File:Z9.png

From EXPART HR
Revision as of 14:11, 13 September 2021 by Admin (talk | contribs)
Jump to navigation Jump to search

Original file(1,800 × 390 pixels, file size: 78 KB, MIME type: image/png)

KẾ HOẠCH ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH

Hướng dẫn này được viết riêng cho những người muốn đánh giá việc triển khai CLISE của trường học hoặc hệ thống, nhưng không được đào tạo về đánh giá chương trình và không làm việc với người đánh giá chuyên nghiệp. Đây không phải là hướng dẫn chung để đánh giá các chương trình học tại trường học - nó chỉ phù hợp với các đặc thù của việc đánh giá chương trình CLISE.


Tại sao phải đánh giá?

Có nhiều lý do để đánh giá việc sử dụng chương trình CLISE. Nhìn chung, mục tiêu là cho thấy các nguồn lực đưa vào chương trình đang mang lại hiệu quả, vì vậy một trong những đối tượng tiếp nhận thông tin đánh giá quan trọng nhất là nhà đầu tư - ở đây là Ban lãnh đạo Vinschool. Một đối tượng tiếp nhận thông tin quan trọng khác là phụ huynh và các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường.

Nhiều người chọn đánh giá chương trình để xem nó hoạt động như thế nào. Bằng chứng đánh giá có thể làm tăng động lực và cam kết của nhân viên trong việc triển khai đầy đủ và hiệu quả chương trình. Đánh giá cũng có thể giúp các trường học xem việc triển khai chương trình có thể ảnh hưởng đến kết quả chương trình như thế nào và nó có thể được cải thiện như thế nào để đảm bảo học sinh được hưởng lợi đầy đủ. Đánh giá cũng là một bước có giá trị để theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu và kết quả chương trình mong muốn theo thời gian.

Đánh giá việc triển khai
Một trong những chìa khóa để đánh giá thành công, hiệu quả là đảm bảo thầy/cô biết chính xác những gì mình đang cần đánh giá.
Tôi đang đánh giá cái gì?

Tất cả cơ sở đều thực hiện cùng một chương trình CLISE, nhưng những gì học sinh thực sự nhận được có thể rất khác nhau. Thầy/cô có thể làm cho việc đánh giá của mình trở nên mạnh mẽ và hữu ích hơn bằng cách kiểm tra xem chương trình đang được triển khai như thế nào trong trường của mình. Hãy nhớ rằng thầy/cô đang đánh giá sự tác động mà học sinh của mình thực sự nhận được, tùy thuộc vào việc triển khai, có thể bằng hoặc thấp hơn mức mong đợi mà thiết kế chương trình đặt ra.


Tôi nên thu thập thông tin gì?


Để đưa nội dung liên quan đến việc triển khai chương trình vào trong đánh giá của thầy/cô, hãy thu thập thông tin về cách chương trình đang được giảng dạy trong môi trường của nhà trường. Các câu hỏi sau sẽ là những gợi ý để xác định các thông tin cần thiết nhất:

  • Có bao nhiêu học sinh đang học bài học CLISE? Tất cả học sinh? Chỉ một số học sinh nhất định? Chỉ một số lớp học nhất định?
  • Có bao nhiêu bài học đang được dạy?
  • Các bài học được giảng dạy liên kết chặt chẽ như thế nào với thiết kế chương trình?
  • Học sinh có đang thực hiện các Hoạt động bổ trợ không?
  • Có hoạt động gì khác đang được thực hiện ngoài các giờ học chính thức để củng cố các kỹ năng CLISE, cả trong lớp học và trong phạm vi toàn trường?


Làm thế nào để tôi thu thập thông tin?

