Các Chủ đề trọng tâm

Từ GCED
Phiên bản vào lúc 10:44, ngày 20 tháng 1 năm 2021 của Vinschool-editor (thảo luận | đóng góp)

Các Chủ đề trọng tâm trong GCED được xây dựng từ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Thông qua việc học và nghiên cứu các Chủ đề trọng tâm, học sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc với những vấn đề dài hạn được cả thế giới quan tâm, từ đó áp dụng những kiến thức học được để giúp đỡ cho cộng đồng của mình.

Môn GCED sử dụng mô hình các vấn đề toàn cầu của World Bank (Ngân hàng Thế giới) để phân loại các Chủ đề trọng tâm. Việc phân loại nhằm mục đích hệ thống hóa các Chủ đề trọng tâm, đồng thời thể hiện được tính chu trình giữa các chủ đề.

Theo mô hình này, có thể phân chia các Chủ đề trọng tâm thành 4 nhóm chủ đề chính sau:

  1. Con người;
  2. Hành tinh;
  3. Công bằng xã hội;
  4. Lao động & Tiêu thụ.

Cả 4 nhóm chủ đề sẽ được dạy xen kẽ với nhau để học sinh ở mỗi khối lớp được tiếp xúc với càng nhiều lĩnh vực càng tốt. Các Chủ đề trọng tâm trong cùng một lĩnh vực sẽ được sắp xếp theo thứ tự khối được học, độ phức tạp & yêu cầu kiến thức đã học tăng dần.

Khối Nhóm chủ đề 1

Con người

Nhóm chủ đề 2

Hành tinh

Nhóm chủ đề 3

Công bằng xã hội

Nhóm chủ đề 4

Lao động & Tiêu thụ

1 Bản sắc & Sự đa dạng
2 Nước sạch cho mọi người
3 Sống lành mạnh
4 Sự sống trên Trái Đất
5 Công lý
6 Giảm nghèo & đói
7 Biến đổi khí hậu
8 Bình đẳng & Giảm bất bình đẳng
9 Phát triển kinh tế bền vững
10 Phổ cập giáo dục chất lượng
11 Năng lượng sạch & bền vững
12 Thu nhập & Chất lượng cuộc sống
Liên kết về nội dung giữa 12 Chủ đề trọng tâm

HS lớp 1 sẽ được học về Bản sắc & Sự đa dạng, và bắt đầu nhận ra rằng con người trên thế giới, mặc dù có rất nhiều điểm chung, vẫn tồn tại rất nhiều điểm khác biệt, và đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều xung đột, vấn đề trên thế giới. Tới lớp 2 và lớp 3, HS sẽ học về những nhu cầu sống còn của con người (nước sạch, sức khỏe tốt), cũng như sự chênh lệch về khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên này  giữa những nhóm người khác nhau. Chủ đề học lớp 4 (Sự sống trên Trái Đất) có thể coi như một phần mở rộng của Chủ đề học lớp 2 (Nước sạch cho mọi người), khi HS đều nhận ra rằng con người chính là nguyên nhân chính đang đe dọa tới well-being của Trái Đất.

Chủ đề lớp 5 (Công lý) mở đầu nhóm Chủ đề Công bằng xã hội, và cũng là dịp để HS nhận thấy xã hội có thể đối xử giữa người này với người kia khá khác biệt. Để học được Chủ đề này, HS đã được xây dựng nền tảng kiến thức từ lớp 1 rằng con người trên thế giới sẽ rất khác nhau, và sự khác biệt có thể dẫn tới nhiều vấn đề. Lên lớp 6, HS sẽ được tìm hiểu về một vấn đề như vậy, chính là nghèo & đói.

Chủ đề lớp 7 (Biến đổi khí hậu) một lần nữa khẳng định vai trò & trách nhiệm của con người đối với những vấn đề trên Trái Đất, tiếp nối những Chủ đề khác trong cùng nhóm Chủ đề. Tới lớp 8, HS sẽ nhận thức được rằng không phải ai trong cùng một xã hội cũng được đối xử bình đẳng với nhau, và sự bất bình đẳng này thường mang tính hệ thống. Ở cuối bậc THCS, HS được học về “văn hóa tiêu dùng đại trà”, nhận thức được rằng sự tiêu dùng & sản xuất thiếu trách nhiệm đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho chính con người & Trái Đất.

