Nội dung học tập

Từ GCED

Để đạt được những mục đích môn học lớn, GCED đã tham khảo, và adapt nội dung học tập từ những chương trình giáo dục/tài liệu định hướng của những tổ chức uy tín trên thế giới. Có thể kể tới một số nguồn như sau:

  • Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu (Global Citizenship Education) của Oxfam [1]UNESCO[2]
  • 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN)[3]
  • Mô hình các vấn đề toàn cầu của World Bank[4]
  • Bộ môn Design của Chương trình MYP, Tổ chức Tú tài Quốc tế (IB)[5]
  • Chương trình Học qua phục vụ của Trung tâm Kết nối cộng đồng (Center for Community Engagement), Đại học bang California, Long Beach[6]


Dựa trên những nguồn này, GCED đã xây dựng những mảng nội dung chính sau cho HS:

Các mảng nội dung của GCED
1. Chủ đề trọng tâm & Lăng kính

Các Chủ đề trọng tâm trong GCED được xây dựng từ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Thông qua việc học và nghiên cứu các Chủ đề trọng tâm, học sinh sẽ có cơ hội tiếp xúc với những vấn đề dài hạn được cả thế giới quan tâm, từ đó áp dụng những kiến thức học được để giúp đỡ cho cộng đồng của mình. GCED sử dụng mô hình các vấn đề toàn cầu của World Bank (Ngân hàng Thế giới) để phân loại các Chủ đề trọng tâm. Việc phân loại nhằm mục đích hệ thống hóa các Chủ đề trọng tâm, đồng thời thể hiện được tính chu trình giữa các chủ đề.

📙 Bài chi tiết: Các Chủ đề trọng tâm


GCED sẽ tiếp cận các Chủ đề trọng tâm (vấn đề toàn cầu) một cách toàn diện dưới nhiều Lăng kính (có thể là góc nhìn, chuyên môn và cách tiếp cận khác nhau). Từ đó, HS sẽ dần hình thành được kiến thức, hiểu biết một cách toàn diện vượt ra ngoài cách phân chia môn học truyền thống.

📙 Bài chi tiết: Các Lăng kính

2. Quy trình nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề (Vòng tròn Thiết kế)

Để học sinh GCED có thể tạo ra những giải pháp cho các Chủ đề trọng tâm một cách hiệu quả & có khoa học, các em sẽ được làm quen với công cụ Vòng tròn Thiết kế từ bộ môn Design của Chương trình MYP. HS ở bất cứ khối lớp nào cũng được trải qua các bước của Vòng tròn Thiết kế (tích hợp vào các chương học) để có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề mà mình quan tâm.

📙 Bài chi tiết: Áp dụng Vòng tròn Thiết kế

3. Hành động vì cộng đồng (service learning)

Để có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực của những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng từ các vấn đề toàn cầu, HS sẽ cùng nhau hành động, và thực hiện các dự án học qua phục vụ một cách bài bản, Các em sẽ thực hiện những bước như điều tra nhu cầu, lập kế hoạch cho dự án, triển khai thực tế, và ghi lại những việc bản thân & nhóm đã thực hiện được.

🔎 Xem thêm: Học qua phục vụ

4. Truyền thông và Suy ngẫm

HS sẽ được học cách truyền thông việc học & làm của mình qua một số sự kiện nhất định trong GCED. Cụ thể hơn, HS sẽ có cơ hội trình bày một bài nghiên cứu thứ cấp của bản thân về Chủ đề trọng tâm, cũng như thuyết trình nhóm sau khi đã hoàn thành Dự án Hành động. Mục tiêu là HS có thế giải thích, thuyết phục, và kêu gọi được sự ủng hộ của người nghe về những thành quả mình đã đạt được.

Ngoài ra, GCED còn yêu cầu ở HS khả năng suy ngẫm, nhằm hướng HS trở thành người học trọn đời (life-long learners), có khả năng tự học, tự làm chủ kiến thức của mình. HS không chỉ thực hiện việc suy ngẫm sau mỗi bài học, mà còn có cơ hội kể lại chặng đường em đã đi qua trong các mốc đánh giá của môn học.

