà chất lượng không được bảo đảm. Nếu Dự án của HS thật sự không cần tới 6 tiết để hoàn thành, thầy cô có thể cho những nhóm này bắt đầu suy ngẫm về Dự án của mình (tức chuyển sang Chương 6).
  • Nếu 6 tiết trên lớp đủ để nhóm HS đạt mục tiêu Dự án (tức đúng với phân phối Chương trình): Thầy cô cho những nhóm này bắt đầu suy ngẫm về Dự án của mình.
  • Nếu hết 6 tiết trên lớp mà nhóm HS vẫn chưa đạt mục tiêu Dự án (tức chậm hơn phân phối Chương trình): Thầy cô có thể:
    • cho những nhóm này tiếp tục Dự án của mình bên ngoài lớp học (ở nhà, sau giờ học), hoặc tiếp tục trên lớp. Miễn sao những nhóm này không mất quá nhiều thời gian, đi chậm hơn hẳn so với tiến độ của cả lớp;
    • yêu cầu nhóm ngừng thực hiện Dự án, chuyển sang Chương 6, nếu thầy cô cho rằng những nhóm này có dành thêm thời gian thì vẫn không có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu.


Vậy sau khi nhóm HS đã triển khai xong Dự án, và đã đạt được mục tiêu mình đề ra, có phải Dự án này sẽ chấm dứt hẳn vào cuối năm học không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào chính các nhóm HS, và thầy cô có thể hướng dẫn để HS tự trả lời một số câu hỏi sau:

  • Cả nhóm có thấy Dự án này có ý nghĩa lớn, đáng để tiếp tục thực hiện trong tương lai hay không?
  • Cả nhóm có định hướng phát triển, mở rộng, hay chỉ đơn thuần là tiếp tục Dự án không?
  • Cả nhóm có muốn cùng nhau thực hiện Dự án trong tương lai không? Nếu nhân sự thay đổi, liệu đây có phải là vấn đề không?
  • Cả nhóm có những nguồn lực nào có thể hỗ trợ việc triển khai Dự án trong tương lai?

Nói tóm lại, HS chỉ nên tiếp tục Dự án nếu các em muốn, và cho rằng mình có khả năng làm vậy. Đây không phải yêu cầu chính thức của môn GCED, do đó thầy cô có thể cân nhắc hỗ trợ các em nếu điều kiện cho phép.

Với những HS có ý định tiếp tục Dự án sau khi kết thúc năm học, các em nên biết rằng Dự án của mình vẫn có thể xuất hiện một cách chính thức trong GCED ở những khối lớp sau. Để làm vậy, HS có thể đổi hướng đề tài Dự án của mình để vừa nhắm vào Chủ đề trọng tâm của khối lớp vừa học, vừa nhắm vào Chủ đề trọng tâm của khối lớp tiếp theo.


VD: Ở lớp 7 HS đã học về "Biến đổi khí hậu", lên lớp 8 sẽ học về "Bình đẳng & Giảm bất bình đẳng". Nếu muốn tiếp tục Dự án ở lớp 7, khi lên lớp 8 HS cần hướng tới việc phục vụ những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng của cả 2 vấn đề toàn cầu này.

Vai trò của GV trong quá trình triển khai Dự án Hành động của HS

Do đặc thù của mỗi lớp/nhóm, công việc mà thầy cô phải làm trong giai đoạn này sẽ rất đa dạng, không ai giống hệt ai. Tuy nhiên, nhìn chung thì sẽ có một số công việc mà thầy cô thường sẽ làm như như sau:

Các công việc của GV Lưu ý
Theo dõi tiến độ triển khai Dự án của HS Thực hiện như thầy cô sẽ làm với bất cứ dự án học tập nào của HS. Với những nhóm thầy cô cho rằng đang chậm tiến độ, hoặc làm việc chưa hiệu quả, nên dành nhiều thời gian để trao đổi trực tiếp hơn. Với những nhóm làm tốt hơn, có thể không cần dành quá nhiều thời gian để trao đổi, tuy nhiên thầy cô vẫn cần nắm những nhóm này đang làm gì, làm tới đâu.

Nên bám theo kế hoạch mà HS đã xây dựng (hoặc thầy cô cung cấp), và theo dõi dựa trên những đầu công việc trong bản kế hoạch này. Nếu HS đang chậm so với kế hoạch, hoặc có thay đổi gì đó so với kế hoạch, nên yêu cầu HS ghi lại những thay đổi này. Nếu thầy cô cảm thấy thay đổi không hợp lý, nên yêu cầu HS giải thích, và thầy cô có thể can thiệp nếu cần thiết.

Tư vấn, giải đáp các thắc mắc của HS Thông thường, việc này sẽ diễn ra ở trên lớp, và thầy cô có thể yêu cầu HS chuẩn bị trước câu hỏi để hỏi thầy cô. Việc này cũng có thể diễn ra sau giờ học, tùy vào nhu cầu của mỗi nhóm & thời gian trống của thầy cô.

Tuy nhiên, nên làm rõ với HS rằng "sự hỗ trợ của GV" cũng được coi là một nguồn lực, và nguồn lực này thì có hạn. Do đó, HS không nên trông chờ vào việc GV sẽ trả lời mọi câu hỏi, giải đáp mọi thắc mắc của các em; nên chọn lọc những câu hỏi/vấn đề mà HS muốn thầy cô giải trả lời nhất. Đối với HS nhỏ (K1-3), có thể HS sẽ không có nhiều câu hỏi, mà thầy cô sẽ phải chủ động tìm hiểu xem HS đang gặp vấn đề gì, và từ đó tư vấn, hướng dẫn lại cho HS. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ cho HS rằng việc hỗ trợ này cũng là một nguồn lực có hạn; thầy cô sẽ chỉ giải đáp những vấn đề lớn/quan trọng nhất cho HS.

Hỗ trợ HS triển khai Dự án Nếu HS muốn thầy cô làm hộ HS việc gì đó mà HS đáng lẽ nên tự làm, thì đây không phải trách nhiệm của thầy cô, và thầy cô không nên làm vậy. "Hỗ trợ" ở đây chỉ nên bao gồm những việc mà HS khó mà tự làm được (và Chương trình cũng không bắt buộc phải làm), tuy nhiên nếu có thầy cô giúp đỡ thì sẽ làm Dự án hiệu quả hơn (và những việc này cũng chỉ có thầy cô mới giúp được). Tuy nhiên, hỗ trợ hay không, tới mức nào vẫn là quyết định của thầy cô.

