File:15dsf.png

From EXPART HR
Revision as of 03:47, 15 August 2021 by Admin (talk | contribs)
Jump to navigation Jump to search

Original file(1,875 × 400 pixels, file size: 120 KB, MIME type: image/png)

THẤU CẢM & KỸ NĂNG HỌC TẬP

Tầm quan trọng của chương học

Thấu cảm là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển các hành vi theo chuẩn mực xã hội cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề giữa các cá nhân. Thấu cảm là chìa khóa cần thiết cho năng lực cảm xúc - xã hội, góp phần vào thành công trong học tập. Khả năng xác định, hiểu và phản hồi ân cần với cảm xúc của một người nào đó sẽ xây dựng nền tảng cho các hành vi hữu ích và có trách nhiệm với xã hội, giúp phát triển tình bạn, xây dựng kỹ năng hợp tác, đối phó và giải quyết xung đột - tất cả đều là những yếu tố giúp học sinh thành công ở trường.

Học sinh có mức độ thấu cảm cao hơn đi kèm với các kỹ năng và hành vi tương ứng có xu hướng:

  • Thành công trong học tập
  • Được bạn bè quý mến
  • Có kỹ năng xã hội tốt
  • Hòa nhã hơn
  • Hỗ trợ về mặt tinh thần cho người khác

Học sinh có mức độ thấu cảm thấp hơn đi kèm với các kỹ năng và hành vi tương ứng có nguy cơ:

  • Có thành tích học tập kém hơn
  • Bị bạn bè xa lánh
  • Gặp phải các vấn đề về kỷ luật lớp học

Tổng quan các bài học

Bài 1: Thấu cảm và tôn trọng

Học sinh được giới thiệu về chương trình CLISE và cách chương trình này giúp các con thành công ở trường. Học sinh cũng tìm hiểu cách tôn trọng và thấu cảm giúp các con hòa hợp với mọi người.

Bài 2: Lắng nghe chăm chú

Học sinh học và thực hành kĩ năng lắng nghe chăm chú. Học sinh tìm hiểu xem kỹ năng này giúp các con học tập, phối hợp công việc và kết bạn ra sao.

Bài 3: Quyết đoán

Học sinh học và thực hành xác định các phản ứng bị động, nóng nảy và quyết đoán. Sau đó, các con tìm hiểu xem phản ứng quyết đoán giúp ích như thế nào trong nhiều tình huống xã hội và học tập.

Bài 4: Dự đoán cảm xúc

Học sinh học và thực hành dự đoán cảm xúc của người khác từ hành động của họ hoặc của ai đó.

Bài 5: Tiếp nhận quan điểm của người khác

Học sinh học và thực hành nhận diện, tiếp nhận quan điểm của người khác.

Bài 6: Chấp nhận sự khác biệt

Học sinh hiểu rằng việc chấp nhận sự khác biệt và tìm ra điểm tương đồng có thể kiến tạo sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn. Các con cũng tìm hiểu nghĩa của từ “định kiến”.

Bài 7: Phản đối một cách tôn trọng

Học sinh học cách phản đối sao cho vẫn thể hiện thái độ tôn trọng, biết áp dụng kỹ năng quyết đoán để truyền đạt quan điểm của bản thân và kỹ năng lắng nghe để hiểu quan điểm của người khác.

Bài 8: Ứng xử bằng lòng trắc ẩn

Học sinh tìm hiểu xem sự thấu cảm giúp các con thể hiện lòng trắc ẩn như thế nào. Tiếp đó, các con học và thực hành biểu đạt sự quan tâm và lòng trắc ẩn với người khác.


Vận dụng kỹ năng hàng ngày

Để có được hiệu quả lâu dài, các kỹ năng được giới thiệu trong chương trình cần được áp dụng vào hoạt động thường ngày. Việc lặp đi lặp lại các kỹ năng này giúp học sinh có thể vận dụng chúng một cách tự động khi cần thiết. Để đưa những kỹ năng đã học trong môn CLISE vào cuộc sống, cần áp dụng quy trình 3 bước: 1) Dự đoán tình huống. 2) Củng cố kỹ năng. 3) Suy ngẫm.

