File:18sè.png

From EXPART HR
Revision as of 04:15, 15 August 2021 by Admin (talk | contribs)
Jump to navigation Jump to search

Original file(1,875 × 400 pixels, file size: 114 KB, MIME type: image/png)

QUẢN LÝ CẢM XÚC

Tầm quan trọng của chương học

Hướng dẫn học sinh cách nhận diện cảm xúc mạnh và vận dụng Các Bước Trấn Tĩnh để kiểm soát tốt bản thân là những cách thức hữu hiệu để tăng khả năng đối phó và giảm bớt sự nóng nảy cũng như các hành vi tiêu cực khác. Trong chương này, học sinh sẽ được trang bị những biện pháp giúp chủ động ngăn chặn cảm xúc mạnh trở thành hành vi tiêu cực. Khi cảm xúc mạnh leo thang, các phản ứng sinh lý mạnh mẽ của cơ thể sẽ làm giảm khả năng suy luận của học sinh, khiến các con khó có thể bình tĩnh giải quyết các vấn đề liên quan đến tương tác cũng như các vấn đề khác. Khả năng giữ bình tĩnh, không cho cảm xúc mạnh leo thang và làm sai lệch hành vi giúp học sinh có thể áp dụng nhiều kỹ năng khác được giảng dạy trong chương trình, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp hiệu quả, tính quyết đoán, thương lượng - thỏa hiệp và giải quyết vấn đề.

Học sinh có kỹ năng quản lý hiệu quả các cảm xúc mạnh như giận dữ, lo lắng, bối rối và ghen tị có xu hướng:

  • Hòa đồng với các bạn và đưa ra các sự lựa chọn đúng đắn
  • Ứng phó với các cảm xúc mạnh và thể hiện chúng theo những cách có thể chấp nhận được
  • Thành công trong học tập

Học sinh có kỹ năng quản lý cảm xúc kém hiệu quả có xu hướng:

  • Nóng nảy
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Giảm năng lực cảm xúc - xã hội
  • Gặp khó khăn trong việc ứng xử theo chuẩn mực xã hội
  • Hành động theo cảm tính

Tổng quan các bài học

Bài 19: Quản lý cảm xúc mạnh

Học sinh ôn lại những gì xảy ra trong não bộ và cơ thể khi bản thân trải qua những cảm xúc mạnh. Tiếp đó, các con sẽ thực hành ngăn chặn cảm xúc leo thang bằng việc quan sát các dấu hiệu cơ thể, từ đó xác định và gọi tên các cảm xúc mạnh khi chúng xuất hiện.

Bài 20: Giữ bình tĩnh

Học sinh thực hành xác định các tình huống cần giữ bình tĩnh. Các con sẽ học kỹ thuật thở sâu và tập trung để trấn tĩnh bản thân. Các con cũng sẽ được tiếp cận một số cách giữ bình tĩnh khác như: đếm số, tạm dừng hay tự đối thoại tích cực.

Bài 21: Quản lý sự lo lắng

Học sinh thực hành xác định các tình huống gây ra sự lo lắng, sau đó áp dụng các cách giữ bình tĩnh đã học để quản lý sự lo lắng.

Bài 22: Quản lý sự thất vọng

Học sinh học cách xác định các dấu hiệu cơ thể cho thấy bản thân đang trải qua cảm xúc thất vọng. Sau đó, các con sẽ thực hành áp dụng Các Bước Trấn Tĩnh để làm giảm và quản lý sự thất vọng.

Bài 23: Chống lại ý muốn trả thù

Học sinh hiểu rằng việc trả thù có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Học sinh sẽ áp dụng Các Bước Trấn Tĩnh để giúp bản thân chống lại ý muốn trả thù. Tiếp đó, các con sẽ thực hành xác định hệ quả của việc trả thù và tìm giải pháp thay thế cho việc trả thù.

Bài 24: Ứng xử khi bị xúc phạm

Học sinh thực hành xác định và áp dụng các cách ứng xử phù hợp khi bị xúc phạm cũng như các phương pháp trấn tĩnh đã học.

Bài 25: Tránh mặc định

Học sinh hiểu rằng việc trấn tĩnh bản thân khi trải qua những cảm xúc mạnh sẽ giúp các con suy nghĩ thấu đáo và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Học sinh sẽ thực hành áp dụng các kỹ năng quyết đoán cũng như phương pháp tự đối thoại tích cực để tránh đưa ra ý kiến mặc định.


Vận dụng kĩ năng hàng ngày

Để có được hiệu quả lâu dài, các kỹ năng được giới thiệu trong chương trình cần được áp dụng vào hoạt động thường ngày. Việc lặp đi lặp lại những kỹ năng này giúp học sinh có thể vận dụng chúng một cách tự động khi cần thiết. Để đưa các kỹ năng đã học vào cuộc sống, cần áp dụng quy trình 3 bước: 1) Dự đoán tình huống. 2) Củng cố kĩ năng. 3) Suy ngẫm.