VD về một số việc mà thầy cô có thể hỗ trợ HS:

  • Kết nối HS với một tổ chức nào đó có thể giúp đỡ Dự án của HS (CT không yêu cầu HS phải kết nối với các tổ chức bên ngoài, nhưng nếu có thì sẽ có ích cho HS)
  • Gợi ý các nguồn tài liệu hay, có thể giúp ích cho giải pháp của HS
  • v.v.
Đi theo HS tới địa điểm triển khai Dự án (nằm bên ngoài khuôn viên trường học) Nếu HS muốn triển khai Dự án trong phạm vi trường học, và có nhờ thầy cô đi cùng để giúp đỡ/nhận xét, thầy cô có thể cân nhắc đi theo nếu có thời gian.


Nếu phải ra ngoài trường học, HS đi đâu thì thầy cô nên cân nhắc đi theo cùng? Sẽ có 3 trường hợp sau mà thầy cô có thể có nhu cầu đi theo HS:

  • Để đảm bảo an toàn cho HS: áp dụng cho bất cứ nơi nào bên ngoài trường (đối với HS nhỏ), tới những nơi xa, lạ, không rõ mức độ an toàn (đối với HS trung học trở lên)
  • Để hướng dẫn, tư vấn cho HS ngay tại chỗ: ít xảy ra, nhưng sẽ có trường hợp HS muốn tới khảo sát một cộng đồng nào đó, và HS muốn thầy cô đi cùng để cùng khảo sát, hoặc tư vấn cách khảo sát.
  • Để bảo đảm HS làm việc hiệu quả: áp dụng cho những nhóm mà thầy cô nghi là sẽ không làm việc được với nhau, không triển khai Dự án hiệu quả nếu như không có ai giám sát.


Dù thế nào đi nữa, thầy cô vẫn là người có tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định một nhóm có thể đi đâu, làm gì? Thầy cô hoàn toàn có thể từ chối việc ra ngoài triển khai dự án của 1 nhóm nào đó, nếu như thầy cô cảm thấy không thể đi theo, hoặc quản lý chất lượng triển khai của những nhóm này, và cũng không hoàn toàn tin tưởng khả năng của HS trong nhóm. Nếu trong lớp có nhiều nhóm muốn ra ngoài triển khai dự án, nên ưu tiên những nhóm/dự án có nhiều tiềm năng nhất. Những nhóm còn lại sẽ phải thay đổi giải pháp của mình, nếu như thầy cô không chắc chắn về việc để cho những nhóm này tự triển khai bên ngoài.


Cần giúp HS hiểu rằng không những đây là vấn đề về sự an toàn của HS, mà còn là về việc giải pháp của HS chưa đạt yêu cầu. Giải pháp này cần phù hợp với lứa tuổi/năng lực của HS, và nếu phải triển khai ở bên ngoài mà không đảm bảo được an toàn, thì đây rõ ràng không phải một giải pháp tốt. Nếu HS muốn tới 1 thành phố khác, và có đủ tiền/thời gian để đi, tuy nhiên không thể nhờ thầy cô (hoặc PHHS, hoặc bất cứ ai có trách nhiệm), thì đây không phải một giải pháp mà HS nên làm.

Một số câu hỏi/vấn đề thường gặp khi triển khai Chương 4

Dưới đây là một số câu hỏi/vấn đề trong quá trình triển khai Chương 5, và câu trả lời tương ứng của PCT:

STT Câu hỏi Câu trả lời
1 Chương này có 6 tiết, tuy nhiên nội dung của mỗi tiết thì không thể xác định trước được (vì phụ thuộc vào đặc thù của mỗi nhóm).

Vậy GV có cần soạn giáo án không? Nếu có, nên soạn giáo án như thế nào?

Thầy cô vẫn cần soạn giáo án cho các bài trong Chương 5 (nói chính xác hơn, cho bài 5.1 trong Chương 5). Thầy cô có thể tạo 6 giáo án (mỗi giáo án cho 1 tiết), hoặc 1 giáo án tuy nhất, tùy vào lựa chọn của thầy cô.

Một điều chắc chắn rằng giáo án này sẽ không thể quá chi tiết về nội dung được dạy, vì gần như thầy cô không dạy gì cho HS trong Chương/bài này cả. Phần lớn công việc của thầy cô phải lên lớp mới xác định được (công việc chung đã nêu rõ ở mục Vai trò của GV trong quá trình triển khai Dự án Hành động của HS); chẳng hạn, thầy cô phải lên lớp rồi mới biết nhóm A đang triển khai Dự án lệch so với KHHĐ, và từ đó thầy cô mới có thể can thiệp vào quá trình triển khai của nhóm A. Như vậy có nghĩa là thầy cô sẽ không thể lên kế hoạch quá chi tiết trong giáo án được, mà chỉ có thể liệt kê một số công việc chung chung (VD: yêu cầu các nhóm báo cáo nhanh về tiến độ ở tiết 2, rà soát lại bằng chứng/dữ liệu của các nhóm ở tiết 4, v.v.)

2 Các MTB trong bài 5.1 nên kéo dài trong bao lâu? MTB nào thì nên tới trước? Không có một thứ tự nào được coi là tối ưu cả, thầy cô nên chủ động điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc thù của các nhóm trong lớp.