🔎 Xem thêm: Gợi ý suy ngẫm để biết thêm về cách thực hiện suy ngẫm trong môn GCED

Phân phối nội dung/Timeline

Môn GCED bao gồm 2 giai đoạn chính tương ứng với 3 giai đoạn Học - Làm - Học.

Đầu tiên, Học kỳ 1 (Học) sẽ tập trung vào xây dựng nền tảng kiến thức cho HS thông qua nội dung về Chủ đề trọng tâm và cho HS cơ hội đào sâu, trả lời thắc mắc của bản thân thông qua một bài nghiên cứu. Các nội dung học trong Học kỳ 1 chủ yếu yêu cầu HS làm việc cá nhân, nhưng nội dung học trong Học kỳ 2 lại yêu cầu HS cộng tác cùng nhau nhiều hơn. Do đó, sẽ có một nội dung mang tính chuyển tiếp có tên "Định hướng Hành động", cho phép các em biến kiến thức cá nhân thành sản phẩm hành động của nhóm.

Chuyển sang Học kỳ 2 (Làm - Học), HS sẽ bắt đầu nội dung Triển khai Dự án Hành động để hướng tới việc phục vụ cộng đồng, và kết thúc năm học bằng nội dung Truyền thông & suy ngẫm để báo cáo thành quả dự án, đồng thời nhìn lại chặng đường năm học vừa rồi.

Thầy cô có thể tham khảo timeline bên dưới để biết các trình tự của các nội dung học tập của GCED:


Học kỳ 1 - Giai đoạn Học (38 tiết)

Giai đoạn Học thứ nhất diễn ra trong Học kỳ 1, và đóng vai trò “nền tảng” cho toàn bộ quá trình học của học sinh. Các em sẽ tiếp cận các Chủ đề trọng tâm (vấn đề toàn cầu) dưới nhiều Lăng kính (có thể là góc nhìn, chuyên môn và cách tiếp cận khác nhau). Từ đó, học sinh sẽ dần hình thành được kiến thức, hiểu biết một cách toàn diện vượt ra ngoài cách phân chia môn học truyền thống.

Sau khi đã được trang bị những kiến thức và hiểu biết về chủ đề trọng tâm của khóa học, học sinh sẽ xây dựng Truy vấn Cá nhân của mình. Đây là quá trình người học đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc, tò mò về hiện tượng, vấn đề mình quan tâm thông qua các định hướng về công cụ tìm hiểu bởi giáo viên. Tiếp theo đó, dựa trên sự tương đồng, bổ trợ của các mối quan tâm mà học sinh tìm hiểu trong Truy vấn Cá nhân, các nhóm thực hiện dự án Hành động sẽ được hình thành. Cuối Học kỳ 1, sản phẩm của các nhóm sẽ là một bản Đề án: Định hướng hành động, làm cơ sở cho việc triển khai dự án sau này.

Giai đoạn Học gồm các chương sau:

  • Chương 0 - Giới thiệu tổng quan môn GCED: Trong tiết này, thầy cô sẽ truyền đạt mong đợi và tinh thần của Chương trình cho học sinh. HS sẽ xác định được năm học này mình được học về chủ đề gì, và mình sẽ trải qua quá trình học tập GCED như thế nào.
  • Chương 1 - Khám phá Chủ đề trọng tâm qua 5 Lăng kính: Các em sẽ tiếp cận các Chủ đề trọng tâm (vấn đề toàn cầu) dưới nhiều Lăng kính (có thể là góc nhìn, chuyên môn và cách tiếp cận khác nhau). Từ đó, học sinh sẽ dần hình thành được kiến thức, hiểu biết một cách toàn diện vượt ra ngoài cách phân chia môn học truyền thống.
  • Chương 2 - Hoàn thiện & Truy vấn cá nhân: Giai đoạn này là cơ hội để HS thật sự làm chủ việc học của mình. Mỗi em sẽ tự đặt ra câu hỏi của chính mình, sau đó thực hiện việc nghiên cứu cá nhân để trả lời câu hỏi mà mình còn thắc mắc.
  • Chương 3 - Định hướng Dự án Hành động: HS sẽ chuyển tiếp từ làm việc cá nhân sang làm việc nhóm, bằng cách tìm kiếm những HS khác có cùng mối quan tâm, hay muốn phục vụ cộng đồng tương tự mình. Nói cách khác, đây là lúc để HS tìm ra "đồng đội" có thể giúp mình mang lại thay đổi có ý nghĩa cho xã hội