Dự đoán tình huống

Vào đầu ngày hoặc trước khi bắt đầu các hoạt động hay tình huống có thể kích thích cảm xúc mạnh, thầy/cô cho học sinh DỰ ĐOÁN khi nào các con có thể trải qua cảm xúc mạnh và cách các con áp dụng kiến thức đã học trong chương Quản lý Cảm xúc để giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Vào đầu ngày, thầy/cô có thể nói với học sinh: Hãy nghĩ về những khoảng thời gian trong ngày hôm nay khi các con có thể cảm thấy lo lắng, tức giận, thất vọng hay trải qua các cảm xúc mạnh khác. Các con sẽ làm gì nếu những cảm xúc đó bắt đầu lấn át mình?

Trước một hoạt động hay tình huống chủ đích dùng để kích thích cảm xúc, thầy/cô có thể trao đổi: Hôm nay, chúng ra sẽ học về một số khái niệm Toán học mới và khó. Các con hãy suy nghĩ xem mình sẽ áp dụng các bước trong poster Làm Sao Để Trấn Tĩnh như thế nào để giúp bản thân quản lý cảm xúc thất vọng khi đọc tài liệu mãi mà không hiểu

Củng cố kỹ năng

Trong ngày, thầy/cô cần để ý xem khi nào học sinh áp dụng kiến thức đã học được từ chương Quản lý cảm xúc và CỦNG CỐ những hành động đó bằng cách đưa ra phản hồi cụ thể, ví dụ như: Thầy/cô quan sát thấy con bắt đầu buồn nản khi tìm hiểu các khái niệm Toán học mới. Nhưng giờ thì trông con đã khá hơn rồi. Con đã nói gì với bản thân để lấy lại bình tĩnh?

Thầy/cô làm mẫu cụ thể để học sinh biết cách áp dụng Các Bước Trấn Tĩnh khi có cảm xúc mạnh: Thầy/cô đang cảm thấy rất buồn vì nhiều bạn không tập trung lắng nghe khi thầy/cô giải thích khái niệm Toán học mới này. Thầy/cô sẽ thực hành kỹ thuật thở sâu và tập trung để giữ bình tĩnh. Sau đó, thầy/cô sẽ đợi đến khi cả lớp cùng tập trung thì mới giải thích lại lần nữa.

Thầy/cô cần nhắc nhở học sinh áp dụng Các Bước Trấn Tĩnh. Nếu nhận thấy học sinh gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, thầy/cô hãy khuyến khích các con sử dụng poster Làm Sao Để Trấn Tĩnh. Ví dụ, thầy cô có thể nói: Thầy/cô nhận thấy con đang rất lo lắng khi giải bài toán này. Để trấn tĩnh bản thân, bước đầu tiên con cần làm là gì?

Suy ngẫm

Thầy/cô hãy yêu cầu học sinh SUY NGẪM xem các con đã áp dụng kỹ năng nào trong bài học và áp dụng khi nào, ra sao để giúp các con quản lý tốt cảm xúc của bản thân trong ngày.

Vào cuối ngày, thầy/cô có thể hỏi học sinh: Đầu giờ sáng hôm nay, các con đã dự đoán về những khoảng thời gian mình có thể trải qua cảm xúc mạnh cũng như các bước và phương pháp hữu hiệu giúp bản thân trấn tĩnh. Vậy thực tế ra sao?

Sau một hoạt động hay một tình huống kích thích cảm xúc mạnh mà học sinh dự đoán mình có thể vận dụng các kỹ năng đã học trong bài, thầy/cô có thể hỏi: Trước khi chúng ta tiếp cận với bài toán mới, các con đã dự đoán một số bước thực hiện và phương pháp hữu hiệu giúp bản thân trấn tĩnh khi cảm thấy thất vọng. Đó là các bước nào, phương pháp gì? Chúng đã hỗ trợ con ra sao?