Có một số MTB sẽ hợp lý hơn nếu như triển khai ở một thứ tự nhất định. Chẳng hạn, đối với MTB liên quan tới việc "hiểu yêu cầu/các bước cần làm", đây rõ ràng nên là MTB đầu tiên mà thầy cô cần giúp HS đạt được (vì trước khi HS làm bất cứ việc gì thì phải biết mình làm những gì, vì sao mình lại làm thế). Tuy nhiên, có một số MTB thì sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô và HS, chẳng hạn như:

  • MTB liên quan tới việc triển khai Dự án: Thường thì thầy cô sẽ để HS triển khai Dự án trong cả 6 tiết luôn, tuy nhiên sẽ có lớp mà thầy cô thấy rằng không cần thiết phải kéo dài lâu tới vậy (vì HS có thể triển khai xong trong 4-5 tiết). Với những lớp như vậy, MTB này có thể chỉ kéo dài 4-5 tiết, và những tiết còn lại thầy cô sẽ dành cho những công việc khác (hay, các MTB khác)
  • MTB liên quan tới việc xác định thay đổi của Dự án so với KHHĐ: Nếu thầy cô cho rằng HS thường sẽ gặp nhiều vấn đề, thầy cô có thể yêu cầu HS báo cáo lại tiến độ ở tiết 2, 4, 6 (tức là cần 3 tiết để giải quyết MTB này). Tuy nhiên, nếu thầy cô cho rằng HS có khả năng làm việc nhóm tốt, và có thể theo sát KHHĐ mà nhóm đã đề ra, thầy cô có thể chỉ cần dành tiết cuối cùng để yêu cầu HS báo cáo về những thay đổi này (tức là chỉ cần 1 tiết để giải quyết MTB này)
3 GV vừa phát hiện một số vấn đề trong định hướng làm Dự án của các nhóm (và đáng lẽ ra phải can thiệp từ đầu), vậy trong quá trình triển khai Dự án GV có thể can thiệp vào việc triển khai của HS như thế nào/tới mức nào? Có một số vấn đề trong định hướng Dự án của HS mà đáng lẽ thầy cô nên can thiệp từ đầu; tuy nhiên, nếu thầy cô chỉ vừa mới phát hiện ra những vấn đề này thì thầy cô nên làm như sau:
  • Vấn đề mà HS muốn giải quyết không đủ rõ ràng: Việc này sẽ ảnh hưởng tới nội dung cụ thể của giải pháp mà nhóm đã chọn, do đó thầy cô nên yêu cầu HS làm rõ vấn đề càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, nếu như giải pháp của HS là "vẽ poster để tuyên tryuền về các vấn đề sức khỏe tinh thần", GV cần hỏi lại HS rằng nhóm muốn giải quyết vấn đề nào liên quan tới sức khỏe tinh thần? HS muốn làm poster về việc căng thẳng trước kỳ thi, về cảm giác lo sợ khi bị bắt nạt, hay biểu hiện nào khác của sức khỏe tinh thần kém?
  • Đối tượng/cộng đồng HS muốn phục vụ không có nhu cầu thiết thực: Nếu ở bước này, thầy cô cho rằng HS đang cố phục vụ một đối tượng/cộng đồng không có nhu cầu thiết thực (hoặc không gặp vấn đề, hoặc không chịu ảnh hưởng quá nghiêm trọng từ vấn đề, hoặc không cần/muốn sự can thiệp từ bên ngoài), thầy cô có thể
    • Yêu cầu nhóm đổi đối tượng/cộng đồng phục vụ ngay lập tức
    • Vẫn để cho nhóm tiếp tục, tuy nhiên cần lưu ý xem nhóm có tự rút ra được bài học (vì chọn sai đối tượng/cộng đồng) sau này không
  • Ý tưởng không khả thi, hoặc có vẻ sẽ không hiệu quả: Tương tự với ý trên
  • KHHĐ của nhóm không đủ tốt (trong trường hợp nhóm tự lập KHHĐ): Nếu nhóm không tự phát hiện ra được vấn đề này, thầy cô vẫn có thể yêu cầu nhóm thay đổi các chi tiết trong KHHĐ (các bước triển khai, mục tiêu, phân công, v.v.) nếu cần thiết. Chẳng hạn, nếu như HS mới chỉ xác định được các bước chung chung của việc triển khai Dự án (quay video, đăng lên mạng, hỏi ý kiến người xem, v.v.), và thầy cô nghi ngờ rằng HS có thể sẽ không lường trước được việc thực hiện một bước bất kỳ sẽ như thế nào (VD: quay video cần bao gồm việc lên kịch bản, chọn diễn viên, chọn địa điểm quay, quay thử, biên tập, và lặp lại tới khi nào xong), thầy cô nên yêu cầu nhóm này làm rõ ra bước đó.


Những thay đổi này nên được HS ghi lại trong Hồ sơ Dự án của nhóm mình

4 Tiến độ triển khai Dự án của mỗi nhóm trong lớp đều khác nhau, vậy nên làm gì nếu có HS xong Dự án quá sớm/quá muộn so với 6 tiết mà Chương trình đưa ra? Việc HS trong 1 lớp có tiến độ triển khai Dự án khác nhau là hoàn toàn bình thường. Với những trường hợp mà thời gian triển khai Dự án của HS không quá chênh lệch so với 6 tiết Chương trình gợi ý, thầy cô có thể xem mục Một số lưu ý khi HS sắp/đã hoàn thành Dự án Hành động để biết nên yêu cầu HS làm những gì.

Trong trường hợp HS làm Dự án quá nhanh (VD: chỉ mất 2 tiết), thầy cô cần chất vấn xem liệu nhóm đó có thật sự làm đủ/đúng những gì nhóm đã đề ra (trong KHHĐ) không, và những gì nhóm đã làm được có đủ tốt hay không, vì phần lớn các Dự án không thể kết thúc sớm như vậy được. Kể cả nếu như nhóm này chủ yếu làm Dự án ở bên ngoài giờ học/lớp học, thầy cô vẫn nên dành thời gian trên lớp để đặt câu hỏi chất vấn, hỏi thăm tiến độ, hoặc đưa thêm các yêu cầu nâng cao cho HS để bảo đảm Dự án của nhóm này thật sự hiệu quả, Trong trường hợp thầy cô nghĩ rằng HS sẽ mất rất nhiều thời gian để triển khai Dự án (VD: kéo dài tận 10 tiết), thầy cô cần yêu cầu nhóm đẩy nhanh tiến độ bằng cách cắt bớt các bước cần làm (hoặc, giảm yêu cầu của các bước). Có thể chậm, tuy nhiên nếu chậm quá thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc học những Chương khác.