Thu thập dữ liệu về những gì học sinh đang nhận được thường liên quan đến việc yêu cầu cán bộ nhân viên hoàn thành một cuộc khảo sát đơn giản về các câu hỏi được liệt kê ở trên. Một số khảo sát cho mục đích này được mô tả ở đây:

Khảo sát mức độ sẵn sàng

Thu thập thông tin về sự sẵn sàng của cán bộ nhân viên để bắt đầu các bài học và giúp thầy/cô lập kế hoạch cho các nhu cầu hỗ trợ việc triển khai


Khảo sát triển khai

Thu thập thông tin về việc triển khai chương trình dựa trên trải nghiệm thực tế của những người giảng dạy chương trình và có thể đóng vai trò như một đánh giá quá trình triển khai trong năm hoặc đánh giá tổng kết kinh nghiệm triển khai vào cuối năm


Các bản khảo sát nên được điền bởi các cán bộ nhân viên có liên quan đến việc triển khai chương trình, không phải chỉ có giáo viên CLISE. Ở một số trường, giáo viên chủ nhiệm dạy hầu hết các bài học, nhưng họ vẫn cần ý kiến ​​của các giáo viên khác để tìm hiểu xem học sinh thực sự tiếp thu được bao nhiêu và phần nào trong chương trình, vì các giáo viên khác có trách nhiệm củng cố các kỹ năng trong các hoạt động giáo dục khác thuộc chương trình tổng thể của Vinschool.


Mức độ bám sát thiết kế khi triển khai là gì?

Việc khảo sát cán bộ nhân viên về cách thức chương trình đang được giảng dạy cũng có thể vượt ra ngoài việc kiểm tra xem có bao nhiêu học sinh đang tiếp nhận được bao nhiêu bài học. Đánh giá việc triển khai cũng có thể xem xét “độ chính xác” của việc thực hiện. Về cơ bản, độ chính xác có nghĩa là mức độ mà chương trình được giảng dạy như đã được thiết kế.


Việc triển khai đầy đủ một cách lý tưởng có nghĩa là học sinh đang tiếp nhận tất cả các bài học theo thứ tự và tất cả các khái niệm và kỹ năng trong mỗi bài học một cách chuẩn xác. Vì nhiều lý do, giáo viên đôi khi chỉ dạy một phần của bài học và bỏ qua phần khác, dạy bài học không theo trình tự hoặc thay đổi một số nội dung. Đây là tất cả các ví dụ về độ chính xác thấp. Rõ ràng là có thể thay đổi bài học theo những cách không gây hại hoặc thậm chí có thể cải thiện kết quả chương trình, nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp thay đổi bài học theo cách làm giảm hiệu quả của chương trình. Phòng Chương trình khuyến khích nên triển khai chương trình với độ chính xác cao nhất có thể.


Thiết kế đánh giá
Tạo một thiết kế đánh giá phù hợp với các tài nguyên về thu thập dữ liệu

Nói một cách đơn giản, việc đánh giá CLISE có thể rơi vào một trong ba vị trí tùy theo mức độ đánh giá nghiêm ngặt cao hay thấp. Cách tiếp cận nghiêm ngặt nhất là một thiết kế thử nghiệm (experimental design), ở giữa là cái được gọi là thiết kế bán thử nghiệm (quasi-experimental design), và cách tiếp cận ít nghiêm ngặt nhất là một thiết kế không thử nghiệm (non-experimental design). Miêu tả tóm tắt về mỗi thiết kế này và ưu nhược điểm của chúng được mô tả dưới đây.

Thiết kế thử nghiệm (Experimental Design)

Một trong những thách thức chính trong đánh giá chương trình là xác định xem liệu các tác động mà thầy/cô nhận thấy có thực sự được tạo nên bởi chương trình mà thầy/cô đang đánh giá hay không. Trong bất kỳ trường học nào, CLISE chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của học sinh. Mục đích của thiết kế thử nghiệm là để tăng cường sự tự tin của thầy/cô rằng những thay đổi mà thầy/cô có thể nhận thấy ở học sinh là do học sinh được tiếp nhận chương trình.


Điều này chủ yếu được thực hiện thông qua chọn nhóm ngẫu nhiên. Chọn nhóm ngẫu nhiên có nghĩa là thầy/cô xác định học sinh nào sẽ tham gia vào nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu), và mỗi học sinh đó đều có cơ hội như nhau về việc được học chương trình CLISE hoặc không. Chọn nhóm ngẫu nhiên là một cách hiệu quả để tạo ra hai nhóm có khả năng không chênh lệch đáng kể nhất có thể. Điều này giúp loại bỏ sự khác biệt về kết quả là do sự khác biệt ban đầu ở các học sinh được nghiên cứu.


