GCED K8: Tiết 8.7

Từ GCED

Mô tả nội dung bài học

Câu hỏi & Mục tiêu bài học

Câu hỏi tiết học 8.7. Khả năng tiếp cận với những cơ hội đóng vai trò gì trong việc duy trì hoặc giảm thiểu bất bình đẳng?
Mục tiêu bài học 8.7.1 Học sinh phân tích được vòng lặp giữa khả năng tiếp cận với những cơ hội và bất bình đẳng. 8.7.2 Học sinh hiểu được rằng những định kiến cũng có thể dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội.
Tiêu chí đánh giá 8.7.1

- HS hiểu được cơ hội bao gồm cả những điều tưởng chừng là đương nhiên như cơ hội đi học, cơ hội được sống 1 cách an toàn, cơ hội được no đủ.

- HS có thể chỉ ra được vòng lặp, cơ hội, và bất bình đẳng.

- HS liệt kê được ít nhất 2 ví dụ về những khả năng tiếp cận với những cơ hội dẫn đến giảm thiểu và/hoặc duy trì sự bất bình đẳng.

8.7.2. Học sinh nêu ra được ít nhất 2 "cơ hội" đánh mất vì định kiến của xã hội.
Tài liệu gợi ý Gợi ý cách thức thực hiện:

Thông qua case study, học sinh sẽ nhận thấy rằng khả năng tiếp cận với những cơ hội khác nhau dẫn đến bất bình đẳng, và bất bình đẳng dẫn đến sự khác nhau trong khả năng tiếp cận những cơ hội

(ví dụ: ở Mỹ, nhiều người nghèo, đặc biệt là người da màu, do không có nhà ở ổn định phải sống trong các khu dự án do chính phủ xây dành riêng cho người nghèo, mà những nơi này thường có tỉ lệ tội phạm cao, chất lượng sống thấp --> luôn phải lo lắng về sự an toàn, điều kiện sống --> ít cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc y tế)

Gợi ý trả lời về cơ hội đánh mất:

Nữ giới thường không được khuyến khích để đi theo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật vì đó là ngành dành cho nam giới, mà đây thường là những ngành có thu nhập cao hơn --> trung bình thu nhập của nữ giới thấp hơn nam giới --> chất lượng cuộc sống có thể thấp hơn.)

Mảnh ghép hoạt động tham khảo
   Mảnh ghép a

(1’) GV dẫn vào bài bằng một câu hỏi: Theo các con, khi chúng ta sinh ra chúng ta có những quyền lợi gì trong cuộc sống của mình?

(1’) GV giảng bài: Tuyên ngôn về nhân quyền quốc tế năm 1948 đã khẳng định mỗi người chúng ta sinh ra đều có quyền được sống, được học tập và tự do, bình đẳng. Như vậy đồng nghĩa với việc mỗi người đều có cơ hội tiếp cận với mọi điều trong xã hội. Tuy nhiên, có những đối tượng trong xã hội không có được cơ hội tiếp cận với những quyền lợi đó.

(8’) Đóng vai:

  • HS chia thành các nhóm từ 4 - 5 người
  • Mỗi nhóm lựa chọn một đối tượng trong xã hội mà nhóm cho rằng  không có khả năng tiếp cận với những cơ hội trong cuộc sống nên dẫn đến giảm thiểu quyền lợi hoặc duy trì sự bất bình đẳng. (VD như người da màu, chuyển giới…)
  • Mỗi nhóm lên nội dung bài nói chuyện của đối tượng bị bất bình đẳng trong xã hội khi không có khả năng tiếp cận với cơ hội. (Yêu cầu thời gian bài nói: 2 phút. Mỗi nhóm cần làm rõ vòng lặp giữa khả năng tiếp cận cơ hội với bình đẳng (khả năng tiếp cận cơ hội dẫn đến việc bất bình đẳng, và bất bình đẳng lại ảnh hưởng đến khả năng tiếp cân cơ hội)Mỗi nhóm lựa chọn hình thức chia sẻ ( thuyết trình, đóng kịch…)

(3’) GV cùng học sinh giải thích (Bloom 2) khả năng tiếp cận với những cơ hội đóng vai trò gì trong việc duy trì hay giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội.

(2’) HS viết suy ngẫm về khả năng tiếp cận với những cơ hội đóng vai trò gì trong việc duy trì hay giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội với hai đối tượng cụ thể ( người da màu, người chuyển giới, trẻ em nước kém phát triển….)

   Mảnh ghép b

(4’)Xem đoạn clip về tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh theo link: https://www.youtube.com/watch?v=kCHGsIQJano ( 0:00 - 0:60)

Học sinh trả lời các câu hỏi dưới đây. GV gọi HS phát biểu trước lớp.

  • Bác Hồ đã nói về nhân quyền của con người như thế nào? Xác định ( Bloom 1) cụ thể những quyền mà con người được hưởng?
  • Việc được hưởng nhân quyền có phải là cơ hội tất yếu của tất cả người Việt Nam nói riêng và các dân tộc trên thế giới nói chung hay không?

(2’) GV giảng bài: Trong các bản tuyên ngôn về nhân quyền của quốc tế (1948) đã nhấn mạnh vào những quyền được học tập, tự do và bình đẳng của con người như một điều đương nhiên và ai cũng được hưởng điều đó. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, có nhiều người không có được khả năng tiếp cận với những cơ hội đó và điều này dẫn đến bất bình đẳng xảy ra trong xã hội.