5 Nếu trong lớp có nhóm triển khai Dự án ở bên ngoài giờ học/lớp học, vậy GV nên làm gì với 6 tiết trên lớp? Có nên cắt ngắn thời gian này không? 6 tiết của Chương trình chỉ là gợi ý, và trên lý thuyết thầy cô có thể tự điều chỉnh số tiết dành cho bài 5.1 nếu như thầy cô có lý do đủ hợp lý. Tuy nhiên, PCT khuyến nghị thầy cô không nên cắt ngắn 6 tiết này quá nhiều, vì như đã nói ở trên, vai trò của GV trong Chương này không phải là dạy kiến thức nữa, mà là hỗ trợ, định hướng cho các nhóm, chỉ cho các nhóm chỗ nào chưa ổn, chỗ nào cần khắc phục, và kiểm tra tiến độ của nhóm. Với những vai trò này, rõ ràng thầy cô vẫn có thể làm rất nhiều việc trên lớp với HS trong 6 tiết, chẳng hạn như:
  • Với các nhóm triển khai Dự án chủ yếu trên lớp: Thầy cô vẫn theo dõi, hỗ trợ những nhóm này như bình thường.
  • Với các nhóm triển khai Dự án chủ yếu bên ngoài lớp học/trường học: Thầy cô nên dành thời gian để đặt câu hỏi cho những nhóm này (để các em có định hướng cho việc triển khai các bước tiếp theo), cho nhóm luyện tập một số bước nhất định (VD: thuyết trình, đóng vai trong video clip, v.v.), hoặc yêu cầu nhóm làm thêm 1 số nhiệm vụ mang tính thử thách (nếu như nhóm này có đủ khả năng)

Tham khảo ví dụ sau của 1 lớp K1 (HS làm việc ở nhà khá nhiều dưới sự hỗ trợ của PHHS) để nắm rõ hơn về những gì HS và GV có thể làm với nhau trên lớp:

Dự án của các nhóm Những việc GV có thể làm trong 6 tiết
Nhóm 1: Thiết kế ngôi nhà từ vỏ lon, vỏ hộp sữa GV có thể yêu cầu HS mang sản phẩm tới lớp để tiếp tục hoàn thiện, hoặc mang những nguyên liệu thô tới để làm sản phẩm mới. HS làm được ở nhà được việc gì nào thì làm, nhưng trên lớp HS vẫn có thể làm thêm, và việc của GV sẽ là hướng dẫn HS thiết kế nhà như thế nào cho đẹp, cho vững chắc.
Nhóm 2: Thiết kế trang phục từ đồ tái chế Tương tự nhóm 1.
Nhóm 3: Tìm hiểu ẩm thực các nước bằng cách nấu ăn, quay clip giới thiệu cách làm Rõ ràng nhóm này không thể nấu ăn trên lớp, và do đó cũng không thể quay clip trên lớp được. Tuy nhiên, nếu nhóm này đã quay clip nấu ăn rồi, GV vẫn có thể nhận xét cho clip này, để sau đó cả nhóm dần chỉnh sửa. Hoặc, mỗi tiết HS sẽ quay trước 1 đoạn ở nhà, và tới giờ lên lớp thì cho GV xem, và GV sẽ nhận xét từng đoạn từng đoạn một cho nhóm.
Nhóm 4: Thiết kế trang phục có hình ảnh, màu sắc lá cờ các nước GV hoàn toàn có thể giúp HS bằng cách nhận xét sản phẩm của nhóm (Đã đẹp chưa? Đã vẽ đúng cờ chưa?), và có thể gợi ý cho nhóm 1 số loại trang phục phù hợp, hoặc cờ của 1 số quốc gia (mà nhóm có thể sẽ muốn vẽ lên trang phục)

Với những công việc trên, có thể thấy răng 6 tiết là vừa đủ (hoặc thậm chí còn thiếu) để GV hướng dẫn, nhận xét được cho tất cả các nhóm.

6 "Triển khai Dự án một cách suôn sẻ" có nghĩa là gì? Đây là một từ hay xuất hiện trong MTB của các khối lớp. Hiểu đơn giản, "suôn sẻ" có nghĩa là:
  • Nhóm triển khai được theo đúng như KHHĐ mà không (hoặc rất ít) gặp bất kỳ vấn đề/trở ngại nào
  • Nếu có khó khăn/trở ngại xảy ra thì nhóm có khả năng xử lý kịp thời các vấn đề này, không làm ảnh hưởng đến chất lượng hay tiến độ Dự án
7 1 lớp có nhiều nhóm, và mỗi nhóm lại muốn đi tới 1 địa điểm khác nhau bên ngoài trường học để triển khai Dự án Hành động. GV nên làm gì trên lớp để hỗ trợ những nhóm này? Tuy vào việc thầy cô cần phải làm gì với các nhóm trong lớp. Chẳng hạn:


Nếu thầy cô phải đi cùng những nhóm này tới địa điểm triển khai Dự án. Ví dụ, các nhóm trong lớp đề xuất đi ủng hộ đồ cho các cộng đồng nghèo, và 5 nhóm trong lớp muốn tới 5 địa điểm/cộng đồng khác nhau bên ngoài trường học. Tuy nhiên, HS trong lớp chưa đủ lớn để đi tới những nơi này một mình, hoặc, địa điểm/cộng đồng ở quá xa nơi HS sinh sống.

Từ trước đó, thầy cô đã phải cân nhắc tới tính khả thi của những Dự án thế nào, trong đó bao gồm việc thầy cô phải đi theo HS để triển khai Dự án. Rõ ràng là thầy cô không thể đi theo mọi nhóm (hoặc thậm chí, không thể đi theo nhóm nào), do đó thầy cô cần tự trả lời một số câu hỏi sau:

  • Có ai đó khác (GV khác, hoặc PHHS) có thể hỗ trợ đi cùng những nhóm này không?
  • Nếu không, nhóm này có bắt buộc phải tới trực tiếp địa điểm cộng đồng (mà không có ai đi cùng để giám sát/bảo vệ an toàn) không?

Nếu câu trả lời cho 2 câu hỏi này đều là không, có lẽ thầy cô nên hướng dẫn HS đổi hướng triển khai Dự án. Thay vì tới trực tiếp địa điểm/cộng đồng, HS có thể gửi đồ/tiền/sản phẩm khác cho họ.


Nếu thầy cô không cần đi cùng những nhóm này tới địa điểm triển khai Dự án. Ví dụ, các nhóm trong lớp muốn đi tuyên truyền về các vấn đề liên quan tới bất bình đẳng, và 5 nhóm trong lớp muốn 5 nhóm trong lớp muốn tới 5 địa điểm/cộng đồng khác nhau bên ngoài trường học để tuyên truyền. HS cũng đủ lớn, hoặc/và những địa điểm này cũng không quá xa nơi HS sinh sống, và thầy cô cho rằng HS có thể tự đi được.