Học kỳ 2 - Giai đoạn Làm - Học (34 tiết)

Học kỳ 2 bao gồm 2 giai đoạn "Làm - Học" . Giai đoạn này đóng vai trò "hành động và "suy ngẫm", đòi hỏi học sinh tổng hợp những thông tin mình đã điều tra trong học kỳ 1. Học sinh chính thức bắt tay vào làm các công việc liên quan đến Dự án Hành động, đồng thời tổng kết và suy ngẫm toàn bộ quá trình học trong năm.

Học sinh sẽ được chia nhóm để thực hiện 2 - 4 dự án Hành động trong mỗi lớp học. Trong Học kỳ 2, học sinh sẽ được đào tạo để biết cách lập kế hoạch và chuẩn bị, thực hiện dự án, tự đánh giá/suy ngẫm trong suốt quá trình làm cũng như sau khi kết thúc dự án.

  • Chương 4 - Lập kế hoạch & Chuẩn bị: HS trải qua những bước cần thiết trước khi thực sự đi giúp đỡ, hay phục vụ bất cứ cộng đồng nào.
  • Chương 5 - Triển khai Dự án: HS tiến hành triển khai Dự án, đồng thời lưu lại tư liệu trong quá trình triển khai.
  • Chương 6 - Suy ngẫm về Dự án: Nhóm HS sẽ thực hiện việc suy ngẫm sau quá trình triển khai dự án, cùng nhau kết luận về mức độ hiệu quả của dự án, về những điểm nhóm đã làm tốt/chưa tốt, kèm theo phương án cải thiện.
  • Chương 7 - Báo cáo & Suy ngẫm cuối năm: Sau khi đã suy ngẫm xong về dự án, từng nhóm HS sẽ lần lượt báo cáo về kết quả & quá trình triển khai cho mọi người. Đây là cơ hội để HS truyền thông về dự án của mình, từ đó nhận được phản hồi từ người khác

Phân chia nhóm khối lớp

Chương trình GCED phân hóa các mảng mong đợi này theo 5 nhóm khối lớp nhằm đảm bảo nội dung phù hợp với nhóm lứa tuổi đó và dựa trên mức độ phân chia cấp bậc nhà trường và giáo viên (cấp tiểu học, trung học và trung học phổ thông).

Đầu ra học tập giữa các khối trong cùng 1 nhóm khối lớp sẽ giống nhau; nội dung giữa các nhóm khối lớp sẽ khác nhau. Sự phân hóa giữa các lớp cùng 1 nhóm khối lớp là tùy thuộc vào quyết định của Nhà trường và khả năng của học sinh.

Có 5 nhóm khối lớp, mỗi nhóm chi tiết như sau:
Nhóm 1 Khối 1 + 2 + 3
Nhóm 2 Khối 4 + 5
Nhóm 3 Khối 6 + 7
Nhóm 4 Khối 8 + 9
Nhóm 5 Khối 10 + 11 + 12

Sau đây là danh sách những nội dung/cấu phần của GCED được phân hoá theo nhóm khối lớp:

  1. Chuẩn đầu ra Cấu phần Hành động;
  2. Chuẩn đầu ra kỹ năng và thái độ;
  3. Rubric đánh giá;
  4. Nội dung của Vòng tròn Thiết kế được thể hiện trong:
    • Lăng kính 4: Đổi mới Sáng tạo;
    • Chuẩn bị Truy vấn Cá nhân;
    • Định hướng Hành động;
    • Cấu phần Hành động.

Nguồn tham khảo