Chủ đề lớp 10 (Phổ cập giáo dục chất lượng) giúp HS nhận ra rằng giáo dục chất lượng là điều kiện cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thế giới, và sự thiếu hụt nền giáo dục chất lượng có thể dẫn tới sự bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội. Tới lớp 11, HS được học về những vấn đề về năng lượng, và hiểu rằng một nguyên nhân lớn dẫn tới sự thiếu hụt này là do con người tiêu thụ & sản xuất thiếu trách nhiệm. Chủ đề lớp 12 sẽ kết thúc môn học GCED, và HS sẽ hiểu rằng trong một xã hội thường có nhiều tầng lớp khác nhau, và những người ở các tầng lớp khác nhau sẽ có vị thế khác nhau và được đối xử khác nhau. Những người thuộc tầng lớp thấp hơn thì thường ở tình thế bất lợi hơn vì có thu nhập & chất lượng cuộc sống thấp hơn.

Impo.png

Lưu ý:
  • Do bản chất đa chiều của các vấn đề toàn cầu, sẽ có một vài Chủ đề trọng tâm thuộc về hai lĩnh vực hoặc nhiều hơn.
  • Ví dụ: Chủ đề Giảm nghèo & đói vừa có yếu tố Con người, vừa có yếu tố Kinh tế. Để phục vụ mục đích hệ thống hóa, lĩnh vực Con người, đồng thời tập trung vào đặc điểm & tác động của việc nghèo đói tới con người. Yếu tố kinh tế của nghèo & đói sẽ được bàn tới, nhưng sẽ không phải trọng tâm của chủ đề này.
  • Dưới đây là nội dung cụ thể của từng nhóm chủ đề, và từng Chủ đề trọng tâm:

    Nhóm chủ đề 1: Con người

    Dành cho lớp 1, 3, 6 và 10

    Mô tả: Học sinh sẽ có cái nhìn toàn cảnh về bản thân và những người khác trong cộng đồng & trên thế giới. Mỗi người đều có đặc điểm riêng, bản sắc riêng, giúp tạo ra sự đa dạng trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, tất cả đều có chung trách nhiệm về việc bảo đảm sự sống còn, sự phát triển của loài người nói chung. Để làm vậy, học sinh cần biết về những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố con người trên thế giới, từ đó tìm ra giải pháp cho chúng. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để hình thành nên thái độ, hiểu biết và kỹ năng của một Công dân Toàn cầu.

    Các Chủ đề trọng tâm của Nhóm chủ đề 1: Con người

    Chủ đề 1: Bản sắc & Sự đa dạng (Lớp 1)

    Chủ đề này không nằm trong 17 SDGs, nhưng sẽ được dạy cho học sinh lớp 1 để các em hiểu được những khái niệm cơ bản của một Công dân Toàn cầu.

    Mô tả: Học sinh hiểu rằng bản sắc riêng của mỗi cá nhân có thể đóng góp vào sự đa dạng của thế giới. Nhận ra rằng sự xung đột là một phần tất yếu trong bối cảnh thế giới đa dạng, dẫn tới nhiều vấn đề trong xã hội. Để hướng tới việc chung sống một cách hòa hợp và cùng nhau cộng tác phát triển, chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng trong xã hội và giải quyết những xung đột giữa con người với nhau.

    Mong đợi cho HS sau khi học xong Chủ đề này:

    • Hiểu rằng những người khác biệt đều có bản sắc riêng của mình, tạo nên sự đa dạng trên thế giới.
    • Hiểu rằng sự đa dạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế giới, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần dẫn tới xung đột.
    • Hiểu rằng sự khác biệt có thể mang lại ảnh hưởng tốt, có thể mang lại ảnh hưởng xấu tùy theo hoàn cảnh.
    • Biết tôn trọng sự khác biệt và giải quyết các vấn đề tới từ sự khác biệt.
    • Biết cách cộng tác với người khác mình một cách hòa hợp.

    Chủ đề 2: Sống lành mạnh (Lớp 3)

    Tương ứng với SDG số 3.

    Mô tả: Sức khỏe tinh thần và thể chất là nhu cầu thiết yếu của con người để sinh tồn và phát triển. Học sinh cần hiểu tầm quan trọng của một cuộc sống lành mạnh, đồng thời nhận ra rằng không phải ai cũng được chăm sóc y tế đầy đủ & có nhận thức về sức khỏe giống nhau. Mỗi người trong chúng ta đều xứng đáng có một cuộc sống lành mạnh, và đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ những người khác đạt được điều đó.

    Mong đợi cho HS sau khi học xong Chủ đề này:

    • Hiểu rằng con người phải có sức khỏe tốt & được chăm sóc y tế đầy đủ để tồn tại và phát triển.
    • Hiểu rằng tình hình sức khỏe & chăm sóc y tế trên thế giới chưa đồng đều.
    • Hiểu được nguyên nhân và hậu quả khi nhiều người không có được sức khỏe tốt & được chăm sóc y tế đầy đủ.
    • Hiểu rằng con người cần được chăm sóc y tế để có được sức khỏe tốt.
    • Tìm hiểu cách giải quyết các vấn đề về tinh thần/cảm xúc cho mình và các bạn xung quanh.
    • Nhận ra tầm quan trọng của việc cộng tác để mang lại cuộc sống lành mạnh cho mọi người.