Trong trường hợp này, thầy cô nên đọc câu hỏi số 4, và câu trả lời của PCT.

8 Những nhóm cần sự hỗ trợ rất nhiều từ GV (các nhóm có HS nhỏ tuổi, hoặc HS năng lực không cao) thì có ảnh hưởng gì đến kết quả đánh giá của HS hay không? GCED không đánh giá Dự án Hành động (cả quá trình lẫn kết quả) cả các nhóm. Thay vào đó, HS sẽ được đánh giá qua Bài suy ngẫm Cuối năm ở cuối HK2. Những gì HS học được, rút ra được (thay vì làm được) mới là yếu tố được đánh giá.

Nếu nhóm gồm những HS nhỏ tuổi, GV hỗ trợ nhiều là chuyện bình thường. Nếu nhóm gồm những HS năng lực không cao (hoặc ý thức, thái độ làm việc chưa tốt), và GV phải hỗ trợ nhiều, thầy cô cần giúp những nhóm này rút ra bài học sau khi triển khai Dự án.

9 Một số nhóm trong lớp có thể có những Dự án tương đồng nhau về vấn đề, hoặc về đối tượng/cộng đồng muốn phục vụ. Có được/có nên để cho những nhóm này cùng nhau triển khai Dự án không? GCED không cấm hay phản đổi việc các nhóm cộng tác với nhau; ngược lại việc cộng tác giữa những nhóm khác nhau là một việc rất nên làm. Tuy nhiên, nếu để cho 2 nhóm (hoặc nhiều hơn) cộng tác với nhau, thây cô (và chính các nhóm) cần trả lời được một số câu hỏi sau:
  • Thành viên trong các nhóm có thể cộng tác với nhau hiệu quả không? Cần hỏi câu này để tránh tình trạng các nhóm gộp với nhau thành 1 nhóm lớn, và trong nhóm lớn đó có một vài HS không làm gì, hoặc không làm được như đã phân công (có thể vì ỷ lại vào những thành viên khác). Dù cộng tác với nhau, HS cần hiểu rằng đây là 2 nhóm riêng biệt cùng giúp đỡ nhau để đạt mục tiêu chung, không phải 1 nhóm lớn.
  • Việc cộng tác có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho tất cả các nhóm/tất cả thành viên, cũng như đối tượng/cộng đồng được phục vụ không? Cộng tác chỉ vì "tiện" (VD: thay vì cả 2 nhóm đều tới 1 nơi để giúp đỡ đối tượng/cộng đồng, chỉ có nhóm A sẽ tới đây, và nhóm B sẽ làm việc khác vì nhóm A đã tới rồi) đôi lúc sẽ làm mất đi cơ hội học tập của một số thành viên (VD: HS X ở nhóm B sẽ không được quan sát trực tiếp vấn đề, vì toàn bộ nhóm B quyết định không tới gặp trực tiếp đối tượng/cộng đồng). Cần trả lời câu hỏi này để bảo đảm việc cộng tác giữa các nhóm có thể mang lại hiệu quả thật sự cho tất cả
10 Có nên để HS tự bỏ tiền túi, hoặc xin PHHS tiền để triển khai Dự án không? Đây là vấn đề mà thầy cô/cơ sở cần tự quyết định vì việc này có thể sẽ nhạy cảm với một số PHHS (nếu biết con mình phải bỏ tiền để học, hoặc bản thân PHHS phải đưa tiền cho con). Dưới đây là lời khuyên từ PCT:
  • Về việc để HS tự bỏ tiền túi (VD: HS tự bỏ tiền để di chuyển tới khu vực nơi cộng đồng sinh sống): Thầy cô chỉ nên cho HS làm vậy nếu như (1) số tiền này không quá lớn, (2) BGH nhà trường, và PHHS đồng ý với việc này. Ngoài đó ra, HS sẽ phải tự triển khai Dự án với những nguồn lực mà HS có sẵn, và có thể kiếm được
  • Về việc xin PHHS tiền: Cần phân biệt giữa 2 trường hợp sau:
    • HS xin tiền PHHS theo đúng nghĩa đen - tức là HS nói với PHHS rằng PHHS cần phải đưa tiền cho HS thì mới triển khai Dự án được: Trong trường hợp này, thầy cô nên yêu cầu HS dừng lại, và phải nghĩ tới việc thu thập tiền (nếu cần) bằng một cách khác. Nếu HS cho rằng phải có tiền của PHHS thì mới triển khai được Dự án, thầy cô nên hướng dẫn HS đổi định hướng Dự án hiện tại của mình
    • HS "xin tiền" PHHS bằng việc bán sản phẩm (mà HS làm trong Dự án) cho PHHS, hoặc bằng cách quyên góp ủng hộ tiền (mà HS có kêu gọi PHHS tham gia): Trong những trường hợp này, thầy cô nên chủ động truyền thông với PHHS rằng việc mua sản phẩm, hay ủng hộ dự án quyên góp của HS là hoàn toàn tự nguyện; PHHS có thể chọn có hoặc không.

Dù chọn cách nào đi nữa, thầy cô và cơ sở vẫn hoàn toàn tự chủ với việc này, miễn sao tránh được kịch bản xấu nhất là PHHS nghĩ rằng HS "cần có tiền thì mới học được".