Hoạt động tích hợp với các môn học khác

Agenda.png Ngôn ngữ
Nhật ký cảm xúc
Thầy/cô yêu cầu học sinh viết nhật ký cảm xúc trong vòng một tuần và có thể đưa ra gợi ý theo từng ngày. Ngày đầu tiên: Hãy mô tả một hoặc một vài tình huống mà con có thể bị mất kiểm soát cảm xúc. Đó là cảm xúc gì? Con có thể sử dụng từ hay cụm từ nào làm dấu để giúp con ngăn không cho cảm xúc leo thang? Ngày thứ hai: Đối mặt với tình huống con mô tả trong ngày đầu tiên, thử ví dụ con sẽ áp dụng kỹ thuật hít thở sâu và tập trung để trấn tĩnh. Hãy mô tả chi tiết những gì con sẽ làm khi áp dụng kỹ thuật này. Ngày thứ ba: Trong tình huống con mô tả ở ngày thứ nhất, 3 điều tích cực mà con có thể tự nói với bản thân để giúp mình giữ được bình tĩnh là gì? Ngày thứ tư: Mô tả chi tiết hai phương pháp hữu hiệu khác giúp con trấn tĩnh bản thân ngoài kỹ thuật hít thở sâu - tập trung và phương pháp tự đối thoại tích cực. Ngày thứ năm: Suy ngẫm lại các hoạt động trong tuần. Tuần này, con có áp dụng bước nào trong số Các Bước Trấn Tĩnh đã được học trong môn CLISE không? Nếu câu trả lời là Có, hãy mô tả cụ thể. Nếu câu trả lời là Không, hãy suy nghĩ xem việc nắm vững Các Bước Trấn Tĩnh sẽ hỗ trợ con như thế nào trong tương lai.
Micro1.png Khoa học
Bộ não và cơ thể
Thầy/cô yêu cầu học sinh vẽ và dán nhãn các bộ phận của bộ não và cơ thể thường bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc mạnh như đã được đề cập trong các tiết học CLISE. Các bộ phận có thể kể đến như bộ não, hạch hạn nhân, tim, phổi, da hay dạ dày. Học sinh có thể thực hành bài tập trên một bản vẽ phác thảo có sẵn về bộ não và cơ thể, hoặc tự vẽ ra một bản vẽ phác thảo đơn giản. Sau đó, thầy/cô yêu cầu học sinh viết một đoạn mô tả ngắn về những điều xảy ra với các bộ phận đó khi cơ thể trải qua cảm xúc mạnh và khi đã trấn tĩnh. Lấy ví dụ với phổi chẳng hạn. Khi tức giận, nhịp thở sẽ ngắn và gấp hơn. Khi cơn giận đã được kiểm soát, nhịp thở sẽ chậm lại và ổn định hơn.
Plane.png Khoa học xã hội
Hệ quả của sự trả thù
Học sinh đã được tìm hiểu về hệ quả của việc trả thù. Thầy/cô có thể đặt câu hỏi: Nếu các quốc gia trên thế giới cứ trả thù qua lại lẫn nhau thì thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả gì? Thầy/cô cho học sinh làm việc theo cặp hoặc theo nhóm, yêu cầu các con suy nghĩ về một vài hệ quả có thể xảy ra. Tiếp theo, cả lớp sẽ cùng thảo luận. Sau đó, thầy/cô yêu cầu học sinh trở lại nhóm của mình để cùng tìm ra các giải pháp khác cho các quốc gia thay vì việc trả thù. Các nhóm sẽ trình bày ý tưởng của mình trước lớp. Thầy/cô cũng có thể lựa chọn hai quốc gia đang xảy ra tranh chấp gần đây, yêu cầu học sinh thu thập các bài báo, tin tức về cuộc tranh chấp đó rồi thực hiện các bước giống như hoạt động trên.
Easel1.png Mỹ thuật
Hình ảnh tượng trưng của Sự bình tĩnh
Một cơ thể và tâm hồn bình thản là như thế nào? Chúng có hình hài ra sao? Thầy/cô cho học sinh làm việc cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ để cùng sáng tạo ra những hình ảnh tượng trưng cho sự bình tĩnh. Hãy khuyến khích học sinh sử dụng nhiều chất liệu cho tác phẩm của các con. Hoạt động này cũng có thể được triển khai như một dự án đa phương tiện có tích hợp các video ngắn, tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật điện tử hay chữ vi tính. Các tác phẩm hoàn thiện sẽ được trưng bày trong lớp học, hoặc học sinh sẽ có cơ hội để thuyết trình về tác phẩm của mình.
Basketball.png Giáo dục thể chất
Đóng băng cảm xúc
Thầy/cô yêu cầu cả lớp đứng dậy, giữ khoảng cách vừa với nhau sao cho khi vận động không bị chạm vào các bạn khác. Khi thầy/cô nêu tên một cảm xúc, học sinh sẽ vận động cơ thể để miêu tả cảm xúc đó. Tiếp đến, thầy/cô ra hiệu lệnh: Đóng băng. Lúc này, học sinh sẽ dừng lại và chú ý đến cơ thể cũng như cảm xúc của mình. Tư thế và cảm xúc của các con có phù hợp với cảm xúc mà thầy/cô đưa ra không? Thầy/cô tiếp tục trò chơi bằng cách nêu tên các cảm xúc khác và lặp lại phần vận động. Nên lựa chọn luân phiên các cảm xúc đối lập nhau như: tức giận - bình tĩnh, thất vọng - bình thản, hay sợ hãi - tự tin


File history

Click on a date/time to view the file as it appeared at that time.

Date/TimeThumbnailDimensionsUserComment
current12:43, 5 December 2022Thumbnail for version as of 12:43, 5 December 20221,875 × 400 (114 KB)Admin (talk | contribs)

There are no pages that use this file.

Metadata