Dự đoán tình huống

Vào đầu ngày hoặc trước các hoạt động có nhiều sự tương tác của học sinh, chẳng hạn như giờ giải lao, làm việc nhóm hoặc giờ Thể dục, thầy/cô hãy yêu cầu học sinh DỰ ĐOÁN cách thức và thời điểm các con có thể áp dụng kiến thức đã học từ chương Kỹ năng học tập và thấu cảm.

Vào đầu ngày, hãy nói: Các con hãy nghĩ về những thời điểm trong ngày hôm nay khi các con có thể bất đồng ý kiến với một bạn khác. Các con có thể áp dụng những kỹ năng nào để phản đối bạn một cách tôn trọng?

Trước một hoạt động có nhiều sự tương tác của học sinh, thầy/cô hãy nói: Hôm nay, chúng ta sẽ làm việc theo nhóm trong một dự án nghiên cứu xã hội. Các con có thể áp dụng những kỹ năng nào để hiểu quan điểm của các thành viên khác trong nhóm?

Củng cố kỹ năng

Trong ngày, thầy/cô hãy để ý xem khi nào học sinh áp dụng kiến thức từ chương Kỹ năng học tập và thấu cảm, đồng thời CỦNG CỐ hành vi tích cực của các con bằng những phản hồi cụ thể: Thầy/cô thấy rằng tất cả các bạn trong nhóm này rất chăm chú lắng nghe khi các thành viên khác trong nhóm đưa ra gợi ý. Đó là cách rất hiệu quả để tiếp nhận quan điểm của người khác và cũng thể hiện sự trân trọng.

Làm mẫu cho học sinh cách thầy/cô vận dụng các khái niệm về sự thấu cảm cũng như các kỹ năng học tập: Bạn Linh vừa giơ tay để đặt câu hỏi. Thầy/cô sẽ chú ý lắng nghe xem bạn ấy nói gì.

Nhắc nhở học sinh cần có sự thấu cảm và tôn trọng người khác. Ví dụ, nếu thầy/cô nhận thấy hai học sinh đang bất đồng quan điểm, hãy giúp các con nhìn nhận về người kia. Thầy/cô có thể nói: Con nghĩ bạn Thắng cảm thấy thế nào? Vì sao con biết?

Suy ngẫm

Yêu cầu học sinh SUY NGẪM về những kỹ năng bài học các con đã áp dụng, đồng thời đánh giá xem việc áp dụng đó đã giúp các con hòa đồng hơn với mọi người như thế nào.

Vào cuối ngày, thầy/cô hãy nói: Đầu buổi học hôm nay, các con đã dự đoán những thời điểm mà mình có thể bất đồng ý kiến với một bạn nào đó. Vậy các con đã áp dụng những kỹ năng nào để phản đối bạn ấy một cách tôn trọng?

Sau một hoạt động mà học sinh dự đoán sẽ áp dụng các kỹ năng bài học, thầy/cô hãy nói: Trước khi làm việc với nhóm của mình trong dự án Khoa học xã hội này, các con đã dự đoán các kỹ năng mà mình có thể áp dụng để hiểu quan điểm của các thành viên khác trong nhóm. Vậy các con đã áp dụng những kỹ năng nào? Việc áp dụng đó đã giúp nhóm của các con hoàn thành dự án như thế nào?