Vì những lý do kỹ thuật phức tạp, việc chọn nhóm ngẫu nhiên để đánh giá một chương trình học tập về kỹ năng-phẩm chất đòi hỏi phải chỉ định toàn bộ một trường nhất định triển khai chương trình hoặc không (những trường không triển khai đóng vai trò là kiểm soát không can thiệp). Ngoài ra, vì lý do thống kê, một số lượng lớn các trường phải tham gia vào việc đánh giá. Các đánh giá theo thiết kế thử nghiệm có giá trị về mặt khoa học thường cần sự tham gia của 30 đến 60 trường học trở lên. Một nghiên cứu lớn như vậy thường không khả thi đối với Vinschool tại thời điểm hiện tại và vì thiết kế thử nghiệm yêu cầu chọn ngẫu nhiên toàn bộ các trường, phương pháp này không thể được thực hiện bởi một trường riêng lẻ.


Thiết kế bán thử nghiệm (Quasi-experimental Design)

Thiết kế bán thử nghiệm là một cách để cố gắng đánh giá tác động của chương trình khi không thể thực hiện việc chọn nhóm ngẫu nhiên. Thay vì một nhóm đối chứng được chọn ngẫu nhiên, một thiết kế bán thử nghiệm bao gồm một nhóm so sánh. Các nhóm so sánh được tạo thành từ những học sinh không được học chương trình. Chìa khóa để tạo ra một nhóm so sánh tốt là cố gắng chọn các học sinh có mối liên hệ càng chặt chẽ càng tốt với những học sinh đang được học các bài học CLISE. Hai nhóm càng giống nhau thì dữ liệu nhóm so sánh càng có giá trị. Cách phổ biến nhất để so sánh các học sinh trong nhóm so sánh (hoặc lớp học hoặc trường học) với những học sinh đang học CLISE là sử dụng nhân khẩu học, chẳng hạn như tuổi tác, chủng tộc hoặc dân tộc, giới tính, v.v.


Hạn chế của phương pháp bán thử nghiệm là cuối cùng thầy/cô đảm bảo được mức độ chắc chắn thấp hơn rằng các học sinh trong hai nhóm đang được so sánh với nhau là giống nhau ngay từ đầu, so với việc chọn nhóm ngẫu nhiên; và sự khác biệt giữa hai nhóm không liên quan đến chương trình CLISE có thể là một phần nguyên nhân của sự khác biệt mà thầy/cô nhận thấy trong kết quả đánh giá. Tuy nhiên, cách tiếp cận này là một cách hợp lý để tăng độ nghiêm ngặt của một đánh giá.


Thiết kế không thử nghiệm (Non-experimental Design)

Một thiết kế không thử nghiệm có nghĩa là thu thập dữ liệu về học sinh được học CLISE, không có bất kỳ sự kiểm soát hoặc so sánh nào với các đối tượng học sinh. Cách tiếp cận này thường khả thi nhất đối với nhiều trường. Chỉ cần lưu ý rằng nó không thể cho thầy/cô biết liệu bất kỳ kết quả nào được phát hiện có thực sự được tạo nên bởi chương trình hay không. Có thể chương trình đang gây ra những thay đổi mà thầy/cô nhận thấy hoặc có thể là các trường sử dụng chương trình cũng đang làm những việc khác có lợi cho học sinh và tạo ra những thay đổi mà thầy/cô đang nhận thấy.


Lợi thế rõ ràng của việc không bao gồm nhóm kiểm soát hoặc nhóm so sánh trong đánh giá của thầy/cô là nó đơn giản hơn và không tốn kém.


Cách tiếp cận chính được sử dụng trong đánh giá CLISE không thử nghiệm là thu thập dữ liệu trước và sau khi chương trình được thực hiện. Thông tin này thường được gọi là dữ liệu trước và sau đánh giá. Việc thu thập thông tin này thường liên quan đến việc đo lường kết quả cho học sinh và/hoặc cán bộ nhân viên vào học kỳ 1 và một lần nữa vào học kỳ 2.


