GCED K6: Tiết 6.18

Từ GCED

Mô tả nội dung bài học

Câu hỏi + Mục tiêu bài học

Câu hỏi tiết học 6.18. Tại sao tất cả mọi người đều có trách nhiệm đóng góp vào việc giảm đói & nghèo?
Mục tiêu bài học 6.18.1. Học sinh hiểu về tác động của nghèo đói đến xã hội 6.18.2. Học sinh hiểu về vai trò của các bên trong giảm nghèo đói
Tiêu chí đánh giá 6.18.1. Học sinh liệt kê được ít nhất 3 tác động của nghèo đói đến xã hội. 6.18.2. Học sinh xác định được ít nhất 1 vai trò/trách nhiệm của mỗi bên liên quan trong giảm nghèo đói.
Tài liệu gợi ý Gợi ý câu trả lời:

Về lâu dài, nghèo đói dẫn đến: phát triển không bền vững, bất ổn chính trị, mất niềm tin vào hệ thống pháp luật & chính quyền, quyền con người của nhóm nghèo/dễ bị tổn thương không được bảo đảm - (nhắc lại từ Tiết 6.12)

Gợi ý câu trả lời:

- Chính phủ: cần ý chí chính trị để đưa ra các chính sách và chương trình hỗ trợ người nghèo

- Người giàu/có quyền: cần nghĩ đến lợi ích của các cá nhân nghèo/đói và không quá tham lam; chia sẻ bớt cho người nghèo;

- Các công ty tư nhân: không bóc lột sức lao động của người nghèo, có các chương trình hỗ trợ người dân địa phương nơi đặt trụ sở/nhà máy

- Các tổ chức quốc tế/phi chính phủ: cần phản biện xã hội, thúc đẩy các chính sách hướng đến sự phát triển của người nghèo; làm cầu nối để người nghèo có thể đưa ra ý kiến đối với các chính sách

- Người nghèo: cần nỗ lực trong khả năng của mình để thoát nghèo

Mảnh ghép tham khảo
   Mảnh ghép a

(8’) Suy luận

  • GV nêu các mệnh đề, yêu cầu HS suy luận (Bloom 4) nội dung để hoàn thiện các mệnh đề đó. GV yêu cầu HS giải thích cho suy luận của mình.

- Mệnh đề 1: Nghèo đói là hoàn cảnh đưa đến nhiều loại bệnh tật, đó có thể là…

- Mệnh đề 2: Nghèo đói có mối quan hệ với vấn đề bình đẳng giới, ảnh hướng đó có thể là …

- Mệnh đề 3: Nghèo đói là nguy cơ phát sinh và gia tăng các vấn đề về tệ nạn xã hội, đó có thể là …

- Mệnh đề 4: Nghèo đói gây áp lực đối với an ninh lương thực, lý do là …

- Mệnh đề 5: Nghèo đói vừa là một hệ quả, vừa là nguyên nhân của gia tăng dân số, bởi vì...

  • GV gọi HS phát biểu ý kiến.
  • GV hỏi: Theo em suy luận (Bloom 4), nghèo đói còn gây nên những tác động gì đến xã hội?

(2’) Tổng kết: GV gọi HS tổng kết (Bloom 2) những tác động của nghèo đói tới xã hội:

Về lâu dài, nghèo đói dẫn đến: phát triển không bền vững, bất ổn chính trị, mất niềm tin vào hệ thống pháp luật & chính quyền, quyền con người của nhóm nghèo/dễ bị tổn thương không được bảo đảm

   Mảnh ghép b

(8’) Chia sẻ thông điệp

  • GV phát cho mỗi HS 1 bức hình.
  • GV yêu cầu HS:
  • Quan sát bức hình, xác định (Bloom 2) một tác động của đói nghèo tới xã hội được gợi ý qua bức hình.
  • Chia sẻ với tối thiểu 3 người bạn trong lớp (bất kì) về thông điệp trong bức hình của mình, giải thích (Bloom 2) rõ nội dung tác động.
  • Lắng nghe chia sẻ của tối thiểu 3 người bạn (bất kì) trong lớp về thông điệp của họ.
  • GV gọi HS tổng hợp (Bloom 2) những tác động của đói nghèo tới xã hội. Lưu ý, GV có thể gọi 2-3 HS phát biểu.

(2’) Quiz: GV chiếu bản đồ “Tình trạng mất an ninh lương thực thế giới năm 2011”, gọi HS phát biểu, xác định (Bloom 2) tên 1 số quốc gia, khu vực trên thế giới trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.