11 Các nhóm trong lớp làm Dự án chủ yếu sau tiết học/giờ học, vậy thì có nên dành 6 tiết trên lớp chỉ để các nhóm báo cáo tiến độ (về những gì đã làm) không? Chưa chắc, vì có rất nhiều công việc mà thầy cô vẫn có thể làm trực tiếp trên lớp với HS (ngoài việc yêu cầu HS báo cáo tiến độ). Một số công việc bao gồm:
  • Bình luận, nhận xét cho sản phẩm của HS: Kể cả nếu HS quay video chủ yếu ở nhà, thầy cô vẫn có thể yêu cầu HS chiếu video trên lớp (một phần, hoặc toàn bộ video) và cho HS feedback về video này (cần sửa gì, cần bổ sung gì). Hoặc, nếu như HS muốn nấu ăn ở nhà (để ủng hộ cho ai đó), thầy cô vẫn có thể yêu cầu HS mang sản phẩm mẫu (món ăn) tới lớp, và nhận xét về độ ngon/đủ chất/hình thức của món ăn này, để HS có thể cải thiện công thức/cách chế biến trước khi nấu ăn hàng loạt.
  • Đặt câu hỏi về những chi tiết HS có thể đã bỏ qua, hoặc chưa làm rõ/hoàn thiện đủ: Ở thời điểm cả lớp bắt đầu triển khai Dự án, chắc chắn là sẽ có một số nhóm chưa hoàn thiện KHHĐ (hoặc, có nhiều chi tiết trong KHHĐ chưa đủ tốt). Thầy cô có thể để cho những nhóm này triển khai (một số) bước đầu tiên, và chữa những bước còn lại trong KHHĐ của nhóm. Hoặc, nếu như HS vẫn chưa hình dung đủ rõ ràng về những việc minh cần làm đối với một bước cụ thể nào đó, thầy cô vẫn có thể đặt câu hỏi, và giúp HS làm rõ về cách thực hiện những bước này.
  • Luyện tập/làm thử một số bước trong KHHĐ: Nếu HS muốn làm video ở nhà, thầy cô có thể cùng HS làm rõ kịch bản của video. Nếu HS muốn đi tuyên truyền ở 1 nơi nào đó, thầy cô có thể cho HS luyện thuyết trình trên lớp. Nếu HS muốn viết 1 bài nghiên cứu ở nhà, thầy cô có thể cùng HS hoàn thiện dàn ý/đề cương.
  • Thảo luận về những cơ hội cộng tác có thể xảy ra giữa các nhóm (hoặc 1 nhóm trong lớp với một bên thứ 3 bất kỳ): Rất có thể nhóm A và nhóm B nên cùng nhau làm một công việc nào đó (VD: kêu gọi quyên góp tiền), lý do đơn giản vì những nhóm này có nhiều điểm chung về vấn đề, và đối tượng/cộng đồng muốn giải quyết. HS chưa chắn đã nhận ra được những cơ hội này, do đó thầy cô (là người có cái nhìn toàn cảnh về cả lớp) nên là người điều phối cho quá trình cộng tác này trong lớp.
  • v.v.


Nói tóm lại, có rất nhiều thứ mà thầy cô có thể cùng làm với HS; không nhất thiết là tiết nào cũng phải yêu cầu các nhóm báo cáo tiến độ.

12 Nếu phần lớn việc của HS đều diễn ra ở sau tiết học/giờ học, vậy có cần tới 6 tiết trên lớp không? GV có cần thiết phải "vẽ việc" cho HS trong 6 tiết này không? Như đã nói ở trên, thầy cô có rất nhiều việc để làm với HS, kể cả nếu như HS chủ yếu làm Dự án sau tiết học/giờ học. Không làm trực tiếp trên lớp không có nghĩa là không có gì để làm.

Tuy nhiên, nếu như thầy cô đã làm hết những công việc trên, và thấy là nhóm đã hoàn thành xong Dự án, và đã đạt yêu cầu rồi (hoặc, nếu có thêm thời gian thì cũng không làm được gì hơn), thầy cô có thể cho những nhóm này chuyển qua Chương 6 (đọc thêm mục Một số lưu ý khi HS sắp/đã hoàn thành Dự án Hành động)

13 GV phải nói nhiều trong 6 tiết trên lớp để dặn dò/hướng dẫn HS, như vậy có sai không? Có nên để cho các nhóm nói/trình bày nhiều hơn trong lớp không? Việc thầy cô phải nói nhiều trong lớp KHÔNG có gì sai - thầy cô đang chữa bài, hướng dẫn, và định hướng cho HS, không phải giảng kiến thức mới. Đây là chủ ý của CT GCED, áp dụng cho K1-K12. Nếu như thầy cô nói ít trong lớp, có nghĩa là thầy cô đang bỏ qua rất nhiều cơ hội để hỗ trợ/can thiệp cho các nhóm, và đây là điều mà GCED không mong muốn.

Do đó, thầy cô cũng không cần thiết phải tổ chức những hoạt động mà yêu cầu các nhóm đứng lên thuyết trình, hoặc trao đổi với các nhóm khác nếu như:

  • những hoạt động này không giúp các nhóm có được feedback có giá trị cho việc triển khai Dự án
  • những hoạt động này chiếm quá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc thầy cô hỗ trợ/can thiệp trực tiếp cho các nhóm


Và, thầy cô cũng không cần thiết phải tổ chức những hoạt động có vẻ "thú vị", "có tính tương tác cao" nếu như những hoạt động này khiến thầy cô không có đủ thời gian để chữa/hướng dẫn/định hướng cho các nhóm.

14 HS K1-2-3 thì có thể thu thập dữ liệu/bằng chứng gì trong quá trình triển khai? Nên caên hỗ trợ HS như thế nào? Ở khối lớp nào đi nữa thì HS vẫn cần thu thập dữ liệu/bằng chứng trong quá trình triển khai Dự án Hành động. Những dữ liệu/bằng chứng này sẽ giúp HS trả lời những câu hỏi sau:
  • Cả nhóm đã đạt được những mục tiêu hành động (mà nhóm đề ra trong KHHĐ) hay chưa?
  • Các thành viên đã đạt được những mục tiêu học tập mà cá nhân đã đề ra hay chưa?


Với HS K1-2-3, các em sẽ điền những thông tin này vào template mà GV cho sẵn, và GV sẽ kiểm tra định kỳ xem HS đã có đủ bằng chứng/dữ liệu chưa. Một số dữ liệu/bằng chứng sẽ do GV điền sẵn.