(5’)Thảo luận nhóm:

  • HS xác định (Bloom 1)2 ví dụ về khả năng tiếp cận với những cơ hội dẫn đến giảm thiểu và/hoặc duy trì sự bất bình đẳng trong xã hội. GV chú ý nhắc học sinh khi tìm ví dụ nhân mạnh vào vòng lặp tiếp diễn giữa khả năng tiếp cận cơ hội và bất bình đẳng như sau: khả năng tiếp cận cơ hội dẫn đến việc bất bình đẳng, và bất bình đẳng lại ảnh hưởng đến khả năng tiếp cân cơ hội

(2’) GV note nhanh ví dụ của học sinh và nhận xét

(2’) HS viết suy ngẫm về khả năng tiếp cận với những cơ hội đóng vai trò gì trong việc duy trì hay giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội với hai đối tượng cụ thể ( người da màu, người chuyển giới, trẻ em nước kém phát triển….)


   Mảnh ghép a

(5’) Hoạt động: “ Thám tử tư”:  

Câu chuyện và thông tin để các nhóm thám tử tìm ra ai là con chuột đã ăn mỡ trong chum:

Một đêm nọ, có 3 con chuột cùng nhau lục đồ ăn trong một căn bếp nhỏ mà không có người và các loài động vật nuôi ở nhà. Chúng đồng loạt mừng reo khi phát hiện một chum mỡ thơm ngon. Thế nhưng chum mỡ quá sâu, mà mỡ lại tận dưới đáy chum, nên chúng chỉ có thể ngửi thấy mùi thơm của mỡ. Chỉ ngửi mà không được ăn khiến chúng vô cùng thèm muốn. Càng thèm muốn, chúng càng cảm thấy khó chịu và lo lắng, nhưng lo lắng lại không thể giải quyết được vấn đề, do đó, chúng quyết định mỗi con sẽ đi kiếm món đồ giúp chúng lấy được mở ở trong chum và quay lại đợi nhau khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng. Cách của con vật nào tốt nhất để đảm bảo cả ba con đều có mỡ ăn thì sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên khi đồng hồ điểm 12 tiếng, ba con vật quay lại thì thấy chum mỡ đã hết, trong nhà lại không có người và vật nuôi, ai trong số ba con chuột đã là con tham ăn và ăn hết mỡ, có một số thông tin về các con chuột như sau:

Con chuột 1: Nhanh nhẹn, khỏe mạnh và vừa ăn được một miếng bơ to.

Con chuột 2: Lười biếng, to con, hai ngày chưa được ăn gì.

Con chuột 3: Thông minh, nhanh nhẹn nhưng bị hỏng mất hai mắt và vừa ăn bơ cùng con chuột 1.

  • HS chia thành nhóm từ 4 - 5 người
  • HS thảo luận trong nhóm xem con chuột nào đã ăn hết mỡ trong chum và giải thích lý do vì sao lại quan điểm như vậy?
  • Sau khi HS đưa ra quan điểm của mình, GV mới bổ sung thêm thông tin: Con chuột thứ 3 vô tình tìm thấy một sợi dây dài buộc vào cái cột gần đó. Nó kéo dây thả vào trong chum và ăn hết mỡ.

(2’) GV giảng bài: Chúng ta thường có thói quen đưa ra những định kiến - là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành​ để đánh giá một người hoặc nhóm người nào đó theo ý kiến chủ quan  trước khi có các dữ kiện liên quan hoặc biết rõ những thông tin liên quan của một sự kiện cụ thể. Những định kiến này đôi khi dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội.

(4’) GV yêu cầu:

  • HS tiếp tục thảo luận theo nhóm để xác định (Bloom 1) vì sao định kiến dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội
  • HS liệt kê (Bloom 1) 2 "cơ hội" đánh mất sự bình đẳng vì định kiến của xã hội và giải thích (Bloom 2) điều đó.

(2’) GV ghi lại ý kiến của các nhóm và nhận xét

(2’) HS ghi lại suy ngẫm về "cơ hội" đánh mất sự bình đẳng vì định kiến của xã hội

   Mảnh ghép b

(5’)Hoạt động: Cuộc đời diễn viên Sylvester Stallone (GV chú ý cho học sinh đọc đoạn đầu: những bước đường cùng để kịp thời gian tiết học)

Đường link tài tiệu: https://soha.vn/hanh-trinh-vuot-len-so-phan-cua-ngoi-sao-lung-danh-hollywood-20160806120610699.htm

  • HS chia thành các nhóm từ 4- 5 người
  • HS đọc tài liệu về cuộc đời diễn viên Sylvester Stallone
  • HS giải thích (Bloom 2) lý do vì sao diễn viên này không được các đạo diễn lựa chọn khi còn trẻ.

(2’) GV giảng bài: Chúng ta thường có thói quen đưa ra những định kiến - là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành​ để đánh giá một người hoặc nhóm người nào đó theo ý kiến chủ quan trước khi có các dữ kiện liên quan hoặc biết rõ những thông tin liên quan hoặc cho người đó cơ hội thể hiện năng lực bản thân. Những định kiến này đôi khi dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội.

(4’) GV yêu cầu:

  • HS tiếp tục thảo luận theo nhóm để xác định (Bloom 1) vì sao định kiến dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội
  • HS liệt kê (Bloom 1) 2 "cơ hội" đánh mất sự bình đẳng vì định kiến của xã hội và giải thích (Bloom 2) điều đó.

(2’) GV ghi lại ý kiến của các nhóm và nhận xét

(2’) HS ghi lại suy ngẫm về "cơ hội" đánh mất sự bình đẳng vì định kiến của xã hội