   Mảnh ghép a


(14’) Thảo luận theo kỹ thuật vòng tròn công đoạn.

GV tổ chức HS thảo luận:

  • GV chia lớp thành 4 nhóm
  • GV nêu nhiệm vụ thảo luận theo kĩ thuật vòng tròn công đoạn: Xác định ( Bloom 2) vai trò của các bên liên quan trong giảm nghèo đói. Trong trường hợp HS quên cách thảo luận, GV nhắc lại: Mỗi nhóm sẽ thảo luận về vai trò của một bên và được phát bút viết màu mực khác nhau. Khi GV có tín hiệu chuyển giấy (GV tự quy ước tín hiệu chuyển và thời gian chuyển), giấy thảo luận của nhóm 1 được chuyển cho 2, 2 chuyển cho 3, 3 chuyển cho 4, 4 chuyển cho 1. Các nhóm tiếp tục thảo luận, bổ sung ý kiến của mình vào kết quả thảo luận trước đó. GV nên cho các nhóm chuyển giấy 4 lần. Những lần 2,3,4 sẽ rút ngắn dần thời gian chuyển giấy.
  • GV phân chia nhiệm vụ thảo luận ban đầu:
  • Nhóm 1: Thảo luận về vai trò của chính phủ
  • Nhóm 2: Thảo luận về vai trò của các tổ chức quốc tế
  • Nhóm 3: Thảo luận về vai trò chính người nghèo
  • Nhóm 4: Thảo luận về vai trò của người giàu
  • Kết thúc thời gian thảo luận (7 phút), các nhóm dán kết quả thảo luận lên bảng và cử đại diện trình bày.

(1’) GV tổng kết vai trò của mỗi bên:

  • Chính phủ: xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm…
  • Các tổ chức quốc tế: kết nối, tăng cường viện trợ
  • Người nghèo: tự chủ, nỗ lực vươn lên
  • Người giàu: chia sẻ, giúp đỡ
   Mảnh ghép b

(14’): Đóng tiểu phẩm

GV tổ chức HS đóng tiểu phẩm để thể hiện (Bloom 3) vai trò của các bên liên quan trong giảm đói nghèo.

  • GV chia lớp thành 4 nhóm
  • GV phân chia nhiệm vụ đóng vai, thể hiện bằng tiểu phẩm cho các nhóm:
  • Nhóm 1: Thảo luận về vai trò của chính phủ
  • Nhóm 2: Thảo luận về vai trò của các tổ chức quốc tế
  • Nhóm 3: Thảo luận về vai trò chính người nghèo
  • Nhóm 4: Thảo luận về vai trò của người giàu
  • Kết thúc thời gian thảo luận (5 phút), các nhóm thể hiện tiểu phẩm của nhóm trước lớp.
  • Lưu ý, GV nên gợi ý thêm cho các nhóm: lựa chọn 1 tình huống để diễn xuất. Tình huống nên đơn giản, thể hiện một khó khăn vướng mắc của người nghèo và sự tham gia giải quyết/ hoặc giúp đỡ của các bên liên quan.

(1’) GV mời 1 HS tổng kết những vai trò chính của các bên liên quan được thể hiện qua các tiểu phẩm:

  • Chính phủ: xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm…
  • Các tổ chức quốc tế: kết nối, tăng cường viện trợ
  • Người nghèo: tự chủ, nỗ lực vươn lên
  • Người giàu: chia sẻ, giúp đỡ

(3’) GV định hướng học sinh một số cách thu thập thông tin để xác định giải pháp của mình có ảnh hưởng đến cộng đồng hay không?

- Phỏng vấn: phỏng vấn người/cộng đồng được trợ giúp về ảnh hưởng của dự án tới họ.

- Khảo sát: tổ chức khảo sát cho cộng được được giúp đỡ.

- Quan sát: quan sát và ghi nhận những ảnh hưởng của dự án tới cộng đồng được giúp đỡ.

(7’) GV phát bảng cho học sinh làm theo cá nhân. GV chú ý học sinh giữ lại các bảng biểu làm tại lăng kính 4 để giải quyết vấn đề mà cá nhân học sinh mong muốn giải quyết. Học sinh giữ nguyên vấn đề mà mình cần nghiên cứu qua các bài trong lăng kính 4. Gv chụp lại một số bài làm của học sinh và cho nhận xét.