Tham khảo VD sau ở K1:

Nhóm A lớp 1A1 muốn làm Dự án về việc "giới thiệu các món ăn độc đáo ở Nhật Bản tới các thành viên trong lớp 1A1. Việc triển khai Dự án này có 3 bước (với 3 mục tiêu hành động) sau:

  • Tìm hiểu về các món ăn độc đáo ở NB: Mục tiêu hành động số 1 là "tìm được ít nhất 5 món ăn ở NB mà VN không có"
  • Vẽ poster về các món ăn này. Mục tiêu hành động số 2 là "Vẽ được poster đẹp mắt, trình bày rõ ràng"
  • Kể lại các món ăn này (kèm theo poster) cho HS lớp 1A1. Mục tiêu hành động số 3 là "50% các bạn trong lớp thấy thích thú với những món ăn mới lạ này"

Cả 5 thành viên trong nhóm đều nói rằng mục tiêu học tập của các em là "học cách vẽ poster đẹp mắt"

Với những mục tiêu trên, dưới đây là cách để HS thu thập dữ liệu/bằng chứng về việc đạt mục tiêu như thế nào:
  • Với mục tiêu hành động số 1: Thầy cô cần yêu cầu HS ghi lại (hoặc nói lại) những món ăn ở NB mà HS đã tìm được. Ví dụ ở tiết 2/6, HS đã tìm được đủ 5 món, và đã nói lại cho GV về 5 món này, vậy có thể coi như mục tiêu này đã đạt, và HS đã có đủ dữ liệu/bằng chứng cho mục tiêu này.
  • Với mục tiêu hành động số 2: Có thể HS sẽ không tự đánh giá được vẽ poster như thế nào là đủ đẹp, do đó thầy cô sẽ là người đưa ra nhận xét cho HS. Ví dụ ở tiết 4/6, HS đã vẽ xong poster, và thầy cô đưa ra đánh giá là "poster này đủ đẹp, các thông tin được trình bày rõ ràng rồi". Có thể coi như mục tiêu này đã đạt, và HS đã có đủ dữ liệu/bằng chứng cho mục tiêu này.
  • Với mục tiêu hành động số 3: Ví dụ ở tiết 6/6, HS đã trình bày xong về 5 món ăn mình tìm thấy, và đã cho các ban trong lớp 1A1 xem poster. GV hỏi nhanh HS trong lớp "Bao nhiêu bạn thấy thích thú, và muốn ăn thử những món ăn này?". Nếu có ít nhất 30% HS giơ tay, có thể coi như mục tiêu này đã đạt, và HS đã có đủ dữ liệu/bằng chứng cho mục tiêu này.
  • Với mục tiêu học tập của cả 5 HS, thầy cô có thể hỏi lại HS về bài học mà HS rút ra được sau khi HS vẽ xong poster (ở tiết 4), hoặc sau khi HS trình bày xong (ở tiết 6). Nếu HS đều nói ra được mình đã học được cách vẽ poster đẹp như thế nào, có thể coi như mục tiêu này đã đạt, và HS đã có đủ dữ liệu/bằng chứng cho mục tiêu này.


Thầy cô nên yêu cầu HS ghi vào template (mà thầy cô phát cho HS) tất cả những dữ liệu/bằng chứng nêu trên, hoặc thầy cô có thể tự điền giúp HS. Chưa cần phân tích những dữ liệu/bằng chứng này - đó là việc mà HS sẽ làm trong Chương 6.

15 Nên làm gì nếu có nhóm chuyển hướng Dự án, và muốn tới một địa điểm nào đó xa nơi HS ở/xa trường để triển khai Dự án Hành động? Sẽ có trường hợp mà HS muốn thay đổi đối tượng/cộng đồng mà nhóm muốn phục vụ (và đồng nghĩa với việc thay đổi địa điểm phục vu). Nếu như nhóm này muốn tới một nơi xa, và trước đó thầy cô chưa hề lên kế hoạch, và cũng chưa xin ý kiến BGH về việc này, dưới đây là một số câu hỏi mà thầy cô nên trả lời (theo đúng thứ tự ưu tiên):
  • Thay đổi này có hợp lý không? Dù việc thay đổi đối tượng/cộng đồng không được khuyến khích, sẽ có một số trường hợp mà việc này chấp nhạn được, và thầy cô nên là người đưa ra quyết định cuối cùng.
  • Nếu quyết định thay đổi đối tượng/cộng đồng này đủ hợp lý, vậy HS có cần thiết phải tới tận nơi không? Nếu như HS vẫn có thể phục vụ đối tượng/cộng đồng này mà không phải tới trực tiếp nơi đó (VD: thay vì tới huyện X để gửi tiền & quần áo, HS có thể gửi vận chuyển những thứ này tới huyện X), có lẽ thầy cô nên khuyên nhóm này làm vậy để không mất thêm thời gian xin phép/lên kế hoạch/tổ chức việc di chuyển tới trực tiếp huyện X.


Nếu câu trả lời cho 2 câu trả lời trên đều là "Có", thầy cô nên thực hiện một số công việc sau:

  • Hỏi ý kiến BGH: để bảo đảm nhà trường sẽ có kế hoach hỗ trợ/bảo đảm an toàn cho nhóm này
  • Hỏi ý kiến PHHS: để bảo đảm việc đi xa này đã được PHHS biết, và đồng ý
  • Cân nhắc khả năng của bản thân: Nếu thầy cô thấy rằng minh không thể đi theo nhóm này, thầy cô cũng nên báo cho BGH/PHHS để có phương án hỗ trợ phù hợp (vì HS sẽ cần người lớn đi kèm)

Lưu ý rằng nếu như thầy cô không thể đi theo nhóm này (mà có người lớn khác đi kèm), thầy cô nên dặn những công việc cụ thể mà người lớn đi kèm này cần làm (là những công việc mà thầy cô sẽ làm nếu như thầy cô có thể đi cùng HS)

16 Tổ chức hoạt động trong lớp như thế nào cho phong phú? Đây là một câu hỏi sai, vì vốn trong 1 lớp có nhiều nhóm, và mỗi nhóm lại triển khai 1 Dự án khác nhau, với đặc thù khác nhau. Do đó, chắc chắn rằng hoạt động của thầy cô trong lớp không thể giống y hệt nhau ở cả 6 tiết, và trong 1 tiết thầy cô cũng không thể yêu cầu các nhóm triển khai những công việc giống hệt nhau được.

VD: Lớp của thầy cô có 4 nhóm, và 2 nhóm có thể hoàn thiện sản phẩm trực tiếp trên lớp, 2 nhóm còn lại thì không, đang làm việc chủ yếu ở nhà/sau giờ học.