Mặc dù rất khó để biết mức độ thay đổi (tích cực hoặc tiêu cực) từ học kỳ đầu tiên đến học kỳ thứ hai do chương trình CLISE  mang lại, nhưng có nhiều cách để làm cho phương pháp đánh giá này thuyết phục hơn và hữu ích hơn. Hành vi của học sinh thường thay đổi từ đầu đến cuối năm học, bất kể thầy/cô đang sử dụng chương trình nào. Học sinh thường bắt đầu năm học với hành vi tốt nhất của mình, nhưng đến cuối năm, hành vi của học sinh có thể sẽ có nhiều vấn đề hơn - ngay cả khi thầy/cô đang triển khai chương trình và nó đang hoạt động. Có thể học sinh gặp nhiều xung đột và vấn đề hơn vào cuối năm, nhưng nếu không có các bài học CLISE, sự gia tăng đó sẽ lớn hơn nhiều.


Tăng độ chính xác của đánh giá không thử nghiệm

Một cách để xác định những loại tác động nhằm tăng cường độ chính xác của đánh giá trước/sau triển khai là thu thập dữ liệu trong nhiều năm. Nó có thể đặc biệt hữu ích, khi số liệu cơ sở được thiết lập vào học kỳ 1, để thu thập dữ liệu vào mỗi học kỳ 2. Cán bộ nhân viên thường mất thời gian để làm quen với chương trình, do đó chất lượng triển khai có thể cải thiện theo thời gian, mang lại kết quả tốt hơn khi chương trình đã được thực hiện lâu hơn. Theo dõi dữ liệu trong nhiều năm cũng cho phép thầy/cô thấy tác động tích lũy của việc học sinh nhận được thời gian giảng dạy lớn hơn từ chương trình. CLISE không được thiết kế để  can thiệp vào kỹ năng của học sinh trong một năm. Nó được thiết kế cẩn thận để các bài học hàng năm được xây dựng dựa trên những bài học trước đó. Thu thập dữ liệu về kết quả trong nhiều năm cho phép thầy/cô nắm bắt được sự phát triển đó.


Cách cuối cùng để củng cố phương pháp đánh giá không thử nghiệm là kiểm tra việc triển khai. Ở một số trường, việc triển khai sẽ khác nhau - một số học sinh sẽ được học nhiều bài học hơn những học sinh khác, một số giáo viên sẽ triển khai các bài học đầy đủ hơn những người khác và một số cán bộ nhân viên sẽ củng cố kỹ năng nhiều hơn những người khác. Nếu thầy/cô đang thu thập dữ liệu từ giáo viên và cán bộ nhân viên về việc triển khai, thầy/cô có thể so sánh kết quả của những học sinh có thời lượng tương tác với các cấu phần của chương trình khác nhau. Nếu những học sinh có thời gian bài học lớn hơn hoặc được củng cố các kỹ năng nhiều hơn cho thấy kết quả cuối cùng tốt hơn, điều đó có thể giúp thầy/cô biết rằng nhà trường cần làm gì để tăng hiệu quả triển khai cho nhiều học sinh hơn.


Sử dụng dữ liệu trường học
Cách sử dụng dữ liệu trường học trong quá trình đánh giá


Sử dụng dữ liệu trường học để đánh giá

Trường học thu thập dữ liệu như một phần của hoạt động hàng ngày và dữ liệu trường học được sử dụng phổ biến nhất có lẽ là dữ liệu về hình thức kỷ luật. Nhiều trường xem xét các trường hợp kỷ luật theo thời gian như một cách để xem liệu việc triển khai chương trình CLISE có dẫn đến ít hành vi có vấn đề hơn ở học sinh hay không. Một trong những ưu điểm của phương pháp này là các trường thường có thể so sánh số lượng các trường hợp kỷ luật của năm trước khi thực hiện chương trình CLISE với số lượng các trường hợp kỷ luật khi chương trình đã được áp dụng lâu dài.


Mặc dù có thể xem xét các loại dữ liệu trường học khác cho mục đích đánh giá, các trường hợp kỷ luật là nguồn thông tin phổ biến nhất và an toàn nhất về kết quả của chương trình CLISE. Những thông tin khác như như điểm chuyên cần, điểm văn minh, điểm số và điểm kiểm tra cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chương trình, nhưng ảnh hưởng của nó đối với những kết quả này ít trực tiếp hơn và có thể khó nhận thấy hơn.

.



