Các Chủ đề trọng tâm

Từ GCED
Phiên bản vào lúc 05:39, ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Vinschool admin (thảo luận | đóng góp)

Lĩnh vực 1: Con người

Lớp 1, 3, 6 và 10

Mô tả: Học sinh sẽ có cái nhìn toàn cảnh về bản thân và những người khác trong cộng đồng & trên thế giới. Mỗi người đều có đặc điểm riêng, bản sắc riêng, giúp tạo ra sự đa dạng trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, tất cả đều có chung trách nhiệm về việc bảo đảm sự sống còn, sự phát triển của loài người nói chung. Để làm vậy, học sinh cần biết về những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố con người trên thế giới, từ đó tìm ra giải pháp cho chúng. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để hình thành nên thái độ, hiểu biết và kỹ năng của một Công dân Toàn cầu.

Chủ đề 1: Bản sắc & Sự đa dạng (Lớp 1)

Chủ đề này không nằm trong 17 SDGs, nhưng sẽ được dạy cho học sinh lớp 1 để các em hiểu được những khái niệm cơ bản của một Công dân Toàn cầu.

Mô tả: Học sinh hiểu rằng bản sắc riêng của mỗi cá nhân có thể đóng góp vào sự đa dạng của thế giới. Nhận ra rằng sự xung đột là một phần tất yếu trong bối cảnh thế giới đa dạng, dẫn tới nhiều vấn đề trong xã hội. Để hướng tới việc chung sống một cách hòa hợp và cùng nhau cộng tác phát triển, chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng trong xã hội và giải quyết những xung đột giữa con người với nhau.

Chuẩn đầu ra:

  • Hiểu rằng những người khác biệt đều có bản sắc riêng của mình, tạo nên sự đa dạng trên thế giới.
  • Hiểu rằng sự đa dạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế giới, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần dẫn tới xung đột.
  • Hiểu rằng sự khác biệt có thể mang lại ảnh hưởng tốt, có thể mang lại ảnh hưởng xấu tùy theo hoàn cảnh.
  • Biết tôn trọng sự khác biệt và giải quyết các vấn đề tới từ sự khác biệt.
  • Biết cách cộng tác với người khác mình một cách hòa hợp.

Chủ đề 2: Sống lành mạnh (Lớp 3)

Tương ứng với SDG số 3.

Mô tả: Sức khỏe tinh thần và thể chất là nhu cầu thiết yếu của con người để sinh tồn và phát triển. Học sinh cần hiểu tầm quan trọng của một cuộc sống lành mạnh, đồng thời nhận ra rằng không phải ai cũng được chăm sóc y tế đầy đủ & có nhận thức về sức khỏe giống nhau. Mỗi người trong chúng ta đều xứng đáng có một cuộc sống lành mạnh, và đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ những người khác đạt được điều đó.

Chuẩn đầu ra:

  • Hiểu rằng con người phải có sức khỏe tốt & được chăm sóc y tế đầy đủ để tồn tại và phát triển.
  • Hiểu rằng tình hình sức khỏe & chăm sóc y tế trên thế giới chưa đồng đều.
  • Hiểu được nguyên nhân và hậu quả khi nhiều người không có được sức khỏe tốt & được chăm sóc y tế đầy đủ.
  • Hiểu rằng con người cần được chăm sóc y tế để có được sức khỏe tốt.
  • Tìm hiểu cách giải quyết các vấn đề về tinh thần/cảm xúc cho mình và các bạn xung quanh.
  • Nhận ra tầm quan trọng của việc cộng tác để mang lại cuộc sống lành mạnh cho mọi người.

Chủ đề 3: Giảm nghèo & đói (Lớp 6)

Tương ứng với SDG số 1 & 2.

Mô tả: Học sinh hiểu được bản chất của việc nghèo đến từ sự bất bình đẳng mang tính hệ thống (về kinh tế, về tầng lớp, v.v.). Việc phân phối của cải và cơ hội không đồng đều là nguyên nhân chính khiến người nghèo không có đủ thực phẩm để tồn tại, khiến việc thoát nghèo trở nên khó khăn hơn. Để đảm bảo sự phát triển vững bền, chúng ta phải tạo ra một xã hội công bằng hơn, hướng tới việc giảm thiểu việc phân phối của cải & cơ hội thiếu bình đẳng.

Chuẩn đầu ra:

  • Hiểu được tình hình nghèo & đói của thế giới.
  • Hiểu được hậu quả của việc nghèo & đói tới các yếu tố phát triển bền vững.
  • Hiểu sự bất bình đẳng tạo ra vòng lặp của sự nghèo & đói, khiến người nghèo khó thoát khỏi vòng lặp đó.
  • Đề xuất được cách thoát khỏi vòng lặp để cải thiện vấn đề nghèo & đói.
  • Hiểu con người phải chung sức để giảm thiểu vấn đề nghèo & đói, từ đó nhận ra vai trò của bản thân.

Chủ đề 4: Phổ cập giáo dục chất lượng (Lớp 10)

Tương ứng với SDG số 4.

Mô tả: Phổ cập nền giáo dục chất lượng cho mọi người chính là cách để giảm bất bình đẳng, hướng tới một tương lai bền vững không còn các vấn đề như nghèo & đói. Tuy nhiên, không phải mọi nơi trên thế giới đều nhận được giáo dục một cách chất lượng, đầy đủ. Học sinh cần nhận ra sự bất bình đẳng cũng dẫn tới sự chênh lệch về giáo dục này, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục chất lượng với bản thân, xa hơn là với mọi người trên thế giới.

Chuẩn đầu ra:

  • Hiểu được tình hình giáo dục trên thế giới.
  • Hiểu được lợi ích lâu dài của giáo dục & hậu quả nếu thiếu nền giáo dục chất lượng.
  • Nhận thức được lợi thế của bản thân khi đang được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, từ đó nhận ra ra vai trò của bản thân trong việc mang lại nền giáo dục chất lượng cho mọi người.
  • Nhận thức được sự bất bình đẳng là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về giáo dục, nhưng giáo dục cũng có thể là giải pháp cho sự bất bình đẳng.
  • Đề xuất cách cải thiện chất lượng giáo dục của bản thân, nơi đang theo học và thế giới.
  • Nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác để phổ cập giáo dục chất lượng cho những người thiệt thòi ở khu vực & trên thế giới.


iii-a. Lĩnh vực 1: Con người

iii-b. Lĩnh vực 2: Hành tinh

iii-c. Lĩnh vực 3: Công bằng xã hội

iii-d. Lĩnh vực 4: Lao động & Tiêu thụ