    Chủ đề 3: Giảm nghèo & đói (Lớp 6)

    Tương ứng với SDG số 1 & 2.

    Mô tả: Học sinh hiểu được bản chất của việc nghèo đến từ sự bất bình đẳng mang tính hệ thống (về kinh tế, về tầng lớp, v.v.). Việc phân phối của cải và cơ hội không đồng đều là nguyên nhân chính khiến người nghèo không có đủ thực phẩm để tồn tại, khiến việc thoát nghèo trở nên khó khăn hơn. Để đảm bảo sự phát triển vững bền, chúng ta phải tạo ra một xã hội công bằng hơn, hướng tới việc giảm thiểu việc phân phối của cải & cơ hội thiếu bình đẳng.

    Mong đợi cho HS sau khi học xong Chủ đề này:

    • Hiểu được tình hình nghèo & đói của thế giới.
    • Hiểu được hậu quả của việc nghèo & đói tới các yếu tố phát triển bền vững.
    • Hiểu sự bất bình đẳng tạo ra vòng lặp của sự nghèo & đói, khiến người nghèo khó thoát khỏi vòng lặp đó.
    • Đề xuất được cách thoát khỏi vòng lặp để cải thiện vấn đề nghèo & đói.
    • Hiểu con người phải chung sức để giảm thiểu vấn đề nghèo & đói, từ đó nhận ra vai trò của bản thân.

    Chủ đề 4: Phổ cập giáo dục chất lượng (Lớp 10)

    Tương ứng với SDG số 4.

    Mô tả: Phổ cập nền giáo dục chất lượng cho mọi người chính là cách để giảm bất bình đẳng, hướng tới một tương lai bền vững không còn các vấn đề như nghèo & đói. Tuy nhiên, không phải mọi nơi trên thế giới đều nhận được giáo dục một cách chất lượng, đầy đủ. Học sinh cần nhận ra sự bất bình đẳng cũng dẫn tới sự chênh lệch về giáo dục này, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục chất lượng với bản thân, xa hơn là với mọi người trên thế giới.

    Mong đợi cho HS sau khi học xong Chủ đề này:

    • Hiểu được tình hình giáo dục trên thế giới.
    • Hiểu được lợi ích lâu dài của giáo dục & hậu quả nếu thiếu nền giáo dục chất lượng.
    • Nhận thức được lợi thế của bản thân khi đang được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, từ đó nhận ra ra vai trò của bản thân trong việc mang lại nền giáo dục chất lượng cho mọi người.
    • Nhận thức được sự bất bình đẳng là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về giáo dục, nhưng giáo dục cũng có thể là giải pháp cho sự bất bình đẳng.
    • Đề xuất cách cải thiện chất lượng giáo dục của bản thân, nơi đang theo học và thế giới.
    • Nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác để phổ cập giáo dục chất lượng cho những người thiệt thòi ở khu vực & trên thế giới.

    Nhóm chủ đề 2: Hành tinh

    Dành cho lớp 2, 4, 7 và 11

    Mô tả: Học sinh hiểu được những yếu tố hình thành nên môi trường sống và những nguồn tài nguyên con người đang sử dụng. Bảo vệ môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên chính là bảo vệ tương lai phát triển bền vững của con người. Tuy nhiên, con người lại là tác nhân chính cho rất nhiều vấn đề trên hành tinh này. Qua việc gây ô nhiễm môi trường hay khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên vốn chỉ có hạn, con người đang gây ra những tác động không thể đảo ngược với Trái Đất. Học sinh phải nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, từ đó suy nghĩ về những việc cần làm để bảo đảm con người có thể chung sống hòa hợp với Trái Đất.

    Các Chủ đề trọng tâm của Nhóm chủ đề 2: Hành tinh
    Liên kết về nội dung giữa 12 Chủ đề trọng tâm

    Chủ đề 1: Nước sạch cho mọi người (Lớp 2)

    Tương ứng với SDG số 6.

    Mô tả: Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của loài người, chúng ta cần có đủ nước sạch cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có hàng triệu người trên thế giới chịu ảnh hưởng từ việc không được tiếp cận với nước sạch. Qua chủ đề này, học sinh nhận diện được mối nguy hại từ việc thiếu nước sạch, đồng thời biết được lý do của việc thiếu nước sạch cho mọi người.