  • Với 2 nhóm đầu tiên, rõ ràng thầy cô có thể quan sát trực tiếp quá trình tạo ra sản phẩm của HS, và đặt câu hỏi/can thiệp nếu thấy HS đang làm chưa tốt. Thầy cô có thể không cần yêu cầu HS phải báo cáo tiến độ - vì thầy cô có thể quan sát trực tiếp tiến độ trên lớp rồi
  • Với 2 nhóm còn lại, thầy cô có thể sẽ phải yêu cầu báo cáo tiến độ, và có thể đưa sản phầm mà HS đang hoàn thiện dở ở nhà ra để thảo luận. Nếu có nhóm quay video ở nhà, vậy thì hoàn toàn có thể bình luận về kịch bản của video này, hoặc những đoạn video nhỏ mà HS đã quay được
Nếu như vấn đề mà thầy cô quan tâm là "Có sai không nếu tiết học này không có các hoạt động mang tính tương tác cao, hoặc các hoạt động mà HS được nói nhiều (thay vì GV nói)?", thì câu trả lời là KHÔNG. Thầy cô nên đọc lại câu hỏi số 13 (và câu trả lời của PCT).
17 Nếu tiết học chỉ dành cho việc triển khai Dự án (VD: tất cả các nhóm cùng làm/chế tạo sản phẩm nào đó) thì có vấn đề gì không? Về lý thuyết, việc để cho tất cả các nhóm cùng triển khai Dự án trên lớp không phải vấn đề, nếu như:
  • các nhóm cần thời gian trên lớp để triển khai Dự án, và các nhóm có thể làm gì đó trên lớp một cách hiệu quả. Đồng thời,
  • thầy cô cần chứng kiến HS triển khai Dự án trực tiếp trên lớp để có thể nhận xét/chữa cho HS hiệu quả hơn

Tất nhiên, một tiết học như vậy có thể sẽ ồn hơn, khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, đây vốn không phải vấn đề quan trọng về mặt chuyên môn - thầy cô không nên cắt thời gian triển khai thực tế trên lớp của HS chỉ vì những vấn đề này.

18 Có phải việc triển khai Dự án sẽ chấm dứt nếu như nhóm đã tạo ra sản phẩm nào đó, và đã gửi/bàn giao tới đối tượng/cộng đồng muốn phục vụ không? Không - việc triển khai Dự án chỉ được coi là chấm dứt nếu như:
  • Nhóm đã hoàn tất các bước trong KHHĐ của nhóm mình
  • Nhóm đã hoàn tất việc thu thập dữ liệu/bằng chứng (dù bước này có trong KHHĐ hay không). Để nhắc lại, những dữ liệu/bằng chứng này bao gồm:
    • Với cả nhóm: Dữ liệu về mức độ hiệu quả của việc triển khai Dự án (dựa trên các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch ở Chương 4), và tác động thực tế của Dự án tới đối tượng/cộng đồng được phục vụ.
    • Với cá nhân: những gì HS đã học hỏi, hoặc kiểm chứng thông qua việc hành động.


Nếu có nhóm/HS nào chưa thu thập đủ những dữ liệu/bằng chứng này, thầy cô nên yêu cầu nhóm đó/HS đó thực hiện nốt công việc này để có thể chuyển qua Chương 6.

19 Nên làm gì nếu như Dự án của 1 nhóm trong lớp có dấu hiệu sẽ thất bại? Tùy vào việc thầy cô định nghĩa "thất bại" là gì. Có thể là nhóm này sẽ không thực hiện được đủ các bước đã nêu trong KHHĐ, hoặc có thể mục tiêu của 1 số bước (hoặc phần lớn) không đạt được. Hoặc có thể, thầy cô cho rằng có một số thành viên trong nhóm không đóng góp đủ nhiều/không chịu đóng góp cho tiến độ chung của nhóm, và do đó việc "làm việc nhóm" của nhóm này sẽ thất bại.

Chắc chắn là với những trường hợp "thất bại" như thế này, năng lực của các HS trong nhóm này sẽ không được đánh giá cao. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là thầy cô không có cách nào để giúp các em làm, hoặc học được điều gì đó có ý nghĩa. Nếu xảy ra trường hợp như vậy, thầy cô có thể cân nhắc một số câu hỏi sau:

  • Nếu để cho những nhóm này tiếp tục con đường như hiện tại, liệu kết quả Dự án của nhóm có ý nghĩa gì không? Nói cách khác, nhóm có thể "Làm" được gì có ý nghĩa không?
  • Nếu để cho những nhóm này tiếp tục con đường như hiện tại, liệu nhóm có rút ra được bài học để cải thiện trong tương lai không? Nói cách khác, việc "Học" của nhóm có dẫn tới bài học nào có ý nghĩa không?


Nếu như câu trả lời cho 1 trong 2 câu hỏi là "Không", có thể thầy cô sẽ muốn can thiệp nhiều hơn vào quá trình triển khai Dự án của nhóm này. Thầy cô có thể:

  • đưa ra một số định hướng cụ thể (mà đúng đắn hơn định hướng hiện tại) và yêu cầu nhóm này làm theo. Chẳng hạn, nếu như có 1 thành viên trong nhóm không thể hoàn thành công việc mà nhóm đã giao, thầy cô có thể can thiệp bằng cách giao việc trực tiếp cho HS đó với yêu cầu dễ hơn, cụ thể hơn so với yêu cầu hiện tại
  • nghĩ trước về một số câu hỏi mà thầy cô sẽ yêu cầu nhóm này trả lời (ở Chương 6), từ đó giúp nhóm suy ngẫm về những điều nhóm chưa làm tốt/chưa làm được. Chẳng hạn, nếu biết chắc chắn Dự án của nhóm này sẽ không đạt mục tiêu A, thầy cô có thể nghĩ trước, và yêu cầu nhóm này trả lời một số câu hỏi như:
    • Vì sao không đạt được mục tiêu A?
    • Việc không đạt được mục tiêu A ảnh hưởng như thế nào tới Dự án nói chung?
    • Nếu được làm lại, nhóm sẽ làm điều gì khác đi?
    • v.v.
20 Nếu việc triển khai Dự án của HS không có thay đổi gì so với KHHĐ (không phải làm thêm bước mới, hoặc điều chỉnh các bước có sẵn, không bị chậm về thời gian, v.v.), nhóm có cần đưa ra bằng chứng cho GV không? Không, nếu như GV nắm rõ thông tin về tiến độ của nhóm này, và có đủ cơ sở để cho rằng.việc triển khai Dự án của nhóm này bám sát những gì đề ra trong KHHĐ.

Nếu không, GV nên hỏi lại HS ở một số mốc nhất định, hoặc sau khi nhóm đã triển khai xong Dự án.