Sử dụng kết quả đánh giá
Cách sử dụng cả kết quả tích cực và kết quả hạn chế để tinh chỉnh việc triển khai chương trình


Kết quả tích cực

Xin chúc mừng! Đánh giá đã cho thấy rằng việc triển khai chương trình CLISE của nhà trường đã cải thiện kết quả cho học sinh. Đây là thời điểm để đảm bảo rằng trường học hoặc hệ thống tiếp tục giảng dạy chương trình và hỗ trợ những gì học sinh đang học trong các bài học CLISE trong suốt ngày học và trong môi trường học. Hãy nhớ rằng sự hỗ trợ liên tục cho chương trình của đội ngũ lãnh đạo đã được chứng minh là yếu tố số một thúc đẩy việc tiếp tục triển khai thành công theo thời gian. Chia sẻ tin vui với nhân viên nhà trường, nhân viên hệ thống, phụ huynh và cộng đồng để nỗ lực của thầy/cô tiếp tục được duy trì và hỗ trợ.


Kết quả hạn chế
Không có đánh giá triển khai

Nếu đánh giá cho thấy học sinh không được hưởng lợi đầy đủ từ chương trình CLISE, yếu tố đầu tiên để phát hiện lý do nằm ở việc triển khai. Như đã đề cập trong phần Đánh giá việc triển khai, chương trình được triển khai như thế nào là rất quan trọng và đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Nếu thầy/cô chưa xem xét việc triển khai CLISE như một phần trong quá trình đánh giá của mình, việc bắt đầu đánh giá quá trình triển khai chương trình có thể cung cấp cho thầy/cô các ý tưởng về cách cải thiện tác động đối với học sinh.


Có đánh giá triển khai


Nếu đánh giá của thầy/cô đã bao gồm cả việc triển khai chương trình, thì kết quả hạn chế cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét kỹ cách chương trình đang được thực hiện để xem có chỗ nào để cải thiện có thể làm tăng hiệu quả của chương trình.


Hãy nhớ rằng việc triển khai CLISE chất lượng cao không chỉ là việc giảng dạy các bài học. Cũng giống như các lĩnh vực học thuật khác, các kỹ năng CLISE phải được củng cố và thực hành để có thể thành thạo. Thầy/cô hãy tìm cách để đảm bảo cán bộ nhân viên có thể cùng hỗ trợ học sinh sử dụng các kỹ năng CLISE trong suốt ngày học và môi trường học, đồng thời tìm cách củng cố việc sử dụng kỹ năng của học sinh.


Nếu có vẻ như việc triển khai CLISE trong phạm vi trường học của thầy/cô đã được thực hiện tốt, có thể sẽ rất khó để biết hướng đi tiếp theo nếu thầy/cô không tìm thấy kết quả đủ tích cực từ đánh giá của mình. Hãy nhớ rằng một đánh giá thực sự nghiêm ngặt đòi hỏi sự chọn nhóm ngẫu nhiên của một số lượng lớn các trường và các đánh giá bán thử nghiệm hoặc không thử nghiệm có thể khó tách các tác động CLISE khỏi các yếu tố khác trong nhà trường. Cũng cần nhớ rằng các kết quả tích cực của chương trình có thể bị bỏ sót trong quá trình đánh giá trước/sau một năm học, bởi vì các hành vi thường xấu đi từ học kỳ 1 đến học kỳ 2. Việc không phát hiện ra các thay đổi của học sinh có thể do những thay đổi trong hành vi của học sinh trong suốt năm học, mặc dù có những hiệu ứng tích cực của chương trình.


Nếu đánh giá một năm của thầy/cô tạo ra kết quả đáng thất vọng, hãy nhớ rằng chương trình được thiết kế để có tác động tích lũy trong nhiều năm và việc dạy nó, giống như bất kỳ điều gì khác, cần có thời gian để thành thạo. Đánh giá một năm không nhất thiết phải nắm bắt tốt các hiệu quả của chương trình, và có thể dữ liệu được thu thập trong hơn một năm sẽ kể một câu chuyện khác và tích cực hơn.


Các phương pháp đo lường kết quả
Các công cụ đánh giá đã được nghiên cứu xác thực

Điều quan trọng là chọn các công cụ được phát triển và thử nghiệm cẩn thận để đánh giá kết quả chương trình CLISE. Cách tiếp cận cơ bản để xem dữ liệu từ các cuộc khảo sát là so sánh mức trung bình giữa các cuộc khảo sát được thực hiện tại các thời điểm khác nhau. Sau đây là các biện pháp khảo sát mà chúng tôi khuyên thầy/cô nên sử dụng.