    Chuẩn đầu ra:

    • Hiểu thế nào là nước sạch & tầm quan trọng của nước sạch với con người.
    • Hiểu nguyên nhân của việc thiếu nước sạch & những cách con người có thể ngăn chặn việc thiếu nước sạch.
    • Hiểu rằng mọi người đều có quyền sử dụng & tiếp cận nước sạch như nhau.
    • Khám phá cách bảo vệ nguồn nước sạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm nước.
    • Nhận thức được vai trò của bản thân & mọi người trong việc giải quyết các vấn đề về nước sạch.

    Chủ đề 2: Sự sống trên Trái Đất (Lớp 4)

    Tương ứng với SDG số 14 & 15.

    Mô tả: Học sinh tìm hiểu về các loài động & thực vật trên Trái Đất, từ đó nhận thức được tầm quan trọng của chúng với con người. Đồng thời, học sinh cũng cần hiểu rằng việc con người khai thác Trái Đất (thông qua các hoạt động công nghiệp & nông nghiệp, v.v.) có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các hệ sinh thái động & thực vật, đe dọa trực tiếp tới tương lai của chính con người. Trái Đất là nơi con người sinh sống, do đó chúng ta phải bảo vệ sự sống trên Trái Đất để có thể sinh tồn và phát triển.

    Chuẩn đầu ra:

    • Hiểu được sự phụ thuộc của cuộc sống con người vào các loài động & thực vật trên Trái Đất.
    • Hiểu được những tác động tiêu cực của con người tới sự sống trên Trái Đất đang ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của chính chúng ta.
    • Nhận thức được vai trò của con người trong việc bảo vệ sự sống trên Trái Đất, vốn đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
    • Tìm hiểu những cách có thể cải thiện các vấn đề về sự sống trên Trái Đất.
    • Nhận thức được tầm quan trọng của hành động tập thể để bảo vệ sự sống trên Trái Đất, từ đó chủ động hành động với mọi người.

    Chủ đề 3: Biến đổi khí hậu (Lớp 7)[sửa | sửa mã nguồn]

    Tương ứng với SDG số 13.

    Mô tả: Học sinh nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính sống còn, đe dọa tới tương lai của loài người ở mọi nơi trên thế giới. Biết được con người là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới biến đổi khí hậu, đồng thời tìm hiểu về những nỗ lực chống biến đổi khí hậu ở các nước trên thế giới. Xác định biện pháp phù hợp để áp dụng tại cộng đồng, hướng tới việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

    Chuẩn đầu ra:

    • Hiểu về tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới.
    • Hiểu vai trò của bản thân trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
    • Biết rằng hoạt động của con người là tác nhân lớn nhất dẫn tới biến đổi khí hậu.
    • Tiếp xúc với những ý kiến trái chiều về biến đổi khí hậu & lọc ra thông tin chính xác.
    • Nghiên cứu & ứng dụng những biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu đã được chứng minh tại cộng đồng mình.
    • Chủ động hành động & cộng tác với mọi người, tìm ra các tổ chức chống biến đổi khí hậu để hiểu những gì họ đang làm.

    Chủ đề 4: Năng lượng sạch & bền vững (Lớp 11)[sửa | sửa mã nguồn]

    Tương ứng với SDG số 7.

    Mô tả: Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong những vấn đề lớn của thế giới (biến đổi khí hậu, sức khỏe con người, phát triển kinh tế, v.v.). Học sinh hiểu vì sao nguồn năng lượng của tương lai phải vừa sạch, vừa có tính bền vững. Học sinh tìm hiểu về những nguồn năng lượng sạch, bền vững trên thế giới, đồng thời hiểu được những thách thức khi sử dụng chúng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, bền vững với tương lai của con người.

    Chuẩn đầu ra:

    • Nắm được tình hình sử dụng năng lượng & yêu cầu về năng lượng trên thế giới.
    • Hiểu được thế nào là năng lượng sạch, thế nào là năng lượng bền vững, vì sao nguồn năng lượng của tương lai phải đảm bảo 2 yếu tố trên.
    • Hiểu hậu quả của việc không có các nguồn năng lượng sạch, bền vững trong tương lai.
    • Hiểu lý do vì sao các nguồn năng lượng sạch, bền vững chưa được ứng dụng rộng rãi.
    • Biết cách ứng dụng các nguồn năng lượng sạch, bền vững, đồng thời cân nhắc
    • những điểm bất cập.
    • Kết nối với những tổ chức, những chương trình chuyên về phát triển năng lượng sạch, bền vững, từ đó chủ động hành động và cộng tác với mọi người để giúp giải quyết vấn đề.

    75676

    Liên kết về nội dung giữa 12 Chủ đề trọng tâm

    75676