Hoạt động tích hợp với các môn học khác

Agenda.png Ngôn ngữ
Dự đoán tình tiết
Yêu cầu học sinh dự đoán nội dung tiếp theo của cuốn tiểu thuyết mà các con đang đọc trên lớp hoặc đang tự đọc. Sau khi học sinh đọc xong một chương, thầy/cô hãy yêu cầu các con đưa ra dự đoán về những gì một trong các nhân vật sẽ làm hoặc điều gì có thể sẽ xảy ra trong chương tiếp theo. Cho học sinh viết dự đoán của mình dưới dạng một đoạn văn ngắn. Sau khi học sinh đọc chương tiếp theo, yêu cầu các con so sánh dự đoán của mình với những gì xảy ra trong cuốn tiểu thuyết. Dự đoán của các con giống hay khác với những gì đã xảy ra? Khích lệ các con xung phong chia sẻ kết quả của mình trước cả lớp.
Micro1.png Khoa học
Các góc nhìn khác nhau
Yêu cầu học sinh quan sát về một đối tượng cụ thể, chẳng hạn như một loài thực vật, một thiết bị khoa học hoặc một miếng hoa quả, từ những góc độ hoặc địa điểm khác nhau trong lớp học. Ví dụ, đặt một cây đậu nảy mầm trên bàn trước cửa lớp. Hãy yêu cầu học sinh vẽ và mô tả những gì các con nhìn thấy về cây đậu từ phía chỗ ngồi của các con. Sau đó, cho học sinh hoạt động theo nhóm nhỏ và quan sát cây đậu từ trên cao. Yêu cầu học sinh vẽ và mô tả những gì các con nhìn thấy từ góc độ này. Hai kết quả thu được giống và khác nhau ở điểm nào? Cây sẽ trông như thế nào nếu các con nhìn nó từ phía dưới lớp đất? Sau đó, cho học sinh so sánh các bức vẽ của mình để xem các bức vẽ giống và khác nhau ra sao.
Plane.png Khoa học xã hội
Các công dân trách nhiệm
Là công dân trong nhiều cộng đồng khác nhau (lớp học, trường học, tỉnh thành, quốc gia), chúng ta sở hữu cả quyền lẫn trách nhiệm. Những trách nhiệm đó cụ thể là gì? Thầy/cô hãy chọn một cộng đồng mà tất cả học sinh đều là thành viên. Yêu cầu học sinh làm việc theo cặp và liệt kê ra danh sách những trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng đã chọn. Sau đó, yêu cầu học sinh trả lời một số câu hỏi như sau: Sự thấu cảm và tôn trọng người khác giúp các con trở thành công dân tốt hơn trong cộng đồng như thế nào? Tại sao việc lắng nghe những người khác trong cộng đồng của mình lại quan trọng? Việc thể hiện lòng trắc ẩn của mình đối với người khác có thể giúp ích cho cộng đồng của các con ra sao? Tại sao việc hiểu được quan điểm của các thành viên khác trong cộng đồng lại có ý nghĩa quan trọng?
Easel1.png Mỹ thuật
Nghệ thuật từ những góc nhìn khác nhau
Thầy/cô cho học sinh làm việc theo nhóm nhỏ. Yêu cầu mỗi nhóm chọn một tình huống hoặc hoạt động điển hình trong cuộc sống hàng ngày của các con, chẳng hạn như chuẩn bị đi học, vui chơi vào giờ giải lao, đi học về, chơi ở nhà bạn hoặc chăm em. Thầy/cô có thể gợi ý một số tình huống cho học sinh hoặc để các con tự đưa ra tình huống hay hoạt động của riêng mình. Yêu cầu mỗi nhóm tạo một bức ảnh cắt dán về cảm xúc của các con trong tình huống đã chọn trên một tờ giấy khổ lớn. Học sinh có thể cắt hình ảnh từ báo hoặc tạp chí, cũng có thể tự vẽ hoặc viết. Khuyến khích các con sáng tạo. Nhắc các con rằng mỗi thành viên trong nhóm có thể có quan điểm và cảm nhận khác nhau về tình huống. Hãy đảm bảo rằng tất cả các quan điểm và cảm xúc đều được thể hiện trong sản phẩm của các con. Trưng bày các sản phẩm xung quanh lớp học để xem liệu học sinh có thể xác định các quan điểm khác nhau hay không.
Basketball.png Giáo dục thể chất
Điều chỉnh tư thế
Cho học sinh làm việc theo cặp và mỗi bạn lần lượt điều chỉnh bạn mình theo từng tư thế khác nhau. Trước khi bắt đầu hoạt động này, thầy/cô hãy nhấn mạnh với học sinh rằng các con phải thể hiện sự tôn trọng khi điều chỉnh tư thế của bạn mình. Một cái chạm nhẹ cũng đủ để bạn biết nên điều chỉnh cơ thể mình theo hướng nào. Nếu học sinh không thoải mái khi đụng chạm, các con có thể chỉ trỏ hoặc mô tả vị trí bạn mình nên thực hiện. Hoạt động này cũng có thể được áp dụng trong một số chủ đề khác, ví dụ như: lắng nghe, tôn trọng, tham gia và mời bạn tham gia


File history

Click on a date/time to view the file as it appeared at that time.

Date/TimeThumbnailDimensionsUserComment
current12:40, 5 December 2022Thumbnail for version as of 12:40, 5 December 20221,875 × 400 (120 KB)Admin (talk | contribs)

There are no pages that use this file.

Metadata