Panorama

Nền tảng đo lường kỹ năng cảm xúc-xã hội của Panorama Education phù hợp với chương trình CLISE. Khảo sát về nhận thức của giáo viên đối với kỹ năng SEL của học sinh của Panorama có thể được sử dụng cho Lớp 1 đến Lớp 8 và các bản tự báo cáo nhận thức của học sinh về SEL có sẵn cho các Lớp 3 đến 8. Panorama giúp các nhà giáo dục thu thập, phân tích và hành động dựa trên dữ liệu về kỹ năng tình cảm-xã hội, môi trường học, và hơn thế nữa. Bằng cách sử dụng báo cáo có thể tùy chỉnh của Panorama, các nhà giáo dục có thể phân tích dữ liệu của mình theo các nhóm con - chẳng hạn như chủng tộc hoặc dân tộc, giới tính, và thầy/cô có thể khám phá dữ liệu ở cấp độ cá nhân, lớp, cấp lớp, trường học và hệ thống.


Bảng câu hỏi Điểm mạnh và Khó khăn (SDQ)

Bảng câu hỏi Điểm mạnh và Khó khăn là một bảng câu hỏi sàng lọc hành vi ngắn gọn để sử dụng cho trẻ từ 3 đến 16 tuổi. Nó hỏi về 25 thuộc tính, một số tích cực và một số tiêu cực, trên năm thang điểm khác nhau: các triệu chứng cảm xúc, các vấn đề về hành vi, hiếu động thái quá/không chú ý, các vấn đề về mối quan hệ bạn bè và hành vi xã hội.


Đánh giá điểm mạnh của học sinh Devereux - Phiên bản Second Step (DESSA-SSE)

Devereux Student Strength Assessment - Second Step Edition là thang điểm đánh giá hành vi chuẩn mực, được tiêu chuẩn hóa gồm 36 mục cho học sinh từ Mẫu giáo đến Lớp 5. Nó được thiết kế để đánh giá các kỹ năng của học sinh liên quan đến năng lực cảm xúc-xã hội, khả năng phục hồi và thành công trong học tập. Nó đo lường bốn năng lực xã hội-tình cảm chính được dạy trong các bài học CLISE: kỹ năng học tập, sự đồng cảm, quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề.

DESSA hoàn toàn dựa trên điểm mạnh của học sinh. Nó chỉ tập trung vào những hành vi tích cực (chẳng hạn như hòa đồng với người khác) hơn là những hành vi không tốt (chẳng hạn như làm phiền người khác). Nó có thể được hoàn thành bởi phụ huynh, giáo viên hoặc nhân viên tại các trường học.


DESSA có thể:

  • Cung cấp cho các trường một thước đo dựa trên điểm mạnh về năng lực tình cảm-xã hội cho học sinh Mẫu giáo đến Lớp 5
  • Được sử dụng như một phần của quy trình đánh giá nhu cầu CLISE
  • Cho phép trường học đánh giá tác động của CLISE ở cấp độ cá nhân, lớp học và trường học


Apperson, một nhà cung cấp đáng tin cậy về các biện pháp đánh giá hiệu suất từ ​​năm 1955, cung cấp phiên bản trực tuyến của DESSA-SSE. Giờ đây, các nhà giáo dục có thể chấm điểm và theo dõi những thay đổi trong năng lực xã hội-tình cảm một cách nhanh chóng và dễ dàng. Kết quả có thể được truy cập theo yêu cầu từ bất cứ đâu.


Tài nguyên DESSA:

Hướng dẫn sử dụng DESSA

Hướng dẫn sử dụng DESSA ngắn gọn

Hồ sơ lớp học DESSA (XLS)

Hồ sơ cá nhân học sinh dành cho giáo viên DESSA

Hồ sơ cá nhân học sinh dành cho cha mẹ của DESSA

File history

Click on a date/time to view the file as it appeared at that time.

Date/TimeThumbnailDimensionsUserComment
current14:26, 27 February 2023Thumbnail for version as of 14:26, 27 February 20231,800 × 390 (78 KB)Admin (talk | contribs)

Metadata