Nhật ký Học tập (Learning Journey Journal - LJJ)

Từ GCED

🔎 Xem thêm: Đánh giá học tập

🔎 Xem thêm: Kế hoạch hóa Đánh giá Quá trình

Nhật ký Học tập là một công cụ/ hình thức lưu trữ bằng chứng học tập nhằm phục vụ công việc Đánh giá Quá trình và trình bày thành quả của học sinh trong suốt quá trình học môn GCED.

Đây là nhiệm vụ của HS, tuy nhiên GV nào cũng có trách nhiệm quản lý LJJ của lớp, đảm bảo HS thường xuyên, có đầy đủ suy ngẫm.

Vì các BGH có trách nhiệm kế hoạch hóa và quản lý triển khai Đánh giá Quá trình, BGH đồng thời sẽ quản lý quá trình triển khai và lưu trữ LJJ trong cơ sở của mình.

Mô tả chung

Nhật ký Hành trình Học tập (hay “Nhật ký Học tập”), tiếng Anh là Learning Journey Journal (hay “LJJ”) là nơi học sinh lưu lại quá trình học tập của mình xuyên suốt năm học.

Nguyên lý của các LJJ đặt tính cá nhân, sáng tạo, và tự do lên trên hết. Điều đó có nghĩa HS sẽ không bị gò bó số lượng trang hay hình thức. LJJ nên sáng tạo, sống động, không nhất thiết phải chỉn chu, “vở sạch chữ đẹp.” Ta có thể hình dung LJJ như một “cánh cửa vào tư duy” của HS.

LJJ là một phần bắt buộc trong Đánh giá Quá trình trong môn GCED. Cụ thể, khi HS tạo ra bằng chứng học tập, ví dụ như học phẩm, các bài suy ngẫm, ghi chép trên lớp hay nghiên cứu ở nhà, các con cần nơi nào đó để lưu trữ. Khi có LJJ, các con có cơ sở để nhìn lại quá trình học tập của mình và có cơ sở để suy ngẫm. Đây cũng là một phương thức để giáo viên theo dõi quá trình học của các con và cải thiện chất lượng dạy và học.


Lưu ý :
Đánh giá Quá trình sử dụng nhiều kênh thông tin và phương pháp để thu thập bằng chứng học tập. Trong quá trình lên kế hoạch Đánh giá Quá trình, GV phải luôn nghĩ về việc LJJ sẽ đóng vai trò gì trong kế hoạch đó.

Yêu cầu

Tuy rằng LJJ đề cao cái riêng của HS trong việc trình bày và lưu trữ thông tin, LJJ có những yêu cầu nhất định phải được đáp ứng, cụ thể là:

Về cách sử dụng:

  • Sử dụng khoảng thời gian viết NKHT như một khoảng lặng để suy ngẫm về những gì HS đã nhìn thấy, cảm nhận, trải nghiệm trong quá trình học, cũng như những khía cạnh của trải nghiệm học tập đang tiếp tục gây hứng thú, tạo thử thách, gây ấn tượng hoặc khiến HS khó chịu.
  • LJJ phải được dùng thường xuyên (trong và sau mỗi tiết), có khả năng phản ánh được quá trình học tập của HS.

Về nội dung:

  • Sử dụng LJJ, học sinh sẽ cho người khác thấy (trên trang giấy và qua thuyết trình) quá trình học tập > nghiên cứu > thử nghiệm > suy ngẫm/tự đánh giá của mình.
  • Những gì học sinh học được + suy ngẫm sau mỗi bài học, lăng kính đều cần được đưa vào LJJ. Học sinh có thể sử dụng bài thu hoạch, phiếu bài tập, bài tập về nhà, hay thành quả của 1 dự án nhỏ như dẫn chứng của những gì học sinh học được, hiểu được, và suy ngẫm. Đối với các phần suy ngẫm được ghi lại trong LJJ, HS cần biết cách tổng hợp kiến thức, rút ra bài học cá nhân cũng như sử dụng những gì mình được dạy để tạo ra một ĐIỀU GÌ ĐÓ MỚI.
  • Nếu GV cung cấp câu hỏi gợi ý cho HS thực hiện suy ngẫm vào LJJ, cần khuyến khích HS để coi những câu hỏi đó như một bàn đạp để giúp HS suy nghĩ mạch lạc, tập trung vào những ý chính, hơn là HS chỉ đơn thuần trả lời câu hỏi được đặt ra.

Về trình bày:

  • LJJ có thể không cần quá chỉn chu, được cá nhân hóa, vẽ vời, tô màu, nhưng vẫn đảm bảo con có khả năng mở ra bất kỳ trang nào quan trọng và bình luận về trang đó. Việc này sẽ giúp PH nắm quá trình học tập và giúp GV định hướng cho con.
  • Dù sự giúp đỡ của GV là thiết yếu, GV không nên “làm giùm” hay áp đặt tiêu chuẩn để bài con “đẹp” trong mắt PH. Chỉ nên hướng dẫn qua các câu hỏi gợi mở như, “Con nghĩ trình bày như thế nào sẽ giúp cha mẹ con hiểu về khái niệm/nghiên cứu/ ý tưởng này?”

Hình thức lưu trữ

Một số hình thức lưu trữ gợi ý:

  • Portfolio dưới dạng là sơ mi bìa lá, từng ngăn sẽ để từng file tài liệu cho mỗi bài học.
  • Class Dojo hoặc các loại e-portfolio.
  • Vở cá nhân.